Hạnh phúc là được cống hiến hết mình!

(ĐHVO). Cuộc đời đẹp khi ta sống có mục đích và lý tưởng! Chị Hà Thị Như Quỳnh (sinh năm 1986) – Giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Ứng dụng Khoa học Tâm lý – Giáo dục CHIC đang trải qua những tháng ngày bình yên, hạnh phúc bên những đứa trẻ “đặc biệt” của mình.

Các cô trò của Trung tâm CHIC tại chương trình Xuân ấm cho em (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Sinh ra trong một gia đình nhỏ ở tỉnh Nam Định, năm 3 tuổi chị Quỳnh bị hỏng hoàn toàn bên mắt trái do bị cát ninh cương đọng trong mắt. Năm 4 tuổi, chị phẫu thuật mổ mắt và phải đeo mắt giả. Từ đó, sự tự ti bắt đầu nảy nở trong tâm hồn trẻ thơ của chị, chị biết mình khác với các bạn, với mọi người xung quanh.

Chị Quỳnh kể: “Do mắt giả tôi đeo to quá khổ, trông quá khác lạ, nên tôi thường bị bạn bè trêu ghẹo là: con mắt lợn luộc, con mắt chột… Thậm chí, tôi còn bị các bạn cào, đánh vì tôi đeo mắt giả, đến nay những vết sẹo trên mặt tôi vẫn còn. Nỗi tự ti luôn đè ép tôi trong những năm tháng thơ ấu, cái tuổi mà với những đứa trẻ khác là sự hồn nhiên, trong sáng, hạnh phúc nhất thì với tôi đó là một khoảng thời gian buồn tủi, sợ hãi.. là những giọt nước mắt và sự trốn tránh. Nhiều lần muốn chia sẻ với mẹ, với gia đình, nhưng tôi lại càng sợ mẹ buồn, sợ người thân thấy mình đau họ còn đau hơn, nên tôi đã cất giấu cảm xúc thật, luôn tỏ ra mình đang vô tư, vui vẻ để mọi người yên tâm”.

Điều may mắn duy nhất mà chị có được trong quá trình trưởng thành, là sự yêu thương, bao bọc của người mẹ tuyệt vời, nhân hậu của mình! Thương con, xót con, bác Tú hiểu hơn bao giờ hết những đắng cay của một người mẹ có con không được lành lặn. Không muốn con mình đầu hàng số phận, chính bác phải là một người mẹ mạnh mẽ. Khi chị Quỳnh học đại học năm thứ hai, bác tham gia Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật thành phố Nam Định. Từ đó đến nay, trong suốt 15 năm, bác coi những đứa trẻ ấy như con và dùng tình thương, kinh nghiệm của mình chăm sóc chúng.

Tình yêu của mẹ đã ươm mầm đam mê, cổ vũ chị Quỳnh trở thành giáo viên giáo dục đặc biệt: “Tôi đến với nghề vào năm tôi 27 tuổi, khi tôi thực sự tuyệt vọng trong chuyện tình cảm. Tôi bị gia đình bạn trai phản đối và nói những lời khó nghe chỉ vì tôi đeo mắt giả, họ nói “Voi 1 ngà – đàn bà 1 mắt” , họ sợ những đứa con tôi sinh ra sẽ… tôi không muốn nhắc đến những từ ngữ đó. Thậm chí, em gái của anh ấy còn gọi cho mẹ tôi để nói những lời nói khó nghe. Lúc ấy tôi tuyệt vọng lắm, tôi đi từ thiện ở một nơi thật xa để chạy trốn thực tại, cân bằng lại cảm xúc. Khi tôi gặp những đứa trẻ khó khăn hơn mình, vất vả hơn mình mà các bạn vẫn cười thật rạng rỡ, tôi nghĩ đến hành trình tôi đã đi, nghĩ đến mẹ … Quãng thời gian ấy khiến tôi nhận ra rằng, sự nhiệt huyết của mẹ đã ngấm vào mình từ bao giờ. Thế là tôi lao vào học, học y sĩ y học cổ truyền, học Giáo dục đặc biệt. Tôi như tìm về đúng bản ngã của mình, đây điều tôi cần làm, tôi muốn làm và là chìa khóa cho những đứa trẻ khuyết tật đang còn tự ti – là phải có trí tuệ, phải được công nhận, phải độc lập.”

Chị Quỳnh tại lễ nhận bằng Thạc sĩ chuyên ngành giáo dục đặc biệt(Ảnh do nhân vật cung cấp)

Tháng 3/2014, chị Quỳnh thành lập Nhà cứu trợ trẻ em khuyết tật Đức Minh. Nói về quá trình lập nghiệp, chị tâm sự: “Lúc mới lập nghiệp cũng không có khó khăn nhiều về tài chính, sức đến đâu tôi làm đến đó. Băn khoăn duy nhất đó là mình còn thiếu sót nhiều thứ, chưa giải đáp được những khó khăn của các con. Làm thế nào để hiểu các con? Làm thế nào để thực sự bước vào thế giới của các con đây? Những băn khoăn, trăn trở ấy thôi thúc tôi quyết tâm tìm ra bằng được cách giải quyết, tôi đọc nhiều sách, ghi chép lại những kinh nghiệm có được qua thực tế.”

Dần dần, trung tâm ngày càng ổn định. Sau đúng bốn năm hoạt động, tháng 3/2018 chị đổi tên Nhà cứu trợ trẻ em khuyết tật Đức Minh thành Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Khoa học Tâm lí Giáo dục- CHIC với quy mô lớn hơn, khang trang hơn. Lý giải về cái tên này, chị Quỳnh chia sẻ: “ Bốn năm trong nghề, tôi không những trau dồi được nhiều kiến thức, kinh nghiệm mà còn càng thấy yêu nghề hơn. Trung tâm hoạt động với tiêu chí “ Mỗi đứa trẻ đều là trọng tâm- Child Is Center – CHIC”, cái tên CHIC ra đời từ đó.”

Thực hiện đúng tiêu chí đề ra, Trung tâm CHIC kết hợp phương pháp ABA- phương pháp phân tích hành vi ứng dụng và trải nghiệm. Chị Quỳnh đi theo triết lý: “Trăm hay không bằng tay quen”, tập trung giúp trẻ thao tác, làm việc, mở ra tư duy. Mỗi giáo viên ở Trung tâm sẽ làm mẫu, hỗ trợ và giảm dần sự hỗ trợ cho đến khi trẻ có thể tự mình thực hiện. Tiết nhóm của chị cũng vô cùng đặc sắc, bao gồm 2 tiết nhóm: Tiết nhóm xã hội chuyên hỗ trợ  kỹ năng vận động cơ lớn, vui chơi, tương tác; Tiết nhóm kỹ năng chuyên hỗ trợ kỹ năng vận động tinh (vận động cơ nhỏ như các khớp bàn tay, ngón tay, ngón chân), các kỹ năng tiền học đường. Những đứa trẻ đến đây với đa dạng khuyết tật, tùy từng dạng tật thì các cô giáo có các kế hoạch can thiệp, thời gian can thiệp khác nhau.

Chị Quỳnh tâm sự: “Chúng tôi ghi nhật ký bằng video để cha mẹ quan sát được cách các cô tương tác và hỗ trợ trẻ. Điều này không những khiến cha mẹ yên tâm hơn về con, mà còn giúp họ giảm bớt áp lực, hiểu được cách giao tiếp với con. Chỉ khi cha mẹ hạnh phúc thì con họ mới hạnh phúc, đó là điều tôi muốn làm.”

Dạy trẻ khỏe mạnh khó một, dạy trẻ khuyết tật khó mười! Công việc này đòi hỏi giáo viên phải hết sức tận tâm, nhiệt huyết với nghề. Chị Quỳnh không tuyển số lượng mà lựa chọn kỹ lưỡng những ứng viên có đủ tình thương, lòng kiên nhẫn. Hiện tại, trung tâm của chị gồm có 10 giáo viên, chuyên dạy dỗ trẻ em dưới 7 tuổi.

Đội ngũ giáo viên của Trung tâm CHIC (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Những công sức và sự đam mê của chị Quỳnh cùng 10 giáo viên Trung tâm CHIC đã gặt được trái ngọt. Gần 800 đứa trẻ đến với Trung tâm, các em không nhận thức, không ngôn ngữ, chậm vận động nhưng nhờ sự bảo ban chăm sóc của các cô giáo đặc biệt ở nơi đây, chúng đã biết đọc, biết vẽ, biết viết, biết nhảy múa vui chơi. Những đứa trẻ từ đây bước ra xã hội không còn nhút nhát, tự ti nấp sau lưng bố mẹ, chúng đã  vui vẻ hơn, năng động hơn, nhiều bạn được đi thi học sinh giỏi, được các thầy cô giáo khen, trở thành niềm tự hào của cả gia đình.

Tâm sự của phụ huynh có con theo học tại Trung tâm CHIC (Ảnh do nhân vật cung cấp)

10 năm hoạt động trong lĩnh vực đặc biệt cũng là 10 năm giúp đỡ những đứa trẻ kém may mắn có thể tự tin độc lập bước ra xã hội rộng lớn, đạp đổ những “bức tường sắt” ngăn cản bước chân các em. Những cống hiến không ngừng của chị đã được ghi nhận: Chứng nhận danh hiệu: “Trí thức vì cộng đồng” do Hội trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam trao tặng ngày 18/6/2017; bằng khen: Đã có thành tích xuất sắc trong giáo dục, chăm sóc, hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật do Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam trao tặng ngày 28/8/2017; bằng khen: Đã có thành tích xuất sắc trong giáo dục, chăm sóc, hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật do Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam trao tặng ngày 04/12/2018; bằng khen: “Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng” đã có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực an sinh xã hội do Bộ trường Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trao tặng ngày 27/11/2020; bằng khen: “Gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu được vinh danh trong chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt nam năm 2020” do Ủy ban Trung ương Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam trao tặng ngày 23/12/2020.

Chị Quỳnh tâm niệm: “Mẹ đã cho tôi tất cả những gì tôi cần, để tôi làm dịu mình lại, để tôi thấy mình có đủ yêu thương, khiến cho những khó khăn của tôi gần như tan biến hết khi bên mẹ. Bây giờ, niềm hạnh phúc của tôi là đem tình yêu ấy đến với những đứa trẻ kém may mắn giống tôi, giúp cho các em sống một cuộc sống vui vẻ, hồn nhiên như bao đứa trẻ khác.”

Để kết bài, tác giả xin phép trích lại những lời tâm sự hết sức tự hào của chị Hà Thị Đoan Trang- chị gái chị Quỳnh khi viết về người em gái của mình: “Quỳnh làm tôi xóa bỏ suy nghĩ về người khuyết tật, là sẽ sống khép kín, sẽ đơn độc, sẽ ở yên một chỗ trong nhà và có khi còn phải nhờ vào sự trợ giúp của người khác…. Nhưng Quỳnh nhà tôi lại có cả một đại gia đình hạnh phúc luôn đồng hành, có bé Sóc yêu ơi là yêu (trộm vía). Cũng chính vì thế, sự nghiệp của nàng đã đi theo tiếng gọi của những em bé kém may mắn, nàng đã hòa mình vào thế giới đó, đã nỗ lực học tập trở thành thạc sĩ Giáo dục đặc biệt, mở ra một Trung tâm dạy trẻ khuyết tật (CHIC), hơn thế nữa, nàng còn sắp xuất bản một Bộ sách chuyên dụng dành cho trẻ có nhu cầu đặc biệt. Tôi viết những dòng này để cùng em mình lan tỏa và truyền cảm hứng cho những ai kém may mắn rằng: “AI CŨNG CÓ QUYỀN ĐƯỢC HẠNH PHÚC! HÃY LUÔN TỰ TIN VÀ COI TRỌNG GIÁ TRỊ BẢN THÂN MÌNH!”

Tiểu Nguyên


Bài viết liên quan

80

CHÚNG TA SẼ HỒI SINH MẠNH MẼ

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – MỘT NHÀ BÁO CÁCH MẠNG LỖI LẠC SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN

bà lịch - PX

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp: Trợ giúp pháp lý thành công cho người nghèo, người khuyết tật

Song-vinh-quan-giu-doi-thuo

Cảm phục tấm gương nữ thương binh vinh dự được Thủ tướng tuyên dương

IMG_0144

Tấm gương thương binh tỷ phú ở Nông trường Mộc Châu

nam

Hà Nam: Phát huy vai trò “Tuổi cao – Gương sáng” của người cao tuổi trong gia đình và xã hội

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang