Hà Nội: Tọa đàm “Thúc đẩy thực hiện Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH về việc xác định mức độ khuyết tật”

(ĐHVO). Ngày 20/04, tại khách sạn ATS, Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội đã tổ chức Tọa đàm “Thúc đẩy thực hiện Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH về việc xác định mức độ khuyết tật”.

Bà Dương Thị Vân, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội điều hành buổi Tọa đàm

Tham dự buổi Tọa đàm có bà Đinh Thị Thụy, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam; ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam; bà Dương Thị Vân, Phó Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội; bà Phạm Thị Thu Hằng, Phó Trưởng phòng Bảo trợ xã hội Sở Lao động Thương binh và Xã hội; đại diện các phòng LĐTBXH các quận huyện, các Phó Chủ tịch Hội người khuyết tật thành phố Hà Nội và các đại biểu từ 5 quận huyện trên địa bàn Hà Nội.

Phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm, bà Dương Thị Vân, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của Giấy xác nhận mức độ khuyết tật đối với người khuyết tật như: Học sinh có Giấy xác nhận khuyết tật để được hưởng các chính sách về giáo dục, giáo viên được hưởng chính sách việc giảng dạy đối với trẻ khuyết tật; người khuyết tật có Giấy xác nhận khuyết tật sẽ có cơ hội vay vốn….

Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội cũng mong muốn qua buổi Tọa đàm, các đại biểu sẽ cùng chia sẻ nhưng khó khăn, thuận lợi, khúc mắc để cùng nhau trao đổi, tháo gỡ để người khuyết tật được thực hiện một trong những quyền của mình là quyền được xác nhận mức độ khuyết tật.

Bà Vân cũng cho biết, buổi Tọa đàm được tổ chức trên thực trạng xác định mức độ khuyết tật tại 5 quận huyện trong vùng dự án và trong thời gian tới sẽ mở rộng ra hết các quận huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam phát biểu

tại buổi Tọa Đàm

Thay mặt Liên hiệp hội tham dự và có ý kiến phát biểu tại buổi Tọa đàm, ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam chia sẻ: Hiện nay có khoảng một triệu người khuyết tật được nhận trợ cấp hàng tháng cùng khoảng 2 triệu người khuyết tật được cấp Giấy xác nhận khuyết tật. Như vậy, sau 10 năm thực hiện Luật, có khoảng 30% người khuyết tật đã được cấp giấy chứng nhận… Ông Thanh cũng đề nghị Bộ LĐTB&XH làm việc với bộ Y tế để đưa tự kỷ là một dạng khuyết tật; Bệnh viện tuyến huyện có thể kết luận về mức độ khuyết tật; xác định mức độ khuyết tật lại cho trẻ từ 06 tuổi; Bộ Y tế có danh mục bệnh hiếm, các tổ chức hội ở địa phương nên có các hành động, việc làm của Hội nhằm nâng cao tỷ lệ người khuyết tật được cấp giấy xác nhận mức độ khuyết tật như tuyên truyền, phổ biến, hỗ trợ người khuyết tật địa phương nắm rõ chính sách mà cụ thể ở đây là thông tư 01 để người khuyết tật cũng có thể chủ động thực hiện quyền của mình…

Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu cũng đã được nghe các tham luận của Bà Đinh Thị Thụy – Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam về việc thực hiện Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH; tổng kết hoạt động rà soát, tư vấn thúc đẩy NKT thực hiện XĐMĐKT tại 5 quận/huyện của ông Trịnh Xuân Dũng – Phó Chủ tịch Hội NKT Thành phố Hà Nội; kinh nghiệm “Triển khai các quy định pháp luật liên quan đến xác định mức độ khuyết tật” cho NKT và trẻ khuyết tật tại địa phương của đại diện Hội NKT huyện Gia Lâm; xác định mức độ khuyết tật tự kỷ theo Thông tư 01/2019-BLĐTBXH đặc trưng và kiến nghị của Bà Nguyễn Tuyết Hạnh – Chủ nhiệm CLB Người tự kỷ Hà Nội; Hướng dẫn, chỉ đạo của Sở LĐ-TB&XH trong việc thực hiện “Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH ngày 02/01/2019 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội” tại các quận huyện thị xã trên địa bàn Hà Nội do bà Phạm Thị Thu Hằng – Phó Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐ-TB&XH thành phố Hà Nội trình bày; kinh nghiệm và kết quả khảo sát/rà soát về thực trạng cấp giấy xác nhận khuyết tật tại địa phương khi thực hiện khảo sát của đại diện Hội NKT huyện Đông Anh; chia sẻ về những lợi ích khi được cấp Giấy xác nhận khuyết tật của đại diện Thanh niên khuyết tật Hà Nội; Chia sẻ kinh nghiệm và kết quả khảo sát/rà soát về thực trạng cấp Giấy xác nhận khuyết tật tại địa phương khi thực hiện khảo sát của đại diện Hội NKT quận Hoàng Mai.

Bà Đinh Thị Thụy, Phó Chánh Văn phòng UBQG về người khuyết tật Việt Nam có bài tham luận tại buổi Tọa đàm

Tọa đàm đã ghi nhận rất nhiều những ý kiến, phản ánh, chia sẻ, thắc mắc của các đại biểu tham dự liên quan đến các nội dung như: chính quyền địa phương (cấp xã phường) cần quan tâm nhiều hơn đến các hoạt động của người khuyết tật trên địa bàn, tạo môi trường tiếp cận hơn; người khuyết tật nhẹ chưa được cấp Giấy xác nhận khuyết tật là những ý kiến của đại biểu đến từ huyện Mê Linh. Đại biểu đến từ Long Biên đặt câu hỏi: Có trường hợp trên địa bàn nuôi 3 con khuyết tật nằm liệt một chỗ có được trợ cấp người chăm sóc không? và có ý kiến cần nâng cao nhận thức và thông tin tuyên truyền trên địa bàn về những chính sách liên quan đến người khuyết tật. Đại biểu đến từ Chi hội Người điếc cho biết: Bố mẹ sinh ra 2 người con cùng câm điếc, nhưng mức độ trợ cấp khác nhau và bố mẹ bị câm điếc, sinh ra 2 người con bị điếc nhưng chỉ 1 người được hưởng chính sách; đồng thời vấn đề phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu trong khi xác định mức độ là rất quan trọng để NKT biết rõ tình trạng cũng như biết được hội đồng trả lời như thế nào nhất là trường hợp không có người thân để đi cùng để hỗ trợ. Đại biểu đến từ Ứng Hòa đề nghị cần có sự chỉ đạo từ Sở LĐTBXH Hà Nội để địa phương quan tâm hơn đến hoạt động của người khuyết tật cũng như xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy xác nhận; đại biểu này cũng đưa ra một trường hợp đã được xác định và được trợ cấp, sau đó, qua rà soát, người này đã ổn định nên không được hưởng chế độ nữa, nay lại rơi vào tình trạng khuyết tật như trước đây thì có được hưởng chế độ nữa không. Về phía đại diện cha mẹ trẻ khuyết tật ở Thanh Trì lại có phản ánh đại diện NKT chưa được tham gia Hội đồng cũng như nội dung liên quan đến vay vốn từ ngân hàng chính sách. Hay như phản ánh của ông Thức, Hội Người khuyết tật huyện Gia Lâm cho biết Giấy xác nhận khuyết tật trên địa bàn thì có xã lưu lại, có xã cấp bản phô tô hay chỉ xác nhận khi có việc… Ngoài ra còn có những thắc mắc như người khuyết tật được xác định mức độ khuyết tật, được hưởng trợ cấp nhưng bị thu hồi Giấy xác nhận khuyết tật và yêu cầu hoàn trả số tiền đã hưởng hay người khuyết tật có hộ khẩu trên địa bàn nhưng không có mặt ở địa bàn do sức khỏe yếu có được xác định mức độ khuyết tật hay không?

Đại diện Chi hội Người điếc đặt câu hỏi tại buổi Tọa đàm

Các câu hỏi của các đại biểu đã được chủ tọa điều hành buổi Tọa đàm là bà Dương Thị Vân, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội cùng các khách mời đến từ Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, Sở LĐTBXH Hà Nội giải đáp chi tiết thấu đáo. Theo đó, Giấy xác định mức độ khuyết tật phải được cấp bản chính cho người khuyết tật; trường hợp gia đình chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng sẽ được hưởng chế độ người chăm sóc; các trường hợp không nằm trong quy định là mức độ nặng hay đặc biệt nặng thì cần căn cứ theo bảng chấm điểm để xác định mức độ khuyết tật; những phản ánh về thực trạng địa phương cần cung cấp thông tin chính xác, cụ thể để có cơ sở làm việc trực tiếp; trường hợp NKT đã dừng trợ cấp nay bị lại thì làm thủ tục xác định mức độ khuyết tật như bình thường; đối với trường hợp người khuyết tật không có trên địa bàn thì không thể xác định được mức độ khuyết tật cũng như nếu người khuyết tật bị thu hồi giấy xác nhận khuyết tật và được yêu cầu hoàn trả số tiền trợ cấp đã nhận cần xem xét lại việc có hành vi gian dối để trục lợi chính sách hay không… Về phía Sở LĐTBXH cũng đề nghị Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội tổng hợp tất cả các quận huyện trên địa bàn để có văn bản gửi Sở, trên cơ sở đó Sở sẽ có chỉ đạo chung tới các quận huyện liên quan đến việc xác định mức độ khuyết tật và cấp Giấy xác nhận khuyết tật.

Thay mặt UBQG về người khuyết tật Việt Nam, bà Đinh Thị Thụy đánh giá cao buổi Tọa đàm đồng thời mong muốn các đại biểu tham dự buổi Tọa đàm cần mềm mại hơn và thông cảm cho các cơ quan nhà nước, cũng như đặt mình vào vị trí và góc nhìn để có cái nhìn thấu đáo hơn. Bà Thụy cũng hy vọng qua buổi Tọa đàm sẽ thống nhất cách hiểu những nội dung được quy định tại Thông tư 01 để cùng thực hiện hiệu quả; đối với nội dung nào còn bất cập, chưa rõ ràng Hội sẽ tổng hợp và chuyển UBQG để làm cơ sở đánh giá và sửa luật trong thời gian tới vì có nhiều nội dung chưa được đề cập trong luật nên không thể đưa vào các văn bản dưới luật. Phó Chánh Văn phòng UBQG mong rằng Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội sẽ có nhiều buổi Tọa đàm như thế này với các chủ đề về chính sách đối với người khuyết tật.

Đại diện Hội Người khuyết tật huyện Gia Lâm phát biểu ý kiến tại buổi Tọa đàm

Kết luận buổi Tọa đàm, bà Dương Thị Vân khẳng định: Sau buổi tọa đàm Hội sẽ tập hợp những thông tin để làm cơ sở đề xuất. Hội sẽ có công văn gửi đến hết các hội viên để hỗ trợ những hội viên có mong muốn xác nhận mà chưa làm được. Hội địa phương cần nêu khó khăn, thuận lợi, xác định rõ đối tượng, có danh sách để Hội tập hợp và gửi Sở LĐTBXH để có giải pháp khắc phục để NKT được cấp giấy và hưởng các chế độ chính sách. Hội địa phương cần tuyên truyền cho địa phương. Có nhiều tập huấn để nâng cao kỹ năng chia sẻ.

Tin tưởng rằng, sau buổi Tọa đàm, người khuyết tật cũng như cơ quan quản lý nhà nước sẽ có những giải pháp để có thể thực hiện tốt một trong những quyền cơ bản của người khuyết tật là được cấp Giấy xác nhận khuyết tật, trên cơ sở đó sẽ góp phần hiện thực hóa quyền của người khuyết tật nói chung.

Hải Phong

Bài viết liên quan

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Picture2

Nam Định: Ngành công nghiệp công nghệ cao ghi nhận năng lực mớ

Picture1

HỘI NGHỊ TẬP HUẤN VÀ TRAO ĐỔI, CHIA SẺ KINH NGHIỆM VỀ CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

vn lsu 1

40 năm rực rỡ – Liên hoan văn nghệ Luật sư Hà Nội

clip_image001

NHẬN THƯƠNG YÊU ĐỂ SẺ CHIA THƯƠNG YÊU

Thạc sĩ Phạm Văn Hưng, hiệu trưởng Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng đọc diễn văn khai giảng năm học mới.

Lễ khai giảng tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang