Hồ Chí Minh với vấn đề đoàn kết tôn giáo trong đấu tranh giải phóng dân tộc

(ĐHVO). Từ nửa sau thế kỷ XIX, thực hiện chính sách “chia để trị”, các thế lực thực dân, đế quốc triệt để lợi dụng vấn đề tôn giáo để phục vụ cho mục đích thống trị lâu dài của mình. Những đóng góp của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh với vấn đề đoàn kết tôn giáo –  bộ phận cấu thành trong tư tưởng của Người về xây dựng khối đoàn kết dân tộc là một trong những nguyên nhân dẫn tới thắng lợi của cách mạng Việt Nam thế kỉ XX.

1. Mở đầu

Do hoàn cảnh lịch sử chi phối, từ nửa sau thế kỷ XIX và gần như trọn vẹn thế kỉ XX, Việt Nam bị các thế lực thực dân, đế quốc thay nhau xâm lược và thống trị. Thực hiện chính sách “chia để trị”, chúng triệt để lợi dụng vấn đề tôn giáo để phục vụ cho mục đích thống trị lâu dài của mình. Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi mong muốn tìm hiểu những đóng góp của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh với vấn đề đoàn kết tôn giáo –  bộ phận cấu thành trong tư tưởng của Người về xây dựng khối đoàn kết dân tộc – một trong những nguyên nhân dẫn tới thắng lợi của cách mạng Việt Nam thế kỉ XX. Mặc dù tìm hiểu những đóng góp của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo trong đấu tranh giải phóng dân tộc, nhưng để làm rõ vấn đề, người viết có lúc sẽ tập trung vào vấn đề đoàn kết lương – giáo. Sỡ dĩ, chúng tôi đặt vấn đề đoàn kết lương – giáo, bởi lẽ phạm trù tôn giáo rất rộng, ngoài đồng bào theo Công giáo, còn những bộ phận theo các tôn giáo khác. Tất nhiên, ở những thời điểm và khía cạnh nhất định, vấn đề trên không được tách bạch, chúng tôi sẽ đặt nó trong tổng thể tôn giáo nói chung.

2. Nội dung

2.1. Hồ Chí Minh với vấn đề đoàn kết tôn giáo trong giai đoạn trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945

Từ thế kỷ XVI, nhất là sang thế kỷ XVIII, Công giáo được truyền bá vào Việt Nam cùng với quá trình xâm lược của chủ nghĩa thực dân phương Tây. Như vậy, bên cạnh Phật giáo và Nho giáo đã ăn sâu bám rễ trong đời sống văn hóa tín ngưỡng, người Việt Nam lại tiếp nhận thêm một tôn giáo mới. Hơn nữa, trong quá trình thống trị nước ta từ nửa sau thế kỷ XIX, chính quyền thực dân Pháp lại tạo điều kiện bảo trợ cho Công giáo phát triển mạnh mẽ, nhằm lợi dụng tôn giáo này chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, phục vụ cho mục đích thống trị lâu dài của chúng. Thực trạng trên làm cho tình hình tôn giáo ở Việt Nam trở nên phức tạp. Bởi lẽ đó, trong quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc, việc cần thiết đối với các nhà cách mạng Việt Nam là phải có cách nhìn thực tiễn, khách quan, vượt qua được những rào cản chia rẽ tôn giáo của thế lực thực dân, đế quốc.

Là một nhà cách mạng với nhiệm vụ quan tâm hàng đầu là đấu tranh giành độc lập dân tộc, lẽ dĩ nhiên Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh phải quan tâm, tiếp cận nhiều vấn đề xuất phát từ thực tiễn đặt ra, trong đó có vấn đề tôn giáo. Ngay từ đầu, Người tiếp cận vấn đề tôn giáo không phải dưới góc độ tôn giáo học, mà chủ yếu xem xét nó dưới khía cạnh của một chủ thể trong đấu tranh giải phóng dân tộc. Từ xuất phát điểm trên, Người đã thể hiện cách nhìn nhận một cách khách quan, rạch ròi về tôn giáo và việc lợi dụng tôn giáo vào mục đích chính trị, để trên cơ sở đó phát huy những điểm tích cực của tôn giáo nói chung, Công giáo nói riêng trong xây dựng sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, đáp ứng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức thực dân, đế quốc.

Khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, vấn đề giải phóng dân tộc trở thành nhiệm vụ sống còn, Nguyễn Ái Quốc tìm đường về nước. Ngay sau khi về nước, Người đã chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 (5/1941). Để tập trung cho nhiệm vụ số một là giải phóng dân tộc, Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh). Trong bản Tuyên ngôn, chủ trương của Mặt trận Việt Minh nhằm “liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu, nghèo, già trẻ, trai gái, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn”[1]. Sau đó, nhằm cụ thể hóa hoạt động, Việt Minh công bố Chương trình hành động với Mười chính sách lớn, trong đó có việc “Ban bố các quyền tự do dân chủ cho nhân dân: tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức, tự do tín ngưỡng…”[2]

Như vậy, thông qua việc xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất, Người xác định lực lượng cách mạng bao gồm các giai cấp, dân tộc, các tôn giáo khác nhau, đồng thời ban bố các quyền tự do dân chủ của nhân dân và riêng góc độ tôn giáo là tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng. Chủ trương trên đã góp phần hạn chế được những quan điểm tả khuynh về tôn giáo và qua đó tạo điều kiện cho vấn đề đoàn kết dân tộc trong những cơn hiểm nghèo nhất. Dưới ngọn cờ đoàn kết cứu nước của Việt Minh và sự lãnh đạo tài tình của Đảng, thông qua việc tích cực chuẩn bị lực lượng và chớp thời cơ, đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

2.2. Hồ Chí Minh với vấn đề đoàn kết tôn giáo từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945

Sau khi cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng non trẻ phải bắt tay ngay vào việc xây dựng và củng cố đất nước về mọi mặt: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội và ngoại giao; chống giặc ngoại xâm cùng với chống giặc đói và giặc dốt. Trong bộn bề công việc cần quan tâm, nhưng Hồ Chí Minh không vì thế mà sao nhãng vấn đề đoàn kết tôn giáo (chủ yếu đoàn kết lương – giáo) – bộ phận quan trọng trong tư tưởng xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất. Từ ngày lễ Nô-en của năm 1945, sau khi cách mạng tháng Tám thành công cho đến khi qua đời (2/9/1969), hầu như năm nào, Hồ Chí Minh đều có thư gửi tới các chức sắc và toàn thể đồng bào Công giáo nước nhà. Qua các bức thư của mình, Người luôn nhấn mạnh tính nhân văn, tinh thần hy sinh của Chúa, những đóng góp của đồng bào công giáo trong kháng chiến, cũng như kêu gọi tinh thần đoàn kết lương – giáo để tập trung cho nhiệm vụ thiêng liêng là giành độc lập, thống nhất đất nước. Trong bức thư gửi đồng bào Công giáo trong dịp lễ Nô-en 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào Công giáo tăng cường đoàn kết:

“Việc đoàn kết toàn dân, đoàn kết lương giáo để cứu nước, cứu dân là vô cùng cần thiết…

Tôi thành thật khen ngợi đồng bào Công giáo đang hăng hái tham gia kháng chiến cứu nước.

Tôi mong tất cả đồng bào Công giáo chúng ta đoàn kết chặt chẽ với đồng bào toàn quốc, kháng chiến mạnh hơn để tiêu diệt bọn xâm lược và bè lũ Việt gian bán nước, giải phóng cho Tổ quốc và làm sáng danh Đức Chúa”[3].

Cùng với việc củng cố khối đoàn kết lương- giáo, do điều kiện lịch sử thực tiễn đất nước còn các bộ phận tôn giáo khác, nên Người cũng hết sức quan tâm tới những bộ phận này trong xây dựng khối đoàn kết dân tộc. Trong thư gửi cho Hội phật tử Việt Nam (các chức sắc và tín đồ Phật giáo) nhân ngày lễ Phật đản (rằm tháng 7 âm lịch năm 1947), Người viết:

“Bọn thực dân Pháp muốn cướp nước ta. Chúng đốt chùa chiền, phá tượng Phật, hành hạ tăng ni, tàn sát đạo hữu. Chúng hòng phá tan đạo Phật…

Nay đồng bào ta đại đoàn kết, hy sinh của cải xương máu, kháng chiến đến cùng, để đánh tan thực dân phản động, để cứu quốc dân ra khỏi khổ nạn, để giữ quyền thống nhất và độc lập của Tổ quốc. Thế là chúng ta làm theo lòng đại từ đại bi của Đức Phật Thích Ca, kháng chiến để đưa giống nòi ra khỏi cái khổ ải nô lệ”[4].

Với tư cách Chủ tịch nước và bằng uy tín cá nhân của mình, Hồ Chí Minh tìm cách thuyết phục, lôi cuốn các chức sắc tôn giáo vào Mặt trận, vào chính quyền nhằm giảm thiểu tối đa các thế lực tôn giáo phản động. Điều này được thể hiện rõ ràng thông qua những bức thư thăm hỏi, hoặc trao đổi công việc đối với các chức sắc, đồng bào công giáo ở các vùng có đạo khi giải thích các chính sách của Nhà nước về tôn giáo và cũng là để chống lại những âm mưu gây chia rẽ khối đoàn kết lương – giáo của thực dân, qua đó tăng cường hơn nữa khối đoàn kết dân tộc, tập trung cho nhiệm vụ số một là giải phóng dân tộc. Tại buổi nói chuyện với Giám mục Lê Hữu Từ cùng các linh mục và đồng bào giáo dân xứ Ninh Bình, khi tới thăm Phát Diệm ngày 14/1/1946, Người nói:

“Dù Công giáo hay không Công giáo, Phật giáo hay không Phật giáo, phải nên nỗ lực tranh đấu cho nền độc lập của nước nhà… Trong Công giáo có câu Tam vị nhất thể, nhà Phật có câu Vạn chúng nhất tâm nên chúng ta phải hy sinh cho nhân loại và chúng sinh”[5].

Qua các thư từ, sắc lệnh gửi cho đồng bào tôn giáo (chủ yếu là Công giáo), Hồ Chí Minh đã thể hiện cái nhìn rạch ròi giữa đức tin và chính trị, giữa tự do tôn giáo và lợi dụng tôn giáo, tôn trọng việc lựa chọn đức tin của người dân, đảm bảo sự hài hòa mối quan hệ giữa người có đức tin và không có đức tin. Vì vậy, Người sớm có tư tưởng đoàn kết lương giáo, coi đó là một bộ phận trong đoàn kết dân tộc.

Xây dựng khối đoàn kết tôn giáo, Người cũng hết sức quan tâm tới việc chế định nó trong một khuôn khổ luật pháp, hoặc qua những chính sách cụ thể đối với các tôn giáo. Tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì (3/9/1945), đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách, trong đó có vấn đề đoàn kết tôn giáo, cụ thể: “Sáu là, tuyên bố tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết”[6]. Tinh thần trên, sau đó được chế định trong Hiến pháp 1946, chương II, mục B, xác định mọi công dân Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng.

Là một nước nông nghiệp lạc hậu, lại dưới ách thống trị của thực dân, phong kiến, nên vấn đề ruộng đất là một nội dung quan trọng để tập hợp lực lượng. Sau khi cách mạng thành công, trong giải quyết vấn đề ruộng đất, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Hồ Chí Minh, chính quyền đã thể hiện một tinh thần thực sự mềm dẻo đối với các tôn giáo. Điều này có thể thấy qua chính sách của nhà nước về ruộng đất đối với tôn giáo trong cải cách ruộng đất. Trong khi tuyên bố trưng thu, mua ruộng đất của tôn giáo nói chung, ở chương III điều 25 của sắc lệnh cải cách ruộng đất quy định các đối tượng được chia gồm: nhà chung, nhà chùa, từ đường được để lại một phần ruộng đất để thờ cúng. Phần đất này do nhân dân địa phương bình nghị và ủy ban kháng chiến tỉnh xác định, trường hợp đặc biệt thì cấp trên quyết định…

Trong điều kiện của cuộc đấu tranh cách mạng, khi mà nhiệm vụ giải phóng dân tộc được đặt lên hàng đầu, Hồ Chí Minh rất coi trọng sức mạnh hòa hợp, đại đoàn kết dân tộc, trong đó có đoàn kết tôn giáo. Vì lẽ đó, trong những bài viết của mình, Người hết sức coi trọng và nhấn mạnh đến niềm tin tôn giáo của các tín đồ, đồng thời còn chỉ ra trách nhiệm của các tín đồ trong những thời khắc quyết định đối với vận mệnh của dân tộc, đất nước, cũng như bày tỏ quyết tâm của một chính đảng vì dân tộc: “Nước Phật ngày xưa có những bốn đảng phái làm ly tán lòng dân và hại Tổ quốc. Nhưng nước Việt Nam ngày nay chỉ có một đảng phái là Toàn dân (cũng năm 1946, có lần Hồ Chí Minh đã đưa ra khái niệm về một “Đảng dân tộc”), quyết tâm giành độc lập. Tín đồ Phật giáo tin ở Phật; tín đồ Gia tô tin ở Đức Chúa trời; cũng như chúng ta tin ở Đạo khổng. Đó là những bậc chí tôn nên chúng ta tin tưởng. Nhưng đối với dân ta, ta đừng làm trái ý dân…”[7].

Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương, thực dân Pháp tìm mọi cách dụ dỗ, cưỡng ép một bộ phận đồng bào Công giáo miền Bắc di cư vào Nam, nhằm chia rẽ khối đoàn kết dân tộc và thực hiện ý đồ tiếp tục thống trị sau này. Trong hoàn cảnh đó, Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm, trăn trở đối với bộ phận đồng bào Công giáo di cư vào Nam và mong muốn cho đồng bào có một cuộc sống tốt đẹp. Trong thư chúc mừng đồng bào Công giáo nhân lễ Nô-en năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ sự chia sẻ với những khó khăn của đồng bào di cư vào Nam và chỉ rõ:

“Số phận của những giáo hữu ấy khiến tôi rất đau lòng và chắc đồng bào cũng thương xót. Tôi rất mong đồng bào cầu Chúa phù hộ những giáo hữu ấy đủ sức đấu tranh, đòi trở về quê cha đất tổ

Nhân dịp này, tôi xin nhắc lại cho đồng bào rõ: Chính phủ ta thật thà tôn trọng tín ngưỡng tự do đối với những người giáo hữu đã nhầm di cư vào Nam. Chính phủ đã ra lệnh cho địa phương giữ gìn cẩn thận ruộng vườn, tài sản của những đồng bào ấy và sẽ giao trả lại cho những người trở về”[8].

Phá hoại Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương, Mỹ liền thế chân Pháp dựng lên chính quyền Sài Gòn ở miền Nam. Khi chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam tiến hành đàn áp Phật giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra tuyên bố lên án tội ác của chúng, kêu gọi sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ thế giới, đồng thời cũng hết sức chú trọng tới việc tăng cường sức mạnh của khối đoàn kết tôn giáo trong sức mạnh đoàn kết chung của dân tộc, để đấu tranh cho sự nghiệp hòa bình thống nhất nước nhà. Trong thư gửi Hội nghị đại biểu Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam, Người biểu dương những đóng góp của các tăng ni và tín đồ Phật giáo cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và kêu gọi: “Đồng bào Phật giáo cả nước, từ Bắc đến Nam đều cố gắng thực hiện lời Phật dạy là: “Lợi lạc quần sinh, vô ngã vị tha”[9].

Từ những nỗ lực không biết mệt mỏi của Hồ Chí Minh với vấn đề đoàn kết tôn giáo nói chung, đoàn kết lương – giáo nói riêng trong việc xây dựng Mặt trận thống nhất toàn dân tộc, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh,  đã lần lượt làm nên những chiến công hiển hách trong thế kỷ XX: Cách mạng tháng Tám năm 1945; chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954; Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc và cả nước quá độ đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Ngày nay, trong việc thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, vấn đề tôn giáo luôn là một con bài mà các thế lực thù địch có thể lợi dụng nhằm làm mất ổn định chính trị, gây hoang mang chia rẽ khối đoàn kết dân tộc và độc lập của Tổ quốc. Do đó, cán bộ, đảng viên, các nhà lãnh đạo, cần thiết phải được trang bị về: lí luận; tư tưởng Hồ Chí Minh và bài học từ cách giải quyết của Người về tôn giáo trong xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất, để có được cách nhìn nhận thực tiễn, khách quan đối với vấn đề tôn giáo và lợi dụng tôn giáo vào mục đích chính trị, nhằm chống lại âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

3. Kết luận

Xuất phát từ thực tiễn lịch sử và nhiệm vụ hàng đầu đặt ra là đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, trong điều kiện phải đương đầu với những thực dân, đế quốc hùng mạnh, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh nhận thức được một điều là phải đoàn kết toàn dân thông qua việc xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất,trong đó một bộ phận hết sức quan trọng là đoàn kết tôn giáo, dùng sức mạnh của cả một dân tộc mới có thể giành được thắng lợi. Từ nhận thức như vậy, trong quá tìm đường cứu nước và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người hết sức quan tâm tới vấn đề đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo và qua đó có những đóng góp quan trọng cả về lý luận và thực tiễn./.

TS. Đinh Ngọc Ruẫn

Học viện Chính trị khu vực I

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t7, NXB CTQG, Hà Nội, 1995.

[2]. Đỗ Quang Hưng, Vấn đề tôn giáo trong cách mạng Việt Nam – Lý Luận và Thực tiễn, NXB CTQG, Hà Nội, 2007.

[3]. Nguyễn Văn Kiệm, Sự du nhập của Đạo Thiên Chúa giáo vào Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, Viện nghiên cứu Tôn giáo, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hà Nội, 2001.

[4]. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Biên niên sự kiện lịch sử Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, Tập I (1930 – 1954), NXB CTQG, Hà Nội, 2004.

[5]. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Biên niên sự kiện lịch sử Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, Tập II (1954 – 1975), NXB CTQG, Hà Nội, 2004.

[6]. Đặng Nghiêm Vạn, Lý luận về tôn giáo và Tình hình tôn giáo ở Việt Nam, NXB CTQG, Hà Nội, 2007.

[7]. Viện Khoa học xã hội Việt Nam – Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, Về tôn giáo và tôn giáo ở Việt Nam, NXB CTQG, Hà Nội, 2004.

 

 

Bài viết liên quan

NGƯỜI KHUYẾT TẬT ĐỆ ĐƠN XIN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

Đoàn luật sư thành phố Hà Nội hưởng ứng tham gia ủng hộ Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam” thành phố Hà Nội năm 2024

Picture1

Thái Nguyên: Nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhân Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4

Picture1

Trường THPT Bắc Kiến Xương lọt top những ngôi trường hàng đầu Thái Bình

5-1712332006101296289476

Đóng học phí một lần: Thực hiện sao cho đúng luật?

z5314683295603_d42ec9ed4bb4a30f54fd34b04322fdfa

Hội Người khuyết tật tỉnh Hà Nam: Nâng cao năng lực trong lĩnh vực quản lý vốn vay quay vòng dành cho hội viên

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang