Hà Nội: Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế người khuyết tật và Diễn đàn lắng nghe tiếng nói người khuyết tật

Ngày 02/12/2021, tại Nhà khách 37 Hùng Vương, UBQG về người khuyết tật Việt Nam đã phối hợp cùng Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội tổ chức Lễ Kỷ niệm Ngày Quốc tế người khuyết tật và Diễn đàn lắng nghe tiếng nói của người khuyết tật.

Toàn cảnh buổi Lễ

Tham dự buổi Lễ có ông Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; bà Phạm Thị Hải Hà, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động Thương binh và xã hội; ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam; bà Dương Thị Vân, Phó Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội; ông Nguyễn Trọng Đàm, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam; ông Patrick Haverman, Phó đại diện thường trú, UNDP Việt Nam… Bên cạnh đó, hàng trăm đại biểu đến từ các tổ chức của và vì người khuyết tật, tổ chức quốc tế, phi chính phủ cũng tham dự buổi Lễ và diễn đàn bằng hình thức trực tuyến.

Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi phát biểu tại Buổi Lễ

Phát biểu tại buổi Lễ, ông Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: Những năm qua Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn dành cho người khuyết tật sự quan tâm, chăm lo sâu sắc, được thể hiện bằng các quy định của pháp luật và các chương trình, chính sách trợ giúp cũng như các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã phê chuẩn, tham gia. Số lượng người khuyết tật được tiếp cận với các chính sách, chương trình chăm sóc ngày càng tăng. Hàng năm có hàng triệu người được trợ cấp từ ngân sách nhà nước; hàng trăm nghìn lượt người được hỗ trợ chỉnh hình, phụ hồi chức năng, hỗ trợ phương tiện trợ giúp; 100 % tỉnh thành phố trực thuộc trung ương xây dựng mạng lưới phục hồi chức năng; hệ thống giáo dục ngày càng phát triển giúp cho trẻ khuyết tật có cơ hội được đi học, được phát triển; số lượng người khuyết tật được học nghề và có việc làm gia tăng; các tổ chức hội của và vì người khuyết tật cũng được mở rộng….

Thứ trưởng Bộ Lao động khẳng định: các chính sách, hoạt động trợ giúp người khuyết tật cũng có sự thay đôi căn bản, chuyển từ sự trợ giúp mang tính nhân đạo từ thiện sang trợ giúp theo quan điểm phát triển, tạo động lực để cho người khuyết tật vươn lên. Người khuyết tật được hỗ trợ nhà ở, giáo dục, y tế, tiếp cận giao thông và các công trình xây dựng, được hô trợ dạy nghề, việc làm, vay vốn ưu đãi đê làm kinh tế và hỗ trợ sinh kế,… giúp người khuyết tật tự chăm sóc bản thân minh cũng như có những đóng góp cho cộng đồng, xã hội.

Ông Nguyễn Văn Hồi cho biết thêm: Trong những năm tới, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ những quy định trong Hiến pháp và pháp luật về người khuyết tật, cũng như các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, đặc biệt là sẽ tổng kêt 10 năm thi hành Luật Người khuyết tật trên cơ sở đó nghiên cứu sửa đổi bô sung và đề xuất những nội dung liên quan đưa vào Luật Bảo hiểm y tế, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm, V.V…. để phù hợp với Công ước và thực tiễn.

Bà Dương Thị Vân, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội phát biểu tại buổi Lễ

Đại diện cho Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội phát biểu tại buổi Lễ, bà Dương Thị Vân chia sẻ: Chúng ta chào đón ngày quốc tế NKT năm nay với các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy thực hiện quyền và bình đẳng  cho người khuyết tật trên toàn thế giới, với việc Việt Nam đã và đang thực hiện Công ước của LHQ về quyền của NKT, 10 năm thực hiện Luật NKT, và 17 mục tiêu Phát triển bền vững của Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc vì sự phát triển bền vững với mục tiêu toàn cầu là “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Phó Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam cũng cho biết: Thông qua 1 góc nhìn về sự chuyển đổi cách dùng ngôn từ trong văn bản pháp luật cũng như trong đời sống hàng ngày, cụm từ “Người khuyết tật” được thay cho “Người tàn tật” và “Ngày Người khuyết tật Việt Nam” thay cho “Ngày bảo vệ, chăm sóc Người tàn tật”, chúng ta nhận thấy rằng nhận thức của toàn xã hội và của NKT về vấn đề hoà nhập khuyết tật đã thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn trong nhiều năm qua. Cách tiếp cận vấn đề khuyết tật được chuyển dần từ tiếp cận theo mô hình từ thiện sang cách tiếp cận theo mô hình xã hội, dựa trên quyền của NKT, toàn xã hội chung tay dỡ bỏ rào cản đối với NKT và bản thân NKT chủ động xoá bỏ mặc cảm, tự ti, vượt qua định kiến, kỳ thị NKT vẫn còn đâu đó trong cộng đồng để vươn lên hoà nhập xã hội. Đồng thời, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội tiếp tục nhấn mạnh sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đã được thể hiện bằng những chính sách, quy định của pháp luật.

Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP Việt Nam phát biểu tại buổi Lễ

Đại diện cho Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tham dự và phát biểu tại buổi Lễ, ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện thường trú đã nhắc đến chủ đề của Liên hợp quốc đối với kỷ niệm Ngày Quốc tế người khuyết tật là “Quyền lãnh đạo và tham gia của người khuyết tật hướng tới một thế giới hậu COVID-19 toàn diện, dễ tiếp cận và bền vững“. Bên cạnh đó, Phó đại diện Thường trú UNDP Việt Nam chia sẻ hai thông điệp quan trọng: Thứ nhất, không có gì là của chúng ta mà không bao gồm tất cả chúng ta. Chúng ta đã học được từ quá khứ rằng khi người khuyết tật không được tham gia, những người đưa ra quyết định thay mặt họ không thể thành công trong việc đưa ra quyết định đó… Và Thứ hai,  người khuyết tật không chỉ cần được tham gia xây dựng các chính sách về người khuyết tật, mà cần được tham gia và nhu cầu của họ cần được lồng ghép vào các chính sách quốc gia về phát triển.

Cuối cùng bài phát biểu Phó đại diện Thường trú UNDP Việt Nam khẳng định: UNDP cam kết hợp tác với Chính phủ, các đối tác phát triển và các tổ chức để tăng cường hỗ trợ người khuyết tật ở Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức đa chiều mà họ phải đối mặt trong bối cảnh COVID-19. UNDP công nhận người khuyết tật là đối tác quan trọng trong nỗ lực hướng tới phát triển bền vững ở Việt Nam, chứ không chỉ là đối tượng thụ hưởng. Chúng tôi hỗ trợ mạnh mẽ người khuyết tật nhận ra tiềm năng đầy đủ của họ để đóng góp hiệu quả vào quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế xã hội của đất nước, và xin chúc diễn đàn hôm nay thành công rực rỡ. Hy vọng rằng sự kiện này là bước khởi đầu cho các cuộc tham vấn có ý nghĩa thường xuyên để trao đổi với người khuyết tật trong quá trình xây dựng chính sách.

Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam chia sẻ tại Diễn đàn lắng nghe tiếng nói người khuyết tật

Kết thúc buổi Lễ kỷ niệm, các đại biểu tiếp tục đến với phiên làm việc Diễn đàn lắng nghe tiếng nói người khuyết tật. Đại diện cho Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam chia sẻ về một số khó khăn, thuận lợi trong việc thực hiện chính sách pháp luật đối với người khuyết tật, ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật nhấn mạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong công tác người khuyết tật cùng hệ thống chính sách, pháp luật tương đối đầy đủ và tương thích với Công ước – Đây chính là những thuận lợi quan trọng trong việc thực thi chính sách và pháp luật. Bên cạnh đó các yếu tố như nhận thức của người khuyết tật và cộng đồng đã có nhiều chuyển biến tích cực, được nâng cao; các chương trình, hoạt động của người khuyết tật ngày càng được quan tâm và tham gia của cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền và toàn xã hội; sự phát triển của công nghệ, thông tin trợ giúp cho người khuyết tật… Bên cạnh những thuận lợi, ông Thanh cũng nêu ra một số khó khăn trong việc thực thi chính sách, pháp luật như: Nhận thức và năng lực của người khuyết tật vẫn còn hạn chế; sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức chưa thực sự đồng bộ, nhất quán; nhận thức của cán bộ thực thi chính sách và cộng đồng xã hội vẫn còn cần được nâng cao nhiều hơn; các tổ chức của và vì người khuyết tật tại các địa phương vẫn còn hạn chế cả về chất lượng lẫn số lượng; còn một số “khoảng trống” trong luật pháp và chính sách đối với người khuyết tật. Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam cũng đưa ra một số khuyến nghị trong đó nhấn mạnh đến việc sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thúc đẩy thực thi chính sách cũng như có chế tài xử lý các vi phạm; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, nâng cao nhận thức, năng lực đối với NKT cũng như cộng đồng xã hội về lĩnh vực người khuyết tật…

Diễn đàn cũng được lắng nghe tiếng nói của hàng chục người khuyết tật, đại diện cho các tổ chức của và vì người khuyết tật trong cả nước với những khó khăn, thuận lợi trong việc thực hiện chính sách, pháp luật trong từng lĩnh vực cụ thể: giáo dục, tiếp cận, y tế….

Có thể nói, Chương trình kỷ niệm và Diễn đàn là một hoạt động đầy ý nghĩa chào mừng Ngày Quốc tế người khuyết tật 03/12. Đây cũng là cơ hội để người khuyết tật chia sẻ, trao đổi, nói lên tiếng nói của bản thân, những người đồng cảnh cũng như cộng đồng đồng thời cũng là dịp để các cơ quan chức năng, các tổ chức quốc tế, phi chính phủ, những cá nhân quan tâm đến lĩnh vực người khuyết tật lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng thực tế từ chính những người khuyết tật, đại diện các tổ chức của và vì người khuyết tật.

Thảo Văn

Bài viết liên quan

Picture1

HỘI NGHỊ TẬP HUẤN VÀ TRAO ĐỔI, CHIA SẺ KINH NGHIỆM VỀ CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

vn lsu 1

40 năm rực rỡ – Liên hoan văn nghệ Luật sư Hà Nội

clip_image001

NHẬN THƯƠNG YÊU ĐỂ SẺ CHIA THƯƠNG YÊU

Thạc sĩ Phạm Văn Hưng, hiệu trưởng Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng đọc diễn văn khai giảng năm học mới.

Lễ khai giảng tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng

Hình ảnh tại chương trình

Nam Định: Trao học bổng cho học sinh vượt khó

bí thư tỉnh ủy

Nam Định: Công bố quyết định thành lập Đảng bộ thành phố và Đảng bộ các phường sau sáp nhập

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang