(ĐHVO). Những đứa trẻ bị bại não phải gánh chịu trên mình nhiều nỗi đau do căn bệnh gây nên, ảnh hưởng lớn đến quá trình học tập, phát triển ở trẻ. Do đó, trẻ bị bại não cần lắm sự quan tâm, giúp đỡ từ gia đình, xã hội để các em có cơ hội phát triển như bạn bè cùng trang lứa.
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Bại não (CP – Cerebral Palsy) là một thuật ngữ chung mô tả “một nhóm các rối loạn vĩnh viễn về phát triển vận động và tư thế, gây ra các giới hạn về hoạt động do những rối loạn không tiến triển xảy ra trong não bào thai hoặc não ở trẻ nhỏ đang phát triển. Các rối loạn vận động của bại não thường kèm theo những rối loạn về cảm giác, nhận cảm, nhận thức, giao tiếp và hành vi, với động kinh và với các vấn đề cơ xương thứ phát.” (Theo Rosenbaum và cộng sự, 2007).
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bại não ở trẻ, có thể chia thành giai đoạn trước, trong và sau khi sinh.
Trước khi sinh, mẹ mang thai 3 tháng đầu bị nhiễm cúm nặng, virut xâm nhập, sự không tương thích yếu tố Rh giữa máu mẹ và máu thai,…hoặc cũng có thể do di truyền.
Trong khi sinh, trẻ bị ngạt trong quá trình chuyển dạ và sinh hoặc bị sinh non, ngoài ra còn do các sang chấn sảng khoa như đẻ khó phải sử dụng các biện pháp hỗ trợ khi sinh,…
Sau sinh, trẻ có thể bị xuất huyết não, vàng da, hạ đường huyết, thiếu oxy não như ngạt nước, ngộ độc thuốc, sốt cao, co giật,…cũng là những nguyên nhân gây ra bại não ở trẻ.
Có thể nhận biết trẻ bị bại não qua những dấu hiệu như trẻ sinh ra không khóc ngay hoặc tiếng khóc yếu, người tím tái, gặp khó khăn khi uống sữa mẹ và chậm phát triển hơn so với bạn bè. Trẻ bị bại não thường không biết cầm nắm 2 bàn tay hoặc chỉ sử dụng được một bàn tay, các hoạt động sinh hoạt thường ngày cũng gặp nhiều khó khăn hơn, liên tục thay đổi hành vi trong giao tiếp như khóc rồi đột ngột cười, hay sợ hãi, co giật,…
Trẻ bị bãi não sẽ học mọi thứ chậm hơn so với những đứa trẻ khác, khả năng nghe và nhìn của trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Một số trẻ bị nói chậm, nói không rõ hoặc phát âm một cách khó khăn. Ở trẻ bại não các phần não bị tổn thương sẽ không bao giờ hồi phục nhưng trẻ bại não có thể sử dụng các phần không bị tổn thương để tiếp thu và học tập. Do đó trẻ cũng cần nhiều hơn sự quan tâm, chăm sóc từ gia đình để trẻ có thể làm những gì mình muốn, được sống và phát triển.
Chương trình “Go Green 4 CP in Vietnam” được tổ chức hàng năm vì trẻ em bại não
Những đứa trẻ bại não phải chịu nhiều thiệt thòi và cũng phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều để có một cuộc sống “bình thường” như bao người khác. Nhằm tăng cường nhận biết về bại não và những người mắc chứng bại não trên toàn thế giới, ngày 6/10 hàng năm được chọn là Ngày Thế giới nâng cao nhận thức về chứng bại não (World Cerebral Palsy Day).
Ở nước ta, Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam là một cộng đồng lớn và uy tín của trẻ bại não với gần 3000 thành viên là cha mẹ có con bại não, hơn 2000 trẻ bại não, hơn 300 tình nguyện viên là các kỹ thuật viên phục hồi chức năng, giáo viên giáo dục đặc biệt và tình nguyện viên xã hội. Hàng năm, Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam phát động chương trình “Go Green 4 CP in Vietnam” giúp nâng cao nhận thức của xã hội về chứng bại não cũng như kết nối và gây quỹ cho những đứa trẻ bị thiệt thòi do căn bệnh bại não gây ra.
Năm nay cũng như thường lệ, vào ngày 6/10 sẽ diễn ra “Lễ Mitting hưởng ứng ngày thế giới nâng cao nhận thức về chứng bại não và phát động chiến dịch Màu xanh lá Go Green 4 CP” do Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam và Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam tổ chức. Chương trình mong nhận được sự quan tâm và hưởng ứng từ mọi người trong xã hội để thực hiện các hoạt động giúp đỡ trẻ em bại não, mang đến cho các em một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Lan Phương