Giúp trẻ khuyết tật sớm hòa nhập cộng đồng

Hiện nay, Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Nam Định đang chăm sóc, nuôi dưỡng 232 đối tượng. Trong đó có 77 trẻ khuyết tật phục hồi chức năng, học nghề; 02 trẻ dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng; 01 trẻ em bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo.

Trung tâm tổ chức buổi gặp mặt các gia đình có trẻ khuyết tật đang được phục hồi chức năng, dạy nghề tại đơn vị


Ông Mai Quang Việt, Giám đốc Trung tâm cho biết: Thời gian qua, bên cạnh việc nuôi dưỡng chăm sóc đối tượng, Trung tâm cũng đặc biệt quan tâm công tác giáo dục đào tạo, phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật. Hiện Trung tâm có đội ngũ giáo viên được đào tạo đúng chuyên ngành giáo dục đặc biệt, kinh nghiệm, am hiểu tâm sinh lý của người khuyết tật, yêu nghề, tâm huyết và tình thương đối với khuyết tật. Dạy văn hóa theo chương trình giáo dục đặc biệt cho trẻ chậm phát triển trí tuệ. Dạy kỹ năng sống, kỹ năng sinh hoạt cho trẻ khuyết tật. Dạy ngôn ngữ trị liệu và văn hóa cho trẻ khiếm thính. Can thiệt sớm cho trẻ tự kỷ. Chương trình dạy ngôn ngữ cho trẻ khuyết tật và thể chất cho đối tượng được thực hiện theo chương trình kế hoạch, thường xuyên được cập nhật, bổ sung các giáo trình mới để nâng cao chất lượng dạy văn hóa.

Đồng thời, Trung tâm cũng có đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng viên được đào tạo cơ bản, có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chăm sóc nuôi dưỡng và phục hồi chức năng. Trang thiết bị phục hồi chức năng phù hợp cho trẻ khuyết tật. Các hoạt động phục hồi chức năng được triển khai tại Trung tâm bao gồm: Phục hồi chức năng sinh hoạt; Phục hồi chức năng tâm lý, xã hội; Phục hồi chức năng lao động và nghề nghiệp; Hoạt động liệu pháp như thể dục buổi sáng để nâng cao thể chất, xem ti vi giúp cho đối tượng bị thu hút tham gia vào các hoạt động để không còn thời gian rảnh rỗi và suy nghĩ miên man buồn chán, đồng thời cảm nhận sự vui vẻ thích thú trong khi hòa mình vào các hoạt động tập thể.

Nhằm giúp cho trẻ khuyết tật có điều kiện học nghề, tìm việc làm sau khi tái hòa nhập cộng đồng, Trung tâm đã phối hợp với các cơ sở dạy nghề tổ chức đào tạo các nghề Mộc, May cho trên 100 trẻ em khuyết tật. Chất lượng công tác dạy nghề đã được chuyển biến rõ rệt, đặc biệt là nghề may các học viên tái hòa nhập có nhu cầu đều tìm được việc làm, cơ bản đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội.

Cũng theo đánh giá của trung tâm, với những trẻ khiếm khuyết như tự kỷ, tăng động, chậm nói, chậm tư duy thì mỗi em sẽ có tính cách và đặc điểm khác nhau, chính vì thế, mỗi trẻ là mỗi giáo án riêng biệt, đòi hỏi giáo viên phải hiểu rõ các em. Các em đến với trung tâm khi nhận thức về con số, mặt chữ khá kém, không được nhanh nhạy như trẻ bình thường. Thế nên sức lực, sự kiên nhẫn đối với các lớp hòa nhập phải gấp 3, gấp 4 lần với các lớp bình thường. Trung tâm đã tổ chức các buổi sàng lọc tâm lý miễn phí nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp trẻ khiếm khuyết, giúp các em sớm được giáo dục hòa nhập, xóa tâm lý sợ dị nghị từ cộng đồng của phụ huynh. Đối với trẻ có hoàn cảnh đặc biệt đang độ tuổi đến trường, trung tâm đã xây dựng kế hoạch học tập, phân công viên chức, người lao động theo dõi việc học tập, thường xuyên liên hệ với nhà trường để nắm bắt tình hình học tập của trẻ, giới thiệu và tìm giáo viên để trẻ được tham gia học phụ đạo, cấp phát các dụng cụ cá nhân, dụng cụ học tập để tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ đến trường.

Hàng năm, Trung tâm xây dựng kế hoạch các nội dung tuyên truyền như: giáo dục kỹ năng sống cho các cháu; tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống, phòng, chống ma túy; phòng chống HIV/AIDS; giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên; phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em; phòng chống đuối nước cho trẻ em… Ngoài việc tổ chức các bữa ăn tết đảm bảo tiêu chuẩn, chế độ quy định, đơn vị còn tổ chức các hoạt động văn hóa-văn nghệ trong dịp lễ, tết.

Cũng theo ông Mai Quang Việt, sở dĩ Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp Nam Định có thể đạt được những kết quả đáng ghi nhận trên là do hiện nay hệ thống các văn bản về công tác trợ và bảo vệ trẻ em ngày càng hoàn thiện, trong đó có đối tượng trẻ em là người khuyết tật như Luật Chăm sóc, bảo vệ trẻ em và các văn bản hướng dẫn thị hành; Chính sách an sinh xã hội ngày càng được Đảng và Nhà nước quan tâm bằng các cơ chế chính sách giúp, trong đó có đối tượng là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật có cuộc sống ngày một tốt hơn như Luật Người khuyết tật; Nghị định số 20/2021/NĐ-CP về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội… Đơn vị luôn nhận được sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị của UBND tỉnh Nam Định, sự lãnh đạo chỉ đạo sát sao của Sở Lao động – TBXH giúp cho đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc thực hiện công tác phục hồi chức năng và dạy nghề cho trẻ khuyết tật cũng gặp nhiều khó khăn do các cháu ở nhiều dạng tật khác nhau, nhận thức hạn chế, gia đình phần đa có hoàn cảnh khó khăn ít quan tâm. Một số trẻ đang ở lứa tuổi phát triển tâm sinh lý do đó phần nào cũng ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Thêm nữa, cơ sở vật chất tại Cơ sở II để quản lý chăm sóc dạy nghề, phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật được đầu tư xây dựng đã lâu nay xống cấp còn thiếu một số công trình và máy móc phục hồi chức năng cho đối tượng. Cán bộ còn thiếu, chưa thu hút được lao động có trình độ chuyên môn cao, nhất là cán bộ giáo dục chuyên biệt vào làm việc. Chế độ đãi ngộ đối với cán bộ trực tiếp trợ giúp cho trẻ em khuyết tật còn thấp.

Trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục làm tốt công tác phục hồi chức năng để các đối tượng sớm tái hòa nhập cộng đồng; bảo đảm cho các đối tượng khi vào Trung tâm luôn được thoải mái về tinh thần, được cung ứng các dịch vụ cơ bản của xã hội; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các chính sách hỗ trợ; đồng thời chú trọng trong việc giáo dục đào tạo, hướng nghiệp cho đối tượng là trẻ em khuyết tật; chú trọng xã hội hóa trong đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục hồi chức năng.

Cùng với đó, Trung tâm cũng đề nghị Trung ương UBND tỉnh Nam Định và cấp ngành có liên quan đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tại Cơ sở 2 để Trung tâm có điều kiện tốt hơn trong công tác quản lý, chăm sóc dạy nghề cho trẻ em khuyết tật. Đề nghị cơ quan có thẩm quyền quan tâm tuyển dụng cán bộ có trình độ chuyên môn cao, đặc biệt là bác sỹ và cán bộ có trình độ giao dục chuyên biệt; quan tâm nâng mức phụ ưu đãi nghề, chế độ trực đêm đối với cán bộ trợ giúp cho đối tượng là trẻ em khuyết tật./.

Theo Tạp chí điện tử Lao động và Xã hội

Bài viết liên quan

Picture9

Lễ ra mắt Công ty Cổ phần Phát triển Hướng Dương Việt: Hiện thực hoá ước mơ cho những vầng trăng khuyết

Picture1

Cần tăng cường tính đại diện và tiếng nói của người khuyết tật trong các cơ quan dân cử

Picture2

Chương trình “Hành trình cuộc sống” trao tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của thành phố 140 xe đạp và nhiều phần quà tặng

Picture1

Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”

Picture1

Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình: 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu thi đua “Hai tốt”

Picture1

Khoa Chính trị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Tưng bừng Đêm đại nhạc hội chào đón tân sinh viên “FPS 2024 – Time Capsule”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang