Hoàn thiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng: Đậm nghĩa tình, tri ân sâu nặng

Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Đây là chính sách nhất quán, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Những năm qua, thành tựu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước ngày càng tạo điều kiện thuận lợi để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần đối với người có công. Việc tiếp tục hoàn thiện, bổ sung chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công đã và đang góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” của nhân dân ta.

Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan trò chuyện thân mật với các đại biểu tỉnh Kon Tum (tháng 4/2021)

Đất nước ta trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, biết bao thế hệ người Việt Nam với tinh thần yêu nước, thương nòi, với ý chí kiên cường, bất khuất và lòng thủy chung, nhân hậu đã đem máu xương, công sức, của cải của mình để gìn giữ độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc, xây đắp giang sơn tươi đẹp cho muôn đời con cháu mai sau. Kế thừa truyền thống quý báu đó của dân tộc, trong thời đại Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã viết nên trang sử vẻ vang trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm để giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước.
Hàng triệu người con ưu tú, mà phần lớn là thanh niên đã hiến dâng tuổi thanh xuân và cả cuộc sống của mình cho Tổ quốc. Nhiều người đã nằm lại trên khắp các chiến trường, hoặc khi trở về mang trên mình thương tật suốt đời. Thấu hiểu những hy sinh to lớn đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ…”.
Ngày 16-2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL ban hành chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ, đồng thời đồng ý với đề xuất chọn ngày 27-7 hằng năm là Ngày Thương binh toàn quốc, là dịp tôn vinh công ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và những người có công với cách mạng. Thực hiện tâm nguyện của Bác, 74 năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác thương binh – liệt sĩ và người có công với cách mạng. Theo đó, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng đã được xây dựng, ban hành tương đối toàn diện, đầy đủ và kịp thời, được ghi trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và được chế định thành các văn bản, như Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” cùng nhiều chính sách ưu đãi khác; đã thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thành cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân.
Với quan điểm, mục tiêu nhất quán của Đảng, Nhà nước là phải gắn kết, thống nhất kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020” là dấu mốc quan trọng tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Đảng trong thực hiện chính sách xã hội nhằm mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, tập trung vào 2 nhóm chính sách cơ bản, quan trọng trong hệ thống các chính sách xã hội là chính sách ưu đãi người có công và chính sách an sinh xã hội.
Ngày 5-11-2020, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 92-KL/TW “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020” đánh giá sâu sắc những thành quả đạt được trong thời gian qua, khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước và sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta đối với công tác chính sách xã hội, trong đó có chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng đặt ra yêu cầu hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách đối với người có công trên cơ sở nguồn lực của Nhà nước và xã hội, bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn cư trú.
Trên cơ sở tổng kết thực tiễn và cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng đối với công tác người có công, trong đó có triển khai những nội dung, nhiệm vụ cụ thể tại Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 19-7-2017, của Ban Bí thư “Về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng”, năm 2020, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) vào ngày 9-12-2020 tại Phiên họp lần thứ 51. Pháp lệnh gồm 7 chương và 58 điều đã sửa đổi cơ bản, toàn diện, bổ sung nhiều chính sách mới nhằm tiếp tục khẳng định nguyên tắc nhất quán của Đảng và Nhà nước: Chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần của người có công và thân nhân của người có công với cách mạng là trách nhiệm của Nhà nước và xã hội; chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng phải được xác định và điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước trong từng thời kỳ, bảo đảm mức sống của người có công với cách mạng bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
Có thể khẳng định, hệ thống các chính sách ưu đãi người có công ngày càng được hoàn thiện và được cả hệ thống chính trị tham gia triển khai đồng bộ, toàn diện; công tác chăm sóc người có công đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, tạo phong trào Đền ơn đáp nghĩa sâu rộng, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương. Hiện cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công, trong đó có trên 1,3 triệu người có công được hưởng trợ cấp hằng tháng. Mỗi năm giải quyết chế độ trợ cấp một lần cho 6 đến 8 nghìn trường hợp, đưa trên 580 nghìn lượt người có công đi điều dưỡng định kỳ và hỗ trợ giáo dục cho khoảng 40 nghìn lượt người. Mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công được điều chỉnh tăng phù hợp với lộ trình điều chỉnh tăng mức tiền lương cơ sở.
Đến nay, về cơ bản chúng ta đã hoàn thành hỗ trợ dứt điểm nhà ở cho 393.707 hộ người có công trên cả nước, vượt mục tiêu Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 1-6-2012, của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020” đề ra. Mạng lưới các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng, chỉnh hình, phục hồi chức năng được quy hoạch tổng thể, rộng khắp trong cả nước với 65 cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và bố trí nhân sự đủ để đáp ứng cơ bản yêu cầu chăm sóc, điều dưỡng người có công, nhất là thương binh nặng. Đã chú trọng đầu tư xây dựng, nâng cấp, tu bổ 3.200 nghĩa trang liệt sĩ và trên 3.000 công trình ghi công liệt sĩ trên khắp cả nước. Cả nước có 10.467/10.609 xã, phường làm tốt công tác thương binh liệt sĩ đạt 98,66% và 2.312.906/2.336.543 hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân nơi cư trú, đạt 98,99%.
Riêng năm 2021, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với 611 liệt sĩ, cấp đổi lại hơn 10.000 Bằng Tổ quốc ghi công. Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cả nước vận động được trên 100 tỷ đồng, hỗ trợ xây mới trên 500 nhà tình nghĩa, sửa chữa trên 495 nhà tình nghĩa với tổng kinh phí trên 30 tỷ đồng; tặng 1.010 sổ tiết kiệm với kinh phí trên 02 tỷ đồng; có 3.830 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời…
Trong năm qua, nước ta kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất và đời sống của nhân dân. Song cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, đơn vị và mỗi người dân bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, đã tích cực tham gia công tác người có công và phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng”. Các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công luôn phát huy truyền thống cách mạng, nỗ lực vượt khó, chung sức, đồng lòng cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân chiến thắng đại dịch, thể hiện phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong mọi hoàn cảnh và mãi là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo và học tập.
Mặc dù vậy, hiện vẫn còn những gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công gặp khó khăn trong cuộc sống; vẫn còn những liệt sĩ chưa tìm được hài cốt hay xác định danh tính, để lại sự khắc khoải khôn nguôi trong lòng những người mẹ, người vợ, người thân cũng như trong mỗi trái tim người con đất Việt. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần tổ chức thực hiện tốt hơn nữa các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, giúp đỡ thiết thực, toàn diện và có hiệu quả để thực hiện bằng được mục tiêu: “Các gia đình có công với nước đều có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư”.
Trong thời gian tới, cùng với việc tổ chức thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng sửa đổi, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, chính sách ưu đãi người có công, coi đây là một lĩnh vực trọng tâm, hàng đầu, trong đó chú trọng tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác thương binh, liệt sĩ; không ngừng chăm lo đời sống thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng, bởi đây vừa là đạo lý tốt đẹp, vừa là bổn phận, trách nhiệm và tình thương yêu đồng chí, đồng bào của mỗi người Việt Nam. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đầy đủ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công; cũng như những nội dung mới của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020.
Bên cạnh đó, ưu tiên nguồn lực giải quyết những nhu cầu cấp thiết đối với người có công, như phụng dưỡng các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, dạy nghề, tạo việc làm, thiết thực giúp đỡ các gia đình chính sách khó khăn phát triển sản xuất, kinh doanh bằng các hoạt động cụ thể. Đẩy mạnh phong trào xã hội hóa công tác chăm lo đời sống người có công, trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội kết hợp với nguồn lực của Nhà nước. Chú trọng thanh tra, xử lý nghiêm các vụ việc lợi dụng chính sách để trục lợi, cần bảo đảm khách quan và công bằng giữa các đối tượng, tạo dựng niềm tin của nhân dân đối với chính sách ưu đãi người có công./.

Theo Tạp chí điện tử Lao động và Xã hội

Bài viết liên quan

Picture9

Lễ ra mắt Công ty Cổ phần Phát triển Hướng Dương Việt: Hiện thực hoá ước mơ cho những vầng trăng khuyết

Picture1

Cần tăng cường tính đại diện và tiếng nói của người khuyết tật trong các cơ quan dân cử

Picture2

Chương trình “Hành trình cuộc sống” trao tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của thành phố 140 xe đạp và nhiều phần quà tặng

Picture1

Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”

Picture1

Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình: 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu thi đua “Hai tốt”

Picture1

Khoa Chính trị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Tưng bừng Đêm đại nhạc hội chào đón tân sinh viên “FPS 2024 – Time Capsule”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang