Cuộc hành trình hướng tới giáo dục hòa nhập có thể dài và nhiều thách thức nhưng đích đến sẽ là một cộng đồng trường học bảo vệ lợi ích của mọi trẻ em. Giáo dục hòa nhập không đơn giản chỉ là việc xếp lớp cho các học sinh khuyết tật vào các lớp học giáo dục tổng quát. Quá trình này phải là sự kết hợp giữa những thay đổi cơ bản trong cộng đồng trường học và việc giải quyết các nhu cầu cá nhân của mỗi đứa trẻ. Do đó, mô hình giáo dục hòa nhập hiệu quả không chỉ mang lại lợi ích cho học sinh khuyết tật mà còn tạo ra môi trường trong đó mọi học sinh đều có cơ hội phát triển bình đẳng.
Đi cùng với sự phát triển giáo dục là việc thực hiện sự công bằng trong giáo dục. Có thể nói vấn đề công bằng giáo dục được coi là trọng tâm và là nhiệm vụ chính trị của ngành giáo dục. Chính vì thế, vừa qua Bộ giáo dục và đào tạo ban hành Thông tư số 03/2018/TT-BGDĐT Quy định về giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật.
Theo đó, giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật là phương thức giáo dục chung người khuyết tật với người không khuyết tật trong cơ sở giáo dục. Việc tạo môi trường giáo dục thân thiện có vai trò rất quan trong trong quá trình phát triển toàn diện cho mỗi người, đặc biệt là đối với người khuyết tật. Khi có môi trường giáo dục tốt sẽ giúp phát triển nhân cách cho mỗi người đồng thời giúp trẻ phát triển các tố chất, các năng lực tinh thần và thể chất. Mục tiêu của giáo dục hòa nhập là người khuyết tật được phát triển khả năng của bản thân, được hòa nhập và tăng cơ hội đóng góp cho cộng đồng. Từ đó đảm bảo quyền học tập bình đẳng, chất lượng và phù hợp với đặc điểm, khả năng của người khuyết tật.
Ảnh minh họa – Nguồn Internet
Để thực hiện mục tiêu cao đẹp đó, vai trò của các cơ sở giáo dục thực hiện giáo dục hòa nhập là rất quan trọng. Các cơ sở giáo dục hòa nhập có trách nhiệm phát hiện, huy động và tiếp nhận người khuyết tật học tập tại cơ sở giáo dục; sắp xếp, bố trí các lớp học phù hợp với người khuyết tật; đảm bảo mỗi lớp học hòa nhập có không quá hai người khuyết tật. Trường hợp đặc biệt, thủ trưởng cơ sở giáo dục căn cứ vào Điều kiện thực tế có thể sắp xếp, bố trí thêm người khuyết tật trong một lớp học để đảm bảo cho những người khuyết tật có nhu cầu học hòa nhập đều được đi học. Cùng với đó, Nhà nước, các cơ sở giáo dục thực hiện giáo dục hòa nhập cần xây dựng môi trường giáo dục hòa nhập, thân thiện, đảm bảo người khuyết tật được tôn trọng, hỗ trợ, hợp tác và được tham gia bình đẳng trong mọi hoạt động giáo dục.
Có thể khẳng định rằng, nếu người khuyết tật không được can thiệp sớm, không được giáo dục hòa nhập trong môi trường giáo dục bình thường thì khả năng phát triển kém, có thể sẽ mất đi cơ hội hòa nhập với xã hội,với cộng đồng. Do vậy, giáo dục hòa nhập giúp người khuyết tật phát triển tiến bộ hàng ngày, tạo cho người khuyết tật có sự tự tin hòa nhập với cộng đồng, với toàn xã hội.
Về lâu dài, giáo dục hòa nhập sẽ đem lại những ảnh hưởng tích cực đối với cả trẻ em khuyết tật và không khuyết tật. Nhiều nghiên cứu cho thấy những học sinh điển hình thể hiện sự chấp nhận và đánh giá cao sự khác biệt cá nhân, lòng tự trọng, khả năng kết bạn và rèn luyện các kỹ năng mới. Trẻ em sẽ học được cách chấp nhận những sự khác biệt, vượt qua những quan niệm sai lầm về người khuyết tật khi đưa chúng lại gần nhau trong môi trường tích hợp. Trẻ em sẽ phát triển mối quan hệ tình bạn mới, hòa nhập trong một cộng đồng chung. Cha mẹ học sinh cũng sẽ có nhiều cơ hội hơn để tham gia các hoạt động của trường học hay cộng đồng địa phương. Về dài hạn, vấn đề quyền công dân cũng sẽ được thúc đẩy. Trẻ em có quyền hợp pháp tham dự các lớp học bình thường và nhận được một nền giáo dục thích hợp trong một môi trường tối thiểu sự hạn chế.
Nam Phương