Gỡ khó khâu vận chuyển để người dân ‘đi chợ online’

Việc hạn chế nhân viên giao nhận hàng hóa của các sàn thương mại điện tử (không giống với hình thức vận chuyển người và shipper công nghệ) đã cắt đứt chuỗi lưu thông từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng, khiến người dân có nhu cầu mua hàng hóa thiết yếu phải tập trung đến các siêu thị, chợ truyền thống tăng, kéo theo nguy cơ lây nhiễm ở khu vực công cộng cao.

Xem xét thiết lập “điểm tập kết hàng hóa” – Ảnh minh họa

Xem xét thiết lập “điểm tập kết hàng hóa”

Báo cáo của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho thấy, hiện có tình trạng số lượng đơn hàng của các sàn thương mại điện tử tăng đột biến do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều khu vực dân cư bị phong tỏa và cách ly khiến khâu giao hàng gặp nhiều khó khăn. Tình trạng này đang xảy ra đối Hà Nội và các tỉnh, thành phố thực hiện quy định giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ.

Việc hạn chế nhân viên giao nhận hàng hóa của các sàn thương mại điện tử (không giống với hình thức vận chuyển người và shipper công nghệ) đã cắt đứt chuỗi lưu thông từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng, khiến người dân có nhu cầu mua hàng hóa thiết yếu phải tập trung đến các siêu thị, chợ truyền thống tăng, kéo theo nguy cơ lây nhiễm ở khu vực công cộng cao.

Trước tình hình trên, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) đã có văn bản kiến nghị với Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương, trong đó đề xuất phương án cung ứng hàng hóa cho TPHCM và các tỉnh phía nam, tạo điều kiện cho các sàn thương mại điện tử và đơn vị vận chuyển phân phối hàng hóa thiết yếu, đề xuất xây dựng cơ chế hoặc các chính sách cụ thể cho thương mại điện tử phát huy tối đa lợi thế phương thức này; cần có chỉ đạo cụ thể về một điểm tập trung nhận hàng để bảo đảm việc giao vận và quy tắc an toàn phòng chống dịch.

Ngày 23/7, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số đã có công văn gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, trong đó nhấn mạnh nội dung: Khuyến khích đặt hàng thiết yếu trên các trang thương mại điện tử uy tín, đồng thời đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố phối hợp với các sở, ngành địa phương như Sở GTVT, Sở Y tế… xây dựng phương án cụ thể duy trì hệ thống giao nhận thương mại điện tử.

“Trong trường hợp cần thiết, các địa phương cần thiết lập “điểm tập kết hàng hóa” cho thương mại điện tử ngay tại các khu cách ly tập trung hoặc các khu vực cư dân bị phong tỏa”, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số đề nghị.

Với phương án trên, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số cho rằng, cơ quan địa phương vẫn quản lý được nhân viên giao nhận thương mại điện tử thông qua các sàn thương mại điện tử và các công ty giao nhận thương mại điện tử đăng ký, mặt khác, việc duy trì hệ thống giao nhận tại nhà sẽ đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu của người dân, hạn chế việc người dân ra đường và giảm áp lực đối với hệ thống phân phối truyền thống trong bối cảnh dịch bệnh.

Hiện tại, Cục Thương mai điện tử và kinh tế số đang phối hợp với Sở Công Thương, Sở GTVT Hà Nội xây dựng phương án trên, một mặt bảo đảm đúng các quy định an toàn chống dịch, mặt khác bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của người dân và tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, phân phối hàng hóa.

Hà Nội đã lập danh sách 700 shipper giao nhận hàng hóa

Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trong ngày 26/7, Sở đã lập danh sách 700 xe mô tô 2 bánh vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, cửa hàng thực phẩm gửi Sở GTVT để được cấp thẻ vận chuyển.

Các doanh nghiệp được cấp thẻ vận chuyển gồm: Công ty CP Thực phẩm Hương Sơn 13 shipper, Công ty CP Sản xuất và thương mại An Việt 17 shipper; Công ty CP Tiên Viên 4 shipper; Công ty TNHH Thương mại Quốc tế và Thương mại dịch vụ siêu thị Big C Thăng Long 49 shipper; Công ty TNHH 2-9 Hà Tây 8 shipper; Công ty TNHH bán lẻ Fuji Mart Việt Nam 39 shipper; Công ty TNHH bán lẻ BRG 182 shipper.

Hệ thống siêu thị Mường Thanh tại Hà Nội 75 shipper; Công TNHH Thương mại Sài Gòn Co.op Hà Nội 21 shipper; Công ty CP Quốc tế Homefarm 174 shipper; HTX DVTH Đông Cao 1 shipper; Công ty CP Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam 19 shipper; Chi nhánh Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam tại Hà Nội 33 shipper; Công ty AEON Việt Nam 34 shipper; Công ty CP kinh doanh và chế biến thực phẩm Hà Nội 2 shipper.

Danh sách này được Sở Công Thương Hà Nội gửi Sở Giao thông vận tải đề nghị xem xét, chấp thuận sớm nhất, cho phép các doanh nghiệp, đơn vị, doanh nghiệp phân phối, siêu thị, cửa hàng thực phẩm được vận chuyển bằng xe máy cung ứng hàng hóa thiết yếu đến các điểm cung ứng, khu dân cư phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố.

Cùng với việc lập danh sách 700 shipper giao nhận hàng hóa, Sở Công Thương Hà Nội cũng công khai danh sách tổng hợp điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu và danh sách các chợ trên địa bàn thành phố. Theo đó, sẽ có 7.866 điểm bán hàng hóa thiết yếu đặt tại các quận, huyện của thành phố, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô.

Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội cũng công bố danh sách 455 chợ cung cấp hàng hóa thiết yếu để bảo đảm người dân Hà Nội yên tâm chống dịch. Thời gian hoạt động các điểm cung ứng này chủ yếu từ 6h-22h hằng ngày. Trong số các điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu còn các bưu cục, chuyển phát nhanh nhằm phục vụ vận tải, cung ứng hàng hóa.

Sau 3 ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, cung ứng hàng hóa trên địa bàn ổn định, các quận/huyện chủ động bảo đảm đầy đủ hàng hóa thiết yếu cho các khu vực phong tỏa, cách ly y tế. Nguồn cung hàng hóa tại các hệ thống phân phối (siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi…) dồi dào, giá cả ổn định.

TPHCM: 6 sàn thương mại điện tử lớn nhất chung tay

Cục Thương mại điện tử và kinh tế số cũng cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp tại phía nam, đơn vị đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với 6 sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam triển khai các chương trình, hoạt động đẩy mạnh bán các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu như rau củ quả, lương thực, thực phẩm để cung ứng kịp thời cho người dân.

Tại khu vực TPHCM, sàn thương mại điện tử Tiki đã tăng lượng cung hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm thiết yếu, bao gồm thực phẩm (hợp tác với các nhà bán thực phẩm tươi sống), đồ dùng chống dịch (khẩu trang, nước rửa tay…) và thực phẩm khô (bánh, kẹo, mỳ tôm…). Đồng thời triển khai Chương trình “Tiếp sức Sài Gòn, Tiki trao tươi ngon” để hưởng ứng chương trình “Thực phẩm lưu động bình ổn giá” do Sở Công Thương TPHCM khởi xướng về việc chung tay cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ người dân Sài Gòn, lan tỏa tinh thần tương thân tương ái.

Trước đó, vào ngày 17/7, Tiki cũng phối hợp với các đối tác mang đến 5.000 combo rau củ quả 7 kg với giá ưu đãi, kèm hỗ trợ miễn phí vận chuyển cho đơn hàng từ 0 đồng cùng cam kết giao hàng nhanh. Chiến dịch này đã ghi nhận 8 tấn thực phẩm được chuyển tới người dân Sài Gòn ngay trong ngày chỉ trong chưa đầy 48 tiếng ra mắt.

Tại 19 tỉnh phía nam đang thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16, Viettel Post đã triển khai mở mới nhiều điểm bán lưu động tại Đồng Nai, Vũng Tàu và sẵn sàng kịch bản để tiếp ứng cung cấp các điểm bán offline nếu các địa phương khác xảy ra tình trạng khan hiếm hàng nhu yếu phẩm.

Ngoài kênh offline, Vỏ Sò (Tổng Công ty Bưu chính Viettel Post) cũng đã làm việc với các nhà cung cấp nông sản tại Lâm Đồng, Bình Thuận… và mở thêm các gian hàng phục vụ khu vực phía nam, cung cấp các loại rau củ quả tươi theo combo và trứng gia cầm… Vỏ sò cũng mở thêm gian hàng bình ổn giá, cung cấp hơn 2.000 mặt hàng nhu yếu phẩm và các mặt hàng khác có giá bình ổn và thấp hơn thị trường phục vụ cho các khu vực địa phương giãn cách và hạn chế đi lại, bảo đảm giao hàng chỉ sau 1-3 ngày.

Riêng với hàng nông sản, sàn thương mại điện tử Vỏ Sò cho biết, hiện việc giao hàng chặng cuối – tới tay người tiêu dùng vẫn có khó khăn nhất định khi một số khu vực bị hạn chế đi lại do giãn cách xã hội. Vì vậy, có thể sẽ có những đơn hàng giao chậm hơn thông thường. Để bảo đảm quyền lợi cho khách hàng, Vỏ Sò sẵn sàng đổi 1-1 với những đơn hàng giao có dấu hiệu hư hỏng, không đạt chất lượng cam kết.

Sàn thương mại điện tử Sendo khi triển khai Chương trình “Đi chợ tại nhà” thì các đơn vị cung ứng, vận tải có gặp một số điểm hạn chế trong việc giao vận như một số kho bãi nằm trong khu vực phong tỏa hay việc gia tăng đột biến nhu cầu cho một số loại hàng hóa dẫn đến thiếu hụt nguồn cung tạm thời. Trước tình hình đó, Sendo đã nhanh chóng giải quyết các vấn đề này bằng cách làm việc chặt chẽ với nhiều đơn vị cung ứng khác nhau, bảo đảm có nguồn hàng thay thế khi cần. Gần đây nhất, Sendo chuyển sang bán hàng rau củ theo combo để giúp khách hàng đặt một đơn mà có đủ các mặt hàng cần thiết còn các đối tác cung ứng cũng chủ động hơn về việc đóng gói, giao vận.

VnPost (Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam) cũng đang triển khai rất nhiều điểm bán hàng bình ổn giá tại điểm giao dịch của Bưu điện. Người dân ở khu cách ly có thế đặt hàng qua điện thoại, Zalo… (Các điểm đều công bố số điện thoại qua các phương tiện thông tin đại chúng) của bưu cục hoặc của nhân viên bưu điện. Sau khi tiếp nhận yêu cầu của người dân, bưu tá của Bưu điện Việt Nam sẽ chuyển hàng hóa đến địa chỉ của người dân yêu cầu.

Với lợi thế mạng lưới, điểm phục vụ vật lý và nhân viên chuyển phát đông đảo, tổ chức sản xuất linh hoạt, hiện nay ở một số Bưu điện tỉnh, thành phố khuyến khích người dân đặt hàng online, đặt qua điện thoại và khi có hàng, bưu tá của Bưu điện sẽ liên hệ chuyển phát tận nơi theo yêu cầu và thứ tự ưu tiên: Hàng tươi sống là thịt cá, rau củ quả sẽ chuyển trước, những hàng khô như gạo, mắm, đường, sữa, dầu ăn, nước giặt, nước sát khuẩn sẽ chuyển kết hợp hoặc chuyển sau.

VnPost đã triển khai 1.915 điểm bán hàng tiêu dùng thiết yếu khắp các tỉnh khu vực miền Nam, riêng TPHCM là 179 điểm.

Nguồn Báo điện tử Chính phủ

Bài viết liên quan

Picture9

Lễ ra mắt Công ty Cổ phần Phát triển Hướng Dương Việt: Hiện thực hoá ước mơ cho những vầng trăng khuyết

Picture1

Cần tăng cường tính đại diện và tiếng nói của người khuyết tật trong các cơ quan dân cử

Picture2

Chương trình “Hành trình cuộc sống” trao tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của thành phố 140 xe đạp và nhiều phần quà tặng

Picture1

Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”

Picture1

Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình: 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu thi đua “Hai tốt”

Picture1

Khoa Chính trị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Tưng bừng Đêm đại nhạc hội chào đón tân sinh viên “FPS 2024 – Time Capsule”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang