Hà Tĩnh: Trường dạy nghề cho người khuyết tật bị… bỏ hoang!

(ĐHVO). Hoang tàn, xuống cấp và hư hỏng là thực trạng đang diễn ra tại ngôi trường được đầu tư xây dựng với số tiền lên đến 9 tỷ đồng dành cho đối tượng là người khuyết tật trên địa bàn huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh).

Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật ở xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh là một công trình thuộc giai đoạn một của dự án trồng rừng, trang trại chăn nuôi và đào tạo nghề cho người khuyết tật. Công trình do Trung tâm Công tác xã hội – Quỹ bảo trợ trẻ em, tư vấn giao dục nghề nghiệp, phục hồi chức năng cho người khuyết tật (Sở lao động Thương binh và xã hội Hà Tĩnh) làm chủ đầu tư.

Được khởi công xây dựng từ năm 2012 và bắt đầu đi vào sử dụng năm 2015 trên diện tích 1 hecta ở thôn Song Nam với các hạng mục: Phòng học, phòng thực hành, phòng làm việc và khu nhà ở nội trú.

Đây là một dự án được các nhà chức trách kỳ vọng dự án sẽ giúp đào tạo và giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người khuyết tật trên địa bàn. Giai đoạn đầu, công trình được một tổ chức của Đức hỗ trợ kinh phí xây dựng hạ tầng, UBND Tỉnh trích kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng. Giai đoạn hai được dự kiến xây dựng khu trồng trọt và chăn nuôi trên diện tích 68 ha, hiện chưa triển khai do chưa xong công tác đền bù.

Từ năm 2015, khi mới bắt đầu đi vào hoạt động, mỗi năm trung tâm đón khoảng 50 học viên người khuyết tật đến từ nhiều địa phương trong tỉnh. Tại đây các học viên được đào tạo kỹ thuật trồng rừng, chè, nấm, rau quả và chăn nuôi tổng hợp. Bên cạnh đó, trung tâm còn kết hợp mở một số lớp học ngắn hạn về trồng rừng cho người dân sinh sống tại xã Cương Gián.

Tuy nhiên, đến năm 2017 sau khi đưa vào sử dụng một thời gian, học viên ít dần, có lúc chỉ được 10 người. Sau vài khóa thực hành, trung tâm gặp khó khăn, kinh phí duy trì sản xuất không có, đến năm 2018 trung tâm buộc phải dừng hoạt động, hệ thống cơ sở vật chất bỏ hoang. Giữa tháng 1/2021, trung tâm không một bóng người qua lại. Khi dịch Covid- 19 bùng phát nơi này được trưng dụng làm khu vực cách ly phòng dịch.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện các dãy nhà học và công trình phụ trợ gần như bị bỏ hoang, nhiều trang thiết bị đã xuống cấp và hư hỏng, nhiều phòng học hệ thống cửa kính đã bị bể nát, bàn ghế vứt ngổn ngang. Tại khu nhà nội trú là khung cảnh bẩn thỉu, nhếch nhác khiến cho nhiều người không khỏi xót xa. Tiếc khu đất trống bỏ hoang, nhiều người dân sống xung quanh đã trèo vào cải tạo trồng rau.

Nhà bảo vệ cây cối mọc um tùm

Và những cảnh cổng bị khóa chặt chưa biết đến bao giờ mới mở cửa để đón học viên quay trở lại

Toàn bộ các lớp học đều cửa đóng, then cài

Nói về Thực trạng này, một lãnh đạo của Trung tâm Công tác xã hội- Quỹ bảo trợ trẻ em, tư vấn, giao dục nghề nghiệp, phục hồi chức năng cho người khuyết tật Hà Tĩnh cho biết: Hàng năm tỉnh đều bố trí ngân sách đủ phục vụ cho các cơ sở dạy nghề ở thành phố Hà Tĩnh. Riêng ở xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân) thì phụ thuộc vào nguồn xã hội hóa. Sau vài khóa thực hành, trung tâm gặp khó khăn, kinh phí không có để duy trì hoạt động nên đành phải tạm dừng.

Việc trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật trên địa bàn xã Cương Gián phải tạm dừng hoạt động vì lí do kinh phí là việc bất khả kháng, thế nhưng một công trình trị giá 9 tỷ đồng bị bỏ hoang và đang xuống cấp, hư hỏng thực sự là tiếng chuông báo động về câu chuyện lãng phí, về sự hỗ trợ của nhà nước và các tổ chức đối với người khuyết tật. Hy vọng các cơ quan chức năng của Hà Tĩnh sẽ sớm có lời giải cho trung tâm này trở lại hoạt động đúng như bao kỳ vọng mà mong đợi không chỉ riêng người khuyết tật của tỉnh này.

Hà Đan

Bài viết liên quan

Picture1

Ngày hội Hội “Tỏa sáng nghị lực thanh niên Bắc Giang năm 2024”

Picture3

Cần tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật

Picture2

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

Picture3

MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ NĂM 2023

abc

CẦN TRAO THÊM CƠ HỘI CHO “NGƯỜI YẾU THẾ” ĐỂ KHÔNG ĐỂ AI BỊ BỎ LẠI PHÍA SAU

Nguoi khuyet tat Can Tho

Cần Thơ: Triển khai Chương trình Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang