Người có dịch COVID-19, làm lây lan dịch hay không có dịch rồi cũng sẽ như nhau, khi mà cả cộng đồng căng mình chống dịch, còn có những cá nhân vẫn làm điều mình thích, tuân thủ nửa vời hay sống không có ngày mai.
Giới hạn của cách ly không phải chỉ là bên trong hay bên ngoài khu vực bị kiểm soát y tế được hàng rào chặn lại. Ảnh minh họa
Đại dịch COVID-19 thật sự đã làm đảo lộn thế giới! Nó không chỉ làm hàng triệu người phải sớm ra đi, khiến cho nền kinh tế các quốc gia bị tụt lại đến hàng chục năm và hẳn nhiên, tư duy cùng hành vi của cá nhân hay cộng đồng, thậm chí cả những nét văn hóa truyền thống xưa cũ cũng phải “rục rịch” đổi thay.
Tôi còn nhớ rõ, chỉ cách đây chưa đầy 1 năm, khi ấy từ “cách ly” còn khá xa lạ trong suy nghĩ và thói quen của mỗi người. Nói đến việc có người trong khu cách ly là lập tức người ta nghĩ ngay đến chuyện người đó mắc căn bệnh truyền nhiễm lạ mà hậu quả gây ra phải khủng khiếp lắm, hoặc chí ít cũng khiến cho nhiều người e dè, cảnh giác khi thăm hỏi.
Vậy mà khi virus corona hay SARS-CoV-2 xuất hiện, gây đại dịch COVID-19 hoành hành khắp 5 châu, cướp đi hàng triệu sinh mạng trên thế giới, thì hai chữ cách ly lại đặc biệt được nhắc đến rất nhiều. “Cách ly” còn trở thành một trong những biện pháp, phòng chống COVID-19 đặc biệt hữu hiệu trong trường hợp cần thiết để bảo vệ mỗi cá nhân, ngăn chặn sự lây lan dịch trong cộng đồng.
Cách ly được nhắc đến trên giấy tờ, trên mạng toàn cầu, trong câu cửa miệng của người dân, từ các cơ quan chức năng và cả những người đứng đầu mỗi quốc gia. Thậm chí, cách ly không còn chỉ là hành vi tự ý thức, mà đã trở thành một hình thức cần có sự giám sát thật sát sao của một hệ thống khép kín với nhiều lực lượng tham gia.
Thế nhưng, không phải hiểu được, nhận thức được, nói ra được là mọi thứ có thể trở nên dễ dàng. Để thay đổi một thói quen là câu chuyện nói thì dễ, nhưng làm thì không phải dễ. Và để từng cá nhân thay đổi thói quen trở thành một cộng đồng thích nghi lẫn nhau, thì càng là câu chuyện quá khó.
Thế mới có “biến cố” xảy ra tại TP.HCM trong những ngày qua, khiến cả đất nước giật mình như gặp “làn sóng COVID-19 thứ 3”.
Không giật mình sao được khi mà qua 120 ngày TP HCM không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, thì bất ngờ ngày 30/11-1/12, thành phố ghi nhận 4 ca mắc mới. Và liên quan tới 4 ca bệnh này (BN1342, BN1347, BN1348, BN1349), tính đến hôm qua (4/12), TP.HCM đã điều tra, truy vết, xét nghiệm tới 2.532 người.
Trong khi hơn 169.117 học sinh, sinh viên trên địa bàn TP.HCM phải nghỉ học để phòng dịch Covid-19, thì cả hệ thống chính trị, cơ quan bộ, ngành chức năng cả nước, cũng như TP HCM phải sốc lại, lao vào cuộc với tinh thần “thần tốc, quyết liệt truy vết, khoanh vùng”. Tất cả đều không hề ngẫu nhiên khi bắt nguồn từ câu chuyện “cách ly”.
Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định các tổ chức, cá nhân gây ra biến cố trên đã vi phạm về phòng chống COVID – 19, làm lây nhiễm bệnh ra cộng đồng. Ba trong số 4 nguyên nhân được Bộ trưởng chỉ ra đều liên quan việc không tuân thủ các quy định về cách ly y tế phòng chống COVID-19. Đó là, BN1342 đã lây bệnh COVID-19 trong khu cách ly tập trung khi tiếp xúc với một bệnh nhân khác, trong khi theo quy định, khi cách ly y tế không được tiếp xúc với người khác. Khu cách ly do Vietnam Airlines quản lý, đã không tuân thủ các quy định tại khu cách ly y tế phòng chống COVID-19 tại cơ sở cách ly tập trung. Người quản lý khu nhà trọ mà BN1342 về cách ly đã không tuân thủ các quy định về giám sát thực hiện cách ly y tế tại nhà.
Cũng chỉ hai ngày sau đó (3/12), Cơ quan điều tra đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” theo Điều 240, Bộ luật Hình sự 2015.
Vị đại diện Công an TP HCM cũng nêu rõ, Công an thành phố xác định vụ việc này dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nên phải xử lý nghiêm. Sau khi khởi tố hình sự, Cơ quan điều tra sẽ điều tra toàn diện, khách quan, “cá thể hóa” trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan.
Người trực tiếp gây hậu quả đã cũng đã bị pháp luật chỉ tên, luận tội. Dư luận chẳng ít thì nhiều cũng đã lên án mạnh mẽ. Điều đáng nói là, có phải chỉ những người có tội mới mắc lỗi và mang tội?
Trên thế giới, vào thời điểm này dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức nghiêm trọng và khó lường. Theo WHO, ít nhất 73 quốc gia đang chứng kiến số ca nhiễm mới tăng vọt. Số lượng ca mắc bệnh và tử vong mới mỗi ngày hiện nay thậm chí còn cao hơn so với các thời điểm “đỉnh dịch” trước đây. Chỉ trong vỏn vẹn 1 tháng kể từ đầu mùa Đông tới nay, thế giới đã có thêm 1,7 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2.
Ông David Nabarro, Đặc phái viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cảnh báo “điều đáng sợ là cơn ác mộng COVID-19 vẫn chưa dừng lại, thậm chí còn xấu hơn theo mỗi ngày trôi qua”. Giới chuyên gia dịch tễ thế giới cảnh báo điều đáng lo ngại là chúng ta còn chưa đi hết nửa quãng đường và mới chỉ ở giai đoạn đầu của cuộc chiến chống COVID-19. Nhưng biểu hiện chủ quan, lơ là, coi thường các quy định phòng chống dịch của một bộ phận người dân các quốc gia ra sẽ góp phần làm dịch tiếp tục bùng phát.
Gần 100 triệu người Việt Nam cùng với thế giới chưa thể quên đã bàng hoàng đến khiếp nhược khi lần đầu tiên chứng kiến virus corona xuất hiện và bùng phát thành đại dịch toàn cầu. Chúng ta cũng đã cùng nắm tay nhau đi qua làn sóng COVID-19 thứ 2 với những thành quả đáng tự hào khiến nhiều nước lớn trên thế giới phải nể phục.
Và giờ Việt Nam chúng ta đang đứng ở đâu trong đó. Có phải chúng ta chống dịch giỏi hơn thế giới?. Xin thưa rằng không! Nước ta còn nghèo và lạc hậu, những thành quả chúng ta có hôm nay là cả sự đoàn kết trên dưới một lòng bền bỉ, chắt chiu. Và tận sâu trong đó còn là sự hi sinh lớn lao của những lực lượng vẫn đang âm thầm trên tuyến đầu chống dịch.
Vậy mà, không ít người thật vị kỷ và thiếu ý thức khi đã cho mình quyền “thích” và “không thích”: không thích đeo khẩu trang, thích thoải mái đi khắp nơi, cho phép mình phá vỡ các nguyên tắc phòng chống dịch một cách hồn nhiên đến nhạt nhẽo.
Theo cơ quan chức năng, 20% người ra đường vẫn không chịu mang khẩu trang. Hàng nghìn người đã bị xử phạt vì không đeo khẩu trang nơi công cộng. Vẫn có hàng chục người tìm cách trốn khỏi các khu cách ly tập trung, khai báo gian dối, không tuân thủ cách ly tại nhà, thậm chí bỏ qua lực lượng chức năng đang ngày đêm thức canh biên giới, nhiều người còn giúp đối tượng nước khác vào nước mình cư trú bất hợp pháp.
Hãy khắc cốt ghi tâm điều này, trước dịch bệnh, tất cả chúng ta, dù giàu-nghèo hay sang hèn, đều bình đẳng về sinh kế và sinh mạng. Không có quốc gia, hay một vùng trời riêng cho ai. Người có dịch, làm lây lan dịch hay không có dịch rồi cũng sẽ như nhau, khi mà cả cộng đồng căng mình chống dịch, còn có những cá nhân vẫn làm điều mình thích, tuân thủ nửa vời hay sống không có ngày mai.
Và giới hạn của cách ly không phải chỉ là bên trong, hay bên ngoài khu vực bị kiểm soát y tế được hàng rào chặn lại. Giới hạn của cách ly được thiết lập chính bởi sự tự giác, lòng tự trọng, tinh thần trách nhiệm và không hề bao gồm tính vị kỷ của bất kể cá nhân nào.
Theo Báo Công lý