Năm 2022, tỉnh Hà Giang sẽ tập trung thực hiện hiệu quả các chính sách pháp luật về chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng và các chính sách khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người cao tuổi, nhất là người cao tuổi thuộc hộ nghèo, người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Giang có hơn 67.000 người cao tuổi, chiếm 7,5% dân số toàn tỉnh. Những năm qua, công tác chăm sóc người cao tuổi được coi là nhiệm vụ quan trọng của tỉnh, các hoạt chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được quan tâm. Toàn tỉnh có 100% người cao tuổi thuộc các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng khó khăn, người cao tuổi thuộc diện trợ giúp xã hội được cấp phát thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí; việc tổ chức khám, chữa bệnh nói chung, trong đó có hoạt động khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT được đặc biệt chú trọng, tạo thuận tiện cho người dân. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 9/16 bệnh viện đã thành lập Khoa Lão khoa như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Y dược Cổ truyền, Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa khu vực huyện Yên Minh, Bắc Quang, Hoàng Su Phì… Qua đó tạo thuận lợi cho người cao tuổi đến khám, điều trị bệnh.
Tận tình hướng dẫn người cao tuổi đến thăm khám sức khỏe tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang)
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác này, 1/3/2022, tỉnh Hà Giang đã ban hành kế hoạch hoạch thực hiện công tác người cao tuổi năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, đối với nhiệm vụ trợ giúp y tế, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, tỉnh Hà Giang sẽ thực hiện hiệu quả các chính sách pháp luật về chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng và các chính sách khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người cao tuổi, nhất là người cao tuổi thuộc hộ nghèo, người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Triển khai thực hiện kịp thời chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám sức khỏe định kỳ, lập sổ quản lý theo dõi sức khỏe người cao tuổi ở y tế tuyến xã; thực hiện khám chữa bệnh tại nhà cho người cao tuổi không có điều kiện đến cơ sở khám chữa bệnh.
Qua đó, đảm bảo thực hiện đạt chỉ tiêu ít nhất 98% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế; ít nhất 90% người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe ban đầu kịp thời, khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe; 100% người cao tuổi khi ốm đau, dịch bệnh được khám chữa bệnh và được hưởng sự chăm sóc của gia đình và cộng đồng.
Đồng thời, phát triển khoa lão khoa tại các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh; bệnh viện tuyến huyện có bộ phận lão khoa, đảm bảo thực hiện đạt chỉ tiêu có ít nhất 50% bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa (trừ bệnh viện chuyên khoa Nhi, bệnh viện Điều dưỡng – Phục hồi chức năng), bệnh viện y học cổ truyền có quy mô từ 50 giường bệnh trở lên tổ chức buồng khám bệnh riêng cho người cao tuổi tại khoa khám bệnh, bố trí giường bệnh điều trị nội trú cho người cao tuổi và 50% các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa cấp tỉnh có khoa lão khoa.
Bên cạnh đó, phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ phát hiện sớm bệnh tật, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng và phẫu thuật chỉnh hình, cung cấp dụng cụ trợ giúp cho người cao tuổi. Qua đó, đảm bảo thực hiện đạt chỉ tiêu ítt nhất 80% người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới nhiều hình thức khác nhau; 70% người cao tuổi khuyết tật được sàng lọc, phát hiện các dạng khuyết tật và được can thiệp, phục hồi chức năng; ít nhất 50% gia đình có người cao tuổi bị bệnh suy giảm trí nhớ, khuyết tật nặng và có vấn đề khó khăn khác được tập huấn, hướng dẫn, nâng cao nhận thức, kỹ năng về chăm sóc, trợ giúp và phục hồi chức năng cho người cao tuổi.
Về nhiệm vụ phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội cung cấp dịch vụ chăm sóc, phục hồi chức năng đối với người cao tuổi, Hà Giang sẽ hỗ trợ đầu tư cho các cơ sở trợ giúp xã hội về cơ sở vật chất, kỹ thuật và trang thiết bị đạt tiêu chuẩn quy định, bảo đảm có các phân khu chức năng, các hạng mục công trình đáp ứng hoạt động chăm sóc, phục hồi chức năng cho người cao tuổi; xây dựng và thực hiện hỗ trợ thí điểm mô hình chăm sóc dài hạn đối với người cao tuổi tại cộng đồng cho người cao tuổi độc thân, người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa; thực hiện thí điểm ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần đối với khu vực tư nhân cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn.
Qua đó, đảm bảo thực hiện đạt chỉ tiêu có ít nhất 50% người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, không có người phụng dưỡng được chăm sóc, phục hồi chức năng và trợ giúp phù hợp tại các cơ sở phục hồi chức năng và cơ sở trợ giúp xã hội; ít nhất 80% người cao tuổi tâm thần nặng, người cao tuổi lang thang được tiếp nhận, chăm sóc, phục hồi chức năng tại các cơ sở trợ giúp xã hội.
Đối với giải pháp trợ giúp giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế, nhà ở cho người cao tuổi, năm 2022, tỉnh đặt mục tiêu giới thiệu việc làm, hướng nghiệp cho người cao tuổi, ưu tiên hỗ trợ người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn; đảm bảo thực hiện đạt chỉ tiêu có ít nhất 220 người cao tuổi được hỗ trợ hướng nghiệp, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm.
Đồng thời, hỗ trợ thí điểm mô hình khởi nghiệp phù hợp với người cao tuổi; hỗ trợ các cơ sở của người cao tuổi phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ phù hợp quy mô, trình độ quản lý; ưu tiên được vay vốn với lãi suất ưu đãi để tạo việc làm, tăng thu nhập.Đảm bảo thực hiện đạt chỉ tiêu ít nhất 220 hộ gia đình có người cao tuổi có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn khởi nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh với lãi suất ưu đãi.
Năm 2022, tỉnh Hà Giang sẽ tập trung hỗ trợ xây dựng mô hình nhà xã hội chăm sóc người cao tuổi độc thân, người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa, bảo đảm người cao tuổi không phải sống trong nhà dột, nát; vận động xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân để huy động nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo, xây dựng mới, sửa chữa xóa nhà tạm, dột nát cho người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh…