Loãng xương là một căn bệnh thầm lặng, thường phát triển mà không có bất kỳ triệu chứng hoặc đau đớn nào. Người bị loãng xương thường không thể tự phát hiện cho đến khi xương yếu đi gây đau nhức và dễ bị gãy khi về già, hay bị va chạm. Chính vì vậy, ngăn ngừa gãy xương là ưu tiên hàng đầu của các bác sĩ trong điều trị loãng xương.
Cách duy nhất để phát hiện loãng xương chính là kiểm tra mật độ xương bằng nhiều phương pháp như X-quang quy ước, siêu âm, CT Scan…
Làm gì để ngăn ngừa loãng xương?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, để hạn chế nguy cơ mắc bệnh loãng xương cần duy trì một chế độ ăn uống, vận động hợp lý ngay từ nhỏ cho đến hết cuộc đời. Đặc biệt lưu ý đến chế độ ăn uống cung cấp đủ canxi và Vitamin D theo từng lứa tuổi. Cụ thể:
– Nhu cầu canxi của trẻ em dưới 15 tuổi là 600 – 700 mg/ngày
– Trẻ trên 15 tuổi người lớn là 1000mg/ngày
– Người trên 50 tuổi là 1200 mg/ngày.
Lưu ý, canxi có nhiều trong các thực phẩm như: các loại rau lá xanh đậm, các loại hạt ngũ cốc, phô mai, sữa, tôm cá…
Nhìn chung, nhiều loại thực phẩm có chứa nhiều canxi, do đó chúng ta có thể dễ dàng đáp ứng nhu cầu canxi của mình bằng cách ăn những thực phẩm giàu canxi. Tuy nhiên, đối với người bị thiếu hụt canxi quá mức thì ngoài chế độ ăn uống sinh hoạt khoa học, điều độ, cần phải được điều trị theo đơn của bác sĩ.
Một số biến chứng do hậu quả của loãng xương
– Biến dạng cột sống: Người bệnh loãng xương có thể bị gù vẹo cột sống làm giảm khả năng hoạt động của người bệnh. Nếu bị loãng xương đốt sống ngực có thể dẫn đến biến dạng lồng ngực. Nặng hơn có thể gây khó thở.
– Gãy xương: Đây là biến chứng nguy hiểm hàng đầu trong các biến chứng của loãng xương. Phần lớn tình trạng gãy xương do loãng xương xảy ra ở xương đùi, xương cổ tay, thân đốt sống… Gãy xương không chỉ khiến người bệnh đau đớn, tàn tật mà còn là gánh nặng kinh tế với người bệnh.
– Lún xẹp đốt sống: Lún xẹp đốt sống thường gây đau đớn, tàn tật vĩnh viễn, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người bệnh (giảm chiều cao, tư thế gù).
Theo Báo Điện tử Dân sinh