Hà Nội: Tạo bước chuyển biến mới trong công tác lao động, người có công và xã hội

Đó là lời phát biểu của Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh tại Hội nghị triển khai công tác lao động, người có công và xã hội được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội tổ chức vào sáng ngày 5/1/2023.

 

Trong bối cảnh tình hình khu vực và trong nước có nhiều biến động phức tạp về tiền tệ và lạm phát, Hà Nội còn phải tập trung nhiều nguồn lực cho công tác khắc phục ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 và ứng phó với các bệnh mùa khác, vì vậy có thể nói, thành phố đã gặp không ít khó khăn trong việc triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Trước tình hình đó, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội (Lao động TB&XH) cũng đã phải nỗ lực nhiều lần cùng Thành phố thực hiện tốt chế độ chính sách cho các đối tượng xã hội để công tác an sinh xã hội trên địa bàn luôn được đảm bảo và giữ vững.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh phát biểu tại Hội nghị

Với việc ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch số 246/KH-UBND ngày 01/11/2021 về phục hồi và phát triển kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 trong quý IV/2021 và các năm 2022, 2023 theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, kinh tế Thành phố đã được phục hồi và phát triển. Hơn nữa, Chương trình 08-CTr/TU của Thành ủy “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025” đã được Thành phố triển khai và thực hiện toàn diện với nhiều chính sách đặc thù, vì thế đời sống nhân dân và các đối tượng xã hội, nhất là người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội ngày càng được quan tâm, chăm lo chu đáo.

Trong năm 2022, Hà Nội đã thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Với phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các cấp, các ngành ngay từ đầu năm 2022” theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ và Kế hoạch số 246/KH-UBND ngày 01/11/2021 của UBDN Thành phố, Sở Lao động TB&XH đã tham mưu Thành phố quyết liệt thực hiện các giải pháp hỗ trợ nhằm đảm bảo an sinh xã hội và đời sống nhân dân; trong đó, các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 được tiếp tục thực hiện kịp thời, hiệu quả. Tính đến 31/12/2022, toàn Thành phố đã thẩm định hồ sơ và phê duyệt hỗ trợ cho 2.907.969 lượt đối tượng với kinh phí 2.975,42 tỷ đồng. Cụ thể:

Thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, Thành phố đã hỗ trợ cho 2.610.829 lượt đối tượng (thuộc 12 nhóm) với kinh phí 2.659,769 tỷ đồng và 100% số đối tượng được phê duyệt đã nhận hỗ trợ. Bên cạnh đó, Thực hiện Nghị quyết 15/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 của Thường trực HĐND Thành phố, toàn Thành phố đã hoàn thành việc hỗ trợ cho 297.140 người (thuộc 08 nhóm đối tượng) với số tiền 315,651 tỷ đồng.

Ngoài ra, để giúp người lao động trên địa bàn Thành phố được vay vốn phục hồi sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tạo việc làm, khắc phục ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, UBND Thành phố đã bổ sung 500 tỷ đồng. Hết tháng 10/2021, Ngân hàng chính sách xã hội Thành phố đã thực hiện cho 10.388 lao động vay vốn với số tiền 500 tỷ đồng.

Trước diễn biến phức tạp và tác động tiêu cực do dịch bệnh đối với các tầng lớp nhân dân, Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã trích kinh phí 82,98 tỷ đồng (từ nguồn ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 do Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội chủ trì vận động và quản lý) để hỗ trợ cho 162.529 người khó khăn trên địa bàn Thành phố (bao gồm cả một số người nước ngoài khó khăn đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hà Nội), góp phần giúp người dân giải quyết khó khăn, ổn định cuộc sống. Đặc biệt, một số tổ chức chính trị, xã hội và chính quyền các địa phương cũng đã huy động nhiều nguồn lực xã hội và quà của các nhà hảo tâm để cùng chung sức đồng lòng hỗ trợ cho trên 1,2 triệu lượt người, hộ gia đình  khó khăn trên địa với số tiền 356,964 tỷ đồng.

Thực hiện Quyết định 08/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, Hà Nội đã tiếp nhận, phê duyệt hồ sơ và tổ chức hỗ trợ tiền thuê nhà cho 430.258 lượt lao động của 25.513 đơn vị (bao gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh) với kinh phí 225,419 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp là 409.678 lượt lao động của 23.195 đơn vị với số tiền đã chi trả là 204,839 tỷ đồng; Hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động là 20.573 lượt lao động của 2.317 đơn vị với số tiền đã chi trả là 20,573 tỷ đồng. Nhìn chung, công tác hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động và các đối tượng khó khăn trên địa bàn Thành phố theo chính sách của Trung ương và đặc thù của Thành phố đã được triển khai thực hiện đúng quy định, đúng đối tượng, kịp thời và minh bạch.

Năm 2022, Thành phố giải quyết việc làm cho 203.027/160.000 lao động, đạt 126,9% KH năm, tăng 23.379 lao động được tạo việc làm, tương đương tăng 13% so với cùng kỳ năm 2021. Trong 203.027 lượt lao động được tạo việc làm mới trong năm, có 62.700 lao động được xét duyệt vay vốn từ nguồn vốn ngân sách Thành phố ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố Hà Nội với số tiền khoảng 3.000 tỷ đồng; đưa 5.258 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, chủ yếu là thị trường Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc; giải quyết việc làm cho 18.327 lao động thông qua hệ thống sàn giao dịch việc làm; tự tạo việc làm và tư vấn, giới thiệu việc làm của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ việc làm trên địa bàn Thành phố là 116.742 lao động.

Trong năm, Sở LĐ-TBXH đã tham mưu Thành phố triển khai thực hiện Đề án phát triển quan hệ lao động thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới; đồng thời tham mưu Thành phố ban hành Quy chế quản lý, hoạt động của hòa giải viên lao động và Quyết định bổ nhiệm trọng tài viên lao động và thành lập Hội đồng trọng tài lao động Thành phố nhiệm kỳ 2022-2026.

Cùng với đó, Sở đã thực hiện tốt công tác thẩm định, chấp thuận vị trí việc làm của người nước ngoài lao động tại Việt Nam. Đã tổ chức kiểm tra 20 doanh nghiệp về việc chấp hành các quy định của pháp luật về sử dụng người lao động nước ngoài tại đơn vi, doanh nghiệp có sử dụng lao động lao động nước ngoài. Qua công tác kiểm tra cho thấy các doanh nghiệp cơ bản đã thực hiện cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài, ký hợp đồng lao động, tham gia bảo hiểm xã hội với các trường hợp làm việc từ 1 năm trở lên theo quy định. Kịp thời tháo gỡ vướng mắc, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cấp giấy phép lao động người nước ngoài, tạo thuận lợi nhất cho chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam làm việc.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyển sinh. Tính đến 14/12/2022, đã tuyển sinh và đào tạo cho 251.500/224.500 lượt người, đạt 112% kế hoạch tuyển sinh năm 2022, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2021; chiếm 10,3% tổng số lao động được tuyển sinh và đào tạo chung của cả nước. Có 197.400 học sinh, sinh viên, học viên tốt nghiệp, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 9,4% tổng số học sinh, sinh viên tốt nghiệp trong cả nước; góp phần cung cấp nguồn lao động qua đào tạo cho thị trường lao động.

Năm 2022, Sở và các Phòng Lao động TB&XH quận, huyện, thị xã đã tiếp nhận và giải quyết 23.535 hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi người có công với kinh phí trên 85,5 tỷ đồng. Tổng kinh phí năm 2022 chi cho công tác ưu đãi người có công của Thành phố là 2.215 tỷ đồng. Nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ, thành phố đã vận động được 46,453/23,2 tỷ đồng vào Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, đạt 200,2% KH; tặng 6.208/3.021 sổ tiết kiệm tình nghĩa với kinh phí 9,6 tỷ đồng, đạt 205,5 % KH; tu sửa nâng cấp 143/75 công trình ghi công liệt sĩ với kinh phí trên 99,8 tỷ đồng, đạt 190,7 % KH; vận động xã hội hóa tu sửa, nâng cấp 373/215 nhà ở cho người có công với cách mạng, kinh phí trên 14,3 tỷ đồng, đạt 173,5 % KH. Tổ chức điều dưỡng tập trung 9.397/9.051 người có công, đạt 103,8% KH; tặng 383.397 suất quà cho các đối tượng chính sách theo quy định với số tiền 177,7 tỷ đồng.

Thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau”, tính đến cuối năm 2022, Thành phố giảm được 1.582 hộ nghèo, đạt 218,8% kế hoạch. Cuối năm 2022, toàn Thành phố còn 2.134 hộ nghèo, chiếm 0,095% tổng số hộ dân (trong đó, khu vực nông thôn là 2.128 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,17%). Có 11/12 quận (trừ Hoàng Mai còn 06 hộ nghèo) và 05/18 huyện (gồm: Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì) không còn hộ nghèo; trong đó có 03 quận không còn hộ nghèo, cận nghèo (Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Ba Đình). Trong năm, có thêm quận Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Đông Anh, Thanh Trì không còn hộ nghèo và quận Cầu Giấy, Ba Đình không còn hộ cận nghèo. Hiện, toàn Thành phố còn 22.263 hộ cận nghèo, chiếm 1% tổng số hộ dân toàn Thành phố.

Trong năm, ngành LĐ-TBXH Hà Nội đã thực hiện trợ cấp hàng tháng cho 93.256 người cao tuổi, trong đó có 92.166 người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu và trợ cấp BHXH; 299 người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có người có quyền và nghĩa vụ phụng duỗng. Trợ giúp khó khăn đột xuất cho 16.916 người cao tuổi; 175 hộ gia đình có người cao tuổi được hỗ trợ về nhà ở; có 82 người cao tuổi cô đơn thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội của Thành phố. Thực hiện chi trả trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng cho 90.292 người khuyết tật đặc biệt nặng và nặng; 14.198 hộ gia đình nhận nuôi dưỡng người khuyết tật đặc biệt nặng được nhận trợ cấp theo quy định hiện hành; 100% người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng được cấp thẻ BHYT miễm phí.

Ngoài ra, Hà Nội cũng triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, mô hình bảo vệ, chăm sóc trẻ em; từng bước xây dựng môi trường sống an toàn để trẻ em được phát triển toàn diện. Bình đẳng giới ngày càng thực chất hơn, vai trò và địa vị của phụ nữ không ngừng được nâng lên. Đồng thời, tích cực triển khai các giải pháp phòng, chống mại dâm; thực hiện ngày càng hiệu quả công tác cai nghiện ma túy; nâng cao chất lượng quản lý, giáo dục học viên sau cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện ma túy và tại cộng đồng, phòng chống tái nghiện.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Văn Thanh ghi nhận và đánh giá cao những thành tích mà ngành LĐ-TBXH thành phố đạt được. Điển hình có nhiều thành tựu nổi bật như: thị trường lao động phục hồi mạnh mẽ; công tác giải quyết việc làm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực không ngừng được nâng lên; công tác chăm sóc người có công được quan tâm chăm lo chu đáo… Đồng thời, đề nghị ngành LĐ-TBXH thành phố tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Tập trung đồng bộ, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch năm 2023 của cả nước và của thành phố.

Tăng cường, nâng cao năng lực phân tích, dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình lao động, việc làm, các vấn đề an sinh xã hội; ổn định và phát triển thị trường lao động đảm bảo hiện đại, linh hoạt, bền vững và hiệu quả; đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế – xã hội và họi nhập quốc tế. Làm tốt công tác nghiên cứu, dự báo nhu cầu nhân lực, ứng dụng CNTT trong kết nối cung – cầu lao đôjng của  Thành phố với các tỉnh thành trong cả nước. Đẩy mạnh giải quyết việc làm gắn với nâng cao chất lượng việc làm và thu nhập cho người lao động thông qua các chương trình phát triển kinh tế – xã hội; chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội đồng bộ trong các KKT – KCN để đảm bảo ASXH cho người lao động Tập trung chăm lo đời sống cho người lao động, nhất là lao động nhập cư, các vấn đề liên quan đến nhà ở, tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, xây dựng đời sống văn hoá, tinh thần cho công nhân.

Tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả công tác GDNN, nhất là đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề. Phát triển GDNN, gắn kết chặt chẽ thị trường lao động; rà soát, sắp xếp các cơ sơe GDNN công lập; thực hiện sát nhập các trường không hiệu quả để hình thành trường cao đẳng đa ngành, đảm bảo đào tạo hiệu quả hơn và sinh viên ra trường có việc làm ngay.

Thực hiện đồng bộ hệ thống chính sách ASXH đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội. Thực hiện tốt công tác chăm sóc người có công, bảo trợ xã hội nhằm không ngừng nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho các đối tượng người có công và bảo trợ xã hội; các chính sách giảm nghèo, chính sách BVCSTE, bình đẳng giới, phòng chống TNXH…

Tại Hội nghị, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền và Thứ trưởng Lê Văn Thanh đã trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho ngành LĐ – TBXH thành phố Hà Nội trong thực hiện phong trào thi đua người tốt việc tốt năm 2022. Đồng thời, tặng bằng khen cho các tập thể lao động xuất sắc, các cá nhân có thành tích thi đua xuất sắc trong công tác lao động, người có công và xã hội trong năm qua.

Một số hình ảnh tại Hội nghị:

 

Theo Tạp chí Điện tử Lao động và Xã hội

 

Bài viết liên quan

Picture9

Lễ ra mắt Công ty Cổ phần Phát triển Hướng Dương Việt: Hiện thực hoá ước mơ cho những vầng trăng khuyết

Picture1

Cần tăng cường tính đại diện và tiếng nói của người khuyết tật trong các cơ quan dân cử

Picture2

Chương trình “Hành trình cuộc sống” trao tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của thành phố 140 xe đạp và nhiều phần quà tặng

Picture1

Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”

Picture1

Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình: 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu thi đua “Hai tốt”

Picture1

Khoa Chính trị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Tưng bừng Đêm đại nhạc hội chào đón tân sinh viên “FPS 2024 – Time Capsule”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang