Hai thành phố công nghệ Ấn Độ ‘chết ngạt’ vì quá thành công

Theo CNN Business, giống như hàng nghìn người khác, Megha Mathur chuyển đến thành phố Gurgaon vì công việc có thu nhập cao trong ngành công nghệ. Tuy nhiên, cô sớm nhận ra rằng mình sẽ không thể định cư lâu dài tại đây.

Ô nhiễm không khí ở thành phố tồi tệ đến mức cô phải kiểm tra ứng dụng đo chất lượng không khí mỗi ngày vài lần để xác định xem có nên ra khỏi nhà mà không cần đeo khẩu trang hay không.

“Sống ở nơi đây khiến bạn lo âu, trầm cảm”, Mathur, 27 tuổi, than thở. “Thành phố có rất nhiều cơ hội nghề nghiệp tốt, nhưng không phải là nơi tôi muốn sống lâu dài. Và có rất nhiều người cũng suy nghĩ giống như tôi”.

Cái giá của phát triển

Gurgaon cách thủ đô New Delhi khoảng 40 km, là một trong những trung tâm công nghệ mới phát triển của Ấn Độ. Đây là nơi nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài như Google và Microsoft, cũng như những startup lớn Zomoto đặt trụ sở.

Mathur làm việc cho Zomato và chỉ ở Gurgaon 9 tháng tước khi chuyển tới Bangalore cùng hôn phu Harshavardhan Singh.

“Nếu muốn làm việc trong ngành công nghệ tại Ấn Độ thì Bangalore là sự lựa chọn số một”, Singh cho biết. Anh rời OYO để đến với Flipkart, nền tảng thương mại điện tử số một Ấn Độ, hồi năm ngoái.

Bangalore có biệt danh là “Thung lũng Silicon của Ấn Độ”. Đây là nơi Amazon, Ola, Infosys và Wipro đặt trụ sở.

Trong hai thập kỷ qua, Gurgaon và Bangalore phát triển dữ dội với vai trò trung tâm công nghệ của Ấn Độ. Hàng triệu người lao động như Mathur và Singh đã tới hai đô thị này và kiếm được những công việc có thu nhập rất cao.

Các thành phố này đại diện cho một vấn đề nghiêm trọng mà Ấn Độ đang phải đối mặt. Đó là phát triển kinh tế quá nhanh, dẫn tới những hậu quả môi trường khủng khiếp.

Nhu cầu năng lượng của Ấn Độ ngày càng tăng mạnh khi nước này nỗ lực mở rộng ngành sản xuất và công nghệ. Điều đó đồng nghĩa với việc thêm nhiều nhà máy, văn phòng, khu dân cư và phương tiện giao thông cá nhân.

Ấn Độ đặt mục tiêu đáp ứng 40% nhu cầu năng lượng từ các nguồn sạch như điện gió và điện mặt trời vào năm 2030. Đến nay, năng lượng thay thế đã đạt tỷ lệ gần 23%, nhưng Ấn Độ vẫn là một trong những quốc gia nhập khẩu dầu nhiều nhất thế giới. Và hơn 50% điện năng của Ấn Độ vẫn đến từ các nhà máy chạy than.

Cơn bão khủng khiếp

Khi Sanjay Gupta và gia đình chuyển đến Gurgaon năm 1999, thành phố vẫn còn rất kém phát triển. “Thành phố rất vắng vẻ và chúng tôi phải tới New Delhi để sử dụng các dịch vụ cần thiết”, ông cho biết.

Gupta làm việc cho American Express và sớm chuyển tới New York (Mỹ) và Singapore. Ông trở lại Gurgaon vào năm 2006. Khi đó, cơn sốt công nghệ đã bùng lên tại đây. “Bạn có cảm giác rằng mình đang ở trong vùng chiến sự xây dựng”, ông mô tả.

Ngày nay, Gurgaon là một trong những thành phố phát triển nhanh nhất Ấn Độ, và cũng là đô thị có chất lượng không khí tồi tệ nhất, theo dữ liệu của Greenpeace và AirVisual.

Trong tuần đầu tiên của tháng 11, Gurgaon và New Delhi chìm trong một màn sương mù dày đặc. Chính quyền mô tả đó là “tình trạng y tế công khẩn cấp”. Hàng chục chuyến bay bị hủy, nhiều trường học phải đóng cửa.

Ô nhiễm do giao thông và bụi bặm từ các công trình xây dựng là một phần nguyên nhân, bên cạnh việc nông dân đốt rơm rạ. Tình trạng này thường xuyên xảy ra vào mùa đông hàng năm tại Ấn Độ. Các chuyên gia gọi đó là “cơn bão khủng khiếp” và có vẻ như tình hình ngày càng tồi tệ hơn.

“Gurgaon hoàn toàn có thể trở thành một thành phố đẳng cấp thế giới, nhưng còn xa lắm chúng ta mới đạt đến tầm đó”, Latika Thukral than thở. Là cựu giám đốc Citibank, Thukral bỏ việc năm 2004 và sáng lập Am Gurgaon, một tổ chức vì môi trường.

“Làn sóng di cư khỏi Gurgaon đã bắt đầu. Nước sạch thiếu hụt, ô nhiễm vô cùng trầm trọng. Tất nhiên là mọi người bỏ đi thôi”, Thukral nhấn mạnh.

Không khí ô nhiễm trầm trọng ở Gurgaon

10.000 người chen chúc trong chỗ cho 10 người

So với Gurgaon, Bangalore còn phát triển trước. Đô thị này từng được gọi là “thành phố vườn tược”. Nhưng đó chỉ là quá khứ. Ô nhiễm không khí tại Gurgaon nghiêm trọng hơn, nhưng giao thông ở Bangalore tệ hại hơn. Số ôtô tại đây tăng từ 1,4 triệu năm 2000 lên hơn 8 triệu vào năm nay.

Để đi 6,4 km từ nhà tới công ty ở Gurgaon, Singh chỉ mất vỏn vẹn 15 phút. Nhưng tại Bangalore, anh mất hơn một giờ để đi 8,8 km từ nhà đến chỗ làm. Thậm chí có ngày anh mất tới 2,5 giờ. Anh kể ở Flipkart, rất nhiều lần nhân viên email cho sếp xin làm việc tại nhà vì đường xá quá tắc nghẽn.

“Không có giải pháp trước mắt nào cả. Thành phố dường như được xây cho 10 người và giờ có tới 10.000 chen chúc nhau”, Singh than thở.

Theo thống kê của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) hồi năm ngoái, tốc độ di chuyển của xe cộ tại Bangalore vào giờ cao điểm buổi sáng chỉ là 12,8 km/g.

“Thành phố phát triển quá nhanh”, ông B.H. Anilkumar, một quan chức thành phố Bangalore, thừa nhận. Chính quyền địa phương đang tính toán làm đường riêng cho xe buýt và đánh thuế giao thông để giảm sức ép lên đường phố. Nhưng tất cả đều cần có thời gian.

Bangalore không đối mặt với tình trạng sương mù như Gurgaon và New Delhi. Nhưng thành phố cũng rất ô nhiễm. Các nghiên cứu độc lập cho thấy giao thông là nguồn gốc xả khí thải lớn nhất tại thành phố, khoảng 40%.

Tình trạng tắc nghẽn giao thông tại Bangalore

Thiếu nước sạch

Cả Gurgaon và Bangalore đều có một vấn đề chung. Đó là sử dụng nước sạch quá nhiều. Dân số hai thành phố dự kiến tăng gấp đôi trong 10 năm tới, gây sức ép lớn lên hạ tầng. Nghiên cứu của tổ chức NITI Aayog cho biết Gurgaon, Bangalore và 19 thành phố Ấn Độ khác sẽ hết sạch nước ngầm vào năm 2020.

“Tăng trưởng công nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các công ty sẽ chuyển trụ sở tới những địa điểm có đủ lượng nước hơn”, NITI Aayog cảnh báo.

Hàng triệu người ở hai thành phố đã phải nhờ đến dịch vụ cung cấp nước tư nhân bằng xe tải bởi hệ thống cấp nước của chính phủ là không đủ. “Nếu nhìn bản đồ Gurgaon thập niên 1970, bạn sẽ thấy hệ thống suối và kênh rạch chằng chịt. Nhưng giờ tất cả biến mất, trở thành đường xá”, ông M.D. Sinha thuộc Cơ quan Phát triển Đô thị Gurgaon cho biết.

Một số công ty trong lĩnh vực công nghệ như OYO, Flipkart hay Amazon cho biết đang nỗ lực giảm lượng rác thải nhựa và tiết kiệm nước ở Gurgaon và Bangalore. Tuy nhiên các chuyên gia nhận định tình trạng “chết ngạt” ở hai thành phố khó có thể cải thiện trong ngày một ngày hai.

Giờ Mathur đang làm việc tại startup thương mại điện tử Meesho ở Bangalore. Cô cho biết thích Bangalore hơn Gurgaon. Nhưng cô vẫn lo lắng. Cô cho biết rất may mắn vì khu căn hộ mình ở có đủ nước ở thời điểm hiện tại.

“Nhiều người sống ở Bangalore thiếu nước trầm trọng. Tôi sợ rằng vài năm nữa mình cũng sẽ rơi vào tình cảnh đó”, Mathur tâm sự.

KENBI (theo CNN Business)

Bài viết liên quan

Picture1

SỐ HÓA, CHUYỂN ĐỔI SỐ – CƠ HỘI ĐẾN VỚI MỌI NGƯỜI

Picture4

MobiEdu nâng tầm công nghệ mở rộng quy mô, hỗ trợ giảng dạy thông minh

securitybanking2-15787126602111762582207-crop-1578712665780534276090-1712514910683607060654

Thủ tướng yêu cầu tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng

Anh 1 VTT-Globus

TV360 BẮT TAY GLOBUS ACCESS PHÁT TRIỂN TV360 TẠI THỊ TRƯỜNG QUỐC TẾ

Anh 2 ky Radware 2 (1)

VIETTEL THAM GIA HỆ THỐNG GIÁM SÁT TOÀN CẦU VỀ AN NINH MẠNG RADWARE

Anh 1 (1)

VIETTEL LÀ NHÀ KHAI THÁC VIỆT NAM DUY NHẤT THAM GIA SÁNG KIẾN CỔNG MỞ CỦA HIỆP HỘI DI ĐỘNG TOÀN CẦU

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang