Trong thời gian qua khi tình hình lũ lụt, dịch bệnh, các bệnh hiểm nghèo… khiến cho nhiều cá nhân, gia đình gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, thực tế, khi xảy ra các vấn đề trên, đã có nhiều cá nhân đứng ra huy động hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng như vụ việc ca sĩ Thủy Tiên (huy động gần 200 tỷ đồng ủng hộ lũ lụt miền trung), MC. Phan Anh (huy động gần 30 tỷ đồng ủng hộ lũ lụt miền trung), Diễn viên Trịnh Kim Chi (huy động hơn 400 triệu ủng hộ diễn viên Thương Tín)… có rất nhiều ý kiến ủng hộ nhưng bên cạnh đó cũng có những ý kiến trái chiều về hình thức huy động, tính công khai, minh bạch hay công bằng trong sử dụng nguồn lực huy động này của xã hội, trong phạm vi cuộc trao đổi này, chúng tôi có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Trần Minh Sơn (Bộ Tư pháp) – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Thương mại quốc tế Thái Bình Dương (PIAC) để làm rõ các vấn đề pháp lý về vấn đề này, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh covid 19 phức tạp như hiện nay cần phải có sự chung tay của toàn xã hội và nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đang cần sự hỗ trợ của các mạnh thường quân.
Tiến sĩ Trần Minh Sơn
Phóng viên: Thưa Ông, cơ sở pháp lý hiện nay trong việc cá nhân thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo là như thế nào và định hướng hoàn thiện trong thời gian tới ra sao ah?
TS. Trần Minh Sơn: Như chúng ta đã biết, ngày 14/5/2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 64/2008/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 72/2008/TT-BTC ngày 31/7/2008 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 64/2008/NĐ-CP, qua đó, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã tiến hành vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện khi có thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra, góp phần hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên hiện nay, Nghị định số 64/2008/NĐ-CP quy định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện đã bộc lộ một số bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện cần sớm sửa đổi, bổ sung như sau:
Thứ nhất, Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ban hành căn cứ vào Luật tổ chức Chính phủ năm 2001, Luật mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 1999, Luật ngân sách nhà nước năm 2002. Tuy nhiên, đến nay các Luật nêu trên đều đã được thay thế bằng: Luật tổ chức Chính phủ năm 2015, Luật mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 và Luật ngân sách nhà nước năm 2015. Mặt khác, hiện nay có một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả do thiên tai đã được ban hành như Luật phòng, chống thiên tai năm 2013 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống thiên tai, Luật đê điều năm 2020, Nghị định số 160/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống thiên tai, Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp,… Vì vậy, cần phải sửa đổi Nghị định số 64/2008/NĐ-CP để đảm bảo sự phù hợp, tính thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật có liên quan thời điểm hiện nay.
Thứ hai, phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 64/2008/NĐ-CP chưa bao quát hết công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để khắc phục khó khăn cho người dân do tác động của dịch bệnh theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Thú y, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật; chưa điều chỉnh đối với cá nhân thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện trực tiếp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố. Đồng thời, chưa điều chỉnh đối với hoạt động của quỹ từ thiện, cơ sở y tế, cá nhân thực hiện vận động, tiếp nhận, hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Thứ ba, thời gian để tổ chức tiếp nhận tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện sau mỗi đợt thiên tai, sự cố theo quy định hiện nay là không quá 60 ngày được các địa phương nhận định là còn ngắn, đặc biệt là đối với công tác tiếp nhận tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân nước ngoài, đồng bào người Việt sinh sống tại nước ngoài. Đối với một số đợt thiên tai gây hậu quả nghiêm trọng, số lượng tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện lớn dẫn đến công tác tiếp nhận mất nhiều thời gian và công sức. Đồng thời, tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện được các tổ chức, cá nhân đóng góp cụ thể cho cá nhân, địa bàn, nội dung nào thì cần được tiếp nhận, phân phối và sử dụng đúng địa chỉ. Thời gian tiếp nhận không đủ có thể dẫn đến việc sử dụng không đúng mục đích tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện.
Thứ tư, hiện nay, các nội dung chi từ nguồn vận động, đóng góp tự nguyện chủ yếu tập trung vào việc cứu đói, cứu rét (lương thực, thực phẩm, chăn màn, quần áo, thuốc chữa bệnh…), cấp cứu người bị thương, hỗ trợ gia đình có người chết, người bị nạn; hỗ trợ xây dựng nhà bị đổ, bị trôi, bị hư hỏng nặng do ảnh hưởng của thiên tai, sự cố nhằm ổn định cuộc sống trước mắt đối với nạn nhân, thân nhân của nạn nhân. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng vùng thiên tai cũng bị thiệt hại, đặc biệt là thủy lợi nội đồng; giao thông thôn, xã; những công trình này chủ yếu được đầu tư từ nguồn huy động động nhân dân đóng góp nên khó khăn trong việc sửa chữa, khôi phục. Việc chưa có quy định về nội dung chi sửa chữa cơ sở hạ tầng vùng bị thiên tai là chưa phù hợp với quy định tại Luật phòng, chống thiên tai năm 2013.
Thứ năm, khi tổ chức thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện, một số địa phương còn gặp khó khăn trong việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị tại địa phương như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ các cấp, cơ quan: Lao động – Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính,…
Từ tình hình trên, hiện nay Bộ Tài chính đã chủ trì xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP nêu trên, theo dự kiến kế hoạch, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP trong một hai tháng tới.
Phóng viên: Thưa Ông, vậy trong dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP nêu trên, các cá nhân quan tâm rằng trong thời gian tới việc cá nhân đứng ra vận động các nguồn đóng góp tự nguyện có vướng gì không và pháp luật có cơ chế bảo vệ và khuyến khích họ thực hiện không?
TS. Trần Minh Sơn: vừa qua (ngày 04/5/2021), Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội đồng thẩm định để thẩm định dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP nêu trên, theo đó, dự thảo Nghị định được xây dựng trên cơ sở các nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 129/NQ-CP ngày 11/9/2020 của Chính phủ về phiên họp thường kỳ tháng 8/2020. Ngoài ra, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 8876/VPCP-QHĐP ngày 23/10/2020 của Văn phòng Chính phủ và để phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, cơ quan soạn thảo (là Bộ Tài chính) đã đề xuất bổ sung thêm 02 chính sách so với Nghị định số 64/2008/NĐ-CP gồm:
– Về cá nhân tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố trong nước:
Cá nhân khi vận động, tiếp nhận nguồn đóng góp tự nguyện để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố trong nước thì thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động,… Đồng thời, khi phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện, cá nhân có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân nơi tiếp nhận hỗ trợ để được hướng dẫn, phối hợp phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện cũng như đảm bảo an toàn, trật tự xã hội..
– Về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo:
Bổ sung thêm quy định cho phép các cơ sở y tế, quỹ từ thiện, cá nhân được vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động trợ giúp người mắc bệnh hiểm nghèo theo từng trường hợp cụ thể (quy định tại Nghị định số 64/2008/NĐ-CP là các cơ quan thông tin đại chúng được vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để trợ giúp người mắc bệnh hiểm nghèo).
Việc ban hành Nghị định mới sớm thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP là tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc cá nhân đứng ra vận động các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, phát huy tinh thần “lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh Covid 19 phức tạp như hiện nay, đồng thời khuyến khích, bảo vệ cho các cá nhân có uy tín, có trách nhiệm với cộng đồng để đứng ra vận động các nguồn tài trợ trong vài ngoải nước, cũng tránh cho việc có cá nhân xấu khác lợi dụng sự kiện thiên tai, dịch bệnh, hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo để tục lợi nếu có.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Trần Minh Sơn.
Văn Triển