Gia đình “Ngũ hổ tướng” trong làng bóng đá Việt xưa

(ĐHVO) Trong làng bóng đá Việt xưa, có một gia đình cả 5 anh em trai đều là những chiến binh sân cỏ. Họ được mệnh danh là “Ngũ hổ tướng” của bóng đá Việt thời đó.

Phố Lê Duẩn ở Hà Nội bây giờ, xưa là phố Hàng Cỏ và Hàng Lọng. Vào năm 1900, Nhà nước bảo hộ Pháp khởi công xây dựng ga xe lửa, đặt tên là ga Hàng Cỏ. Cùng với cầu Long Biên, ga Hàng Cỏ thời ấy là điểm nhấn của kiến trúc đô thị Hà Nội. Từ thời thuộc Pháp, ông Nguyễn Phú và bà Đỗ Thị Sợi đã về đây lập nghiệp. Ông bà mở bán hàng cơm, hàng phở và cả hàng la-ghim (rau quả) cho khách đi tàu tại nhà số 137 phố Hàng Cỏ, nay đổi tên thành phố Lê Duẩn. Số trời mang đến cho hai ông bà chẵn 10 người con, 5 trai và 5 gái và trở thành gia đình có “Ngũ hổ tướng” trong làng bóng đá Việt một thời.

Vốn từng theo học trường Tây nên ông Phú hướng cho các con trai theo nghiệp bóng đá, môn thể thao mà ông đam mê nhưng vì sinh kế nên ông không theo được. Người con cả là Nguyễn Minh Quang được ông cho theo học lớp bóng đá của thầy Luyến, thầy Thưởng ở sân Long Biên hồi đó. Ông Quang có biệt danh là Quang B, nhưng các anh lớn trong đội hay gọi đùa ông thành tên nhạc sỹ nổi tiếng là Trương Quang Lục hay Quang “thừa”. Sở dĩ có tên gọi này vì ở một ngón cái trên bàn tay ông, có một ngón tay nho nhỏ, xinh xinh mọc kèm bên cạnh. Ở đội bóng CAHN, ông sở hữu vị trí hậu vệ cánh phải. Lối đá chân phương cùng nền tảng kỹ thuật được đào tạo bài bản đã đảm bảo vị trí chính thức cho ông trong đội hình CAHN và mỗi khi lên tuyển.

Ông Quang B – mặc áo xanh, đứng thứ tư từ bên phải sang – trong buổi họp mặt với đội CAHN

Năm 1972, ông Quang dẫn cậu em kế là Nguyễn Ngọc Phương ra mắt hai thầy Tòng “cháy” và thầy Hạc “phệ”, những người phụ trách đội bóng trẻ CAHN hồi ấy. Lúc đó, ông Phương được gọi là Phương “tròn” vì béo mũm mĩm. Thời gian sau, Phương “tròn” chuyển sang đội Tổng cục Đường sắt, có mặt trong trận cầu lịch sử của bóng đá Việt Nam năm 1976, khi đội Đường sắt đại diện bóng đá miền Bắc vào Nam thi đấu, gặp Cảng Sài Gòn và thắng 2 – 0. Phương “tròn” là hậu vệ phải của đội Đường sắt và nhiều lần là thành viên đội tuyển quốc gia.

Theo định hướng của cha, cả 5 anh em nhà ông Quang B đều theo nghiệp bóng. Ông Dũng “gấu”, em ruột ông Quang đã gắn bó sự nghiệp sân cỏ của mình với đội Thể công. Nay khi không còn chơi bóng nữa, ông đã vào Nam lập nghiệp. Nghe tin anh mình là ông Quang vào thành phố Hồ Chí Minh cùng đội lão tướng CAHN, Dũng “gấu” đã tìm cách mời bằng được ông anh của mình và các đồng đội đến dự bữa cơm sum họp.

Hai người em còn lại của ông Quang cũng là thành viên đội CAHN là ông Hùng “dô” và cậu út Cường “tây”. Khi còn chơi bóng, ông Hùng giữ vị trí tiền vệ trong đội. Khi giải nghệ, ông chuyển sang kinh doanh, hiện là chủ sở hữu một khách sạn lớn trên phố Gia Ngư – Hoàn Kiếm. Còn cậu út Cường khi giải nghệ về làm CSGT và hiện là tiền vệ chủ lực trong đội hình cựu cầu thủ công an.

Nhà tuy đông anh em, nhưng nếp nhà vẫn luôn được ông Quang B cung các em của mình gìn giữ theo như lời song thân. Những cốt cách Hà Nội của cụ Nguyễn Phú và bà Đỗ Thị Sợi đã được con cháu noi theo, làm nên một gia đình thuần Việt, trên kính dưới nhường.

Hồ Công Thiết

Bài viết liên quan

ngày sách

Văn hóa khởi sắc, thể thao thăng hoa, du lịch bứt tốc ở Nam Định

hát chau

Nam Định – nơi nghệ thuật truyền thống khơi nguồn sức sống

108

Nam Định không còn “khoảng trống” về hạ tầng và dữ liệu

102

Lời cảm ơn của Hội Nhà báo Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng

z6726482536460_17490cb054daffb43265c12015516256

THƯ CHÚC MỪNG CỦA CHỦ TỊCH LIÊN HIỆP HỘI VỀ NGƯỜI KHUYẾT TẬT VIỆT NAM

71

Tạp chí điện tử Đồng Hành Việt – Mười hai năm phấn đấu vì Người khuyết tật

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang