(ĐHVO) Văn hóa đọc ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và phát triển đã mở ra rất nhiều cơ hội mới và cả những khó khăn, thách thức trước sự phát triển như vũ bão của các phương tịn thông tin đại chúng và các tiện ích xã hội như truyền hình, facebook, youtube….
Văn hóa đọc là gì?
Văn hóa đọc là một khái niệm có 2 nghĩa, một nghĩa rộng và một nghĩa hẹp. Ở nghĩa rộng, đó là ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, của cộng đồng xã hội, của các nhà quản lý và cơ quan nhà nước. Như vậy văn hóa đọc ở nghĩa rộng là sự hợp thành của ba lớp như ba vòng tròn không đồng tâm, ba vòng tròn giao nhau. Còn ở nghĩa hẹp, đó là ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân. Ứng xử, giá trị và chuẩn mực này cũng bao gồm ba thành phần: Thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc. Ba thành phần này cũng là ba lớp, ba vòng tròn không đồng tâm, ba vòng tròn giao nhau.
Điều đó có nghĩa là để văn hóa đọc của cộng đồng phát triển thì văn hóa đọc của mỗi cá nhân trong cộng đồng cũng cần được phát triển. Mỗi cá nhân cần có được thói quen đọc, sở thích độ và kỹ năng đọc lành mạnh. Đây chính là nền tảng của một xã hội học tập, là yêu cầu và thách thức của xã hội hiện đại ngày nay.
Tác dụng của việc đọc sách không dừng lại ở việc tiếp thu kiến thức mà còn là một biện pháp để hoàn thiện con người, rèn luyện những kỹ năng để thích ứng với hoàn cảnh, môi trường xung quanh.
Ảnh thế hệ trẻ đọc sách – ảnh minh họa ( nguồn internet)
Quan sát cuộc sống giai đoạn hiện nay cho thấy phần nhiều giới trẻ tỏ ra coi nhẹ sách. Họ dường như thờ ơ với việc đọc sách, chưa có thói quen đọc sách một cách thực sự nghiêm túc và đúng đắn. Một số khác thì vì một lý do hay hội chứng “làm màu” nào đó. Dễ thấy ở nhóm đối tượng này là đọc sơ sài, giống như giải trí hoặc khỏa lấp nhàm chán chứ không hẳn vì tri thức.
Ở một khía cạnh khác, sự coi nhẹ sách còn thể hiện ở chỗ chưa có sự lựa chọn sách theo mục đích rõ ràng, không theo kế hoạch đọc cụ thể. Vì thế, việc đọc sách chưa thật sự có ích. Một số bạn trẻ lại lựa chọn đọc sách có nội dung tầm thường, dung tục. Những thói xấu, nội dung nguy hại ấy dễ dàng tiêm nhiễm vào đầu óc những người mà sức “đề kháng” chưa đủ mạnh. Đương nhiên sau khi rời trang sách, họ dễ sa đà vào sống ảo, tham gia những trò giải trí tầm thường, vô bổ và nguy hại.
Không thể phủ nhận rằng, rất nhiều bạn học sinh, sinh viên nhận thức được lợi ích to lớn của việc đọc sách đem lại. Thực tế cho thấy ở các siêu thị sách, các điểm giới thiệu sách mới, phố sách, quầy sách, thậm chí cả những chiếu sách vỉa hè đều có mặt những độc giả trẻ. Nhưng vẫn có tình trạng một nhóm độc giả trẻ bị cuốn theo những trò giải trí dễ dãi khác nên việc đọc sách khó tập trung và dễ bị xao nhãng, tiếp cận nội dung không kỹ. Tất yếu là hiệu quả đọc không cao dẫn đến lười đọc sách, đứt đoạn…
Trong khi đó, sự phát triển của công nghệ thông tin càng khiến các bạn trẻ dần rời xa thói quen đọc sách khi tất cả những gì cần tìm kiếm đều dễ dàng có được (dù chưa biết chính xác đến mức nào) nhờ…Google. Chưa kể đến thời gian gấp gáp, vòng quay của cuộc sống tạo áp lực lên mỗi bạn trẻ. Thay vì đọc sách để giải trí, tìm hiểu tri thức mới, các bạn trẻ lại bị cuốn vào (thậm chí nghiện) những thú tiêu khiển được dán mác “thời thượng”, trong đó khó có thể thiếu game; trà chanh chém gió…
Cũng có người cho rằng đọc sách thời nay là lạc hậu vì ở thời đại công nghệ thông tin phát triển như vũ bão hiện nay, lên mạng đọc nhanh và dễ hơn. Từ đó, họ không mặn mà với bản in. Không sai, nhưng ở mặt trái của hiện thực này họ cũng cần phải biết đến tác hại đúng nghĩa đen của các thiết bị điện tử cũng như các trở ngại về môi trường, không gian kỹ thuật của dịch vụ công nghệ thông tin và…thu nhập.
Trước những điều dễ nhận biết đó, mỗi chúng ta hãy thử suy nghĩ và nhìn nhận bản thân mình xem đang ở mức độ nào? Văn hóa đọc có thể chưa đến mức đèn đỏ nhưng liệu mức đèn vàng đã cận kề chưa? Thời đại kỹ thuật số dạy chúng ta phải biết tận dụng cơ hội và nắm bắt thời cơ nhưng trước hết phải có nền tảng tri thức đủ vững. Muốn vậy, các bạn trẻ hãy tự rèn cho mình thói quen đọc sách, biết đọc sách, giỏi đọc sách. Đó chính là chìa khóa mở cánh cửa thành công của bạn.
Nam Phương