(DHVO) Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua vào ngày 20/11/2019 với nhiều nội dung nổi bật sẽ được áp dụng từ ngày 01/01/2021.
So với Bộ luật Lao động 2012 hiện nay, Bộ luật Lao động sửa đổi có nhiều nội dung mới như:
– Mở rộng phạm vi điều chính và đối tượng áp dụng của Bộ luật Lao động
Bộ luật lao động lần đầu tiên mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Bộ luật Lao động đối với người làm việc không có quan hệ lao động. Người làm việc không có quan hệ lao động là người làm việc không trên cơ sở thuê mướn bằng hợp đồng lao động (Ví dụ như cộng tác viên)
– Tăng tuổi nghỉ hưu với người lao động
Từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu sẽ chính thức được tăng lên 60 tuổi 03 tháng với nam; 55 tuổi 04 tháng với nữ.
Sau đó cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng với nam và 04 tháng với nữ.
Đến năm 2028, nam nghỉ hưu khi đủ 62 tuổi và nữ nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi.
– Dịp lễ Quốc khánh được nghỉ 2 ngày
Từ dịp lễ Quốc khánh năm 2021, người lao động trên cả nước được nghỉ 02 ngày, thay vì chỉ có 01 ngày như hiện nay, có thể sẽ được nghỉ thêm vào ngày 01/09 hoặc ngày 03/09.
– Người lao động được nghỉ việc mà không cần lý do
Bộ luật Lao động 2019 cho phép người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần lý do, chỉ cần đảm bảo yêu cầu về thời gian báo trước là 30 ngày với hợp đồng xác định thời hạn và 45 ngày với hợp đồng không xác định thời hạn.
– Không còn quy định hợp đồng lao động theo mùa vụ
Bộ luật Lao động mới chỉ quy định 02 loại hợp đồng lao động là hợp đồng không xác định thời hạn và hợp đồng xác định thời hạn.
Loại hợp đồng theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đã không còn được quy định trong Bộ luật này, mà được gộp chung vào loại hợp đồng xác định thời hạn…
– Ghi nhận hình thức hợp đồng lao động điện tử
Đến Bộ luật lao động năm 2019, giao kết hợp đồng lao động được ghi nhận thêm hình thức giao kết hợp đồng lao động thông qua phương tiện điện tử. Hợp đồng bằng điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.
– Người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng không cần lý do
Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 cho phép người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng không cần lý do mà chỉ cần báo trước 30 ngày với hợp đồng xác định thời hạn và 45 ngày với hợp đồng không xác định thời hạn.
Thậm chí, trong một số trường hợp, người lao động còn được đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần báo trước, như:
– Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận;
– Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn;
– Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;
– Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
– Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc;
– Đủ tuổi nghỉ hưu, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
– Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động
Luật này có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.
Việt Anh