Hiến mô, tạng, bộ phận cơ thể người sau khi chết não là nghĩa cử góp phần mang lại sự sống cho những người đứng bên lằn ranh sinh – tử. Để có thêm nhiều người hành động vì việc nghĩa, từ năm 2019 đến nay, các cấp Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội đã vận động người dân đăng ký hiến mô, tạng nhân đạo kết hợp với phong trào hiến máu tình nguyện.
Một ca ghép tim tại Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức.
Giới y học chứng minh, việc ghép tạng là phương pháp đặc biệt quan trọng để cứu sống con người, gần như không có phương pháp thay thế. Nhiều cuộc đời đã hồi sinh nhờ được ghép mô, tạng. Từ nguồn tạng hiến (1 gan, 1 tim và 2 thận) của anh V.M.T (tỉnh Yên Bái), Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức đã giúp 4 bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo tìm lại sự sống vào thời điểm giữa năm 2021.
Trên thực tế, số lượng bệnh nhân cần được ghép tạng rất lớn. Theo Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, nước ta thường xuyên có hàng nghìn người cần ghép thận, hàng trăm người cần ghép gan, tim, phổi, tụy…, nhưng nguồn cung khá hiếm. Thời gian qua, nguồn mô, tạng ghép cho bệnh nhân chủ yếu từ người cho đang sống, còn ở các nước phát triển, hơn 90% nguồn cung cấp mô, tạng từ các bệnh nhân chết não, chết do ngưng tim… Người không may bị chết não không thể sống được, nên việc hiến mô, tạng của người chết não là rất cần thiết để cứu sống những người cần tạng thay thế…
Góp phần nối dài sự sống cho bệnh nhân, cùng với ngành Y tế, từ tháng 2-2019, các cấp Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội đã vận động người dân đăng ký hiến mô, tạng nhân đạo kết hợp với phong trào hiến máu tình nguyện. Cuộc vận động được triển khai rộng rãi, làm thay đổi nhận thức của nhiều người. Có thể kể đến trường hợp vợ chồng anh Nguyễn Phi Trường (sinh năm 1979) và chị Đinh Thùy Vân (sinh năm 1986), trú tại phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) đã cùng đăng ký hiến tạng. Anh Nguyễn Phi Trường bày tỏ: “Có thể làm được điều gì đó tốt đẹp hơn cho cuộc sống này, tôi luôn sẵn sàng. Ý nguyện hiến tạng cho y học nếu rơi vào trạng thái chết não, ngưng tim nung nấu trong tôi từ lâu, nên khi Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội phát động, tôi liền đăng ký”.
Cùng đăng ký hiến mô, tạng nhân đạo thông qua Hội Chữ thập đỏ thành phố, anh Phan Anh Tuấn, ở phường Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Qua tìm hiểu giúp tôi nhận ra, việc hiến mô, tạng nhân đạo sau khi chết não mang lại nhiều ý nghĩa. Rất có thể trái tim của người hiến vẫn đập, phổi vẫn thở, đôi mắt vẫn sáng trên một cơ thể nào đó, thật tuyệt vời biết bao. Hơn nữa, khi nguồn cung dồi dào, tình trạng buôn bán nội tạng, mua, bán người chắc chắn sẽ giảm đáng kể”.
Phát huy tinh thần “vì mọi người, ở mọi nơi”, những năm gần đây, hàng chục cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội đăng ký hiến mô, tạng nhân đạo. Tuy nhiên, số lượng người đăng ký hiến chưa đạt kết quả như mong muốn. Chẳng hạn, tại thời điểm phát động cuộc vận động hiến mô, tạng nhân đạo (năm 2019), các cấp hội Chữ thập đỏ trên địa bàn Hà Nội đặt mục tiêu vận động được ít nhất 300 người đăng ký hiến và thiết lập mạng lưới 500 tình nguyện viên tham gia vào hoạt động này. Thế nhưng, cả giai đoạn 2019-2021, thành phố mới có gần 160 người đăng ký hiến mô, tạng nhân đạo, bộ phận cơ thể người sau khi chết não thông qua mạng lưới Hội Chữ thập đỏ. Nguyên nhân chủ yếu là do đa số người dân chưa vượt qua được rào cản tâm lý, chưa hiểu hết ý nghĩa của việc làm này, nên chưa sẵn sàng đăng ký.
Nhằm lan tỏa hành động cao cả, việc làm nhân văn này, giai đoạn 2022-2026, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội Đào Ngọc Triệu cho biết, Hội quan tâm trang bị kiến thức cho cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ về công tác truyền thông, vận động hiến tặng mô, tạng, bộ phận cơ thể người. Đây là lực lượng nòng cốt để triển khai công tác vận động hiến mô, tạng nhân đạo tại cơ sở, giúp người dân hiểu rõ, từng bước đăng ký tham gia.
Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước phát động chương trình hiến mô, tạng nhân đạo trên phạm vi rộng. Dẫu biết việc làm nhân nghĩa này còn gặp rào cản, song với sự đồng lòng, quyết tâm từ nhiều phía, sự ủng hộ của cộng đồng, cuộc vận động hiến mô, tạng nhân đạo sẽ từng bước thắp sáng ngọn lửa nhân ái, góp phần mang lại sự sống, nối dài cuộc đời cho những người mắc bạo bệnh.
Theo Báo Hà Nội mới