Hoàng Yến – Trái tim tâm huyết với khuyết tật và phát triển

(ĐHVO). “Tôi tin rằng nếu có cơ hội phát triển thì không có giới hạn nào cho người khuyết tật nói chung và cho phụ nữ khuyết tật nói riêng. Họ có thể là lãnh đạo của các tổ chức hay công ty, họ có thể là giảng viên, diễn giả, nhà khoa học, người hoạt động nghệ thuật, là những người vợ, người mẹ tuyệt vời! “– HY

Là giảng viên Đại học Mở TP. Hồ chí Minh đồng thời vừa lấy bằng tiến sỹ chuyên ngành công tác xã hội tại Đại học Latrobe – Úc vào năm 2017. Chị Yến đã nhiều lần được vinh danh ở các giải thưởng lớn như Ramon Magsaysay Award (được xem là Nobel châu Á), giải tôn vinh “Những anh hùng của niềm hy vọng” – 2018, được tạp chí Forbes bầu chọn là một trong 50 người phụ nữ có tầm ảnh hưởng nhất ở Việt Nam năm 2019, Giải thưởng Kazuo Itoga Memorial của châu Á -Thái Bình Dương, 09/2009. Các giải thưởng là sự công nhận những đóng góp của chị cho sự thay đổi cuộc sống của người khuyết tật ở Việt Nam, đề xuất các chính sách về người khuyết tật lên chính phủ và vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ người khuyết tật. Chị Yến sinh ra và lớn lên ở một vùng nông thôn của tỉnh Đồng Nai, năm lên 3 tuổi, một cơn sốt bại liệt khiến chị nằm liệt một chỗ, 2 chân yếu dần và không còn cảm giác. Sau nhiều tháng điều trị, chân chị mới khỏe lại nhưng vẫn bị di chứng nên yếu, không đứng được, chị phải tập đứng lại từ đầu, rồi tập đi. Vì chân phải yếu hơn chân trái nên dáng đi cứ tập tễnh, khó nhọc và chỉ đi được quãng ngắn, không thể đi xa và nhanh như người không khuyết tật. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình học tập, bị bạn bè trêu ghẹo gọi là “Quách Què”, lớp học trên lầu phải leo vất vả, nhiều tiện ích học tập khó tiếp cận, nhưng đối với chị, việc học tập không quá khác so với các bạn không khuyết tật, hơn nữa, chị luôn nằm trong danh sách học sinh giỏi nhất lớp và nhất trường.

Vo-Thi-Hoang-Yen

Chị Võ Thị Hoành Yến – Ảnh nguồn Internet

Bản thân là một phụ nữ khuyết tật, chị hiểu rõ các thách thức một người phụ nữ khuyết tật gặp phải khi sinh ra và lớn lên ở một nước nghèo như Việt Nam. Họ không những phải đối mặt với sự kỳ thị trong xã hội đối với người khuyết tật, mà còn gặp nhiều rào cản riêng đối với phụ nữ. “Sinh ra là người khuyết tật đã bị thiệt thòi. Người khuyết tật sống ở nước nghèo bị thiệt thòi gấp đôi. Người khuyết tật ở nước nghèo là phụ nữ sẽ bị thiệt thòi gấp ba. Theo tôi nhận thấy, thường trong một gia đình nghèo có con bị khuyết tật, đứa con không bị khuyết tật sẽ được ưu tiên đi học. Nếu người khuyết tật lại là nữ thì cơ hội đi học còn hiếm hơn nữa. Còn nếu người khuyết tật nữ ở các vùng sâu, vùng xa thì phần thiệt thòi sẽ nhân lên gấp bốn. Người khuyết tật nữ còn bị phân biệt đối xử nhiều hơn nữa. Trong cái nhìn của người bình thường, người khuyết tật nữ không thể sinh con được, không thể lập gia đình được, sinh con ra có thể bị khuyết tật nữa. Hoặc là nữ khuyết tật thì sao có thể “tam tòng tứ đức” được, họ sao có thể chăm sóc gia đình, nuôi dưỡng con cái. Nhưng người đời không nghĩ rằng nếu người nam lấy một người nữ khuyết tật, anh ta vẫn có thể chia sẻ công việc và đỡ đần cho vợ mình, chuyện này đâu phải là đòi hỏi quá lớn cho người nữ khuyết tật. Nhìn vào tỉ lệ hiện nay, người nam bị khuyết tật dễ lập gia đình hơn người nữ bị khuyết tật bởi quan niệm trên . Khi tôi ra nước ngoài, tôi thấy chuyện người nam cưới người nữ bị khuyết tật là chuyện bình thường. Tôi đi dự hội thảo thấy người chồng đi theo hỗ trợ vợ bị khuyết tật là chuyện bình thường, bởi họ không có sự phân biệt kia.” Điều làm chị sốc nhất sau khi tốt nghiệp Đại học kinh tế thành phố Hồ chí Minh là bị phân biệt đối xử khi tham gia tuyển dụng vào vị trí kế toán ở một công ty liên doanh. “Có lẽ đây là cú sốc nặng nhất trong cuộc đời tôi. Lần đầu tiên tôi thấy mình bị phân biệt đối xử thật sự ! Người ta phân biệt không phải vì năng lực mà vì mình là người khuyết tật !. Lúc đó tôi tự hỏi: Mình hoàn toàn có khả năng, có thể làm việc tốt nhưng người ta không chấp nhận chỉ vì mình khuyết tật thôi sao? Vậy thì mình có thể làm gì đây? Chẳng lẽ cứ suốt đời sống nhờ vào gia đình? Phải sống và phải làm để chứng minh rằng, người khuyết tật vẫn có thể làm việc và làm được nhiều việc cho đời!.” Bằng sự quyết tâm này, giờ đây chị Yến không những chứng minh được rằng chị có thể làm được nhiều việc cho chính mình, mà còn giúp cho rất nhiều người khuyết tật khác thay đổi cuộc sống của họ.

co-giao-trang-khuyet

Chị Võ Thị Hoàng Yến (người ngồi xe lăn) và các bạn học viên trong Chương trình học bổng Năng lực lãnh đạo Australia tại Canbera – Ảnh nguồn Internet

Được sự hỗ trợ của Quỹ Ford, cùng với 3 người khuyết tật khác, chị Yến đã thành lập Trung tâm khuyết tật và Phát triển (DRD) vào năm 2005 với mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống, cũng như năng lực cho cộng đồng người khuyết tật; phấn đấu cho một xã hội hoà nhập, không rào cản, nơi mà người khuyết tật có đủ năng lực tham gia vào các hoạt động xã hội một cách công bằng và bình đẳng. Đồng thời, mục tiêu chính yếu thứ hai là thay đổi nhận thức của xã hội đối với người khuyết tật, biết cách hỗ trợ người khuyết tật để họ hòa nhập và phát triển bản thân. Sau 14 năm hình thành và phát triển, ngày nay DRD đã “trở thành mái nhà ấm áp, nơi vun đắp các nỗ lực của cá nhân, cộng đồng NKT, các đối tác, bạn bè, người thân của họ” ở khu vực miền Nam Việt Nam. Đến nay, DRD đã nâng cao nhận thức, năng lực cho hơn 90% người khuyết tật tham gia vào chương trình, đã trao hàng trăm máy tính, xe lăn, xe lắc… và hàng nghìn lượt tham vấn đồng cảnh.

Chương trình học bổng “Người bạn đồng hành” của DRD đã hỗ trợ gần 400 sinh viên khuyết tật tại TPHCM. DRD cũng luôn chú trọng công tác phát triển tổ chức, 38 hội nhóm người khuyết tật đã được kết nối và trở thành mạng lưới với hơn 3500 thành viên. Chương trình học tập và việc làm đã giúp hàng nghìn người khuyết tật đạt được mong muốn học tập và có việc làm để có thể tự nuôi sống bản thân và đóng góp giá trị cho xã hội. Không chỉ dừng lại ở các thay đổi cấp địa phương, DRD đã đóng góp tiếng nói vận động mạnh mẽ trên diễn đàn quốc gia và quốc tế trên nhiều lĩnh vực như giáo dục, việc làm và tiếp cận.

Thành quả có được ngày hôm nay bởi chị Yến vẫn luôn tin rằng: “Tôi nghĩ, nói chung với tất cả phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ bị khuyết tật, điều quan trọng là mình nhìn ra khả năng và giá trị của mình. Đừng chấp nhận cái cách nhìn của người khác đối với mình. Nhiều người nghĩ người khuyết tật không đẹp vô giá trị, vô dụng…Khi xã hội áp đặt những điều đó lên mình, nếu mình chấp nhận nó thì tự mình làm giảm giá trị của bản thân và mình tự bỏ qua những cơ hội phát triển. Cho nên quan trọng là phải biết mình có khả năng gì, có những giá trị gì. Dĩ nhiên, biết là một chuyện, nhưng xã hội cần phải tạo cơ hội cho những người phụ nữ bị khuyết tật hơn nữa mới tốt.” Và trên hết, người đã truyền cảm hứng và tạo động lực cho chị là mẹ của chị, người đã hy sinh cả cuộc đời cho mấy chị em được học hành. “Má tôi là một phụ nữ thông minh, cương trực, chịu khó và rộng lượng, nhưng phải chịu nhiều thiệt thòi vì là con mồ côi (nên dù thông minh nhưng không được đi học) và có một ông chồng đào hoa nhưng gia trưởng (nên cũng phải chịu đựng cả 2 điều này). Tôi học được từ má tính cương trực và rộng lượng. Nhờ nó mà mỗi khi bị người ta hay dèm pha nói xấu tôi cũng chỉ tự nhủ: “Rồi thì có ngày người ta sẽ hiểu!”. Má gần như đã hy sinh cả cuộc đời mình cho mấy chị em tôi được học hành đến nơi đến chốn, nên mỗi khi mệt mỏi và muốn bỏ cuộc thì hình ảnh của má lại là sức mạnh để tôi tiếp tục. Mỗi khi đạt được thành tựu nào tôi đều nghĩ nó là món quà mà tôi muốn dành tặng cho má tôi.” Hy vọng rằng mong muốn không có sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ và người khuyết tật Việt Nam sẽ sớm trở thành hiện thực: “Tất cả sự phân biệt đối xử trên cơ sở bất đinh đẳng về giới hay sự khuyết tật phải được xóa bỏ để tất cả các em gái và các bạn nữ khuyết tật có được cơ hội học tập để phát triển bản thân và tham gia những hoạt động xã hội mà họ yêu thích. Tôi tin rằng nếu có cơ hội phát triển thì không có giới hạn nào cho người khuyết tật nói chung và cho phụ nữ khuyết tật nói riêng. Họ có thể là lãnh đạo của các tổ chức hay công ty, họ có thể là giảng viên, diễn giả, nhà khoa học, người hoạt động nghệ thuật, là những người vợ, người mẹ tuyệt vời!

BBT

Bài viết liên quan

80

CHÚNG TA SẼ HỒI SINH MẠNH MẼ

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – MỘT NHÀ BÁO CÁCH MẠNG LỖI LẠC SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN

bà lịch - PX

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp: Trợ giúp pháp lý thành công cho người nghèo, người khuyết tật

Song-vinh-quan-giu-doi-thuo

Cảm phục tấm gương nữ thương binh vinh dự được Thủ tướng tuyên dương

IMG_0144

Tấm gương thương binh tỷ phú ở Nông trường Mộc Châu

nam

Hà Nam: Phát huy vai trò “Tuổi cao – Gương sáng” của người cao tuổi trong gia đình và xã hội

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang