Hành trình từ trái tim

(ĐHVO). Nguyễn Hoài Nam – Người sáng chế thành công thiết bị chống đạp nhầm chân ga Naso dành cho ô tô, đang được đông đảo giới mê xe quan tâm. Nhưng với anh, đây không phải là sản phẩm đầu tiên ở Việt Nam, giấc mơ lớn hơn là tạo được một điều gì đó có ích thực sự cho cuộc đời này.

Hành trình lạ lùng đến với Naso

Những ngày vào thu, dưới tiết trời mát mẻ của Hà Nội làm chúng tôi có cảm giác gần gũi thân quen ngay từ lần đầu trò chuyện. Dáng vóc của một người đàn ông từng trải sinh năm 1975, trầm mặc, ưu tư. Thoạt nhìn, cứ tưởng chàng kĩ sư này khô cứng, chỉ biết đến ốc vít. Nhưng khi nói chuyện với Nam, tôi mới biết, anh say mê công nghệ và say với giấc mơ của chính bản thân mình.

Anh Nguyễn Hoài Nam đang giới thiệu về sản phẩm Naso trong chương trình “Nhịp sống ô tô” của VTV1

Naso – thực ra đây là một thiết bị an toàn nhằm hỗ trợ người lái xe ô tô chống đạp nhầm chân ga – chân phanh. Để đến với một sản phẩm được công nhận và đưa vào sử dụng thì cả là một con đường lạ lùng.

Hành trình bắt đầu trong một lần tình cờ, anh chứng kiến trực tiếp người hàng xóm thân thiết đang chạy xe số tự động qua đường va vào một chiếc xe máy. Lúc đó, chợ đang họp rất đông, cô ấy giật mình, đạp nhầm chân ga và xe lao đi khoảng 300 – 400m. Mọi người ở chợ chạy tán loạn, người cô cứng đơ, chân cứ ghì vào chân ga mà cứ nghĩ chân phanh mà đạp. May thay xe lao vào cột điện chứ không thì nhiều điều đáng tiếc đã xảy ra. Từ đó anh suy nghĩ và trăn trở, có rất nhiều vụ tai nạn kinh hoàng, nhiều người đã lý giải vì sao lại đạp nhầm chân ga mà không ai làm gì để ngăn chặn việc đó. Thế là anh quyết tâm, đã đến lúc phải làm ngay!

Cảm ơn những cơn đau, để giúp mình bắt đầu!

Nguyễn Hoài Nam quyết định nghiên cứu sản phẩm Naso năm 40 tuổi – độ tuổi mà người ta chỉ muốn ổn định cuộc sống và công việc.  

Nam kể anh có một niềm đam mê kỳ lạ với máy móc. Nam đã từng tốt nghiệp 2 trường đại học đó là trường Sĩ quan chỉ huy kĩ thuật ô tô và đại học Bách Khoa với chuyên ngành quản trị máy. Vào thời điểm năm 1998, anh cũng từng là một kĩ thuật viên có tiếng của những hãng sữa lớn như Nestle, Vinamilk với mức lương khá cao. Nhưng đến thời điểm, anh không tiếp tục làm kĩ thuật hoặc trở thành người quản lý cao hơn, mà trở về nơi mình sinh ra để mở một gara. Anh ấy nói với tôi, giờ đây có khi cuộc sống không đủ đầy như trước nhưng: “tôi bây giờ hạnh phúc lắm vì ngày nào cũng được vặn ốc, hàn cắt sản phẩm mình nghĩ ra”.

Sản phẩm Naso do anh Nguyễn Hoài Nam chế tạo

Là một trong những xưởng cơ khí ô tô đầu tiên tại Ba Vì, nên lượng khách khá đông và xưởng cũng đi vào ổn định. Khi bắt đầu nuôi dưỡng ý tưởng chế tạo sản phẩm Naso, một lần nữa, cũng như chàng kĩ sư năm ấy quyết bỏ việc tại công ty nước ngoài về mở xưởng, thì Nam cũng đã cho thợ nghỉ và tạm đóng cửa xưởng.

Nam dường như quên ăn quên ngủ, mấy năm liền chỉ mày mò và quẩn quanh trong xưởng một mình. Có hôm, đã quá nửa đêm mà nghĩ được ý tưởng gì lại chạy lên xưởng hàn hàn, cắt cắt. “Nhiều người hay nói tôi thần kinh, đang yên đang lành chẳng muốn. Chẳng biết mình có thần kinh thật hay không, lúc nào cũng chân ga, chân ga… ” – Nam cười và nói.

Ban đầu, sản phẩm làm ra cũng cồng kềnh, nhưng Nam nghĩ để đưa sản phẩm lắp được vào xe thì phải thật đơn giản. Naso chỉ can thiệp vào chân ga, không lấy nguồn điện của xe cấp cho Naso, Naso cũng không đưa tín hiệu ngược vào trong xe, chỉ đơn giản đóng ngắt như một dây điện hạn chế tuyệt đối việc thay đổi kết cấu nguyên bản của xe.

Trong quá trình làm sản phẩm, ở Ba Vì lúc ấy còn khó khăn, người dân hầu hết chạy xe bán tải, xe con chứ xe đời mới số tự động rất ít. Anh lại âm thầm xuống xưởng ở Hà Nội xin theo học. Mỗi ngày, đều đặn 5h sáng rồi đến 5h chiều làm anh thợ học việc không lương, chỉ để xem cấu tạo và hình dáng, lực đạp chân ga số tự động như thế nào.

Bán hết cũng phải làm

Nhiều khi mất thời gian và muốn buông bỏ vì anh cũng chưa nghĩ tới sau này sản phẩm có thành công hay được công bố đưa vào sử dụng. Mình chỉ có đam mê, tại sao có nhiều tai nạn xảy ra mà không có gì ngăn chặn lại. Nhầm chân ga là lỗi do lý đầu óc chỉ đạo là chính yếu, mà khi gặp tình huống bất ngờ thì phản xạ không tốt, nên việc ra đời sản phẩm này hoàn toàn là tính thiết yếu cho nhu cầu người sử dụng. Đây là sản phẩm mang tính nhân văn. Kể cả bán nhà cũng làm!

Trong sản phẩm có sử dụng nguyên liệu chính là nam chân vĩnh cửu mà ở Việt Nam không có. Anh phải nhập từ nước ngoài về, mỗi lần như vậy phải nhập theo từng lô. Cứ thế, anh thử đi thử lại biết bao lần, nếu không thích hợp lại phải bỏ nguyên lô hàng ấy.

Để duy trì cuộc sống cho gia đình, khi những đứa con anh đang vào đổ tuổi ăn tuổi học, xưởng thì đã đóng cửa chỉ để nghiên cứu nên không hề có bất kì nguồn thu nào. Năm con gái lớn của anh vào đại học, anh phải bán căn nhà mình đang ở. Cái xưởng hiện tại anh cũng đang cầm cố cho ngân hàng.

Hình ảnh trực tiếp của sản phẩm Naso khi lắp vào xe ô tô

Khi nhìn ra được sản phẩm hoàn thiện thì thấy đơn giản, nhưng càng tối giản bao nhiêu thì lại càng mất nhiều thời gian, công sức bấy nhiêu. Ở Việt Nam, trước đây đã có người nghiên cứu và cho ra mô hình chống đạp nhầm chân ga, nhưng vẫn chưa thể sản xuất sản phẩm tới người tiêu dùng. Những ngày qua, khi sản phẩm ra đời, nhiều người ai cũng bảo có thể bắt chước được. Tôi cười, vì họ không hiểu.  Nhiều người hỏi tôi có buồn không? Tôi cũng cười, vì tôi không quan tâm. Tôi thấy cũng có cái tốt, là nhân chuyện này, có nhiều người chưa biết về sản phẩm của tôi đã mày mò tìm hiểu xem đó là gì. Khi biết rồi thì họ sẽ yên tâm sử dụng. Tôi mừng vì sản phẩm của mình đã được người ta quan tâm và biết đến nhiều hơn. Điều khích lệ tôi nhất, là để khi nhìn lại cuộc đời, mình đã tạo ra được một sản phẩm mang lại an toàn, hạnh phúc cho rất nhiều người.

Giờ đây, Naso đã được công bố và trải nghiệm thành công cho rất nhiều dòng xe trên khắp cả nước. Xưởng cơ khí đóng cửa ngày ấy giờ lại náo nhiệt trở lại với việc sản xuất sản phẩm cung ứng cho đông đảo khách hàng. Mọi tín hiệu tốt đẹp cũng mở ra, anh được một người bạn làm kĩ sư bên Mỹ lắp đặt thử nghiệm thị trường bên ấy cũng rất thành công. Hiện sản phẩm cũng đang được anh hoàn thiện chuyển hồ sơ để làm bản quyền bên đó.

Anh đã đi đúng con đường tự nhiên nhất của giáo dục là giáo dục xuất phát từ con người, phục vụ cho con người để họ trở thành chính họ. Giờ đây anh vẫn hạnh phúc khi được vặn sửa ốc vít mỗi ngày. Anh đã đi ra khỏi những giới hạn, rào cản, nguyên tắc của bản thân để biến thành một phiên bản tốt hơn. Và thực sự đúng, chúng ta không thể chọn cách mình sinh ra, nhưng hoàn toàn có thể chọn cách hành động để trở thành người mình mong muốn.

Châu Phong – Hoà Xuân

Bài viết liên quan

80

CHÚNG TA SẼ HỒI SINH MẠNH MẼ

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – MỘT NHÀ BÁO CÁCH MẠNG LỖI LẠC SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN

bà lịch - PX

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp: Trợ giúp pháp lý thành công cho người nghèo, người khuyết tật

Song-vinh-quan-giu-doi-thuo

Cảm phục tấm gương nữ thương binh vinh dự được Thủ tướng tuyên dương

IMG_0144

Tấm gương thương binh tỷ phú ở Nông trường Mộc Châu

nam

Hà Nam: Phát huy vai trò “Tuổi cao – Gương sáng” của người cao tuổi trong gia đình và xã hội

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang