Gian nan hành trình đi tìm ánh sáng cuộc đời

(ĐHVO). Hầu hết người khuyết tật đều gặp khó khăn trong vấn đề đi lại, sinh hoạt đời thường. Mặc dù trong thâm tâm họ nghĩ rằng chỉ cần kiên trì, cố gắng theo đuổi niềm đam mê, nhưng thực tế, khiếm khuyết cơ thể vấn là những rào cản cản trở con đường đi đến thành công của họ.

Những ước mơ dang dở

Anh Nguyễn Văn Đông (1991) và chị Nguyễn Thị Dự (1996) quê ở Hải Dương và đều là người khiếm thị. Trước đây, với mong muốn trở thành giáo viên dạy trẻ khiếm thị, anh chị đã theo học khoa Giáo dục đặc biệt – trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương. Sau thời gian học tập, anh chị được thầy cô ưu ái sắp xếp đứng lớp dạy các em nhỏ khiếm thị lớp 3, lớp 4 của một trường Tiểu học trên địa bàn tỉnh. Được áp dụng kiến thức được học, cộng với tình yêu trẻ và sự đồng cảm của những người đồng cảnh ngộ, anh chị cảm thấy quãng thời gian 3 tháng thực tập ấy thật quý giá, đáng trân trọng biết bao. Tự tin vững bước cầm trên tay tấm bằng, những tưởng anh chị sẽ có một công việc ổn định nhưng thay vào đó, các trường  đều từ chối anh chị với lý do không nhận giáo viên khiếm thị mặc dù số lượng học sinh khiếm thị học tập hòa nhập tại cộng đồng là không ít. Không còn cách nào, để mưu sinh, anh chị đành phải làm công việc truyền thống của người khiếm thị đó là nghề massage. Mọi công sức học tập bấy lâu nay dường như đã đổ xuống sông xuống bể. Như vậy, chẳng phải xã hội đang từ chối cơ hội để người khuyết tật sống hòa mình, theo đuổi ước mơ hay sao?

Anh Nguyễn Văn Cường (áo xanh nhạt) người khiếm thị tỉnh Đắk Lắk

Một trường hợp khác có thể kể đến là Nguyễn Văn Cường (Đắk Lắk) sinh năm 1998. Hiện tại, Cường là cựu sinh viên trường Đào tạo CNTT Quốc tế Bachkhoa-Aptech. Gia đình Cường làm nông nghiệp, dưới anh còn hai em nhỏ, anh là anh cả nhưng lại bị khiếm thị nên cuộc sống sinh hoạt rất khó khăn, chật vật. Mặc dù thế nhưng ngay từ khi học lớp 7, anh đã có niềm đam mê với công nghệ thông tin. Năm tháng ngồi trên ghế nhà trường đủ để anh nung nấu ý chí trở thành lập một trình viên chuyên nghiệp. Đó là lí do anh theo học trường Bachkhoa-Aptech. Bước chân vào cánh cổng đại học, tưởng chừng như mình đã gần chạm tay vào ước mơ, anh Cường nhận ra mọi thứ chẳng như những gì mình nghĩ. Ngôi trường anh theo học không thân thiện với người khiếm thị, hầu hết bạn bè đều tỏ ra xa lánh, thờ ơ. Quá chán nản, anh phải đi đến một quyết định bất đắc dĩ, đó là thôi học. Cường nghĩ, có lẽ mình chỉ nên tự học tại nhà và làm thêm một số công việc khác để kiếm thêm thu nhập. Nhưng với anh, việc thực hiện ước mơ chỉ là đang tạm dừng một chút, một ngày nào đó, anh sẽ lại đứng lên, tiếp tục bước đi trên con đường chinh phục niềm đam mê của mình.

Anh Nguyễn Văn Cường đang học tập tại Lớp lập trình cho người khiếm thị

Thiếu giải pháp hỗ trợ phù hợp

Từ những mảnh chuyện trên, theo Cường, hiện nay, xã hội còn thiếu giải pháp hỗ trợ phù hợp đối với người khuyết tật. Nguyên nhân của vấn đề nằm ở nhiều yếu tố có thể kể đến như: Hầu hết, các bạn trẻ khiếm thị hiện nay đều lựa chọn các ngành xã hội chứ không lựa chọn các khối ngành tự nhiên và khoa học kỹ thuật. Điều này cũng dễ hiểu vì họ sợ rủi ro, sợ mình không theo kịp chương trình học. Ngoài ra, việc thiếu phương pháp giảng dạy, lộ trình, kỹ năng hỗ trợ sinh viên, học viên khiếm thị là nguyên nhân chính khiến họ khó thích nghi với môi trường học tập. Chưa kể, việc tìm đầu ra cho các bạn rất khó khăn. Hầu hết các nhà tuyển dụng đều tìm mọi cách để từ chối người khiếm thị với lý do người khiếm thị không phù hợp với ngành, nếu cần nhận người khiếm thị thì buộc phải thay đổi môi trường và bổ sung các công nghệ trợ giúp như trình đọc màn hình, màn hình chữ nổi, công cụ thu phóng,… gây tốn kém, tăng chi phí của công ty.

Tuy nhiên, bên cạnh những cá nhân, tổ chức từ chối người khuyết tật, trong xã hội vẫn còn rất nhiều người đồng cảm, thấu hiểu được nỗi khó khăn, thiếu thốn của những người có khiếm khuyết cơ thể. Theo chia sẻ của chị Phạm Thị Kim Hằng, chủ một chuỗi cửa hàng Limart Zero Waste (TP. HCM): “Mới đầu nhận các bạn ấy vào thì cảm thấy rất khó khăn. Tuy nhiên, nếu cho các bạn ấy cơ hội và đặt các bạn ấy đúng vị trí công việc thì các bạn ấy làm rất tốt, thậm chí còn tốt hơn người sáng mắt nữa”. Chị cũng bày tỏ thêm, rất mong các doanh nghiệp hãy trao quyền cho người khiếm thị để họ có thể tự tin cống hiến sức lực của mình góp phần tạo ra sinh kế cho họ tạo ra nhiều cơ hội bình đẳng để họ được sống với đam mê, có thêm niềm vui trong cuộc sống, có thêm nguồn thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình họ. Phải chăng nếu có nhiều người có cùng suy nghĩ như chị Hằng thì có thể anh Đông, chị Dự, anh Cường và những người khiếm thị khác sẽ được theo đuổi ước mơ, có công ăn việc làm ổn định và chẳng phải chật vật mưu sinh kiếm từng đồng như vậy.

Hai câu chuyện trên chỉ là một vài ví dụ tiêu biểu về những khó khăn mà người khiếm thị gặp phải trong quá trình theo đuổi ước mơ của mình. Thiết nghĩ, cần có thêm giải pháp, cơ chế hỗ trợ thực tế phù hợp, khả thi để ước mơ của những người khiếm thị sẽ không còn dang dở, ngắt quãng. Mặc cho không thể nhìn thấy ánh sáng mặt trời, nhưng đối với họ, được lao động với niềm đam mê chính là đang bước đi trên con đường tìm thấy ánh sáng của cuộc đời mình.

Nguyễn Hoa

Bài viết liên quan

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – MỘT NHÀ BÁO CÁCH MẠNG LỖI LẠC SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN

bà lịch - PX

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp: Trợ giúp pháp lý thành công cho người nghèo, người khuyết tật

Song-vinh-quan-giu-doi-thuo

Cảm phục tấm gương nữ thương binh vinh dự được Thủ tướng tuyên dương

IMG_0144

Tấm gương thương binh tỷ phú ở Nông trường Mộc Châu

nam

Hà Nam: Phát huy vai trò “Tuổi cao – Gương sáng” của người cao tuổi trong gia đình và xã hội

hanh-trinh-vuot-kho-cua-co-rong-ti-hon-8-6221

Hành trình vượt khó của ‘cô rồng tý hon’

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang