Gieo những “nhân lành” tốt đẹp

Những ngày giáp Tết gặp những tấm lòng hảo tâm của nhóm thiện nguyện Hương Từ Bi chúng tôi được các cô, các bà, các chị kể cho nghe về những chuyến đi từ thiện của họ. Suốt 10 năm làm thiện nguyện, nhóm đã đến với nhiều cuộc đời bất hạnh, vất vả, khốn khó. Từ đó, nhân lên lòng tốt, “nhân lành” trong xã hội.

Nhóm thiện nguyện Hương Từ Bi phối hợp cùng một số nhóm thiện nguyện tặng quà cho người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Nam Định.  Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Nhóm thiện nguyện Hương Từ Bi phối hợp cùng một số nhóm thiện nguyện tặng quà cho người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Nam Định. Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Tại phòng khách gia đình chị Trần Thị Hải Kiều, đường Hoàng Văn Thụ (thành phố Nam Định), trưởng nhóm thiện nguyện Hương Từ Bi, chúng tôi được các thành viên chia sẻ về quá trình thành lập nhóm. Chị Kiều cho biết: “Nhóm gồm hơn 20 thành viên, người ít tuổi nhất cũng đã gần 40 tuổi, người nhiều 75 tuổi. Các thành viên chủ yếu ở thành phố Nam Định. Có người là công chức, viên chức về hưu, có người là dân buôn bán nhỏ, có người là công nhân… Chúng tôi gặp nhau ở một điểm, muốn gieo “nhân lành” đến với những cuộc đời thiệt thòi, vất vả. Cái tên Hương Từ Bi được chọn cũng là dựa trên mong muốn đó”. Gặp nhau ở cái tâm, nhiệt huyết với công tác từ thiện nhân đạo, đối tượng mà nhóm hướng tới là những người bị tàn tật, người nghèo, trẻ em mồ côi, người già neo đơn… Để gieo “nhân lành”, nhiều năm qua nhóm đã tổ chức hàng trăm chuyến đi, tặng hàng nghìn suất quà cho những người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong 3 năm trở lại đây, nhóm đẩy mạnh các hoạt động thiện nguyện, mở rộng đối tượng thăm, tặng quà, chú trọng đến các hoạt động thiện nguyện đột xuất. Một trong những hoạt động được nhóm duy trì đều đặn là phát cơm, cháo, bánh mì, sữa, xôi, đồ chay… tại các điểm như: Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Công an tỉnh, Khoa Ung bướu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh)… Theo đó, ít nhất 1 lần/tuần nhóm đến các bệnh viện chia sẻ những suất cơm, cháo cho bệnh nhân… Mặc dù tuổi của các thành viên trong nhóm đã tương đối cao, bận rộn với thiên chức làm bà, làm mẹ nhưng các chị, các cô vẫn tranh thủ thời gian thức dậy từ 4-5 giờ sáng nấu nướng rồi vận chuyển đến cổng bệnh viện, đưa lên tận các khoa, phòng cho người bệnh. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động nấu cháo của nhóm ít hơn nhưng vẫn được duy trì. Trong năm, nhóm triển khai nhiều hoạt động thiện nguyện lớn như: Tổ chức 5 đợt phát gạo, mì tôm, nước mắm, dầu ăn cho các hộ nghèo ở các xã Nam Vân, Nam Phong, phường Vị Xuyên (thành phố Nam Định)… trị giá 100 triệu đồng. Ngoài ra, nhóm còn tặng quà, học bổng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Cũng trong năm, nhóm đến thăm, tặng quà 10 học sinh nghèo trên địa bàn thành phố với số tiền 5 triệu đồng; phát quà cho học sinh khuyết tật ở Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật thành phố Nam Định; hỗ trợ 10 gia đình khó khăn ở huyện Ý Yên, thành phố Nam Định mua 10 bộ áo quan, trị giá gần 20 triệu đồng; kết hợp với Câu lạc bộ Thiện nguyện Thiên Trường, nhóm Phùng Phượng xây nhà tình nghĩa; ủng hộ đúc tượng ở Chùa Đào (Vụ Bản), Chùa Trà (Nam Trực) và một số chùa tại tỉnh Hà Nam…; hỗ trợ Chùa Trùng Khánh, xã Nam Phong (thành phố Nam Định) 1,5 tấn xi măng để tu sửa lại chùa… Trước những ảnh hưởng nặng nề của bão lũ gây ra cho các tỉnh miền Trung, năm 2020, nhóm kêu gọi các thành viên đóng góp và vào tận nơi phát gạo, ủng hộ tiền mặt cho bà con tỉnh Quảng Bình. Nhóm đã tổ chức 4 đợt cứu trợ tại Quảng Bình với tổng trị giá 50 triệu đồng; hỗ trợ, động viên bà con vượt qua bão lũ, khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.

Điều đáng quý, khác biệt của nhóm là khi triển khai các hoạt động thiện nguyện, toàn bộ kinh phí đều do thành viên tự nguyện đóng góp, không kêu gọi vận động, hỗ trợ từ bất cứ đơn vị tài trợ, nhà hảo tâm nào. “Chúng tôi không kêu gọi vận động, cũng chưa nhận tài trợ từ cá nhân, tổ chức nào vì nghĩ còn có thể “tự thân vận động” được. Hơn nữa sẽ có nhiều nhóm thiện nguyện khác cần sự giúp đỡ của cộng đồng hơn nên chúng tôi muốn dành cơ hội đó để các nhóm có nguồn kinh phí ổn định hoạt động” – Chị Kiều chia sẻ thêm. Những việc làm thiện nguyện của Hương Từ Bi do đó càng trở nên có ý nghĩa, thuyết phục. Mặc dù trong nhóm không phải ai cũng có điều kiện kinh tế khá giả, thậm chí có những thành viên khó khăn nhưng không ai tỏ ra “ngần ngại” khi tham gia từ thiện. Bà Phạm Thị Thu Hằng, 73 tuổi ở số nhà 237, ngõ 235 đường Hoàng Văn Thụ là một trong những trường hợp như thế. Là công nhân về nghỉ chế độ, thu nhập hàng tháng của bà Hằng trông cậy vào 3,2 triệu đồng tiền lương hưu. Bà còn phải nuôi cháu trai đang tuổi ăn học. Tuổi cao, không dư dả về kinh tế, với số tiền lương ít ỏi, bà Hằng còn phải tính toán chi tiêu dè dặt để lo đủ tiền sinh hoạt phí trong tháng. Nhưng bất cứ khi nào nhóm phát động ủng hộ thiện nguyện, bà đều sẵn sàng tham gia. Không chỉ ủng hộ vật chất, bà còn cùng các thành viên xuống tận nhà, đi đến những vùng xa xôi để tặng quà, thăm hỏi, động viên những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Đối với bà Hằng, niềm vui lớn nhất là được “cho đi” khi còn có thể. Bà Phạm Thị Lan, phố Bà Triệu thì chọn cho mình niềm vui “cống hiến” khi được tham gia các hoạt động thiện nguyện cùng nhóm. Vốn là người nấu ăn khéo, những ngày nhóm nấu cháo, đồ xôi để phát cho bệnh nhân tại các bệnh viện bà đều xung phong đảm nhận phần việc nặng nề nhất, chuẩn bị và nấu đồ ăn. Không quản ngại đêm hôm, những hôm nhóm nấu cháo bà dậy từ rất sớm chuẩn bị đỗ, gạo, thịt… rồi hì hục vào bếp nấu. Bà còn tỉ mẩn ngồi chế biến các món ăn chay để cùng nhóm mang vào phát cho những bệnh nhân chạy thận không ăn được hoặc phải hạn chế đồ ăn mặn. Hay như bà Vũ Thị Kim Lan, đường Lê Hồng Phong, phường Vị Xuyên đã ngoài 70 tuổi vẫn sẵn sàng đi đến tỉnh Quảng Bình, xuống các vùng xa xôi thăm, tặng quà. Sau mỗi lần từ thiện, bà Lan nói mình vui hơn, thoải mái, “yêu đời”, do đó cũng thấy khỏe hơn. 10 năm thành lập, ước tính, mỗi năm nhóm thiện nguyện Hương Từ Bi tổ chức từ 2-3 chương trình tình nguyện lớn và hàng chục hoạt động nhỏ lẻ với tổng nguồn kinh phí từ 100-200 triệu đồng.

Với hành trình 10 năm, chị Kiều cũng như các thành viên của nhóm không nhớ hết những chuyến đi thiện nguyện, không nhớ hết những gương mặt người đã gặp. Tuy nhiên hạnh phúc lớn nhất với họ chính là đã được sẻ chia, được đồng hành cùng những người nghèo khó, kém may mắn. Chia sẻ về dự định sắp tới của nhóm Hương Từ Bi, chị Kiều cho biết thêm: “Chúng tôi sẽ còn thực hiện những chuyến đi và đến với bất cứ địa chỉ nào cần sự giúp đỡ. Còn đi được là còn đến… Bởi với họ, cho đi và nhận lại đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống. Bởi, trong tim mỗi người đều cảm nhận sâu sắc một điều “sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”./.

Theo Báo Điện tử Nam Định

Bài viết liên quan

Picture9

Lễ ra mắt Công ty Cổ phần Phát triển Hướng Dương Việt: Hiện thực hoá ước mơ cho những vầng trăng khuyết

Picture1

Cần tăng cường tính đại diện và tiếng nói của người khuyết tật trong các cơ quan dân cử

Picture2

Chương trình “Hành trình cuộc sống” trao tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của thành phố 140 xe đạp và nhiều phần quà tặng

Picture1

Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”

Picture1

Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình: 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu thi đua “Hai tốt”

Picture1

Khoa Chính trị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Tưng bừng Đêm đại nhạc hội chào đón tân sinh viên “FPS 2024 – Time Capsule”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang