Hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay của hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ kinh doanh

(ĐHVO) Ngày 20/5/2022, Chính phủ vừa Ban hành  Nghị định 31/2022/NĐ-CP  về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Nghị định được ban hành với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội qua đại dịch để giúp các tổ chức kinh tế bổ sung nguồn nhân lực để phát triển.


Đối tượng được hưởng chính sách

Khoản 2 Điều 2 Nghị định 31/2022/NĐ-CP quy địnhdoanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hỗ trợ lãi suất (gọi là khách hàng) thuộc một trong các trường hợp sau:
1- Có mục đích sử dụng vốn vay thuộc một trong các ngành đã được đăng ký kinh doanh quy định tại Quyết định số 27/2018/QD-TTg  ngày 26/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, bao gồm: hàng không, vận tải kho bãi (H), du lịch (N79), dịch vụ lưu trú, ăn uống (I), giáo dục và đào tạo (P), nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản (A), công nghiệp chế biến, chế tạo (C), xuất bản phần mềm (J582), lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan (J-62), hoạt động dịch vụ thông tin (J-63); trong đó có hoạt động xây dựng phục vụ trực tiếp cho các ngành kinh tế nói trên nhưng không bao gồm hoạt động xây dựng cho mục đích kinh doanh bất động sản quy định tại mã ngành kinh tế (L) theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg.
2- Có mục đích sử dụng vốn vay để thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng tổng hợp, công bố”.

Theo đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (sau đây gọi là tổ chức kinh tế) kinh doanh các ngành nghề nhất định được hưởng ưu đãi lãi suất từ ngân sách nhà nước. Các ngân hàng thương mại được thành lập theo quy định pháp luật Việt Nam cùng phối hợp để thực hiện các chính sách cần thiết để thực hiện quyết định.

Các doanh nghiệp do người khuyết tật làm chủ, các doanh nghiệp sử dụng lao động khuyết tật cũng nằm trong đối tượng được hỗ trợ về lãi suất khi kinh doanh các ngành nghề đủ điều kiện như đã nêu trên.

Điều kiện được hỗ trợ lãi suất

Điều 4 Nghị định 31/2022/NĐ-CP quy định điều kiện để được hỗ trợ lãi suất là:

1. Khách hàng có đề nghị được hỗ trợ lãi suất, đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

2. Khoản vay được hỗ trợ lãi suất là khoản vay bằng đồng Việt Nam, được ký kết thỏa thuận cho vay và giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 đến ngày 31 tháng 12 năm 2023, sử dụng vốn đúng mục đích theo quy định và chưa được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo các chính sách khác.

– Khoản vay không được tiếp tục hỗ trợ lãi suất trong các trường hợp sau:

– Khoản vay có số dư nợ gốc bị quá hạn và/hoặc số dư lãi chậm trả không được hỗ trợ lãi suất đối với nghĩa vụ trả nợ lãi tại kỳ hạn trả nợ lãi mà thời điểm trả nợ nằm trong khoảng thời gian có số dư nợ gốc bị quá hạn và/hoặc số dư lãi chậm trả. Khoản vay chỉ được tiếp tục hỗ trợ lãi suất đối với các kỳ hạn trả nợ lãi tiếp theo sau khi khách hàng đã trả hết số dư nợ gốc bị quá hạn và/hoặc số dư lãi chậm trả.

– Khoản vay được gia hạn nợ không được hỗ trợ lãi suất đối với thời gian gia hạn nợ”.

Thời hạn và mức lãi suất hỗ trợ

Thời hạn được hỗ trợ lãi suất tính từ ngày giải ngân khoản vay đến thời điểm khách hàng trả hết nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận giữa ngân hàng thương mại và khách hàng, phù hợp với nguồn kinh phí hỗ trợ lãi suất được thông báo, nhưng không vượt quá ngày 31 tháng 12 năm 2023.

Mức lãi suất hỗ trợ đối với khách hàng là 2%/năm, tính trên số dư nợ vay và thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất thực tế nằm trong khoảng thời gian quy định trên.

Đến thời điểm trả nợ của từng kỳ hạn trả nợ lãi, ngân hàng thương mại thực hiện giảm cho khách hàng số lãi tiền vay phải trả bằng số lãi tiền vay được hỗ trợ lãi suất trong kỳ theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Hỗ trợ bảo đảm công khai, đúng đối tượng

Nghị định nêu rõ, việc hỗ trợ lãi suất phải bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng mục đích, tránh trục lợi chính sách.
Ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất đảm bảo đúng quy định, tạo thuận lợi cho khách hàng.
Việc hỗ trợ lãi suất áp dụng đối với nghĩa vụ trả nợ lãi tại các kỳ hạn trả nợ lãi mà thời điểm trả nợ phát sinh trong khoảng thời gian từ ngày Nghị định  có hiệu lực thi hành (20/5/2022) đến ngày 31 tháng 12 năm 2023.
Ngân hàng thương mại dừng hỗ trợ lãi suất sau thời điểm 31 tháng 12 năm 2023 hoặc khi hết nguồn kinh phí (hạn mức hỗ trợ lãi suất) được thông báo, tùy theo thời điểm nào đến trước.

Xử lý thu hồi số tiền đã hỗ trợ lãi suất

Nghị định 31/2022/ NĐ-CP cũng nêu rõ việc xử lý đối với số tiền đã hỗ trợ lãi suất đối với các đối tượng không được hỗ trợ lãi suất, sử dụng khoản vay trái mục đích cụ thể:
– Trong quá trình thực hiện, trường hợp phát hiện khoản vay của khách hàng được xác định không thuộc đối tượng, sử dụng vốn vay sai mục đích hoặc không đáp ứng điều kiện được hỗ trợ lãi suất, ngân hàng thương mại thông báo cho khách hàng và thực hiện chuyển khoản vay được hỗ trợ lãi suất thành khoản vay thông thường, đồng thời thu hồi toàn bộ số tiền ngân hàng thương mại đã hỗ trợ lãi suất trong vòng 30 ngày kể từ ngày thông báo.
– Trường hợp ngân sách nhà nước đã thanh toán số tiền hỗ trợ lãi suất hoặc đã quyết toán hỗ trợ lãi suất cho khoản vay quy định tại khoản 1 Điều này, ngân hàng thương mại hoàn trả ngân sách nhà nước hoặc báo cáo để giảm trừ vào số tiền ngân sách nhà nước thanh toán hỗ trợ lãi suất.
-Trường hợp khách hàng không hoàn trả số tiền đã được hỗ trợ lãi suất theo quy định, ngân hàng thương mại có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (nơi khách hàng đặt trụ sở chính) để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền trên địa bàn phối hợp với ngân hàng thương mại thu hồi số tiền đã hỗ trợ lãi suất.

Chính sách ưu đãi về lãi suất để hỗ trợ tổ chức kinh tế phát triển đặt hi vọng cho sự ổn định và phát triển kinh tế sau đại dịch bền vững. Tuyên truyền, phổ biến và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp gặp khó khăn sau đại dịch, doanh nghiệp sử dụng lao động khuyết tật giúp kinh tế, xã hội phát triển ổn định.

Trang Quỳnh

Bài viết liên quan

Picture3

Cần tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật

Picture2

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

Picture3

MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ NĂM 2023

Picture5

THỰC HIỆN QUYỀN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT TỰ KỶ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY – THỰC TẾ, KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC, KIẾN NGHỊ

Picture2

HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM

TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI KHÔNG LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA CÁ NHÂN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang