(ĐHVO). Với thầy Trần Quốc Thường “Trao đi tình yêu thương là mong muốn yêu thương luôn được lan tỏa. Trong nhiều năm qua, thầy Thường quê Hà Tĩnh đã cùng nhóm nhân ái Hồng La (NAHL) chung tay giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn, nhiều mảnh đời bất hạnh. Để có thể hiểu rõ hơn về công việc ý nghĩa này, phóng viên Tạp chí Điện tử Đồng Hành Việt đã có buổi phỏng vấn thầy Trần Quốc Thường.
Phút thư thái hiếm hoi của thầy Trần Quốc Thường
PV: Thưa thầy, cơ duyên nào đưa thầy đến với công tác thiện nguyện?
Trần Quốc Thường: Xuất phát từ nghề dạy học với 10 năm đứng lớp, 30 năm làm Hiệu trưởng, bản thân tiếp xúc với nhiều cảnh đời bất hạnh của các em học sinh. Năm 1994, tôi thành lập Quỹ khuyến học tại trường THCS Nguyễn Biểu quê nhà.
Thầy Trần Quốc Thường trong chuyến thiện nguyện cùng Nhóm nhân ái Hồng La.
Bản thân với truyền thống của gia đình, cả cha và mẹ mình đều giàu lòng nhân ái, giúp đỡ người nghèo khó. Mẹ tôi bị mù lòa sớm, sau này về già bị bại liệt, bà thường dặn tôi: “Ngoài công tác khuyến học con phải làm gì đó để giúp đỡ những người có hoàn cảnh như mẹ”.
Sau này, trên con đường học đạo, theo phật pháp tôi nghiệm thấy phải chăng đây là cái nghiệp của đời mình. Đến năm 2014, tôi phát triển quỹ Khuyến học thành Quỹ Nhân ái Hồng La (NAHL), mở rộng đối tượng để hổ trợ thêm cho các cụ già neo đơn, mù lòa, tâm thần và bại liệt.
PV: Kỷ niệm nào thầy ấn tượng và nhớ mãi trong công tác thiện nguyện?
Trần Quốc Thường: Trong hành trình hơn 28 năm làm công tác khuyến học và thiện nguyện, tôi có rất nhiều kỷ niệm về các mảnh đời bất hạnh và cả những người bạn đồng hành giàu lòng nhân ái, nghĩa tình của nhóm NAHL.
Những thành viên tích cực, giàu lòng nhân ái của nhóm NAHL
Nhưng kỷ niệm đem lại ấn tượng sâu sắc cho mình là người kém may mắn trong cuộc sống nhưng có tấm lòng từ tâm, trong sáng, sẵn sàng giúp đỡ người khác bằng những hành động cụ thể, bình dị nhất. Họ không suy tính thiệt hơn, không chờ khi có đầy đủ, giàu có mới sẻ chia, làm việc thiện nguyện.
Như chị Hà ở xã An Dũng bị câm điếc, không chồng nuôi con vẫn quyên góp 5 kg gạo và mấy quả bí vườn nhà đã gửi ủng hộ đồng bào miền Nam đang cao điểm dịch Covid. Các Sinh viên nghèo mồ côi được NAHL cưu mang (như em Khải, em Hiếu, em Lâm, em Hương, em Uyên, em Hoài Thương, em Mai Trang, Đinh Tình,…) khi có học bổng hoặc làm thêm thu nhập là gửi tiền về ủng hộ các em cũng có hoàn cảnh như mình.
Những mầm thiện đã đơm hoa, kết trái; thiện tâm đã lan tỏa ra cộng đồng chính là niềm vui, động lực giúp NAHL vững tâm và cố gắng nhiều hơn trên con đường mình đã chọn.
Ngoài ra, nhóm đang cưu mang hàng tháng 38 cụ già, 45 học sinh, 18 sinh viên nghèo mồ côi vượt khó. Mức hỗ trợ 300.000 VNĐ – 1.000.000 VNĐ/người/tháng.
Nhóm đã và đang đang cộng tác với các bệnh viện lo bữa ăn miễn phí 2 năm 2016-2017 cho bệnh nhân tại viện đa khoa Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh). Hiện nay, nhóm đang là nhà tài trợ chính cho Chương trình “Bát cháo tình thương” ở 03 bệnh viên Can Lộc, Hương Sơn (Hà Tĩnh) mỗi tháng mỗi viện 3.000.000 VNĐ. Bệnh viện đa khoa Đức Thọ (Hà Tĩnh) 4.000.000 VNĐ/tháng. Ngoài ra, nhóm cùng các nhà hảo tâm tài trợ cưu mang hàng tháng 32 cụ già, 35 học sinh, 38 sinh viên nghèo mồ côi vượt khó. Mức hỗ trợ 300.000 – 1.000.000 VNĐ/người/tháng.
Nhóm đã có chương trình Tri ân nhân ngày Thương binh liệt sĩ (27/7) kêu gọi tài trợ cho 10 gia đình Thanh niên xung phong (TNXP) ở Ngã ba Đồng Lộc, hỗ trợ tu sửa nhà cho 2 gia đình TNXP ở Thạch Hà và Đức Thọ (Hà Tĩnh). Với kinh phí trên 50 triệu đồng/căn.
Đặc biệt, nhóm đã phối hợp với Ban liên lạc Cựu chiến binh Gạc ma trực tiếp đi thắp hương cho liệt sĩ và tặng 166 triệu cho 21 gia đình liệt sĩ ở 7 tỉnh phía bắc mỗi gia đình 8 triệu đồng.
Năm 2018, ủng hộ Thành hội phụ nữ Hà Nội 20.000.000 VNĐ tổ chức đám cưới cho 65 cặp khuyết tật.
Thầy Quốc Thường (thứ 3 từ phải sang trái) trong một chương trình thiện nguyện
Năm 2019 giúp Trung ương hội người mù phối hợp Vụ thư viện Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức giao lưu cho các sinh viên khiếm thị cả nước học tại Hà Nội. Tài trợ chính cho đợt tập huấn của Hội người mù tổ chức tại Đắc Lắk năm 2019 và Lộc Hà, Hà Tĩnh năm 2020.
Chương trình “Tiếp sức cho em tới trường” đầu tháng 9 hàng năm với 300 suất quà cho các học sinh mồ côi nghèo. Hỗ trợ hàng trăm chiếc xe đạp cho học sinh nghèo mồ côi, hàng ngàn bộ quần áo cho các đối tượng…
PV: Khó khăn lớn nhất mà thầy đã gặp trong công tác thiện nguyện, và thầy đã vượt qua như thế nào?
Trần Quốc Thường: Không nói chắc nhiều người cũng hình dung được phần nào những khó khăn trong công tác thiện nguyện qua nhiều câu chuyện, mảnh đời mà NAHL đã từng giúp đỡ.
Nhưng khó khăn lớn nhất của tôi và nhóm NAHL gặp phải là sự dị nghị, ngờ vực của người đời, cộng đồng mạng và ngay cả những người thân quen của chính mình. Xuất phát từ thiện tâm trong sáng, nhiệt tình và kiên định phương châm hoạt động (công khai, minh bạch, đúng đối tượng và kịp thời) của mình mà các thành viên NAHL ngày càng được cộng đồng tin tưởng, có nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước ủng hộ và đồng hành.
PV: Điều làm nên thành công của NAHL?
Trần Quốc Thường: Điều làm nên thành công nhờ nhóm NAHL luôn tuân thủ phương châm hoạt động: sự công khai – minh bạch, đúng đối tượng và kịp thời khi cứu trợ. Thành công còn nhờ sự đoàn kết, thiện tâm trong sáng và giàu đức hy sinh của các thành viên NAHL như: bác Đạo thương binh nặng, vợ bại liệt, cô Hồng khuyết tật, cô Đức nuôi 3 con nhỏ, …
Ngoài ra, nhóm hoạt động luôn có sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể xã hội như hội Chữ thập đỏ, Hội khuyến học, hội Người mù, hội Bảo trợ NKT&TMC, Đoàn thanh niên, các doanh nghiệp.
Thu Trang