(ĐHVO). Nhân kỷ niệm ngày Người khuyết tật Việt Nam, Hội cha mẹ trẻ khiếm thính & người khiếm thính Việt Nam (VNAP HLC) và Doanh Nghiệp Xã Hội vì Người Khiếm Thính Việt Nam (She+) đã tổ chức chương trình Hành trình âm thanh 2021 – Trao tặng máy trợ thính lần 1 với chủ đề “An toàn – bình đẳng cho người khuyết tật Việt Nam” tại Hà Nội.
Nhân kỷ niệm ngày người Khuyết tật Việt Nam (18/04/2021) diễn ra trong hoàn cảnh dịch Covid-19 vẫn đang là vấn đề phức tạp cả trên thế giới và đất nước cũng như sự kiện chính trị quan trọng của đất nước: bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Với ý nghĩa: an toàn trong đại dịch Covid-19 và bình đẳng trong việc bầu cử, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam đã lấy chủ đề “AN TOÀN – BÌNH ĐẲNG”.
Nhân dịp này, VNAP HLC tổ chức chương trình Kỷ niệm ngày người khuyết tật Việt Nam và lễ trao tặng máy trợ thính lần 1 – Chương trình “Hành trình âm thanh 2021” đã được truyền thông và phát động vào buổi lễ kỷ niệm ngày Chăm sóc thính lực thế giới 3/3/2021 cho 3 gia đình khó khăn tại khu vực miền Bắc: Thái Nguyên – Hải Phòng – Nam Định.
Đến dự buổi lễ có ông Đặng Văn Thanh – Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, bà Đào Thu Hương – Cán Bộ Quyền của Người Khuyết tật, U.NDP Việt Nam, bà Chử Thị Thu Hương – Chủ tịch Hội cha mẹ trẻ khiếm thính Việt Nam, ông Đỗ Thanh Sơn – thầy giáo dạy trẻ câm điếc cùng toàn thể các bậc phụ huynh và trẻ em khuyết tật .
Khai mạc chương trình kỷ niệm ngày Người Khuyết tật Việt Nam là các tiết tục văn nghệ, trình diễn áo dài do các bạn khiếm thính biểu diễn mang đến không khí sôi động và vui tươi, với tinh thần “an toàn – bình đẳng” như chủ đề của chương trình.
Trình diễn thời trang áo dài bởi các bạn khiếm thính
Với phương châm “chúng ta lắng nghe, chúng ta chia sẻ” VNAP HLC đã xây dựng một chương trình cộng đồng mong muốn giúp các công dân có thêm kiến thức để hiểu và bảo vệ thính lực của mình một cách chủ động. Theo WHO tỉ lệ dân số bị mất thính lực ngày càng tăng và có rất nhiều nguyên nhân đặc biệt những người sống môi trường sống ô nhiễm tiếng ồn. Việc mất thính giác có thể diễn ra từ bé, sau ngôn ngữ hoặc tiến triển hoặc do tuổi tác,…. nhưng những hệ lụy của nó không hề nhỏ và gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Nhân dịp này, sự kiện “Hành trình âm thanh 2021” nhằm góp phần giúp cộng đồng thấu hiểu và lan tỏa những hình ảnh, thông điệp tích cực giúp cho người khuyết tật nói chung và người khiếm thính nói riêng được có cơ hội hòa nhập cộng đồng, được thực hiện quyền sinh tồn của mình và được “An toàn – Bình đẳng”. VNAP HLC cũng nỗ lực thúc đẩy và cùng xây dựng một cộng đồng mạnh mẽ hơn vì tương lai và cơ hội sống độc lập cho người khiếm thính Việt Nam nói riêng, người khuyết tật Việt Nam nói chung.
Chị Đào Thu Hương – Cán Bộ Quyền của Người Khuyết tật, U.NDP Việt Nam chia sẻ tại chương trình
Bàn về chủ đề “An toàn – Bình đẳng”, buổi Talk giao lưu được diễn ra với những chia sẻ, bày tỏ, gặp gỡ những tấm gương người khuyết tật “không chấp nhận số phận” vượt lên những khó khăn, nghịch cảnh để mưu cầu quyền bình đẳng. Bà Đào Thu Hương – Cán Bộ Quyền của Người Khuyết tật, U.NDP Việt Nam đã có những chia sẻ để hiểu những khó khăn mà người khuyết tật nói chung và người khiếm thính nói riêng phải đối mặt trong cuộc sống. Bà đã mang đến cho người tham dự chương trình những mảnh đời khó khăn nhưng chất đầy nghị lực sống, vượt qua nghịch cảnh để thỏa niềm đam mê, khát vọng vì một cuộc sống bình đẳng. Từ tâm sự, chia sẻ của bà Đào Thu Hương, chúng ta thấy được liệu chính chúng ta đang có những động thái, suy nghĩ bình đẳng hay bất bình đẳng đối với người khuyết tật.
Trao tặng máy trợ thính lần 1 trong “Chương trình Hành trình âm thanh 2021”
Cũng tại chương trình, VNAP HLC đồng hành cùng She+ đã thành công trao tặng máy trợ thính lần 1 đến với người khiếm thính. Hy vọng, món quà ý nghĩa này sẽ tiếp thêm nghị lực để những người khiếm thính vượt qua rào cản ngôn ngữ, hòa nhập với cuộc sống.
Các gian hàng trưng bày các sản phẩm hướng nghiệp của She+ dành cho các bạn khiếm thính cũng như các sản phẩm của các bạn khiếm thính ở các vùng miền tại Việt Nam cũng được trưng bày trong sự kiện nhằm tô thêm vẻ đẹp và sức sống mãnh liệt của người khuyết tật.
Hy vọng rằng, chúng ta cùng thấu hiểu và lan tỏa những hình ảnh, thông điệp tích cực giúp người khuyết tật nói chung và người khiếm thính nói riêng được có cơ hội hòa nhập cộng đồng, được thực hiện quyền sinh tồn của chính mình và được “An toàn – Bình đẳng”.
Một số hình ảnh tại chương trình:
Công Năng