Hoàn thiện khung pháp lý để phát triển công tác xã hội tại Việt Nam

Công tác xã hội là một nghề có vai trò quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội. Tuy nhiên,việc phát triển nghề công tác xã hội còn gặp không ít khó khăn và thách thức, đòi hỏi cần phải triển khai nhiều giải pháp như: truyền thông nâng cao nhận thức của xã hội ; hoàn thiện khuôn khổ luật pháp để nghề công tác xã hội phát triển ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Ngành Công tác xã hội ra đời với sứ mạng hàn gắn những rạn nứt của xã hội trong quá trình phát triển, giảm thiểu sự bất bình đẳng xã hội và hướng tới sự phát triển bền vững, nhân văn và nhân ái; và cũng là ngành khoa học và là một nghề nghiệp chuyên môn, đòi hỏi người làm nghề công tác xã hội phải được đào tạo về kiến thức chuyên ngành và kỹ năng chuyên môn.
Mặc dù đây là một ngành nghề có lịch sử phát triển rất lâu đời ở các nước phát triển trên thế giới như Anh, Mỹ, Pháp…, nhưng ở Việt Nam, khái niệm về nghề công tác xã hội ở Việt Nam còn khá lạ lẫm với rất nhiều người, đặc biệt là các em học sinh mới tốt nghiệp trung học phổ thông.
Kể từ khi có Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 – 2020” ngày 25/3/2010 thì công tác xã hội mới được nhắc đến như một nghề quan trọng tại Việt Nam và có bước phát triển vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục và tư pháp.
Quang cảnh Hội thảo
Tuy nhiên, việc phát triển nghề công tác xã hội cũng còn gặp không ít khó khăn và thách thức, cần thiết phải thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp quan trọng như: truyền thông nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò vị trí, tầm quan trọng của nghề công tác xã hội; hoàn thiện khuôn khổ luật pháp về hành nghề công tác xã hội chuyên nghiệp…
Tại Hội thảo quốc tế “Hoàn thiện khung pháp lý phát triển công tác xã hội tại Việt Nam” vừa diễn ra vào ngày 23/3/2023 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH phối hợp tổ chức, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những nội dung nêu trên.
Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam ông Nguyễn Minh Triết cho biết, trong suốt quá trình hình thành và phát triển, công tác xã hội đã có những đóng góp quan trọng thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội ở các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là quan tâm hỗ trợ những những nhóm người yếu thế. Tại Việt Nam, công tác xã hội cũng đã đạt được nhiều kết quả. Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Đề án phát triển nghề Công tác xã hội giai đoạn 2010 – 2020” ngày 25/3/2010 là dấu mốc quan trọng đánh dấu điểm khởi đầu cho sự phát triển nghề công tác xã hội ở Việt Nam.
Tiếp nối Quyết định 32, ngày 22/1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 112/QĐ-TTg ban hành chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021 – 2030 với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh phát triển công tác xã hội tại các ngành, các cấp, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của đất nước theo từng giai đoạn; đảm bảo nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ công tác xã hội trên các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ công tác xã hội của người dân, hướng tới mục tiêu phát triển xã hội công bằng và hiệu quả.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sự phát triển như vũ bão của khoa học-công nghệ, nhiều vấn đề xã hội đang tiếp tục nảy sinh cần được quan tâm giải quyết, nhiều quy định pháp lý cần được quan tâm hoàn thiện.
Theo Th.s Cao Đăng Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự – Kinh tế, Bộ Tư pháp, trong lĩnh vực Tư pháp hiện nay chưa có văn bản pháp luật quy định trực tiếp, cụ thể về nghề công tác xã hội hay người làm công tác xã hội, tuy nhiên, đã có một số quy định mang tính cơ sở cho nghề công tác xã hội, người làm công tác xã hội. Các quy định này tồn tại dưới dạng các quy định về vai trò, chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ, giúp đỡ người có hành vi vi phạm pháp luật, người phạm tội, người bị hại, người bị kết án, người chấp hành hình phạt.
Tại các văn bản pháp luật như Luật Trẻ em, các luật liên quan như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự,… và các văn bản hướng dẫn thi hành các luật này đã có những quy định tại cơ sở cho việc hình thành các dịch vụ công tác xã hội trong lĩnh vực Tư pháp, trong đó có các quy định liên quan đến việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, bảo vệ người chưa thành niên cũng như sự tham gia của các cơ quan, tổ chức dân sự trong quá trình tố tụng hình sự đối với người chưa thành niên.
Với thực trạng pháp luật Việt Nam hiện nay quy định về việc hỗ trợ, trợ giúp các đối tượng yếu thế trong xã hội thì đã đến lúc cần nghiên cứu để xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật riêng về công tác xã hội (Nghị định hoặc Luật Công tác xã hội), trong đó có các quy định về công tác xã hội trong lĩnh vực Tư pháp, có thể tập trung vào một số vấn đề như: các dịch vụ công tác xã hội trong lĩnh vực Tư pháp; vai trò, vị trí, chức năng, trách nhiệm của nhân viên công tác xã hội trong việc cung cấp các dịch vụ công tác xã hội chuyên nghiệp trong hệ thống tư pháp; cơ chế tuyển dụng người làm công tác xã hội trong lĩnh vực Tư pháp; yêu cầu năng lực, trình độ chuyên môn cán bộ làm công tác xã hội trong lĩnh vực Tư pháp…
Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện nay, cả nước có khoảng 235 ngàn người tham gia cung cấp dịch vụ công tác xã hội, trong đó có khoảng 35 ngàn làm việc tại các cơ sở cung cấp dịch vụ, gần 100 ngàn người làm việc ở các hội, tổ chức đoàn thể, trên 100 ngàn người là cộng tác viên giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ trẻ em.
Như vậy, cứ khoảng 425 người dân có một nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp. Tuy tỷ lệ nhân viên công tác xã hội trên dân số là 1/425 người dân, nhưng trên 80% là bán chuyên nghiệp và cộng tác viên nên việc cung cấp dịch vụ công tác xã hội có tính chất chuyên môn chuyên sâu còn rất hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân.
Chính vì vậy, cần tăng cường lực lượng nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp trong tổng số người tham gia hoạt động công tác xã hội lên ít nhất 30% vào năm 2030 và 50% vào năm 2045 để đáp ứng nhu cầu chuyên nghiệp hóa nghề công tác xã hội ở Việt Nam./.
Theo Tạp chí điện tử Lao động và Xã hội

Bài viết liên quan

Picture3

Cần tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật

Picture2

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

Picture3

MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ NĂM 2023

Picture5

THỰC HIỆN QUYỀN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT TỰ KỶ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY – THỰC TẾ, KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC, KIẾN NGHỊ

Picture2

HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM

TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI KHÔNG LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA CÁ NHÂN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang