Bảo hiểm tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp là một trong những chính sách nhân văn, nhằm hỗ trợ người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động một phần chi phí khi có tai nạn xảy ra. Để chính sách này ngày càng được triển khai sâu rộng, các sở, ban, ngành cùng đơn vị liên quan ở thành phố Hải Phòng đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, giúp người sử dụng lao động, NLĐ nâng cao nhận thức, thực hiện tốt hơn công tác an toàn, vệ sinh lao động.
Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, phòng ngừa tai nạn lao động được các đơn vị đặc biệt quan tâm
Sở LĐTBXH đã tích cực phối hợp với BHXH tỉnh, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức các hội nghị phổ biến, tư vấn chính sách BHXH, BHYT, trong đó lồng ghép tập huấn, phổ biến kiến thức pháp luật ATVSLĐ đến chủ sử dụng lao động, cán bộ làm công tác ATVSLĐ, cán bộ công đoàn và toàn thể NLĐ.
Năm 2021, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, BHXH tỉnh đã chủ động ban hành văn bản; phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo và hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện. Đến ngày 18/7/2021, BHXH tỉnh đã hoàn thành việc gửi thông báo và thực hiện xong chính sách hỗ trợ giảm mức đóng bằng 0% (từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022) vào Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN cho 2.973 đơn vị, tương ứng 43.954 lao động, với số tiền tạm tính trên 13 tỷ đồng.
Ngành LĐTBXH tỉnh đặt mục tiêu, chỉ tiêu, kế hoạch và các giải pháp phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền bằng các hình thức như phổ biến, tập huấn về các quy định của pháp luật về ATVSLĐ để người sử dụng lao động chuyển biến về mặt nhận thức, quan tâm hơn công tác ATVSLĐ; NLĐ nhận thức đầy đủ, nâng cao tinh thần trách nhiệm khi tham gia lao động sản xuất, qua đó góp phần hạn chế thấp nhất TNLĐ xảy ra tại nơi làm việc.
Một buổi họp phổ biến rút kinh nghiệm các vụ tai nạn lao động tại Điện lực An Dương
Xác định công tác ATVSLĐ là nhiệm vụ hết sức quan trọng, gắn với sự tồn tại, phát triển của mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, những năm qua, các cấp, ngành chức năng không ngừng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về ATVSLĐ. Kết quả đạt được là rất đáng khích lệ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác ATVSLĐ vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn. Qua các cuộc thanh tra, kiểm tra cho thấy, nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn… chưa quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bảo hộ lao động, cũng như chưa dành thời gian cho công tác huấn luyện ATVSLĐ; không thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách bảo đảm ATVSLĐ, sức khỏe cho NLĐ.
Trong khi người sử dụng lao động chưa ý thức trách nhiệm, thì đại đa số NLĐ nhận thức còn chưa đầy đủ về ATVSLĐ nên chủ quan, chưa thực hiện đúng quy định về ATVSLĐ, kỹ thuật, quy trình vận hành máy móc trong quá trình lao động, sản xuất. Một số lao động do kinh tế khó khăn, vì cuộc sống mưu sinh vẫn chấp nhận làm việc trong môi trường độc hại, thiếu an toàn. Đây là những nguyên nhân, nguy cơ dẫn đến TNLĐ, BNN.
Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2022 như là 1 hiệu lệnh, lời nhắc nhở mỗi cán bộ Công đoàn, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và toàn xã hội cùng chung tay chăm lo đời sống của công nhân, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh. Đây là điều kiện cần và đủ để thực hiện ngày một tốt hơn việc cải thiện điều kiện làm việc, ngăn ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nâng cao chất lượng đời sống, thu nhập, việc làm của người lao động.
Để khắc phục tình trạng trên, thành phố tập trung thực hiện tốt Tháng hành động về ATVSLĐ vào tháng 5 hàng năm. Các hoạt động diễn ra phải bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả, huy động sự tham gia, phối hợp của các cấp, ngành, các tổ chức, doanh nghiệp, trong cả khu vực có mối quan hệ lao động và khu vực không có mối quan hệ lao động. Về phía chính quyền địa phương, ngành chức năng sẽ đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: phát động các cuộc thi, chiến dịch truyền thông, phát hành ấn phẩm hướng dẫn, tư vấn, tuyên truyền, tập huấn, huấn luyện… về ATVSLĐ. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về ATVSLĐ tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tập trung vào các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nguy cơ, rủi ro cao về TNLĐ, BNN, cháy nổ.
Sức khỏe là vốn quý của mỗi người, do đó, thành phố yêu cầu mỗi công nhân, viên chức, người lao động trong quá trình làm việc phải chấp hành nghiêm nội quy, quy trình và biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động và phòng, chống cháy nổ; tích cực lao động sản xuất, học tập nâng cao trình độ, tay nghề, tham gia sinh hoạt Công đoàn; tuân thủ các giao kết trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể; kịp thời báo cáo với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ xảy ra sự cố kỹ thuật gây mất an toàn lao động hoặc gây bệnh nghề nghiệp. Các cấp Công đoàn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền cùng cấp, lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp để tổ chức các hoạt động thiết thực, hướng về cơ sở. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, lao động giỏi, lao động sáng tạo; bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về lao động; tổ chức các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động; nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các hoạt động của Công đoàn./.
Theo Tạp chí điện tử Lao động và Xã hội