HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

  1. Đặt vấn đề:

Quá trình hội nhập quốc tế cùng với việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã tạo ra những tiền đề và thuận lợi quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội ở nước ta. Các quyền về tài sản của công dân ngày càng được pháp luật tôn trọng và bảo vệ, trong đó có quyền về thừa kế.

Để đáp ứng được nhu cầu về quyền để lại di sản thừa kế và quyền thừa kế của công dân, Nhà nước đã rất chú trọng và quan tâm xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực di sản thừa kế. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển chung của xã hội, sự phát triển ngày càng đa dạng của các mối quan hệ xã hội, tranh chấp về thừa kế nói chung và tranh chấp về thừa kế theo pháp luật nói riêng của Việt Nam có xu hướng ngày càng gia tăng về số lượng và phức tạp về nội dung. Nhiều vụ tranh chấp kéo dài không được giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự. Điều này khẳng định, việc áp dụng những quy định của pháp luật vẫn bộc lộ những hạn chế nhất định trên thực tế. Vậy nên, hệ thống pháp luật Việt Nam cần phải có những sửa đổi, bổ sung nhất định để hoàn thiện quy định về thừa kế, tránh những tranh chấp phức tạp.

  1. Quy định của pháp luật Việt Nam về thừa kế theo pháp luật

2.1. Các trường hợp thừa kế theo pháp luật

Điều 650 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định các trường hợp thừa kế theo pháp luật, áp dụng trong các trường hợp sau đây:

 Thứ nhất, áp dụng thừa kế theo pháp luật trong các trường hợp không có di chúc

Pháp luật ưu tiên, tôn trọng ý chí của người lập di chúc, tuy nhiên, đối với trường hợp người chết không để lại di chúc thì sẽ áp dụng thừa kế theo pháp luật. Không có di chúc là trường hợp mà người để lại di sản không lập di chúc hoặc có lập di chúc nhưng chính họ đã tiêu hủy hoặc tuyên bố hủy bỏ di chúc đã lập. Người chết có để lại di chúc nhưng kể từ thời điểm mở thừa kế, bản di chúc đã bị thất lạc hoặc bị hư hại đến mức không thể thực hiện được đầy đủ ý chí của người lập di chúc, không có cơ sở để nắm bắt được mong muốn của người để lại di sản và cũng không có bằng chứng nào chứng minh được ý nguyện đích thực của người lập di chúc về việc di chúc bị thất lạc, hư hại.

Thứ hai, áp dụng thừa kế theo pháp luật trong trường hợp có di chúc nhưng di chúc không hợp pháp

Di chúc không hợp pháp là di chúc không đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của Điều 630 Bộ Luật dân sự năm 2015:

– Người lập di chúc không còn minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc, bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép; Nội dung của di chúc vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội, hình thức di chúc trái quy định của pháp luật.

– Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi không được lập thành văn bản và không được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ không được người làm chứng lập thành văn bản, không được công chứng, chứng thực.

– Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực nhưng không có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 630 Bộ luật Dân sự;

 Di chúc miệng không được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt không đủ ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc không được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

Thứ ba, áp dụng thừa kế theo pháp luật trong trường hợp những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế

Nếu toàn bộ những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, các cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc đều không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế, thì toàn bộ di sản của người lập di chúc được dịch chuyển toàn bộ cho những người thừa kế theo pháp luật của người đó.

Nếu chỉ có một hoặc một số người thừa kế chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di sản liên quan đến họ mới được áp dụng thừa kế theo pháp luật. Đối với những người còn sống, cơ quan, tổ chức được nhận di sản thừa kế vẫn còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì phần di sản liên quan tới những người này vẫn được áp dụng thừa kế theo di chúc.

Thứ tư, áp dụng thừa kế theo pháp luật trong trường hợp những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản

Người thừa kế theo di chúc không có quyền hưởng di sản là những người được người để lại di sản chỉ định làm người thừa kế theo di chúc nhưng họ thực hiện những hành vi được quy định tại Điều 621 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì người có hành vi đó dù có được người để lại di sản chỉ định thì cũng không có quyền hưởng di sản thừa kế theo di chúc

Nếu toàn bộ những người thừa kế theo di chúc đều không có quyền hưởng di sản thì áp dụng thừa kế theo pháp luật đối với toàn bộ di sản mà người lập chúc đã để lại. Nếu chỉ có một hoặc một số người thừa kế theo di chúc không có quyền hưởng di sản thì chỉ áp dụng thừa kế theo pháp luật đối với phần di sản liên quan đến người đó.

Theo quy định tại Điều 620 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết; Việc từ chối di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản”.

Thứ năm, áp dụng thừa kế theo pháp luật đối với phần di sản không được định đoạt trong di chúc

Nếu di chúc chỉ định đoạt một phần di sản thì phần định đoạt theo di chúc sẽ được thực hiện theo di chúc nếu bản di chúc đó hợp pháp và phần còn lại sẽ được chuyển dịch cho những người thừa kế theo quy định của pháp luật. Mặc dù một người đã được hưởng di sản thừa kế theo di chúc thì vẫn có thể được hưởng phần di sản được chia theo luật, nếu họ là người được thừa kế theo di chúc và họ cũng đứng trong hàng thừa kế hưởng di sản theo pháp luật (trừ trường hợp người lập di chúc nói rõ là họ chỉ được hưởng phần di sản mà người lập di chúc phân định trong di chúc đó).

2.2. Hàng thừa kế

Hàng thừa kế là nhóm những người có cùng mức độ gần gũi với người chết và theo đó họ cùng được hưởng ngang nhau đối với di sản thừa kế mà người chết để lại. Theo quy định tại Điều 651 Bộ Luật dân sự 2015 quy định:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

  1. a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
  2. b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
  3. c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
  4. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
  5. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

2.3. Thừa kế thế vị

Theo quy định tại Điều 652 Bộ Luật dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống”

Trong trường hợp bố đẻ chết trước hoặc chết cùng thời điểm với ông nội thì khi ông nội chết, con sẽ thay thế vị trí của bố để hưởng thừa kế từ di sản mà ông nội để lại đối với phần di sản mà bố mình được hưởng nếu còn sống. Trong trường hợp bố đẻ chết trước hoặc chết cùng thời điểm với bà nội thì khi bà nội chết, con sẽ thay thế vị trí của bố để hưởng thừa kế từ di sản mà bà nội để lại đối với phần di sản mà bố mình được hưởng nếu còn sống.

Trong trường hợp mẹ đẻ chết trước hoặc chết cùng thời điểm với ông ngoại thì khi ông ngoại chết, con sẽ thay thế vị trí của mẹ để hưởng thừa kế từ di sản mà ông ngoại để lại đối với phần di sản mà mẹ mình được hưởng nếu còn sống. Trong trường hợp mẹ đẻ chết trước hoặc chết cùng thời điểm với bà ngoại thì khi bà ngoại chết, con sẽ thay thế vị trí của mẹ để hưởng thừa kế từ di sản mà bà ngoại để lại đối với phần di sản mà mẹ mình được hưởng nếu còn sống.

Chắt thế vị cha hoặc mẹ để hưởng di sản của cụ

 Trong trường hợp ông nội, bà nội chết trước người để lại di sản, bố cũng chết trước người để lại di sản nhưng chết sau ông nội, bà nội thì chắt được hưởng phần di sản mà bố mình được hưởng nếu còn sống vào thời điểm người để lại di sản chết.

Trong trường hợp ông ngoại, bà ngoại chết trước người để lại di sản, mẹ cũng chết trước người để lại di sản nhưng chết sau ông ngoại, bà ngoại thì chắt được hưởng phần di sản mà mẹ mình được hưởng nếu còn sống vào thời điểm người để lại di sản chết.

Trường hợp ông, bà chết trước người để lại di sản, bố, mẹ chết sau ông bà, nhưng chết cùng thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha, mẹ mình được hưởng nếu còn sống vào thời điểm mở thừa kế

  1. Bất cập trên thực tế và một số kiến nghị hoàn thiện quy định về thừa kế theo pháp luật

3.1. Bất cập trên thực tế

Hiện nay, án được Tòa giải quyết liên quan đến những tranh chấp về phân chia di sản thừa kế là một trong những loại án dân sự được thụ lý rất nhiều và có tính chất phức tạp. Mặc dù, Bộ luật Dân sự năm 2015 nói riêng và pháp luật về thừa kế nói chung đã có những thay đổi nhất định so với Bộ luật Dân sự trước đó, tuy nhiên trên thực tế trong quá trình giải quyết tranh chấp vẫn bộc lộ những hạn chế từ việc áp dụng các quy định của pháp luật.

Thứ nhất, về quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế

Theo quy định tại Điều 654 Bộ luật Dân sự năm 2015 về quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế “Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 652 và Điều 653 của Bộ luật này”. Điều này có nghĩa việc xác định con riêng với bố dượng, mẹ kế có được hưởng thừa kế của nhau hay không dựa trên quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng lẫn nhau. Nếu hai phía không có quan hệ chăm sóc nuôi dưỡng lẫn nhau thì không được thừa kế của nhau. Tuy nhiên quan hệ “chăm sóc, nuôi dưỡng như cha mẹ con” là một phạm trù rất trừu tượng, không thể xác định một cách cụ thể, rõ ràng. Quy định này rất chung chung nên dẫn đến bất cập trong thực tiễn áp dụng, tiêu chí để các nhà làm luật áp dụng hoàn toàn khác nhau do không có sự thống nhất về căn cứ đánh giá, thời gian nuôi dưỡng, mức độ nuôi dưỡng, chăm sóc như thế nào.

Thứ hai, về thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại

Theo quy định tại khoản 3, Điều 623, Bộ luật Dân sự năm 2015 “Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế”. Trong thực tiễn có thể phát sinh vấn đề là đến thời điểm hết thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại nhưng vẫn chưa đến thời hạn người để lại di sản phải thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng mà họ đã thiết lập trước đó (khi thời hạn mà người để lại di sản phải thực hiện nghĩa vụ lớn hơn 3 năm). Do đó, có thể thấy, pháp luật Việt Nam vẫn chưa dự liệu được trường hợp này khi quy định về thời hiệu áp dụng trên thực tế.

Ví dụ: Tháng 2/2017, ông A vay của ông B 600 triệu đồng. Trong hợp đồng vay tiền ghi rõ thời hạn trả nợ là tháng 2/2027 (10 năm). Đến tháng 2/2018, ông A chết. Như vậy, ông B có thời hạn 03 năm (đến tháng 2/2021) để làm đơn yêu cầu người thừa kế của ông A thực hiện nghĩa vụ tài sản của người chết để lại. Tuy nhiên, người thừa kế của ông A không thực hiện nghĩa vụ tài sản của ông A với lý do tháng 2/2027 mới đến thời hạn trả nợ của ông A (ghi trong hợp đồng vay tiền). Do đó, đối với trường hợp này, thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại mâu thuẫn với thời hạn trả nợ đã được ông A và ông B thỏa thuận trong hợp đồng vay tiền. Nếu ông A yêu cầu người thừa kế của ông B trả nợ trong thời hạn 3 năm thì chưa đến thời hạn trả nợ hợp đồng. Nếu ông B chờ đến thời hạn trả nợ của ông A (tháng 2/2027) mới yêu cầu thì hết thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết.

Thứ ba, về thừa kế thế vị

Theo Điều 677 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thừa kế thế vị: “Trường hợp con của người để lại di sản thừa kế chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thừa kế thì cháu được hưởng phần di sản thừa kế mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thừa kế thì chắt được hưởng phần di sản thừa kế mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.” Tuy nhiên, quy định này khi áp dụng trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn trong việc xác định thời điểm chết “cùng thời điểm” do chưa có quy định hướng dẫn cụ thể cho vẫn đề này trong nhiều trường hợp nhất định. Việc xác định thời điểm này là rất quan trọng để có thể xác định chính xác chủ thể khác có được thừa kế thế vị hay không.

Ngoài ra, nếu đọc điều luật, chúng ta có thể hiểu, khi cha hoặc mẹ của cháu hoặc chắt không được quyền hưởng di sản thừa kế của ông, bà hoặc cụ do có một trong các hành vi được nêu tại khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự năm 2015 (như bị kết án về hành vi ngược đãi nghiêm trọng người cha thì họ sẽ không được hưởng di sản thừa kế của người cha….) sẽ kéo theo cháu hoặc chắt cũng không thể được thay thế vị trí của cha mẹ để hưởng di sản thừa kế của ông, bà hoặc cụ. Như vậy, theo quy định của pháp luật thì cha mẹ của cháu hoặc chắt phải là người được quyền hưởng di sản thừa kế thì cháu hoặc chắt mới được hưởng thế vị thay cha, mẹ khi cha, mẹ chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản thừa kế. Điều này dẫn đến tình trạng “quýt làm cam chịu” và thực tế nó không còn phù hợp với xu thế phát triển của Việt Nam.

3.2. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 mặc dù có nhiều điểm mới, bổ sung, tháo gỡ những khó khăn bất cập trên thực tế nhưng vẫn tồn đọng một số vấn đề chưa được quy định rõ ràng, cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi và hoàn thiện để việc giải quyết các tranh chấp về thừa kế được thực hiện có hiệu quả, thuận lợi, dễ dàng trên thực tế.

Thứ nhất, hoàn thiện quy định về quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế

Tác giả kiến nghị nên bổ sung quy định tại Điều 654 Bộ luật Dân sự năm 2015 về quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế theo hướng quy định thêm khoản quy định rõ ràng căn cứ đánh giá, thời gian nuôi dưỡng, mức độ nuôi dưỡng, chăm sóc như thế nào để con riêng được hưởng thừa kế theo pháp luật của bố dượng, mẹ kế. Điều này đảm bảo thống nhất các quy định của pháp luật cũng như tránh gây những tranh cãi trong quá trình áp dụng luật trên thực tiễn.

Thứ hai, hoàn thiện quy định về thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản của người chết để lại

Tác giả kiến nghị bổ sung khoản 3 Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau: “Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Trong trường hợp thời hạn người để lại di sản phải thực hiện nghĩa vụ hơn 3 năm thì xác định thời hạn đó là 03 năm kể từ thời điểm mở thừa kế”. Quy định này đảm bảo được quyền lợi của người có quyền yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ.

Thứ ba, hoàn thiện quy định về thừa kế thế vị

Pháp luật Việt Nam cần có một văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về căn cứ xác định thời điểm chết của người để lại di sản thừa kế và người được hưởng di sản thừa kế. Đó có thể là thời điểm Cơ quan pháp y xác nhận nạn nhân chết, cũng có thể là thời điểm quyết định tuyên bố người đó chết có hiệu lực.

Ngoài ra, trường hợp cha hoặc mẹ của cháu hoặc chắt có một trong các hành vi vi phạm được nêu tại khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì cháu hoặc chắt không phải chịu trách nhiệm đối với hành vi do cha, mẹ của họ gây ra. Cháu hoặc chắt của người để lại di sản thừa kế không có nghĩa vụ gánh chịu những hành vi độc lập của cha mẹ gây ra trong quan hệ này.

  1. Kết luận

Quyền thừa kế là một trong những quyền cơ bản của công dân, đồng thời được cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật. Việc giải quyết tranh chấp về thừa kế là một trong những yếu tố pháp lý quan trọng, không chỉ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của những người được hưởng di sản thừa kế mà còn ảnh hưởng đến quyền của các cá nhân khác. Tuy nhiên, trên thực tế việc giải quyết tranh chấp vẫn còn gặp phải những khó khăn nhất định. Thông qua bài viết này, tác giả đã chỉ ra một số bất cập về thừa kế theo pháp luật và đưa ra một số những kiến nghị hoàn thiện quy định để việc giải quyết vụ việc thực tiễn được thực hiện một cách có hiệu quả.

Hồng Thái

Bài viết liên quan

Picture1

Cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật đối với người khuyết tật

Picture2

Mô hình hợp tác xã với sự tham gia và hỗ trợ người khuyết tật

Picture1

Vai trò và tầm quan trọng của thông tin số liệu về người khuyết tật

Picture1

Ngày hội Hội “Tỏa sáng nghị lực thanh niên Bắc Giang năm 2024”

Picture3

Cần tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật

Picture3

MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ NĂM 2023

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang