Với mong muốn nâng cao năng lực cho người khuyết tật, thích ứng với những điều kiện, hoàn cảnh trong tình hình mới do dịch bệnh Covid-19 gây ra, đặc biệt là duy trì hiệu quả các hoạt động của Hội Người khuyết tật và CLB phụ nữ khuyết tật, Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội thông qua tài trợ của Quỹ Abilis đã tổ chức hoạt động tập huấn “Thực hành Điều hành hoạt động của Hội NKT/CLB PNKT trực tuyến qua Zoom”.
Toàn cảnh buổi tập huấn trên phần mềm Zoom
Hoạt động sẽ được diễn ra trong 05 ngày 19, 22, 23, 24 và 27/10 với sự tham gia của các đại biểu đến từ Hội Người khuyết tật tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hải Dưong, Hà Giang, Ninh Bình, Hà Nội; Ban vận động thành lập Hội Người khuyết tật thành phố Hải Phòng; CLB NKT huyện Đông Triều, Quảng Ninh; Hội NKT thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên. Hoạt động dự kiến tập huấn cho khoảng 100 người (khoảng 10 thành viên/đơn vị) là lãnh đạo các Hội và CLB Phụ nữ khuyết tật trong mạng lưới các tỉnh miền Bắc, là những thành viên tích cực, nhiệt tình, năng động của các tổ chức Hội/Câu lạc bộ người khuyết tật.
Đây là hoạt động bổ sung nằm trong chuỗi hoạt động của Dự án “Nâng cao năng lực lãnh đạo cho các cán bộ chủ chốt của Hội người khuyết tật và mạng lưới phụ nữ khuyết tật nhằm thúc đẩy bình đẳng giới” do Quỹ Abilis tài trợ; tiếp nối hai hoạt động “Sử dụng Zoom trong Điều hành hoạt động trực tuyến” và “Kỹ năng Điều hành hội nghi/hội thảo và kỹ năng thuyết trình”.
Phát biểu khai mạc buổi Tập huấn, bà Phan Thị Bích Diệp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội chia sẻ: Hoạt động tập huấn “Thực hành Điều hành hoạt động của Hội NKT/CLB PNKT trực tuyến qua Zoom” nằm trong chuỗi hoạt động kỹ năng sử dụng phần mềm zoom để thực hiện các tổ chức hội nghị, hội thảo cũng như các hoạt động động trực tuyến. Mặc dù đây là hoạt động bổ sung nhưng là hoạt động rất quan trọng, bổ ích, cần thiết bởi việc tổ chức các hoạt động trực tuyến hiện nay là rất phổ biến. Bà Diệp cũng cho biết, việc tập huấn trực tuyến như thế này sẽ khó khăn hơn trực tiếp rất nhiều vì đòi hỏi phải có trang thiết bị, cũng như những hỗ trợ, hướng dẫn của giảng viên tập huấn cũng bị hạn chế nhiều hơn… Chính vì vậy, mong muốn các đại biểu tham dự sẽ tập trung và hào hứng tham gia chương trình, vận dụng các kỹ năng, những kiến thức tại các buổi tập huấn trước để áp dụng, vận dụng vào buổi tập huấn này. Bên cạnh việc ôn lại kiến thức, các địa biểu sẽ thực hành việc tổ chức một hội nghị, hội thảo như thực tế sẽ diễn ra, từ các khâu chuẩn bị đến những hoạt động cần có của một buổi hội nghị, hội thảo trực tuyến.
Trên cơ sở thực hành, mọi người sẽ rút được ra những kinh nghiệm, những điểm yếu, hạn chế để cùng trao đổi và bổ sung thêm. Buổi tập huấn bên cạnh dưới sự hướng dẫn từ các giảng viên nguồn (ToT) của Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội, cũng sẽ có giảng viên đến từ Học viện Phụ nữ cũng sẽ trao đổi, chia sẻ và hỗ trợ trực tiếp giải đáp những thắc mắc của đại biểu. – Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật Hà Nội chia sẻ thêm.
Kết thúc bài phát biểu, bà Phan Bích Diệp gửi lời cảm ơn đến các giảng viên hướng dẫn đã hỗ trợ và liên tục rút kinh nghiệm để có những bài học đơn giản, dễ hiểu đến với các đại biểu tham gia tập huấn. Bà Diệp cũng mong muốn sau chuỗi hoạt động như thế này, các đại biểu sẽ sử dụng hiệu quả phần mềm Zoom, thành thục các kỹ năng và vận dụng hiệu quả vào thực tế, tổ chức các hội nghị, hội thảo cũng như các hoạt động trực tuyến một cách thuận lợi.
Tin tưởng rằng, với những ý nghĩa thiết thực của chuỗi hoạt động đi từ cơ bản đến nâng cao, tập trung nhiều vào việc vận dụng kỹ năng để thực hành, với sự tích cực của các học viên cùng sự hướng dẫn của các giảng viên nguồn ToT nhiều kinh nghiệm đến từ Hội và các giảng viên đến từ Học viện Phụ nữ, hoạt động của các tổ chức và câu lạc bộ của người khuyết tật sẽ đạt hiệu quả cao nhất là trong thời điểm dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, các hoạt động trực tiếp phải hạn chế trong tổ chức như hiện nay….
Hải Phong