Hà Nội đồng hành cùng người dân và người lao động vượt qua đại dịch Covid-19

Bằng sự đồng hành và vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, toàn thành phố Hà Nội đã có 1.507.393 người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được phê duyệt hỗ trợ, với tổng số tiền 152,21 tỷ đồng. Cũng từ chính sách đặc thù của Hà Nội, 78.500 hộ/lượt người dân được hỗ trợ tiền, lương thực, thực phẩm trị giá 29,29 tỷ đồng.

Linh hoạt trong điều kiện giãn cách

Đến nay, 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đang khẩn trương hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định 3642/QĐ-UBND. Do đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17 và Chỉ thị 18 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, các địa phương lựa chọn hình thức triển khai linh hoạt, phù hợp với thực tế để hỗ trợ kịp thời cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động nhưng vẫn đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Có thể thấy, lao động tự do là những người bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh Covid-19. Thực hiện chủ trương giãn cách theo Chỉ thị của thành phố, nhiều ngày nay họ nghỉ ở nhà để tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch, đồng nghĩa với không có thu nhập. Với đặc thù lao động tự do “ráo mồ hôi là hết tiền”, cuộc sống vốn đã khó khăn nay càng túng bấn hơn. Chính vì thế, khi nhận được tiền hỗ trợ, họ vô cùng phấn khởi, nhất là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Chi trả hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động và nghỉ việc không hưởng lương huyện Ba Vì

Cầm trên tay số tiền hỗ trợ 1.500.000 đồng, lao động tự do Lê Minh Thư (xóm Nội, thôn Tân Phong, xã Phong Vân, huyện Ba Vì) xúc động chia sẻ: Tôi làm nghề cắt tóc ở trong xóm. Trước đây, mỗi ngày tôi thu nhập được 300.000 đồng nuôi vợ bị tai biến nằm một chỗ, 2 con đang tuổi ăn học. Thực hiện quy định của thành phố Hà Nội, tôi nghỉ làm từ ngày 25/6, cuộc sống của gia đình gặp khó khăn nhiều hơn. Hết tiền, tôi phải vay tiền người thân để mua thuốc cho vợ, đong gạo, mua thức ăn cho các con.

“Được nhận tiền hỗ trợ, tôi đã kịp thời mua gạo để gia đình dùng cho những ngày này. Gia đình tôi xin cảm ơn sự quan tâm kịp thời của các cấp lãnh đạo và mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ để những khó khăn như chúng tôi vượt qua giai đoạn dịch bệnh này” – Lê Minh Thư, chia sẻ.

Đợt dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư bùng phát, nhiều giáo viên mầm non ở các trường ngoài công lập đã phải nghỉ ở nhà không hưởng lương. Do rất khó chuyển đổi công việc, nhất là trong thời buổi giãn cách, nên cuộc sống của họ cũng hết sức túng thiếu. Có giáo viên chuyển sang kinh doanh online nhưng do chưa quen nên hôm có đơn hàng, hôm không. Những giáo viên, cô nuôi có nghề làm nông nghiệp thì trở về gia đình chăm lo cho mảnh ruộng để có gạo, rau xanh ăn qua ngày.

Chị Nguyễn Thị Thục Anh, là một trong 36 người lao động của Trường Mầm non Timeway thực hiện tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương ở huyện Đông Anh. Khi được nhận tiền hỗ trợ 3.710.000 đồng, chị Nguyễn Thị Thục Anh cho biết: Tôi đã nghỉ việc từ tháng 5/2021 đến nay do nhà trường tạm dừng hoạt động. Nhà có 2 sào ruộng trồng cây ăn quả và 3 sào lúa nên cuộc sống của gia đình cũng đỡ vất vả hơn so với những giáo viên khác. Nhưng, vì phải nuôi 2 con ăn học, chồng không có việc làm ổn định nên thỉnh thoảng mình cũng phải vay tiền mua thức ăn cho các con. Số tiền được hỗ trợ, mình sẽ chi tiêu tiết kiệm, chỉ mua đồ ăn và các khoản thiết yếu nhất trong gia đình. Đây là sự hỗ trợ kịp thời, giúp gia đình cùng nhau vượt qua đại dịch…

Khẩn trương hỗ trợ người lao động

Theo thông tin từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội về kết quả thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg trên địa bàn, tính đến ngày 11/8/2021, các Sở, ngành có liên quan và 30 quận, huyện, thị xã đã ra quyết định hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với kinh phí 152,21 tỷ đồng (đã thực hiện được 143,39 tỷ đồng). Trong đó, Bảo hiểm Xã hội thành phố đã thực hiện hỗ trợ giảm mức đóng Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 88.250 đơn vị với 1.476.356 lao động, tổng số tiền thực hiện hỗ trợ giảm đóng là 101,23 tỷ đồng; ra quyết định và thực hiện tạm dừng đóng Quỹ hưu trí, tử tuất cho 34 đơn vị với 2.912 người lao động, số tiền tạm dừng đóng là 20,57 tỷ đồng.

Trao hỗ trợ cho lao động tự do phường Nhật Tân (quận Tây Hồ)

Các quận, huyện, thị xã đã quyết định hỗ trợ 1.123 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động với kinh phí 4,7 tỷ đồng (trong đó, đã chi trả cho 910 lao động với số tiền 3,77 tỷ đồng); quyết định và thực hiện hỗ trợ 16 lao động ngừng việc với số tiền 25 triệu đồng.

Tính đến cuối ngày 11/8, Bộ Tư lệnh Thủ đô, Công an thành phố, Sở Y tế và các quận, huyện, thị xã đã phê duyệt hỗ trợ tiển ăn cho 19.489 người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế, trẻ em. Bao gồm: 1.638 trường hợp F0, 17.805 F1 và hỗ trợ thêm tiền ăn cho 46 trẻ em là F0, F1 với kinh phí 7,19 tỷ đồng (trong đó, đã thực hiện hỗ trợ cho 19.434 người, với kinh phí 7,1 tỷ đồng).

Hiện nay, Sở Du lịch mới thực hiện hỗ trợ cho 1 người lao động là hướng dẫn viên du lịch với số tiền 3,71 triệu đồng.

Các quận, huyện, thị xã đã ra quyết định hỗ trợ cho 5.170 lao động tự do với số tiền 7,75 tỷ đồng (trong đó, đã thực hiện hỗ trợ cho 3.440 lao động 5,16 tỷ đồng).

Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố ra quyết định cho 2 đơn vị vay vốn để trả lương ngừng việc cho 2.426 lao động, với số vốn cho vay 10,72 tỷ đồng (trong đó, đã thực hiện cho 1 đơn vị vay 5,5 tỷ đồng để trả lương ngừng việc cho 1.246 lao động).

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hào Quang, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Ba Vì cho biết: Để khẩn trương hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, đến nay, toàn huyện đã có 392 đơn vị, doanh nghiệp với 4.159 lao động được hỗ trợ giảm đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, số tiền thực hiện trong 12 tháng là hơn 1,2 tỷ đồng; 17 lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được hỗ trợ 86,215 triệu đồng. Huyện Ba Vì đã phê duyệt hỗ trợ cho 410 lao động tự do số tiền 615 triệu đồng.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Thực hiện chính sách đặc thù của Hà Nội, vừa qua, Ủy ban MTTQ Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã ra quyết định và thực hiện hỗ trợ 3.180 hộ nghèo không có người tham gia thị trường lao động, gia đình gặp khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19 với 3.180 suất quà là nhu yếu phẩm trị giá 3,18 tỷ đồng.

Đặc biệt, thực hiện lời kêu gọi “không để ai bị bỏ lại phía sau”, với tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, Ủy ban MTTQ các cấp và một số quận, huyện, thị xã cũng đã huy động nhiều nguồn lực để cùng chung sức hỗ trợ cho các đối tượng còn khó khăn trên địa bàn ổn định cuộc sống. Cụ thể, Ủy ban MTTQ các cấp toàn thành phố đã hỗ trợ 42.084 suất quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các hộ khó khăn trong đợt giãn cách xã hội với số tiền 13,79 tỷ đồng.

Hỗ trợ hộ dân gặp khó khăn tại phường Khương Đình (quận Thanh Xuân)

Điển hình phải kể đến các quận, huyện như: Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Hà Đông, Tây Hồ, Thanh Xuân, thị xã Sơn Tây, Ba Vì, Chương Mỹ, Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài Đức, Mê Linh, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Sóc Sơn, Thạch Thất, Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín đã thực hiện hỗ trợ cho 33.236 lượt người, hộ gia đình gặp khó khăn trên địa bàn với kinh phí 12,32 tỷ đồng…

Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Khương Đình (quận Thanh Xuân) Trần Phương Linh cho biết: Với trách nhiệm của mình, MTTQ và các đoàn thể đã có sự chung tay nhằm hỗ trợ người dân, người lao động vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Trước hết, Ủy ban MTTQ phường rà soát, nắm tình hình, tâm tư nguyện vọng của người dân cũng như, theo dõi và rà soát các trường hợp khó khăn trên địa bàn phường. Đặc biệt là những lao động tự do mất việc làm, người thuê trọ đang bị mắc kẹt ở Thủ đô không về được quê gặp khó khăn trong cuộc sống. Qua rà soát, có trên 1.000 trường hợp gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian dịch Covid-19 này cần được hỗ trợ.

“Từ khi dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát đến nay, Ủy ban MTTQ phường Khương Đình cùng các đoàn thể đã hỗ trợ hơn 1000 suất quà tới các trường hợp gặp khó khăn. Ngoài ra, trên địa bàn phường Khương Đình có 2 điểm phát quà miễn phí (gồm mỳ tôm, rau, trứng…) để những người dân lao động nghèo đến lấy” – Chủ tịch Đình Trần Phương Linh thông tin.

Hiện nay, công tác hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg cũng như người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn đang được các Sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục khẩn trương triển khai thực hiện, đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng và “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Theo Tạp chí điện tử Lao động và Xã hội

Bài viết liên quan

Picture9

Lễ ra mắt Công ty Cổ phần Phát triển Hướng Dương Việt: Hiện thực hoá ước mơ cho những vầng trăng khuyết

Picture1

Cần tăng cường tính đại diện và tiếng nói của người khuyết tật trong các cơ quan dân cử

Picture2

Chương trình “Hành trình cuộc sống” trao tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của thành phố 140 xe đạp và nhiều phần quà tặng

Picture1

Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”

Picture1

Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình: 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu thi đua “Hai tốt”

Picture1

Khoa Chính trị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Tưng bừng Đêm đại nhạc hội chào đón tân sinh viên “FPS 2024 – Time Capsule”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang