Hành trình đến với ánh sáng tri thức của chàng trai khiếm thị Hoàng Văn Phú

(ĐHVO). Là một người dân tộc thiểu số bị khiếm thị, anh Hoàng Văn Phú vẫn không gục ngã trước số phận và ước muốn góp phần kiến tạo một xã hội bình đẳng – công bằng – không một ai bỏ lại phía sau.


Anh Hoàng Văn Phú (12/08/1996) sinh ra tại xã Hưng Đạo, TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng. Tuổi thơ của anh cũng bình lặng giống như bao đứa trẻ dân tộc thiểu số khác khi cái nghèo, cái đói vẫn là nỗi lo thường trực trong mỗi gia đình tại Bản Tày. Đối với gia đình anh Phú, 3 sào đất đồi bạc màu mỗi năm hai vụ chẳng đủ nuôi sống gia đình năm người. Anh Phú chia sẻ có khi cả tháng trời bữa cơm nhà anh không có thịt, 3 anh em đều gầy tong teo, trong đó người gầy nhất là anh.

Đến khi lên năm, mắt của anh đột nhiên suy giảm thị lực. Bố mẹ anh lo lắng đưa anh lên bệnh viện huyện khám, bác sĩ chẩn đoán anh bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng dẫn tới thiếu các vi lượng ảnh hưởng đến thị lực. Phần vì gia đình anh khó khăn, phần do nghe lời mách bảo của mọi người xung quanh, bố mẹ đưa anh chạy chữa theo các thầy lang, anh được điều trị bằng phương pháp đắp thuốc nóng vào mắt. Anh Phú chia sẻ: “Tôi vẫn nhớ như in cảm giác thuốc nam nóng rực áp thẳng vào mắt bỏng rát khiến cho tôi, một đứa trẻ 5 tuổi khóc thét”.

Kết quả sau chuỗi ngày điều trị ấy, anh mất hẳn thị lực mà nguyên nhân là do sức nóng của thuốc gây vỡ thủy tinh thể. Đột ngột mất đi thị lực khiến anh rơi vào trạng thái hoảng loạn. Chỉ cần nghe một tiếng động là phát ra trong nhà là anh lại tưởng tượng ra đủ thứ. Dần quen với nỗi sợ, anh bắt đầu đối diện với thực tế đó là mình không thể ngắm nhìn mọi thứ được nữa. Năm tuổi, anh không thể nào hiểu hết những khó khăn của một người khiếm thị nhưng anh biết rằng anh sẽ không được đi học, anh không được chơi những trò chơi ngày bé, cả cuộc sống của anh chỉ quanh quẩn trong bốn bức tường tăm tối.


Tưởng rằng cuộc sống của anh cứ mãi chìm trong bóng tối cho đến khi có một người chú giới thiệu cho anh tham gia lớp dạy chữ nổi braile của Hội người mù tỉnh Cao Bằng. Được tiếp xúc với các cô các chú khiếm thị, được nghe những câu chuyện của họ, ai cũng có một quá khứ khác nhau nhưng tựu chung lại, tất cả họ đều đầy nghị lực vượt qua bóng tối của cuộc đời. Không ít người trong số đó có nguyên nhân khiếm thị là do hạn chế về mặt kinh tế đặc biệt là nhận thức, điều trị bệnh bằng những phương pháp phi khoa học.

Từ đấy, trong tâm trí của anh đã nhen nhóm suy nghĩ mình phải làm gì đó để hỗ trợ những người khiếm thị dân tộc thiểu số quê mình thoát khỏi cái nghèo, cái đói. Và muốn như vậy thì phải đi học và phải học thật giỏi. Lấy đó làm động lực, anh cần cù ngày đêm cùng 6 chấm chữ nổi, và hai tháng sau anh đã có thể đọc thông viết thạo chữ nổi. Có công cụ để học tập, năm 2007, anh đã trở thành học sinh trường Tiểu học Hưng Đạo.

Tốt nghiệp chương trình tiểu học, để tiếp tục hành trình với con chữ, anh khăn gói xuống Thái Nguyên nhập học chương trình THCS tại trường giáo dục hỗ trợ trẻ em bị thiệt thòi tỉnh Thái Nguyên. Năm 2016, anh tiếp tục xuống Hà Nội vừa tham gia học chương trình THPT tại TTGDTX Nguyễn Văn Tố quận Hoàn Kiếm, vừa làm them nghề xoa bóp – bấm huyệt để tự trang trải cuộc sống của bản thân. Với mơ ước giúp những người khuyết tật dân tộc thiểu số nói riêng và cộng đồng dễ bị tổn thương nói chung, năm 2019, anh Phú nộp hồ sơ và trở thành một trong những học sinh được tuyển thẳng vào chuyên ngành Công tác Xã hội – Đại học Khoa học Xã Hội và Nhân Văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Để hiện thực hóa được mơ ước xóa đi cái đói cái nghèo trên mảnh đất quê hương, anh Phú luôn cố gắng trau dồi kiến thức trên ghế giảng đường, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động phát triển cộng đồng. Anh luôn giữ được thành tích tốt trong học tập, đã từng giành được học bổng hợp tác Nhật Bản – Đại học Khoa học Xã Hội và Nhân Văn HB Shinnyo.

Là Đoàn viên thanh niên sôi nổi với công tác thanh niên, tham gia nhiều hoạt động tình nguyện như Xuân ấm Hiền Lương (trao 50 suất quà cho gia đình khó khăn, mỗi suất quà 500.000 VNĐ), Xuân ấm Mỹ Lung (trao 70 suất quà cho học sinh dân tộc thiểu số bao gồm dụng cụ học tập và 500.000 VNĐ tiền mặt), hoạt động bán hàng gây quỹ ủng hộ đồng bào miền Trung bão lũ,… Không những thế, anh còn là người sáng lập, thành viên ban tổ chức của nhiều dự án xã hội hướng tới đối tượng thanh niên khuyết tật như: Dự án đào tạo kỹ năng nấu ăn cho người khiếm thị thành phố Hà Nội, đào tạo kỹ năng nấu ăn cơ bản cho 14 học sinh/ sinh viên khiếm thị, giúp cho các bạn tự lập cuộc sống, Dự án The Project, kết nối 17 bạn khiếm thị và không khiếm thị từ đó phá bỏ định kiến, nâng cao nhận thức của cộng đồng về người khiếm thị, Dự án Hy vọng nâng cao nhận thức của thanh niên trong đó có thanh niên khuyết tật về bạo lực trên cơ sở giới.


Nhờ những cố gắng không biết mệt mỏi và ước mơ hoài bão lớn lao của anh Phú, hiện tại anh đã là sinh viên năm cuối chuyên ngành Công tác Xã hội – Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn (Đại học quốc gia Hà Nội) luôn có thành tích tốt trong học tập. Anh là hạt nhân tích cực của Đoàn trường, đang tham gia lớp cảm tình Đảng và phấn đấu được đứng vào đội ngũ của Đảng quang vinh. Anh Phú đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen như Giấy khen danh hiệu học sinh giỏi TTGDTX Nguyễn Văn Tố quận Hoàn Kiếm, giấy khen của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Bằng khen của Hội Người mù tỉnh Cao Bằng.


Dù biết là những đóng góp của bản thân cho cộng đồng còn hạn chế nhưng anh Phú tin tưởng rằng với sức trẻ, sự nhiệt huyết của bản thân anh sẽ từng bước góp phần kiến tạo một xã hội bình đẳng – công bằng – không ai bị bỏ lại phía sau.

Hồng Liên

Bài viết liên quan

80

CHÚNG TA SẼ HỒI SINH MẠNH MẼ

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – MỘT NHÀ BÁO CÁCH MẠNG LỖI LẠC SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN

bà lịch - PX

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp: Trợ giúp pháp lý thành công cho người nghèo, người khuyết tật

Song-vinh-quan-giu-doi-thuo

Cảm phục tấm gương nữ thương binh vinh dự được Thủ tướng tuyên dương

IMG_0144

Tấm gương thương binh tỷ phú ở Nông trường Mộc Châu

nam

Hà Nam: Phát huy vai trò “Tuổi cao – Gương sáng” của người cao tuổi trong gia đình và xã hội

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang