Hiệu quả thiết thực từ một Dự án: Ý kiến người trong cuộc

(ĐHVO). Dự án “Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho người khuyết tật” được Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) thực hiện tại 3 tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam từ tháng 9/2018 đến tháng 8/2021 (riêng tại Quảng Nam bắt đầu triển khai từ tháng 3/2019) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ đã góp phần đắc lực giúp người khuyết tật (NKT) nâng cao vị thế trong xã hội.

Với các hoạt động cụ thể Dự án kỳ vọng chính sách liên quan với NKT được xây dựng, xem xét điều chỉnh hợp lý (ở cấp Trung ương); Năng lực thực thi chính sách về NKT cho các cơ quan liên quan được tăng cường; Việc thực thi chính sách cho NKT được thúc đẩy. Để thực hiện được mục tiêu “Năng lực thực thi chính sách về NKT cho các cơ quan liên quan được tăng cường”, Dự án đã phối hợp với Ban Quản lý dự án, Sở Xây dựng và Sở Giao thông vận tải triển khai thông qua nhiều hoạt động, như: Hội thảo về Tập huấn tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực xây dựng và giao thông công cộng cho NKT; Hội thảo tiếp cận các công trình xây dựng và giao thông đối với NKT; Hội thảo Tập huấn Bộ tiêu chí giao thông tiếp cận phổ quát và hướng dẫn kỹ năng trợ giúp NKT; Hội thảo nâng cao chất lượng hệ thống giao thông công cộng cho NKT.

Nhìn chung, trong suốt 3 năm thực hiện, dự án đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, như:

Các cơ quan chức năng Sở Xây dựng, Sở GTVT, Sở Y tế, Ban Quản lý dự án và Hội NKT đã được nâng cao năng lực để hỗ trợ NKT tại các tỉnh tốt hơn; Các mô hình mẫu trong chăm sóc sức khỏe như Nhà trung chuyển; thí điểm tuyến xe buýt tiếp cận cho NKT nhìn đã được triển khai. Nhóm cán bộ Hội NKT được nâng cao năng lực về hòa nhập khuyết tật, giám sát và đánh giá và được đào tạo trở thành giảng viên nguồn về phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, về hòa nhập khuyết tật, sống độc lập…

Bà Nguyễn Thị Lan Anh – Viện trưởng Viện ACDC chia sẻ về những thành tựu hoạt động đã đạt được của Dự án “Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho người khuyết tật” tại Quảng Nam

Tiếng nói của cơ quan quản lý

Đến cuối tháng 7/2021, cả 3 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế và Quảng Nam đều tiến hành tổ chức tổng kết việc thực hiện Dự án “Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho người khuyết tật”. Có thể nói, thông qua dự án này đã giúp cho NKT ở cả 3 tỉnh nâng cao khả năng sống độc lập, tiếp cận được với các công trình công cộng, các mô hình sinh kế để tạo thu nhập. NKT được phục hồi chức năng và nâng cao sức khỏe tại y tế cơ sở, trung tâm và Nhà trung chuyển.

Ông Thái Vĩnh Liệu, Chủ tịch Hội NKT, Nạn nhân da cam, Bảo trợ NKT và Bảo trợ quyền Trẻ em tỉnh Quảng Trị – Trưởng Ban Dự án cho biết: sau 3 năm thực hiện Dự án, Quảng Trị đã thu được nhiều kết quả ở tất cả các hợp phần dành cho NKT. Cụ thể, trong hợp phần chăm sóc sức khỏe của ngành y tế, đã có 85 cán bộ y tế ở các bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế tuyến huyện làm việc liên quan đến NKT được tham gia các khóa tập huấn về hòa nhập cho NKT và công tác xã hội để hỗ trợ NKT. Xây dựng nhà trung chuyển dành cho NKT tại Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh làm nơi để NKT được làm quen với môi trường sống thực tế để khi trở về gia đình, họ có thể chủ động chuẩn bị bữa ăn, tắm rửa và vệ sinh… . Trong hợp phần tiếp cận vật lý của các ngành giao thông vận tải, xây dựng, đã có 70 cán bộ tham gia các buổi hội thảo và tập huấn về quy chuẩn tiếp cận trong lĩnh vực giao thông vận tải, xây dựng; Sở Giao thông vận tải đã xây dựng được nhiều nhà chờ xe buýt theo tiêu chuẩn giao thông tiếp cận phổ quát cho mọi người như hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa 3 nhà chờ trước Sở LĐTBXH, Bệnh viện Đa khoa tỉnh; bổ sung 15 đường dốc tiếp cận cho NKT tại các trụ sở UBND xã, nhà văn hóa thôn, khu phố… trên địa bàn tỉnh. Về hợp phần tổ chức hội, đã có 67 lượt cán bộ hội NKT, NNDC, BTNKT&BVQTE các cấp tham gia các lớp tập huấn về hòa nhập khuyết tật và kỹ năng giám sát đánh giá, nhằm cải thiện việc thực thi các chính sách liên quan đến NKT. Trong lĩnh vực thúc đẩy việc thực thi chính sách dành cho NKT, có 1.230 lượt NKT và người thân được tư vấn pháp luật trực tiếp và online; 342 NKT và người thân được tham gia tập huấn về các chính sách liên quan NKT; 466 NKT và người thân tham gia 12 lớp tập huấn về phòng chống bạo lực giới; hơn 190 phụ nữ khuyết tật được tập huấn về sức khỏe sinh sản… để tự chăm sóc và bảo vệ bản thân, người thân; 275 phụ nữ khuyết tật và phụ nữ là người thân được khám sức khỏe tổng quát và được tư vấn, hướng dẫn miễn phí; 189 NKT được nâng cao kiến thức và kỹ năng về sống độc lập…

Còn ở Thừa Thiên – Huế, Phó giám đốc Sở LĐTBXH Hồ Dần, Trưởng ban Quản lý dự án báo cáo: trong 3 năm triển khai, Dự án đã có hơn 2 nghìn lượt người được nâng cao nhận thức về vấn đề tiếp cận, vấn đề giới, sống độc lập, chăm sóc sức khỏe cho NKT, hòa nhập khuyết tật, công tác xã hội…Tiếng nói của NKT trong việc thực thi các chính sách về NKT tại địa phương thông qua các hoạt động giám sát của dự án đã được nâng cao. Tính đến hết tháng 6/2021, có 1.168 lượt NKT và gia đình NKT được tư vấn miễn phí về các chính sách pháp luật liên quan đến họ thông qua đội ngũ cộng tác viên của Hội NKT và Phòng Luật  ACDC. Đặc biệt, dự án đã xây dựng thí điểm thành công mô hình Nhà trung chuyển tại Trung tâm Y tế huyện Phú Vang và Trung tâm Y tế huyện Phong Điền, đây là một điểm sáng đem lại nhiều hiệu quả thiết thực trong công tác chăm sóc sức khỏe cho NKT.

Nói về thành quả của Dự án, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Nam – Lưu Thị Bích Ngọc – Trưởng ban Quản lý dự án chia sẻ: “Hoạt động của dự án rất nhiều lĩnh vực, tuy nhiên chúng tôi tâm đắc nhất là việc hỗ trợ nâng cao năng lực NKT cũng như việc tiếp cận các chính sách đã được lồng ghép, triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả, kịp thời…”. Mặc dù tỉnh Quảng Nam bắt đầu triển khai từ tháng 03/2019 đến tháng 08/2021, song dự án đã tạo ra nhiều thay đổi tích cực trong nhận thức của các bên liên quan và cả NKT về vấn đề khuyết tật cũng như xây dựng các mô hình mẫu thiết thực, như: Mô hình Nhà trung chuyển, thí điểm tuyến xe buýt tiếp cận cho NKT. Dự án cũng đã hoàn thành 03 đường dốc tiếp cận tại các trụ sở UBND; 01 lối xuống biển tiếp cận cho NKT tại bãi biển Tam Thanh và 01 mô hình nhà chờ xe buýt tiếp cận cho NKT đang được triển khai, có thể áp dụng nhân rộng trong tương lai. Ngoài ra, Dự án này đã góp phần nâng cao năng lực cho NKT và cán bộ Hội NKT. Các lớp tập huấn hòa nhập khuyết tật, đào tạo NKT trở thành giảng viên nguồn về phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, về hòa nhập khuyết tật, sống độc lập… được triển khai đồng bộ và hiệu quả. Kết quả, đã có hơn 2.754 NKT và gia đình NKT được tiếp cận hoạt động của dự án và có những thay đổi rõ nét.

Đến ý kiến người thụ hưởng trực tiếp

Anh Hồ Văn Bôn (31 tuổi) ở bản Klu, xã Đakrông, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị chia sẻ: “Vợ chồng tôi bị khuyết tật mức độ nặng. Năm 2018, tôi được tham gia lớp tập huấn về các chính sách, pháp luật liên quan đến NKT do ACDC tổ chức. Năm 2019, tôi được ACDC nhận làm cộng tác viên thu thập thông tin NKT có nhu cầu được tư vấn các chính sách, pháp luật liên quan đến NKT trên địa bàn huyện Đakrông. Trong 2 năm làm cộng tác viên cho ACDC, mặc dù đôi chân không được lành lặn, nhưng tôi cố gắng đi đến các bản, làng để tìm hiểu, nắm thông tin các trường hợp bị khuyết tật để tư vấn các chính sách, pháp luật cho NKT. NKT là đồng bào dân tộc thiểu số thường chịu nhiều thiệt thòi như việc đi lại khó khăn, không biết tiếng Việt, không biết chữ… nên gặp không ít rào cản khi tiếp cận, nắm bắt các chính sách, pháp luật liên quan đến họ. Đến nay, tôi đã tìm hiểu thông tin, tư vấn các chính sách, pháp luật cho khoảng 90 NKT trên địa bàn huyện Đakrông. Có thể nói, qua việc tư vấn trực tiếp các chính sách, pháp luật liên quan cho NKT đã giúp họ giải đáp các thắc mắc thường gặp phải trong cuộc sống”.

Hồ Văn Bôn (giữa hàng) và những đại biểu có thành tích xuất sắc trong thực hiện dự án được Hội NKT, NNDC, BTNKT&BVQTE tỉnh Quảng Trị tặng Giấy khen

Bà Lê Thị Lõa, NKT huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ: “Nhờ có dự án mà tôi được tham gia nhiều hoạt động như: Tập huấn bạo lực giới, khám sức khỏe, sống độc lập. Từ đó, tôi thấy tự tin, vui vẻ và hòa nhập với cộng đồng.”.

Ông Hứa Quốc Dũng, Chủ tịch Hội NKT tỉnh Quảng Nam phát biểu: Dự án mang lại hiệu quả thiết thực đối với tổ chức NKT và NKT. Đối với tổ chức NKT, được nâng cao về năng lực quản lý, điều hành và nhận thức được những cái mới trong các văn bản, quy phạm pháp luật của nhà nước. Đối với NKT, họ có cơ hội nhiều hơn để tham gia hòa nhập, sống độc lập, tạo cơ hội hòa nhập trong cộng đồng như những người không khuyết tật. Thông qua nhiều hoạt động, nhận thức của chính gia đình NKT và của NKT về sống độc lập và kỹ năng sống độc lập được nâng cao.

Lễ ký biên bản và khánh thành Nhà trung chuyển ở tỉnh Quảng Nam

Ông Nguyễn Văn Chức, NKT huyện Đại Lộc tỉnh Quảng Nam chia sẻ: “Khi chưa tham gia Dự án của ACDC cho NKT của tỉnh Quảng Nam, mọi việc sinh hoạt cá nhân tôi đều phải nhờ vả mọi người, như mẹ, anh chị em trong gia đình. Và sau khi tham gia được một thời gian thì tôi tự tin vào bản thân và rồi tôi tự làm, tôi tự quét nhà rửa chén, dọn dẹp những vật dụng trong nhà, đi chợ nấu ăn, vệ sinh cá nhân riêng của tôi nữa. Xa hơn nữa, mỗi buổi sáng ngủ dậy, anh chị tập về phục hồi chức năng, tôi cũng học theo, rồi tôi cũng tập thể dục trên giường. Tôi cũng không biết nói gì hơn, tôi cảm ơn tất cả bên dự án của ACDC.”.

Ông Trà Quang Cung, NKT huyện Đại Lộc, tỉnh Quang Nam tâm sự: “Mình mà biết sớm đến tổ chức ACDC này thì có lẽ cuộc đời mình thay đổi khác nữa. Nhờ có chuyến đi tập huấn “kỹ năng sống dành cho NKT” do ACDC tổ chức, mình hiểu ra nhiều vấn đề. Trước đây nói chung, mình không tự tin, mình không dám đi ra ngoài, mình cũng ít tiếp xúc với mọi người, tiếp xúc với thế giới xung quanh lắm. Cuộc sống của mình bi quan lắm, nhìn cuộc sống của mình như một màu tối, màu u tối. Nhưng mà nói chung, nhờ qua tổ chức này mà mình biết được nhiều người. Nhiều người họ cũng mới đi, rồi mình tâm sự với nhau thì họ nói họ cũng thay đổi, thấy được sự thay đổi rõ ràng. Còn những người họ chưa đi được nghe mình kể, họ cũng nói mình bữa sau mà có tổ chức thì anh Cung nói cho chúng tôi đi với, họ ưng đi lắm vì hay quá. Có những cái mình ở nhà, mình sinh hoạt mình thấy là hợp lý, nhưng khi tham gia lớp tập huấn rồi mình về thì mới thấy đúng là phải làm như rứa, như rứa thì mới hợp lý”./.

Tuấn Hà

Bài viết liên quan

Thạc sĩ Phạm Văn Hưng, hiệu trưởng Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng đọc diễn văn khai giảng năm học mới.

Lễ khai giảng tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng

Hình ảnh tại chương trình

Nam Định: Trao học bổng cho học sinh vượt khó

bí thư tỉnh ủy

Nam Định: Công bố quyết định thành lập Đảng bộ thành phố và Đảng bộ các phường sau sáp nhập

Hình ảnh minh họa (nguồn internet)

Nam Định: Chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất

Bảo hiểm thương tật, cứu cánh cho người lao động nếu không may tai nạn

Picture1

HOA ĐÀO NỞ MUỘN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang