Góc khuất nhói lòng

Đông đến, mặc cơn gió lạnh bất chợt bủa vây khắp phố phường, những cô cậu bé ăn xin vẫn co ro ngồi một góc bên đường, những bà cụ già, người khuyết tật vẫn cố “lết” thân hình gầy gò để đi đến bên từng người xin họ một chút “lòng thương”. Bắt gặp những hình ảnh ấy trong chúng ta lại dấy lên suy nghĩ có hay không họ thực sự đói nghèo hay đằng sau sự nghèo khổ ấy là cả một thế lực ngầm “chăn dắt”, dùng đủ mánh khóe để bóc lột sức lao động của những con người này?

Mỗi khi dừng đèn đỏ, bất kể trời nắng gắt hay mưa giông những em bé quần áo rách rưới lại lao ra để xin tiền người đi đường. Mỗi khi ngồi nghỉ ngơi nơi ghế đá trong công viên hay các khu vực công cộng thì người ăn xin bao gồm cả người già, trẻ em, người khuyết tật đều sẽ tìm cách tiếp cận để xin được những đồng tiền lẻ dù là nhỏ nhất. Tuy nhiên số tiền mà người ăn xin kiếm được đều sẽ được giao lại cho “người khác”, chân dung của kẻ lạ mặt này chỉ được hiện lên qua lời khai nhát gừng của những người được đưa về Trung tâm bảo trợ và hình bóng thoắt ẩn hiện bên cạnh người ăn xin trên phố. Chỉ một điều được các bên khẳng định: họ tạo ra các mô hình làm ăn có tổ chức để trục lợi.

Hình ảnh người ăn xin đã trở nên quen thuộc trên đường phố.

Báo Lao động đã từng gây xôn xao khi đưa tin về việc trẻ em bị lợi dụng, bị “chăn dắt” để xin tiền, trong câu chuyện đó là hai chị em nghe theo lời đề nghị của chị họ hàng xa mà lên thành phố kiếm sống, bán tăm dạo mỗi ngày để gửi tiền về quê cho bố chữa bệnh. Những tưởng chăm chỉ làm việc sẽ giúp cuộc sống đỡ khó khăn hơn. Ai ngờ hai chị em lại bị đám người “chăn dắt” lợi dụng, họ đưa đi, đón về và lấy cả tiền mà hai đứa trẻ xin được. Tổng số tiền một tháng hai chị em xin được lên đến hàng chục triệu đồng đều bị lấy đi hết, những hôm xin được ít tiền thì bị chị họ cùng “người khác” đánh đập, chửi rủa.

Câu chuyện trên ta có thể bắt gặp ở bất kể người ăn xin nào, vì đằng sau đó bao giờ cũng có sự xuất hiện của kẻ lạ mặt, dùng mọi thủ đoạn để lợi dụng, bóc lột triệt để sức lao động của những con người yếu thế. Điều đó gây nên vấn đề bức xúc, đặt ra cho các cơ quan chức năng cần có các biện pháp xử lý kịp thời.

Hai em bé bị “chăn dắt” ăn xin được đưa về Trung tâm Bảo trợ xã hội.

(Theo báo Lao Động)

Hiện nay, Bộ luật Hình sự chưa có quy định nào quy định về xử lý hình sự đối với hành vi “chăn dắt” ăn xin, mà hành vi này mới chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính theo các quy định tại Nghị định 144/2013/NĐ-CP. Theo quy định tại khoản 2, Điều 20: Người nào có hành vi ép buộc người cao tuổi lao động hoặc làm những việc trái quy định của pháp luật thì bị phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng. Tại khoản 3, Điều 27 của Nghị định nêu rõ: Người nào có hành vi tổ chức, ép buộc trẻ em đi xin ăn sẽ bị phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng.

Trên thực tế, dù các ngành chức năng hết sức nỗ lực nhưng các biện pháp hành chính vẫn không đủ phát huy tác dụng. Nhiều trường hợp, trẻ em ăn xin sau khi được đưa vào các Trung tâm Bảo trợ xã hội, chỉ cần người thân bảo lãnh là các em lại được đưa về. Sau đó lại tiếp tục đi ăn xin.

Nạn “chăn dắt” ăn xin tồn tại ngày nào thì ngày ấy các nạn nhân bị bóc lột, lòng thương của chúng ta bị lợi dụng. Đã đến lúc xã hội cần nhìn nhận đúng đắn và có cách hành xử hợp lý, cùng với đó là sự quan tâm của các cấp, chính quyền cũng như có chế tài xử phạt nghiêm khắc để giải quyết triệt để vấn đề trên.

Lan Phương. (T/h)

 

Bài viết liên quan

Picture9

Lễ ra mắt Công ty Cổ phần Phát triển Hướng Dương Việt: Hiện thực hoá ước mơ cho những vầng trăng khuyết

Picture1

Cần tăng cường tính đại diện và tiếng nói của người khuyết tật trong các cơ quan dân cử

Picture2

Chương trình “Hành trình cuộc sống” trao tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của thành phố 140 xe đạp và nhiều phần quà tặng

Picture1

Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”

Picture1

Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình: 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu thi đua “Hai tốt”

Picture1

Khoa Chính trị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Tưng bừng Đêm đại nhạc hội chào đón tân sinh viên “FPS 2024 – Time Capsule”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang