(ĐHVO). “Cuộc sống không cho bạn tất cả những gì bạn mơ ước, nhưng cuộc sống cho bạn quyền được lựa chọn ước mơ và quyền được thực hiện nó.” Đối với chị Dương Thị Nga – người bị khuyết tật vận động, cuộc sống của chị thật sự ý nghĩa và trọn vẹn khi chị biết giữ gìn và nuôi dưỡng ước mơ, tin vào bản thân và tỏa sáng theo cách của riêng mình và mang đến thông điệp “hạnh phúc luôn ở quanh ta” đến với mọi người đặc biệt là người khuyết tật.
Dương Thị Nga sinh năm 1985, quê ở Cam Thượng, Ba Vì, Hà Nội, hiện chị đang đảm nhiệm chức vụ Phó Ban Thanh niên Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội, Chủ nhiệm CLB Thanh niên khuyết tật huyện Ba Vì, Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Ba Vì. Chị sinh ra và lớn lên trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn và đông anh chị em. Chị là một cô gái nhỏ bé thiếu may mắn khi không có được một cơ thể lành lặn và khỏe mạnh. Chị đã trải qua tuổi thơ vô tư, vô lo, ngây thơ và hồn nhiên trong sự dạy dỗ, đùm bọc, yêu thương của bố mẹ. Năm tháng trôi qua, chị lớn lên và dần ý thức được mọi thứ xung quanh mình. Bỏ qua sự kì thị của một số người, chị vẫn nhận được sự quan tâm giúp đỡ từ thầy cô, bạn bè, người thân do vậy chị rất vui vẻ, lạc quan. Nhờ sự cố gắng hết mình, nhiều năm liền, chị đều đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Hoàn cảnh gia đình không có đủ điều kiện nên chị không thể theo đuổi ước mơ học hành. Năm 18 tuổi, theo sự định hướng của gia đình, chị đi học nghề may với mong muốn sau này có một công việc ổn định. Vì cuộc sống, vì tương lai không muốn mình là gánh nặng của gia đình, xã hội, chị học nghề với tinh thần và quyết tâm cao nhất. Sau hai tháng, khóa học nghề may cơ bản kết thúc, chị đã đạt được thành tích xuất sắc và được đi thực tập tại một công ty may. Cuộc sống xa nhà đầy bỡ ngỡ, khó khăn cộng thêm áp lực công việc và cuộc sống đâu đó vẫn còn quan niệm kỳ thị, chưa được tôn trọng năng lực của người khuyết tật nhưng chị vẫn gạt xuống và cố gắng hết sức để hòa nhập tập thể.
Một thời gian sau, công việc và môi trường sống có nhiều thay đổi, bản thân chị cũng muốn thay đổi, chị quyết định về quê sinh sống và lập nghiệp. Chị tự mình đi xin việc ở quê nhà. Khó khăn chồng chất khó khăn, hai tháng đi xin việc đều bị từ chối, chị quyết định đi học thêm lớp nâng cao tay nghề để tự mình mở tiệm may thời trang. Cuối cùng chị đã mở được một tiệm may nhỏ. Qua thời gian làm hàng hóa, chị có duyên biết đến và trở thành hội viên của Hội người khuyết tật huyện Ba Vì. Sau một thời gian gia nhập hội, nhiệt huyết và nỗ lực của chị đã được ghi nhận và tin tưởng bầu chị làm Chủ nhiệm CLB Thanh niên khuyết tật huyện Ba Vì. Với cương vị là Chủ nhiệm CLB, chị cùng hội tổ chức các buổi họp và chia sẻ cùng các bạn thanh niên khuyết tật rất nhiều vấn đề, qua đó nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, điều mong muốn của các bạn. Chị bắt tay vào lên kế khoạch mở xưởng may, đề xuất được vay vốn ngân hàng, cùng với đó là vay thêm vốn từ anh chị em và mỗi người một ít. Xưởng may của chị bắt đầu đi vào hoạt động với 6 máy cũ và các trang thiết bị khác phục vụ công việc. Xưởng vừa dạy nghề vừa làm việc, đến nay lượng máy đã tăng dần lên hơn 10 đầu máy và dần được chuyển hóa thành máy điện tử.
Với những gì bản thân chị Nga đã trải qua, thấu hiểu sự khó khăn người khuyết tật phải đối mặt, chị luôn mong muốn xưởng may ngày càng phát triển hơn nữa để chị có thể giúp đỡ được nhiều người hơn. Việc mở xưởng và giúp đỡ người khuyết tật được học nghề và tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật của chị đã được Chủ tịch UBND huyện Ba Vì khen thưởng và tặng danh hiệu người tốt việc tốt. Chị chia sẻ: “Bằng những việc làm, hành động thiết thực của mình, tôi muốn đóng góp cho xã hội thật nhiều, lan tỏa điều tốt đẹp và truyền cảm hứng cho mọi người để mọi người có cái nhìn khác về người khuyết tật, giảm bớt sự kì thị, xóa bớt rào cản với người khuyết tật.”
Ngoài ra, với cương vị Phó Ban thanh niên Hội Người khuyết tật TP. Hà Nội, Chủ nhiệm CLB Thanh niên khuyết tật huyện Ba Vì, Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Ba Vì, chị Nga luôn xung kích đi đầu trong các hoạt động hỗ trợ thanh niên khuyết tật trên địa bàn. Tiêu biểu là tổ chức các lớp đào tạo nghề cho các bạn tnkt trên địa bàn hà nội như: kinh doanh online, chăm sóc khách hàng qua điện thoại, nghề may,…; xây dựng được mạng lưới 22 Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật các quận/huyện trên địa bàn TP. Hà Nội; liên hệ và tìm kiếm việc làm cho hàng trăm thanh niên khuyết tật có nhu cầu tìm việc làm trên địa bàn thành phố. Ở mỗi vị trí và vai trò khác nhau chị luôn cố gắng học tập và rèn luyện cũng như trau dồi kiến thức, kinh nghiệm để hoàn thành tốt công việc của mình và mong sẽ giúp được cho nhiều người khuyết tật hơn nữa.
Sau mọi cố gắng, giờ đây chị vinh dự khi đã là một đảng viên, được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chị chia sẻ: “Tôi hạnh phúc vì được cống hiến hết mình, được học tập và làm việc, có thể giúp đỡ người khác, có gia đình bạn bè luôn ở bên dõi theo và ủng hộ. Hạnh phúc với tôi đơn giản lắm, và tôi muốn nói rằng: Hạnh phúc luôn ở quanh ta.” Bởi thế chị Dương Thị Nga xứng đáng là một trong số 50 thanh niên khuyết tật được vinh danh tại chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2022.
Nguyễn Hoa