(ĐHVO). Đẩy mạnh quyền tiếp cận thông tin của người khuyết tật trong thời kỳ chuyển đổi số, đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia, dịch vụ công trực tuyến.
Năm 2023 là năm dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới. Nhiều sản phẩm chuyển đổi số quốc gia đã được thực thi nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp trong đó các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ; tạo tiện ích trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp (quản lý dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm, hộ tịch điện tử…). Đặc biệt dịch vụ công trực tuyến được triển khai ngày càng sâu rộng, hiệu quả, đặc biệt công tác hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận thông tin trên cổng thông tin điện tử cần được chú trọng.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Theo Nghị định 13/2018/NĐ-CP về hướng dẫn Luật tiếp cận thông tin, trong đó nổi bật là nội dung hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận thông tin. Theo đó, thông tin liên quan tới đời sống, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người khuyết tật phải được kịp thời công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng dưới hình thức thuận lợi cho người khuyết tật.
Căn cứ vào điều kiện thực tế, cơ quan nhà nước thiết lập Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử của cơ quan mình trong đó có cung cấp chức năng cơ bản để hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông cho việc tiếp cận thông tin đăng tải trên các Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử. Điều 18 Thông tư 32/2017/TT-BTTTT về việc hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận thông tin quy định, Công thông tin điện tử của cơ quan nhà nước phải hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận thông tin theo các yêu cầu tối thiểu như sau:
– Bảo đảm màu sắc và độ tương phản hợp lý: sự kết hợp giữa màu nền và màu chữ phải có độ tương phản rõ ràng để hỗ trợ người khiếm thị dễ dàng nhận biết. Hạn chế sử dụng màu sắc để nhấn mạnh nội dung trong một đoạn văn bản. Khuyến khích có chức năng cho phép người sử dụng thay đổi được màu sắc và độ tương phản giữa màu nền và màu chữ;
– Không sử dụng chữ hay đối tượng nhấp nháy, chữ tự động chuyển động để bảo đảm có thể sử dụng được chương trình đọc màn hình khi cần thiết;
– Cung cấp thông tin tương đương: cung cấp dòng văn bản (text) mô tả nội dung thông tin tương đương cho các đối tượng không phải là văn bản như biểu tượng, hình ảnh, phím xác nhận, chữ nghệ thuật, biểu đồ, đồ thị, và tất cả các liên kết trên hình ảnh; dòng văn bản diễn tả nội dung thông tin chính của các đối tượng thông tin âm thanh, video;
– Định hướng thông tin: sử dụng cụm từ có nghĩa để gắn với một đường liên kết hoặc sử dụng thuộc tính tiêu đề để cung cấp thông tin bổ sung giúp làm rõ hoặc miêu tả cụ thể hơn mục đích của một liên kết; sử dụng thuộc tính đề mục để phân chia các phần nội dung thông tin trong một trang thông tin;
– Trình bày bảng dữ liệu: cung cấp thông tin tóm tắt cho các bảng dữ liệu để mô tả bảng thể hiện dữ liệu gì, tên các tiêu đề của bảng; sử dụng kỹ thuật đánh dấu để liên kết các ô dữ liệu với các ô tiêu đề tương ứng cho các bảng dữ liệu có nhiều mức logic của tiêu đề hàng hay cột.
Đặc biệt, khuyến khích cung cấp các phím tắt để truy cập tới các chức năng của cổng thông tin điện tử, đặc biệt là tới các chức năng: Trang chủ, Sơ đồ cổng thông tin điện tử, Tìm kiếm; tích hợp trên cổng thông tin điện tử các công nghệ, chức năng hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận thông tin (tự động đọc nội dung, tăng giảm cỡ chữ).
Bên cạnh đó, các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi đẻ người khuyết tật thực hiện quyền tiếp cận thông tin như:
– Cơ quan cung cấp thông tin bảo đảm các hình thức cung cấp thông tin phù hợp với khả năng tiếp cận của người yêu cầu cung cấp thông tin và điều kiện thực tế của cơ quan; bố trí thiết bị nghe, nhìn và các thiết bị phụ trợ phù hợp với dạng và mức độ khuyết tật của người yêu cầu cung cấp thông tin và phù hợp với điều kiện thực tiễn của cơ quan mình; tạo điều kiện cho người yêu cầu cung cấp thông tin sử dụng các thiết bị nghe, nhìn, các thiết bị phụ trợ và các phương tiện kỹ thuật khác của cá nhân để tiếp cận thông tin theo yêu cầu.
– Cán bộ, công chức được bố trí tại các cơ quan cung cấp thông tin để hướng dẫn, giải thích và giúp đỡ người khuyết tật gặp khó khăn trong việc điền Phiếu, ký Phiếu yêu cầu cung cấp thông tin; trường hợp người yêu cầu không thể viết Phiếu yêu cầu thì giúp điền Phiếu yêu cầu cung cấp thông tin.
– Lồng ghép các kiến thức, kinh nghiệm cung cấp thông tin đối với người khuyết tật trong các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao trình độ chuyên môn cho bộ phận đầu mối và cán bộ, công chức đầu mối cung cấp thông tin của cơ quan.
– Ưu tiên cung cấp thông tin cho người khuyết tật theo quy định pháp luật về tiếp cận thông tin và pháp luật về người khuyết tật.
Như vậy có thể thấy, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm tới người khuyết tật trong cộng đồng, xã hội thông qua việc ban hành nhiều chính sách, pháp luật hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật, đặc biệt là trong giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay để người khuyết tật “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Nguyễn Hoa