Giao tiếp

(ĐHVO). Giao tiếp là điều kiện để con người tồn tại. Bởi lẽ, chỉ có thông qua giao tiếp mỗi cá nhân mới có thể hòa nhập vào các mối quan hệ của cộng đồng, tiếp thu những kiến thức, biến nó thành cái riêng của mình để tồn tại và phát triển, đồng thời mỗi cá nhân cũng góp phần vào sự nghiệp chung xây dựng xã hội tiến bộ văn minh.

Nhu cầu giao tiếp là nhu cầu không thể thiếu, tuy nhiên để thỏa mãn nhu cầu và tiến hành giao tiếp có kết quả, con người cần có kỹ năng về văn hóa về giao tiếp. Trong giao tiếp con người không chỉ sử dụng ngôn ngữ nói, mà còn sử dụng ngôn ngữ viết, ngôn ngữ ký hiệu, ngôn ngữ cơ thể để qua ánh mắt, nét mặt, cử chỉ, điệu bộ… truyền đạt và tiếp nhận thông tin. Trong tất cả các phương tiện dùng để giao tiếp, thì ngôn ngữ là phương tiện có thể làm thoả mãn được tất cả nhu cầu của con người.  Mỗi giây, mỗi phút trôi qua đều có hàng triệu người đang nói, đang viết hoặc đang nghe. Ngôn ngữ giao tiếp là cầu nối giữa mọi người, giúp cho ta hiểu biết lẫn nhau chia sẻ những tình cảm, tư tưởng và cả những hoài bão của mình, cùng nhau tổ chức công tác chung trên mọi hoạt động của đời sống xã hội.

Ảnh minh họa – Nguồn Ineternet

Xã hội ngày càng đa dạng phức tạp, ngôn ngữ cũng phải phát triển để phù hợp và kịp thời phản ánh sự tiến bộ của xã hội. Trong xã hội với một số nghề, người ta được dùng ngôn ngữ để chuyền tải đến khán thính giả, độc giả, học sinh, sinh viên… đây là một việc làm không hề đơn giản, cần phải có đào tạo, luyện tập liên tục và thường xuyên. Một số người cho là mình có quyền nói, xong cần phải hiểu rằng quyền của mình đến đâu và người nghe họ cũng có quyền được nghe. Nếu như người nói cứ nói, người nghe lại không hiểu hoặc không phục, dẫn đến kết quả không đạt được, đó là người nghe không vừa lòng, chưa nói đến việc làm cho người nghe khó chịu. Khi người nghe không vừa lòng, người nói phải tự xem lại nội dung, cách nói, cách diễn đạt… đây là sự tương tác giữa hai đối tượng và đừng để lời nói của mình làm ảnh hưởng, thậm chí làm tổn thương đến người khác.

Người Việt Nam luôn coi trọng việc giữ gìn các mối quan hệ với mọi thành viên trong cộng đồng, đặc biệt trong việc giao tiếp. Cha ông ta luôn nhắc nhở con cháu coi trọng tình cảm hơn mọi thứ ở trên đời. Khi nói năng giao tiếp phải tế nhị, ý tứ đắn đo cân nhắc kỹ càng “ăn có nhai, nói có nghĩ” và “lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” đó chính là những lời dặn dò của tiền nhân để lại cho các thế hệ con cháu. Lời nói giao tiếp có thể mang lại niềm vui cho người khác và nó cũng có thể gây ra xung đột. Không phải mua nhưng cái giá của ngôn ngữ giao tiếp lại không hề đơn giản, “vừa lòng nhau” cần cho cả người nói và cho cả người nghe, để cuối cùng mục đích đạt được là: một thông điệp khi đã có người phát đi thì phải có người nhận lấy. Thông điệp này chỉ có ý nghĩa hay sức mạnh khi tạo được sự đồng thuận, đồng cảm và sao cho “kẻ nói phải có người nghe”.

Nói thực sự là một nghệ thuật, câu ngạn ngữ “đầu lưỡi tuy mềm nhưng có thể làm tổn thương người khác” nhằm nhắc nhở ta phải biết cách khi nói, trong đó trước hết phải biết nói gì và không nên nói gì. Có rất nhiều trường hợp không nói ra lại tốt hơn là nói “lời nói là vàng, im lặng là kim cương”. Như vậy, có lúc không nên nói hoặc nói một cách ẩn dụ, đó là kỹ năng của mỗi người, là văn hóa giao tiếp.

Mặt khác, giao tiếp không chỉ đơn giản là biết cách nói, mà còn đòi hỏi phải biết cách nghe. Nghe là một phản xạ tự nhiên của con người, nhưng lắng nghe lại là một kỹ năng. Người biết lắng nghe là người biết tiếp nhận những thông tin mới, những ý kiến mới, lựa chọn và thấu hiểu mọi việc xung quanh, phân biệt được cái đúng, cái sai. Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, thì sự tiếp nhận thông tin là công việc hết sức quan trọng đối với người nghe. Phần đông mọi người thích nói hơn nghe, vì vậy mà người thật sự biết nghe càng ít đi. Chính vì thế mà biết lắng nghe, cũng là một cách để nâng cao giá trị của mình và là điều không thể thiếu trong giao tiếp thường ngày cũng cần phải rèn luyện, học tập mới có. Người nghe cần chọn lọc, phân loại thông tin khi tiếp nhận, nghe gì, đọc gì hay xem gì để thấu hiểu, tiếp thu, chia sẻ, đồng cảm và thực hiện, làm cho cuộc sống thoải mái, vui vẻ hơn khi tiếp cận.

Phật giáo có những ngôi chùa, trong chùa có phòng “lắng nghe”. Theo triết lý nhà phật thì “ở đời nhiều khi sinh chuyện chỉ vì không biết nghe nhau”, nên khi giận ai, người ta khuyên hãy vào trong phòng đó mà “nghe”. Thật ra, không có ai nói ở đó mà nghe, nhưng khi con người biết tự đặt mình trong trạng thái nghe, im lặng suy nghĩ, tĩnh tâm lại sẽ thấu hiểu, nhận ra cái sai sót của chính mình để sửa chữa, thay đổi.

Ảnh minh họa – Nguồn Internet

Ngày nay, sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ, hành vi của con người. Cùng với sự phát triển của ngôn ngữ, sự giao thoa giữa các nền văn hóa và cơn lốc phát triển, hội nhập nền kinh tế toàn cầu cũng đã tạo ra một thế giới ảo – Thế giới mạng Internet. Sự bùng nổ của công nghệ thông tin ngoài những mặt tích cực, nó cũng là mảnh đất để lệch chuẩn văn hóa ngôn ngữ phát triển. Bên cạnh tiếng “lóng”, tiếng “bồi” trong lối viết tắt, còn xuất hiện việc chửi tục, chửi thề, nói bậy… và sử dụng ký hiệu “tây, ta” lẫn lộn để nói hoặc viết ở mọi nơi, mọi lúc. Đặc biệt là mạng Internet đã bị kẻ xấu lợi dụng để lừa đảo, các thế lực phản động bịa đặt thông tin nói xấu chế độ, kích động, nhằm chống lại Nhà nước…

Trong thời gian vừa qua, hàng ngày, hàng giờ có đủ thứ tin đồn thất thiệt, tin giả mọc như nấm trên mạng với tốc độ lây lan khủng khiếp, mà người ta gọi là “virut” độc hại. Thứ “virus” này len lỏi, gây hoang mang, làm lung lay niềm tin, làm méo mó suy nghĩ và nhận thức, dẫn đến những hành động không đúng của nhiều người. Lợi dụng dịch tình hình của dịch bệnh COVID-19, các thế lực thù địch, phản động, các đối tượng bất mãn chính trị trong và ngoài nước đã lợi dụng phát tán trên không gian mạng nhiều thông tin sai sự thật, xuyên tạc tình hình dịch bệnh và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ Việt Nam, kích động người dân đình công, ngừng buôn bán, tích trữ lương thực, thực phẩm… Mục đích của chúng không chỉ là trục lợi, mà còn gây hoang mang, lo sợ cho cộng đồng, tạo ra tình trạng bất ổn, chia rẽ trong nội bộ, làm mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Điều đáng tiếc là một số người do nhận thức kém, thiếu hiểu biết, a dua… đã góp nhặt chia sẻ những thông tin thiếu tính xác thực, chưa được kiểm chứng, thậm chí là những tin phản động trên trang Facebook cá nhân, vô tình tiếp tay cho việc lan truyền thông tin “độc hại” trên không gian mạng. Đúng vào thời điểm nhạy cảm, vấn đề nóng cả xã hội đang quan tâm từng phút, từng giây; vì vậy, chỉ trong một thời gian gắn, những tin tức giả và vô căn cứ đã có hàng vạn lượt chia sẻ, hàng nghìn bình luận thiếu trách nhiệm, khiến cộng đồng lo lắng, hoang mang. Những tin độc hại cũng nguy hiểm không kém gì dịch bệnh và đôi khi chính những dòng chữ vô cảm này còn trở thành tội ác đối với đồng loại. Theo thống kê của lực lượng công an, từ khi xuất hiện dịch bệnh COVID-19 đến trung tuần tháng 3/2020; trên không gian mạng có gần 300.000 tin, bài đăng trên các trang thông tin điện tử, blog, diễn đàn; gần 600.000 tin, bài, video, clip liên quan đến dịch bệnh đã đăng trên mạng xã hội. Trong đó có rất nhiều tin, bài có nội dung chưa được kiểm chứng, xuyên tạc, sai sự thật, thu hút hàng triệu lượt bình luận, chia sẻ…

Trong tình trạng dịch bệnh, trước tình hình loạn thông tin trên mạng xã hội, hơn lúc nào hết rất cần các cơ quan báo chí chính là nơi là nơi giữ vai trò truyền tải, định hướng dư luận qua những thông tin chuẩn xác, kịp thời để dựng niềm tin cho xã hội; đồng thời lan tỏa những giá trị tốt đẹp nhân văn của con người Việt Nam. Chúng ta hoàn toàn có cơ sở tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ và chung tay của toàn xã hội trong cuộc chiến quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm này.

Ảnh minh họa – Nguồn Internet

Đối với người nghe khi tiếp nhận thông tin, không chỉ quan tâm đến tình hình dịch bệnh COVID-19, mà còn cần phải cảnh giác với những thông tin thất thiệt, bằng cách có ý thức, tìm kiếm và theo dõi những nguồn thông tin chính thống, đáng tin cậy. Sự thành công đẩy lùi dịch bệnh không chỉ phụ thuộc vào Nhà nước, mà còn phụ thuộc rất lớn vào từng suy nghĩ, hành động của mỗi người. Bảo vệ mọi người trong cộng đồng là bảo vệ chính mình.

Cuộc sống là cả quá trình tìm tòi và học hỏi, không chỉ có những điều lớn lao ta mới tiếp thu, mà hãy nên bắt đầu từ những điều nhỏ bé nhất thường ngày. Khi nhìn cuộc sống xung quanh một cách kĩ lưỡng hơn, ta sẽ nhận thấy mình biết thêm được những gì để mà học tập, rèn luyện, bổ sung cho kiến thức của mình. Con người phải có cộng đồng mới tồn tại, con người không thể sống như một cá thể độc lập mà không có xã hội. Sự hiểu biết giữa cá nhân và cộng đồng, cộng đồng và cá nhân quyết định sự thành công, hạnh phúc trong cuộc sống riêng cuả mỗi người. Cuộc sống đòi hỏi con người phải có cách xử thế đúng đắn, thể hiện qua phép lịch sự trong quá trình giao tiếp với các đối tác khác nhau, ở những địa điểm, công việc khác nhau. Đồng thời, chính con người lại chủ động xây dựng những mối quan hệ cho bản thân, góp phần tạo nên một xã hội ổn định, hài hoà, tiến bộ, văn minh.

Ls. Trần Văn Chương

Bài viết liên quan

Thạc sĩ Phạm Văn Hưng, hiệu trưởng Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng đọc diễn văn khai giảng năm học mới.

Lễ khai giảng tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng

Hình ảnh tại chương trình

Nam Định: Trao học bổng cho học sinh vượt khó

bí thư tỉnh ủy

Nam Định: Công bố quyết định thành lập Đảng bộ thành phố và Đảng bộ các phường sau sáp nhập

Hình ảnh minh họa (nguồn internet)

Nam Định: Chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất

Bảo hiểm thương tật, cứu cánh cho người lao động nếu không may tai nạn

Picture1

HOA ĐÀO NỞ MUỘN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang