(ĐHVO). Quyền được giáo dục là quyền lợi chính đáng của tất cả trẻ em, và hơn khoảng 663 nghìn trẻ em khuyết tật từ 2-17 tuổi tại Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Từ những năm 1990 thì chính phủ Việt Nam đã có những chính sách hỗ trợ, tạo bình đẳng và nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ khuyết tật. Hơn 30 năm đã qua, hoạt động giảng dạy cho trẻ khuyết tật ngày càng có những thay đổi tích cực với tỉ lệ trẻ khuyết tật đến trường ngày càng được tăng cao. Tuy nhiên vẫn còn đó những nỗi lo, nỗi băn khoăn của những bậc phụ huynh, của thầy cô giáo và của chính trẻ khuyết tật trong việc lựa chọn môi trường và phương thức giáo dục phù hợp.
Theo thống kê của Tổng cục Thống kê Bộ kế hoạch đầu tư đầu năm 2019 qua kết quả cuộc điều tra quốc gia về người khuyết tật Việt Nam tính đến năm 2016, Việt Nam có khoảng 6.2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, chiếm 7,06% dân số trong đó có hơn khoảng 663 nghìn trẻ em khuyết tật từ 2-17 tuổi. Trong đó, gần 80% NKT sống ở vùng nông thôn, hơn 20% sống ở thành phố; trên 60% NKT trong độ tuổi lao động; 54% là nữ khuyết tật, 46% là nam khuyết tật.
Trẻ em khuyết tật chủ yếu tập trung ở 4 dạng tật là khuyết tật vận động, khuyết tật trí tuệ, khiếm thính và khiếm thị. Mặc dù việc đưa trẻ em khuyết tật hòa nhập với trẻ em khác và học chung giáo trình đã cho những kết quả tích cực nhưng số lượng trẻ em được đến trường không cao. Ngay cả đối với trẻ em bị khuyết tật, có nhiều em bị đúp, đúp nhiều năm dẫn đến bỏ học. Không được giáo dục đồng nghĩa với việc khó có cơ hội việc làm.
Giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật. Ảnh minh hoạ
Con bước vào tuổi đi học là giai đoạn mà cha mẹ rất lo lắng, vì những năm học đầu đời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc nhận thức cũng như sự phát triển sau này của con trẻ. Đó chưa bao giờ là một hành trình dễ dàng đối với bất kỳ cha mẹ nào, đặc biệt là đối với cha mẹ có con là trẻ khuyết tật. Những ngôi trường chuyên biệt cho trẻ khuyết tật luôn mang đến cảm giác an tâm cho các vị phụ huynh vì các bạn trong lớp đồng cảnh và có sự quan tâm đặc biệt dành cho trẻ của các thầy cô giáo. Trong trường chuyên biệt, thầy cô là những nhân tố quan trọng tạo hứng thú học tập cho trẻ, đó cũng chính là cầu nối giao tiếp quan trọng giúp trẻ tự tin, mở rộng các mối quan hệ. Thế nhưng lo lắng về khả năng hoà nhập sau này của con trẻ khiến cho không ít bậc phụ huynh lại đưa ra thêm lựa chọn mới, đó là thay vì cho con đi học trường chuyên biệt, họ lại lựa chọn kết hợp hai môi trường là cả giáo dục chuyên biệt và hoà nhập cho con.
Mong muốn của cha mẹ là con được giống như bất kỳ đứa trẻ nào, được hoà nhập, được đến lớp, được đi học, được cô giáo quan tâm, năng lực học tập ngày càng đi lên. Giáo dục hoà nhập vì thế nên ngày càng được phụ huynh của trẻ khuyết tật quan tâm và hướng đến. Xu hướng giáo dục hiện đại là phương thức giáo dục hoà nhập giúp trẻ khuyết tật tăng cường giao lưu và tiếp cận cùng các bạn khác, hướng tới hoà nhập tới cộng đồng sau này. Giáo dục hoà nhập cho trẻ khuyết tật đã được thí điểm ở Việt Nam từ những năm 1991. Chúng ta đã có 30 năm thực hiện giáo dục hoà nhập, tạo được sự bình đẳng nhất định cho trẻ khuyết tật trong cộng đồng, giúp trẻ khuyết tật được hoà nhập, được phát triển những kỹ năng của bản thân.
Năm 2010, Luật người khuyết tật được ban hành, một lần nữa khẳng định cam kết của chính phủ Việt Nam trong việc cung cấp cơ hội giáo dục cho toàn xã hội, đặc biệt là trẻ khuyết tật. Trong 30 năm qua, bên cạnh những nỗ lực của chính phủ là sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong việc nâng cao giáo dục trẻ khuyết tật. Giáo dục hoà nhập là cách giảm miệt thị và xây dựng bình đẳng trong giáo dục đối với trẻ khuyết tật, mặc dù là còn nhiều khó khăn nhưng trong 30 năm nay, các cơ sở chuyên biệt cho trẻ khuyết tật trên cả nước đã đưa giáo dục hoà nhập đến gần hơn với trẻ khuyết tật, giúp các em đến gần hơn với một cuộc sống như những đứa trẻ bình thường.
Giáo dục hoà nhập, bình đẳng giúp trẻ thể hiện rõ năng lực của bản thân mình, cánh cửa tri thức không chỉ dừng lại trong cánh cổng trường học, nó đang được mở rộng ra với ước mơ được vươn đến nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống. Chưa bao giờ cơ hội học tập, lựa chọn môi trường, phương thức học tập lại đa dạng như hiện nay. Các trường quốc tế có mặt rất nhiều tại Việt Nam, các chương trình liên kết đào tạo nước ngoài, các chương trình học bổng liên tục được triển khai. Được học trong môi trường giáo dục tiên tiến là ước mơ của tất cả mọi người. Rất nhiều người khuyết tật đã thành công bởi họ đã xác định được con đường họ cần đi và có những người xung quanh dìu dắt họ trưởng thành. Không một phương pháp giáo dục nào được coi là chuẩn mực, điều quan trọng là tối ưu những điểm mạnh giúp trẻ khuyết tật được hưởng những quyền lợi chính đáng thuộc về mình và được học trong môi trường mà mình yêu thích.
Hồng Liên