Hành trình viết tiếp “Giấc mơ nơi thiên đường” của cô gái tài năng và giàu nghị lực

(ĐHVO). Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong hi sinh, gian khổ. Ở đời này không có con đường cùng mà chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có dũng cảm để bước qua ranh giới ấy(Mùa lạc, Nguyễn Khải). Chúng ta thấy câu văn sâu sắc hơn, đời thực hơn khi tìm hiểu về cô gái khiếm thị Nghiêm Thị Thu Loan.

Lần đầu được biết đến Nghiêm Thị Thu Loan – cô gái khiếm thị là tác giả của cuốn sách “Giấc mơ nơi thiên đường” là khi xem chương trình Điều ước thứ 7 của Đài truyền hình Việt Nam, tôi đã rất khâm phục và ngưỡng mộ sự vươn lên khó khăn và khẳng định mình của cô gái ấy.

Nghiêm Thị Thu Loan hiện đang là sinh viên Khoa Truyền thông chuyên nghiệp – Trường Đại học quốc tế RMIT Việt Nam. Ngày bé, Loan bị khuyết tật bẩm sinh với một mắt không thể nhìn thấy và một mắt chỉ nhìn thấy mờ, đến năm 11, 12 tuổi Loan gặp tai nạn khi bị thanh sắt xuyên qua nhãn cầu khiến cho bản thân không nhìn thấy hoàn toàn. Nỗ lực, kiên trì vượt lên tất cả, Loan đang từng ngày vẽ lên bức tranh cuộc đời mình với những gam màu tươi sáng nhất.

Nghiêm Thu Loan

Nghiêm Thu Loan hiện đang là sinh viên Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Quá trình nộp hồ sơ và giành được học bổng toàn phần của Đại học RMIT

Như tất cả các bạn học sinh khác khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Loan có mong muốn được bước vào cánh cổng Đại học để tiếp tục học nâng cao kiến thức, vun đắp thêm con đường theo đuổi tri thức của mình. Thế nhưng, vì là một học sinh khiếm thị đã không cho phép Loan có thể tham dự kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia bình thường như bao người khác mà cô phải nộp hồ sơ vào Đại học theo hình thức tuyển thẳng. Nhưng việc nộp hồ sơ theo hình thức tuyển thẳng cũng không hề dễ dàng với Loan. Khi nộp hồ sơ tại một số trường đại học, Loan đã không tìm được các ngành học phù hợp với hoàn cảnh cũng như mong muốn của bản thân.

Quyết tâm theo đuổi con đường học vấn, Loan đã tự tìm kiếm cho bản thân những giải pháp. Ban đầu cô cảm thấy hoang mang, băn khoăn vì không biết phải làm sao để có thể tiếp tục đi học, nhưng với suy nghĩ giải pháp luôn có nhiều hơn vấn đề, Loan đã nghiêm túc suy nghĩ về con đường học vấn tiếp theo của mình. Được truyền cảm hứng từ người chị gái ruột (cũng là một người khiếm thị), chị đã giành được học bổng toàn phần của Chính phủ Úc để đi du học thạc sĩ; khi đó Loan đã nghĩ rằng, nếu không thể tìm được cơ hội tại một trường công lập trong nước thì có thể đi du học nước ngoài hoặc học theo hình thức du học tại chỗ.

Khi bắt tay vào tìm kiếm các thông tin về học bổng, Loan tình cờ biết được học bổng Chắp cánh ước mơ của Đại học RMIT Việt Nam. Để chuẩn bị tất cả các kỹ năng cần thiết cho một sinh viên quốc tế, Loan đã tự trau dồi, rèn luyện như học tin học, tham gia công tác xã hội… Bên cạnh đó, Loan không ngừng nâng cao kỹ năng tiếng Anh của mình để thi bài thi Ielts đáp ứng tiêu chuẩn đầu vào của Đại học RMIT Việt Nam là 6.5.

Những bước đầu tiên trên hành trình theo đuổi giấc mơ Đại học

Khi bắt đầu học tại trường đại học, việc phải sử dụng các phần mềm hiện đại đối với sinh viên khiếm thị như Loan là một khó khăn không nhỏ, bởi những phần mềm đấy bắt buộc cô phải sử dụng ứng dụng hỗ trợ tiếng nói, đọc màn hình trên máy tính và không phải website, phần mềm nào cũng hỗ trợ đọc được. Bên cạnh đó, vì theo học ngành truyền thông, ngoài việc phát triển các ý tưởng thì sinh viên phải sử dụng hình ảnh, các bài quảng cáo, phần này Loan sẽ gặp khó khăn và đuối hơn so với các bạn sáng mắt về mảng hình ảnh. Nhưng điều đó không đánh gục được cô gái nhỏ, càng khó khăn, thử thách, càng rèn thêm ý chí và sự bền bỉ của bản thân. Ngoài những khó khăn đó, đối với Loan, cô không thấy có vấn đề gì bất tiện khi theo học Đại học, đặc biệt trường còn có dịch vụ hỗ trợ các sinh viên yếu thế nên Loan không bị thụ động, thiếu tài liệu tham khảo trong quá trình học tập. Có lẽ, để được như ngày hôm nay, với Loan, kiên trì với con đường mình đã chọn là điều quan trọng nhất. Không ngừng nuôi dưỡng ước mơ, đấu tranh cho những quyền lợi chính đáng của mình, dù cho bạn là người khuyết tật hay không thì đều có những khó khăn của riêng mình, vì thế phải học cách để vượt qua.

Nghiêm Thu Loan và mẹ

Loan và mẹ của mình (Ảnh: internet)

Năng nổ tham gia các hoạt động xã hội

Bên cạnh việc học, Loan tích cực tham gia các hoạt động xã hội và đi làm thêm như dạy gia sư tiếng Anh, Văn và kỹ năng mềm cho các bạn khiếm thị. Hiện Loan đang là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Step – một câu lạc bộ hành động vì người khiếm thị. Câu lạc bộ được Loan cùng ba người bạn thành lập ra để hỗ trợ người khiếm thị trong học tập, làm việc và các sinh hoạt trong cuộc sống. Không chỉ là Chủ nhiệm câu lạc bộ vì người khiếm thị, Loan còn giữ vị trí trưởng ban liên lạc của mạng lưới sinh viên khiếm thị Hà Nội do Hội người mù Việt Nam thành lập. Mục đích thành lập là hỗ trợ các bạn sinh viên tham gia vào chương trình giáo dục hòa nhập tại các trường đại học một cách thuận lợi hơn.

Ngoài ra, Loan còn tham gia các hoạt động như chuyển đổi định dạng sách từ không tiếp cận sang tiếp cận cho người khiếm thị; thu âm sách văn học sang audio; tổ chức các cuộc thi về văn nghệ, văn học cho người khiếm thị có cơ hội thể hiện khả năng của bản thân. Bên cạnh đó, Loan cũng cùng mọi người giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn như kêu gọi tài chính, đấu tranh quyền đi học, tổ chức các buổi truyền cảm hứng học tập cho các bạn khiếm thị.

Loan mong muốn trong thời gian tới có cơ hội đi diễn thuyết, truyền cảm hứng tới các bạn trẻ, các bạn khiếm thị nhiều hơn cũng như tham gia các cuộc thi như đại sứ văn hóa đọc. Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển Câu lạc bộ, sáng tạo ra nhiều hoạt động mới mẻ hơn để hỗ trợ cho những người khiếm thị.

Vẽ tiếp giấc mơ ngày bé

Ngày còn bé, Loan có ước mơ làm họa sĩ, vì không thể nhìn nên Loan đã phải bỏ dở ước mơ của mình, nhưng điều đó không làm mất đi đam mê đối với vẽ tranh trong cô. Những năm gần đây khi đã trưởng thành, cô mới tiếp tục thực hiện giấc mơ thuở bé. Loan mong muốn gửi đến mọi người, gửi đến thế giới những thông điệp, suy nghĩ của bản thân thông qua các tác phẩm nghệ thuật. Từ khi được học vẽ trở lại, Loan yêu đời hơn, cũng cảm thấy hạnh phúc hơn khi phần tâm nguyện, ước mơ thuở nhỏ được đền đáp. Với Loan, chỉ cần có đam mê, dù cho không trở thành họa sĩ nổi tiếng, cô cũng có thể trở thành họa sĩ của chính bản thân mình.

Bên cạnh công việc học tập, làm thêm, tham gia các hoạt động xã hội, Loan còn viết sách. Cô chính là tác giả của cuốn sách “Giấc mơ nơi thiên đường” – tập truyện ngắn đã được xuất bản. Các câu chuyện trong “Giấc mơ nơi thiên đường” của Loan đều nhẹ nhàng, gần gũi, như dòng nước mát xóa đi mọi nỗi đau, tổn thương mà mỗi chúng ta có thể gặp phải trong cuộc sống, ở đó hiện lên tình người và sự lương thiện qua cảm nhận của trái tim một cô gái khiếm thị. Hiện Loan đang trong quá trình hoàn thiện cuốn sách “Sáng hơn ánh mặt trời” và dự kiến sẽ xuất bản vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022.

Giấc mơ nơi thiên đườngCuốn sách đầu tay của Loan “Giấc mơ nơi thiên đường” (Ảnh: Facebook nhân vật)

Trong cuốn sách đầu tay “Giấc mơ nơi thiên đường” của mình, có một thông điệp mà Loan muốn gửi tới mọi người: “Chúng ta nhìn cuộc đời bằng đôi mắt của những thiên thần, chúng ta sẽ thấy cuộc đời đẹp như thiên đường mà chúng ta mơ ước. Giấc mơ đó không xa xôi, giấc mơ đó ở ngay trong trái tim chúng ta mà thôi, chỉ cần chúng ta cố gắng, lạc quan và tin vào bản thân mình thì chúng ta sẽ biến ước mơ của bản thân thành hiện thực.”

Ninh Hương

Bài viết liên quan

80

CHÚNG TA SẼ HỒI SINH MẠNH MẼ

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – MỘT NHÀ BÁO CÁCH MẠNG LỖI LẠC SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN

bà lịch - PX

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp: Trợ giúp pháp lý thành công cho người nghèo, người khuyết tật

Song-vinh-quan-giu-doi-thuo

Cảm phục tấm gương nữ thương binh vinh dự được Thủ tướng tuyên dương

IMG_0144

Tấm gương thương binh tỷ phú ở Nông trường Mộc Châu

nam

Hà Nam: Phát huy vai trò “Tuổi cao – Gương sáng” của người cao tuổi trong gia đình và xã hội

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang