Hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm cho người khuyết tật tỉnh Thái Bình

(DHVO). Đối với người khuyết tật (NKT), việc tham gia lao động, sản xuất không chỉ tạo nguồn thu nuôi sống bản thân, giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội mà còn là cơ hội để họ khẳng định mình và hòa nhập cộng đồng. Đồng hành cùng NKT, những năm qua các hiệp hội, cá nhân, tổ chức có tấm lòng hảo tâm đã triển khai nhiều hoạt động bảo trợ, dạy nghề và tạo việc làm giúp NKT có tư liệu sản xuất vươn lên thoát nghèo, có việc làm, tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.

Khơi dậy ý chí vươn lên

Trong căn nhà lợp ngói đơn sơ, ông Nguyễn Ngọc Huân, thôn Bình Trật Bắc, xã An Bình (Kiến Xương, Thái Bình) cười hạnh phúc khi nhắc lại chuyện gia đình ông được các nhà hảo tâm trao tặng lợn giống. Ông Huân bị bẩm sinh từ nhỏ do bệnh bại liệt, đôi chân ngày càng teo lại, cũng vì thế mọi công việc gia đình dồn lên đôi vai người vợ. Cuộc sống khó khăn, người vợ dù chăm chỉ cày cấy nhưng gia đình vẫn không thoát được chữ “nghèo”. Đến nay, sức khỏe của vợ ông yếu nhiều vì tuổi đã ngoài 60. Nguồn sống của gia đình chỉ trông chờ vào hơn 3 sào ruộng. Bởi vậy, đối với gia đình ông, con lợn hỗ trợ sinh kế như nguồn sống mới. Ông khoe: “Lợn sắp đẻ lứa thứ hai rồi. Lứa đầu cũng bán được 4 triệu. Nhờ có lợn nái, gia đình tôi đã có thêm đồng thu nhập, cuộc sống cũng đỡ khó khăn.”

Người khuyết tật phát triển sản xuất chăn nuôi nhờ các mô hình sinh kế

Cùng chung niềm vui với gia đình anh Huân, gia đình chị Nguyễn Thị Kim Quý, thôn Bằng Trạch cũng có hoàn cảnh rất khó khăn, chị bị bệnh tim, anh bị tai nạn lao động không làm được việc nặng, qua rà soát gia đình chị được hỗ trợ lợn giống. Ðến nay, lợn giống đã sinh sản và chuẩn bị xuất chuồng. Vui mừng, phấn khởi, chị cho biết: Với giá hơn 500.000 đồng/đầu lợn như hiện nay, trừ chi phí gia đình tôi cũng lãi được vài triệu đồng. Số tiền này giúp vợ chồng tôi có khoản vốn nho nhỏ để tiếp tục mở rộng chăn nuôi. Nếu không có sự giúp đỡ này, vợ chồng tôi không biết xoay xở đâu ra tiền vốn để phát triển kinh tế.

Ngoài ra, nhằm trợ giúp thanh niên khuyết tật phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, 30 thanh niên khuyết tật trên địa bàn tỉnh đã được trao tư liệu sản xuất. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, khả năng của bản thân và mong muốn của gia đình, mỗi thanh niên khuyết tật sẽ được nhận một trong những tư liệu sản xuất như: máy may công nghiệp, dụng cụ máy móc sửa điện, tủ làm đá, máy ép nước mía, dụng cụ cơ khí và máy hàn, thẻ điện thoại, máy tính bán hàng online…

Trên đây chỉ là số ít trong số hàng trăm NKT được hỗ trợ sinh kế trên địa bàn tỉnh. Chính nhờ sự động viên kịp thời đã tạo thêm niềm vui, niềm phấn khởi giúp họ có thêm nghị lực sống và khát vọng vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình và cho xã hội.

Dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật

Ngoài việc cung cấp tư liệu sản xuất giúp người khuyết tật thoát nghèo thông qua các mô hình sinh kế, công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật cũng được quan tâm đặc biệt.

Thái Bình hiện có trên 10 vạn người khuyết tật (NKT). Để công tác dạy nghề và tạo việc làm cho NKT được duy trì và phát triển, tỉnh phát triển 2 mô hình dạy nghề và tạo việc làm cho NKT là dạy nghề tập trung và dạy nghề xen kép tại cộng đồng. Nếu như mô hình dạy nghề tập trung giúp NKT học nghề được chuyên sâu thì mô hình dạy nghề xen kép tại cộng đồng cũng có nhiều điểm thuận lợi như: không đòi hỏi trình độ học vấn cao; tận dụng nguồn giáo viên tại chỗ là những NKT đã qua đào tạo. Với sự đa dạng về cách thức đào tạo nghề, NKT có thể lựa chọn mô hình học nghề tùy vào tình trạng sức khỏe và khả năng của mình.

Giúp người khuyết tật có công việc phù hợp với khả năng là “chìa khóa” để tạo nguồn sinh kế bền vững

Cơ sở chăm sóc sức khỏe và tạo việc làm của chị Phạm Thị Dung, thôn Cốc, xã Phú Châu (Đông Hưng, Thái Bình) là một trong những cơ sở tiêu biểu hoạt động theo mô hình xen kép tại cộng đồng. Bản thân là NKT vận động bẩm sinh, đi lại khó khăn nhưng với ý chí quyết tâm vươn lên, chị đã mở cơ sở dạy nghề và tạo việc làm cho rất nhiều NKT và phụ nữ nghèo.

Không chỉ có cơ sở của chị Dung mà còn rất nhiều cơ sở, công ty do NKT làm chủ trên địa bàn tỉnh, hoạt động theo mô hình xen kép tại cộng đồng đã phát huy hiệu quả, tạo việc làm cho nhiều NKT như: Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ xã Vũ Ninh (Kiến Xương) của anh Lại Văn Điệp, Công ty TNHH Sản xuất dịch vụ may mặc NKT xã Vũ Lễ (Kiến Xương) của anh Phạm Văn Đáp. Họ đều là những NKT tiêu biểu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp nhiều NKT có việc làm và thu nhập ổn định.

Có thể khẳng định, cùng với sự vào cuộc, chung tay của các cấp, các ngành, hiệp hội và cộng đồng dân cư, người khuyết tật đã dần vượt qua mặc cảm, tự ti, tiếp cận với các cơ hội phát triển kinh tế, xóa đói giảm ngheo, lựa chọn việc làm phù hợp với đặc điểm khuyết tật của bản thân, tạo thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống.

Thiết nghĩ, hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm cho người khuyết tật là hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc, đáp ứng được sự mong đợi của người khuyết tật. Mong rằng hoạt động này sẽ tiếp tục được nhân rộng ở nhiều địa phương, để ngày càng có nhiều người khuyết tật vượt lên số phận, xóa bỏ mặc cảm, tự tin vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Phạm Vân (T/h)

Bài viết liên quan

20

Nam Định: Nhân lên các lợi thế và chiến lược thu hút đầu tư FDI

123

Phê duyệt chương trình phát triển đô thị thành phố Hải Phòng định hướng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050

pct

Nam Định: Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND tỉnh đạt 100% phiếu tín nhiệm cao

av1

Thanh Hoá: Hà Trung tăng tốc về đích huyện nông thôn mới năm 2023

D30094

Nam Định: Khởi công dự án Xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và Nam Định

D18091

Quan điểm của Đảng và Nhà nước về phát huy vai trò các chủ thể trong mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang