Hỗ trợ học bổng và kinh phí mua đồ dùng học tập cho người khuyết tật

(ĐHVO). Người khuyết tật luôn luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, có nhiều chính sách ưu tiên thúc đẩy phát triển, hòa nhập toàn diện. Nhằm khuyến khích tinh thần học tập vươn lên cũng như tạo nền tảng về cơ sở vật chất tiếp cận giáo dục hòa nhập, người khuyết tật được hưởng các chính sách học bổng và hỗ trợ kinh phí mua phương tiện, đồ dùng học tập dùng riêng cho người khuyết tật học tại các cơ sở giáo dục. Vậy cụ thể đối tượng nào được hưởng chính sách và làm thế nào để được hưởng, mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây.

Khao khát vươn lên sống một cuộc đời ý nghĩa luôn là ước mơ, khát vọng của tất cả mọi người và như quan niệm đã được đúc kết: Học vấn là cách nhanh nhất để thoát nghèo và ngắn nhất dẫn đến thành công. Bởi vậy, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, chú trọng đến vấn đề giáo dục đối với người khuyết tật, có những chính sách ưu tiên giúp người khuyết tật tiếp cận giáo dục hòa nhập cũng như tạo sự bình đẳng trong học tập và làm việc. Ngoài việc được hưởng các chế độ ưu tiên nhập học và tuyển sinh thì người khuyết tật thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đang đi học tại các cơ sở giáo dục còn được hưởng chính sách về cấp học bổng và hỗ trợ kinh phí mua phương tiện, đồ dùng học tập dùng riêng cho người khuyết tật học tại các cơ sở giáo dục.

Cụ thể, theo Khoản 1,2 Điều 7 Thông tư liên tịch số 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC quy định:

Về học bổng:

– Người khuyết tật thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học tại các cơ sở giáo dục được hưởng học bổng mỗi tháng bằng 80% mức lương cơ sở theo quy định của Chính phủ trong từng thời kỳ.

– Người khuyết tật thuộc đối tượng được hưởng sách đang học tập tại cơ sở giáo dục đại học, trung cấp chuyên nghiệp được cấp học bổng 10 tháng/năm học;

– Người khuyết tật thuộc đối tượng được chính sách đang học tập tại cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ trung tâm giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập được cấp học bổng 9 tháng/năm học.

Về hỗ trợ kinh phí: Người khuyết tật thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo đang học tại các cơ sở giáo dục được hỗ trợ kinh phí để mua sắm phương tiện, đồ dùng học tập với mức 1.000.000 đồng/người/năm học.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Trong vòng 30 ngày làm việc kể từ ngày bắt đầu năm học, người đứng đầu cơ sở giáo dục thông báo cho người khuyết tật học tại cơ sở giáo dục (hoặc cha mẹ, người giám hộ) về chính sách đối với người khuyết tật và nộp một bộ hồ sơ theo quy định.

Đối với cơ sở giáo dục công lập:

Bước 1: Người khuyết tật (hoặc cha mẹ, người giám hộ) nộp một bộ hồ sơ cho cơ sở giáo dục công lập người khuyết tật đang học gồm:

+ Giấy chứng nhận về khuyết tật do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của Nhà nước (bản sao có công chứng)

+ Giấy chứng nhận là hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo do uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn cấp (bản sao có công chứng)

Bước 2: Người đứng đầu cơ sở giáo dục công lập căn cứ vào quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 7 Thông tư liên tịch số 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC tổ chức quy trình kiểm tra, đối chiếu và chịu trách nhiệm về tính chính xác của hồ sơ, tổng hợp, lập danh sách và dự toán kinh phí báo cáo cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp để cơ quan quản lý cấp trên thẩm định, phê duyệt, tổng hợp báo cáo cơ quan tài chính trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kinh phí thực hiện chính sách học bổng và hỗ trợ chi phí mua phương tiện, đồ dùng học tập dùng riêng cho người khuyết tật đang học tại cơ sở giáo dục.

Đối với cơ sở giáo dục ngoài công lập:

Bước 1: Người khuyết tật học tại cơ sở giáo dục (hoặc cha mẹ, người giám hộ) nộp một bộ hồ sơ theo hướng dẫn sau:

+ Đối với người khuyết tật học tại cơ sở giáo dục trực thuộc quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là cấp huyện) quản lý gửi về Phòng giáo dục và đào tạo;

+ Đối với người khuyết tật học tại các cơ sở giáo dục trực thuộc cấp tỉnh quản lý gửi về Sở giáo dục và đào tạo;

+ Đối với người khuyết tật có hộ khẩu thường trú trên địa bàn huyện, đang học tại các cơ sở giáo dục đại học, trung cấp chuyên nghiệp trong phạm vi cả nước gửi về Phòng lao động – thương binh và xã hội.

Bộ hồ sơ gồm:

+ Đơn có xác nhận của nhà trường (Theo mẫu)

+ Giấy chứng nhận về khuyết tật do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của Nhà nước (bản sao có công chứng);

+ Giấy chứng nhận là hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo do uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn cấp (bản sao có công chứng).

Bước 2: Cơ sở giáo dục ngoài công lập có trách nhiệm xác nhận vào đơn đề nghị của người học trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị của học sinh, sinh viên.

Thời gian cấp học bổng và hỗ trợ chi phí: việc chi trả học bổng và hỗ trợ chi phí mua phương tiện, đồ dùng học tập dùng riêng cho người khuyết tật được thực hiện 2 lần trong năm: lần 1 chi trả vào tháng 9 hoặc tháng 10, tháng 11; lần 2 chi trả vào tháng 3 hoặc tháng 4, tháng 5. Việc chi trả học bổng và hỗ trợ chi phí mua phương tiện, đồ dùng học tập phải đảm bảo thuận tiện cho người khuyết tật đi học. Trường hợp người học chưa nhận được chế độ theo thời hạn quy định thì được truy lĩnh trong kỳ chi trả tiếp theo.

Thông qua chính sách học bổng và hỗ trợ kinh phí mua phương tiện, đồ dùng học tập dành riêng cho người khuyết tật giúp người khuyết tật có điều kiện học tập và phát triển, nhanh chóng hòa nhập cộng đồng. Mặt khác, gia đình có con là người khuyết tật khó khăn về kinh tế thì có thể vơi bớt gánh nặng vật chất, con cái được đến trường tiếp cận tri thức, từ đó giảm tình trạng bỏ học, không biết chữ đặc biệt tại các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Mong rằng, các cấp chính quyền địa phương, các cơ sở giáo dục chủ động tuyên truyền, phổ biến tới người khuyết tật, gia đình có người khuyết tật hiểu, nắm rõ quyền lợi của mình để kịp thời hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Nguyễn Khương

Bài viết liên quan

Picture3

Cần tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật

Picture2

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

Picture3

MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ NĂM 2023

Picture5

THỰC HIỆN QUYỀN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT TỰ KỶ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY – THỰC TẾ, KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC, KIẾN NGHỊ

Picture2

HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM

TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI KHÔNG LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA CÁ NHÂN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang