Dương Thị Vân và ước mơ nâng cao vị thế của người khuyết tật

“…Vì sự tiến bộ của phụ nữ. Nhiều phụ nữ có tiềm năng và năng lực rất lớn, điều quan trọng là phải tạo cơ hội để cho họ học tập, bồi dưỡng và phát huy các khả năng đó. Nếu họ ở trong những hoàn cảnh ít được tạo cơ hội thì phải tìm bằng nhiều cách để họ được học tập và phát triển”.

Bà Dương Thị Vân (thứ hai, từ trái qua phải) tại Hội thảo quốc tế về giám sát của các tổ chức dân sự đối với Công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT tại Hàn Quốc 12/2013

Đó là câu nói tôi thường xuyên được nghe khi làm việc cùng với bà Vân, người luôn dành nhiều sự quan tâm và nghĩ tới phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật. Có lẽ trong mạng lưới khuyết tật Việt Nam và khu vực, ít ai không biết đến bà Dương Thị Vân, người đang là Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn của Uỷ ban quốc gia về người khuyết tật, thành viên Tổ chức Phục hồi chức năng quốc tế (Rehabilitation International Global) và nhiều tổ chức trong nước và quốc tế khác. Trong hơn 50 năm sống với khuyết tật, bà dành hơn nửa thời gian đó để đóng góp tiếng nói và tâm huyết của mình vào phong trào người khuyết tật ở Việt Nam nhằm thúc đẩy một xã hội không rào cản và bình đẳng đối với người khuyết tật.

Năm 1988, bà Vân cùng với một nhóm các cô chú có khuyết tật khác vốn là cựu sinh viên một số trường đại học ở Hà Nội thành lập nhóm tự lực Vì tương lai tươi sáng của người khuyết tật Hà Nội. Đây có thể nói là một trong các nhóm tự lực của người khuyết tật đầu tiên tại Việt Nam, nơi người khuyết tật tập hợp nhau lại để giúp đỡ lẫn nhau và tìm kiếm sự hỗ trợ ở trong và ngoài nước. Năm 2006, Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội chính thức ra đời sau nhiều năm nỗ lực vận động thành lập. Kể từ đó đến nay, Hội đã trở thành mái nhà của 48 tổ chức thành viên và khoảng 15.000 hội viên là người khuyết tật. Nhiều hội viên, trong đó có rất nhiều phụ nữ khuyết tật, đã thực sự thay đổi cuộc sống kể từ khi tham gia vào Hội.

Chúng ta vẫn thường thấy rằng phụ nữ khuyết tật là đối tượng yếu thế trong xã hội: bị thiệt thòi, bị phân biệt đối xử vì họ là phụ nữ và vì họ có khuyết tật. Họ dễ là đối tượng bị phân biệt đối xử, bạo hành, bị lừa dối cả về thể chất, tinh thần và kinh tế trong cả gia đình và xã hội. Có lẽ vì vậy mà họ thường cảm thấy mặc cảm, xấu hổ, không tự tin về chính mình. Họ thiếu niềm tin vào khả năng của mình, cũng như ít được trao cơ hội để thay đổi cuộc sống của mình.

Lễ ký Dự án Xúc tiến thành lập Hội Người khuyết tật TP. Hà Nội. Từ phải qua trái : Bà Nghiêm Chưởng Châu, Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi TP. Hà Nội, ông Heny Munk, Đại diện Hiệp hội nạn nhân bại liệt và tai nạn Đan Mạch (PTU) và bà Dương Thị Vân, Trưởng ban điều hành Nhóm Vì tương lai tươi sáng của người khuyết tật Hà Nội

Bà Vân cũng đã từng gặp nhiều khó khăn sau khi tốt nghiệp khoa Toán, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Chỉ vì hồ sơ có ghi Bà là người khuyết tật nên không một cơ quan nào muốn nhận Bà vào làm, mặc dù họ thừa nhận năng lực của Bà. Bà đã phải nhiều lần xin phép nhà trường bỏ phần “khuyết tật” trong bộ hồ sơ. Bà đã đi khắp Hà Nội để xin việc. Sau đó, rất bất ngờ Bà được bốn, năm cơ quan nhà nước nhận vào làm việc. Bà vừa làm việc ở Bộ Xây dựng suốt 33 năm, vừa tham gia nhóm Vì tương lai tươi sáng trước đây và Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội ngày nay, xây dựng, thực hiện nhiều dự án, chương trình hợp tác trong nước và quốc tế để hỗ trợ người khuyết tật.

Những năm 90 của thế kỷ 20 chưa có nhiều hoạt động, cũng như chưa có các tổ chức hỗ trợ người khuyết tật như bây giờ, nên Nhóm Vì tương lai tươi sáng, mặc dù là một nhóm tự lực của người khuyết tật, nhưng nhận được rất nhiều sự quan tâm của các cơ quan nhà nước và các tổ chức quốc tế. Các đại diện của Nhóm thường xuyên được mời tham gia các hội nghị quốc gia để đóng góp ý kiến về chính sách cho người khuyết tật, được tham gia rất nhiều hội thảo quốc tế, như Ủy ban Kinh tế Xã hội Châu Á Thái Bình Dương của Liên Hợp quốc. Bà Vân còn được mời tham gia đóng góp xây dựng dự thảo Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật, là một văn kiện vô cùng quan trọng đối với mỗi quốc gia, cũng như với người khuyết tật. Bà đã đóng góp ý kiến về quyền được sống và sau đó rất vui quyền này đã được đưa vào Công ước.

Tư chất thông minh, nhiều ý tưởng sáng tạo và  khả năng nói tiếng Anh tốt đã giúp cho bà Vân rất nhiều khi tham dự các hội thảo trong khu vực và thế giới, cũng như khi làm việc với các tổ chức quốc tế. Các ý tưởng và ý kiến đề xuất của Bà luôn được các tổ chức đón nhận và phản hồi một cách tích cực.

Khi  tham dự các hội thảo quốc tế, Bà luôn dành rất nhiều thời gian để kết nối với các tổ chức quốc tế và đề xuất các cơ hội hợp tác. Và từ đó các dự án với sự hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài dần dần đến với Nhóm và Hội.  Một trong những dự án đầu tiên của nhóm Vì tương lai tươi sáng là dạy kỹ năng máy tính và tiếng Anh cho người khuyết tật Hà Nội do Hội Phục hồi chức năng Hồng Kông và Nhật Bản tài trợ. Rồi dần dần các mối quan hệ mở rộng ra, nhiều tổ chức đến với Hội với các  dự án về nhiều lĩnh vực khác nhau hơn… Một trong những dự án quan trọng nhất của Hội là dự án thành lập và phát triển Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội do Hiệp hội Nạn nhân bại liệt và tai nạn Đan Mạch và Hội Người khuyết tật vận động Đan Mạch tài trợ trong suốt 10 năm, từ 2005 đến 2015. Đây là một dự án đã giúp nâng cao năng lực Hội cũng như có kinh nghiệm về phát triển tổ chức để Hội có thể trở thành một Hội vững mạnh cả về tổ chức hoạt động và vận động chính sách như ngày  nay.

Đối với bà Vân cũng như Ban Lãnh đạo Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội thì vận động chính sách luôn là mục tiêu quan trọng cần đạt được. Bà Vân luôn tận dụng mọi cơ hội khi tham gia các diễn đàn, hội thảo hay các cuộc gặp mặt với các cơ quan nhà nước để vận động nhiều chính sách quan trọng, đảm bảo quyền bình đẳng của người khuyết tật như tiếp cận công trình công cộng, bảo trợ xã hội, tiếp cận vốn vay, dạy nghề,  tạo việc làm và giáo dục hòa nhập. Bà Vân và Hội Người khuyết tật Hà Nội dần trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều cơ quan từ cấp trung ương  đến cấp thành phố  và cấp cơ sở về việc đóng góp ý kiến cho việc hình thành và thực thi các văn bản chính sách pháp luật.

Bà Vân luôn có những ý kiến đóng góp thiết thực, quan trọng tại các buổi hội nghị, hội thảo

Làm việc cho Vụ Khoa học công nghệ của Bộ Xây dựng đã giúp cô có nhiều cơ hội được tiếp xúc với các vấn đề liên quan tới tiếp cận công trình. Nhận thấy quy chuẩn xây dựng của Việt Nam còn chênh so với quy chuẩn xây dựng quốc tế về đảm bảo cho người khuyết tật tiếp cận công trình, cô đã đề đạt với lãnh đạo Bộ Xây dựng về việc đưa vấn đề đảm bảo cho người khuyết tật tiếp cận công trình xây dựng vào quy chuẩn xây dựng quốc gia. Rất vui là đề xuất của cô được lãnh đạo Bộ ủng hộ. Sau đó Bà cùng làm việc với các đồng nghiệp ở Vụ cũng như Viện Nghiên cứu… xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng. Đến nay quy chuẩn này đã trở thành một văn bản quan trọng trong việc hướng dẫn người sử dụng cũng như các bên liên quan về xây dựng.

Đối với công việc ở Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội, Bà Vân cũng là người có nhiều đóng góp quan trọng trong việc hoạch định tầm nhìn để tổ chức có thể phát triển bền vững và ổn định.

Việc phát triển tổ chức Hội rất quan trọng, bởi chỉ có thông qua phát triển tổ chức, nâng cao năng lực cho cán bộ Hội, cho người khuyết tật thì mới có thể thay đổi cuộc sống của họ và giúp người khuyết tật hòa nhập xã hội. Rất nhiều người khuyết tật là người nghèo, có trình độ học vấn thấp, ít được tiếp cận với các dịch vụ xã hội, nên việc ra đời các tổ chức của người khuyết tật từ trung ương, đến cấp xã, phường là rất quan trọng. Hội Người khuyết tật sẽ là cầu nối để người khuyết tật có thể tiếp cận được các dịch vụ công cũng như các nhu cầu thiết yếu như giáo dục, y tế, văn hoá, hỗ trợ pháp lý, v.v…

Tôi có cơ hội tham gia một buổi giao lưu kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 do Hội Người khuyết tật Hà Nội tổ chức. Ở đó tôi gặp rất nhiều chị em phụ nữ khuyết tật mặc áo dài, trang điểm rất xinh và quan trọng hơn cả là tôi thấy sự tự tin và mạnh mẽ trong mắt họ. Sau đó, tôi có thời gian trò chuyện với bà Vân tìm hiểu làm thế nào để các chị em phụ nữ khuyết tật có được sự tự tin như vậy.

Năm 2007, khi bà Vân làm việc tại Văn phòng Ban điều phối các hoạt động hỗ trợ người tàn tật Việt Nam được 5 năm, bác Nghiêm Xuân Tuệ, lúc đó là Giám đốc, giới thiệu Bà làm thành viên Ban chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nên tại đây, trong môi trường của phụ nữ, Bà phải tranh thủ để nói về phụ nữ khuyết tật nói cho người ta biết rằng rất nhiều phụ nữ khuyết tật không phải là yếu thế như người ta vẫn nghĩ. Khi mà mọi người có cái nhìn khác đi về phụ nữ khuyết tật thì xã hội cũng được hưởng lợi từ đóng góp của họ, mà bản thân người khuyết tật cũng được hưởng lợi. Vì thế cho nên cả hai  bên cùng có lợi, vậy tại sao mình không hỗ trợ. Thật ra phụ nữ họ có tiềm năng và năng lực rất lớn, nên nếu mình  không khai thác, không phát huy được khả năng của họ thì thứ nhất phụ nữ thiệt thòi, thứ hai đóng góp cho xã hội chẳng được bao nhiêu.

Bà Dương Thị Vân (thứ tư, từ trái qua phải) và những nữ doanh nhân khuyết tật tiêu biểu được tôn vinh nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10/2019

Bà Vân luôn quan niệm rằng cần phải thay đổi quan điểm về phụ nữ khuyết tật ngay bên trong tổ chức của mình.

Bà Vân cho biết: Ở Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội, Ban Chấp hành lúc mới thành lập rất nhiều nam. Ban Chấp hành bao gồm những người đứng đầu của các tổ chức thành viên, nên  sự nhìn nhận vai trò của  phụ nữ khuyết tật  và cách mà phụ nữ khuyết tật thể hiện sự  chủ động  ở mỗi nơi cũng khác nhau. Hồi đó, Ban Lãnh đạo có Bà và bà Hiền là Phó Chủ tịch. Trên thực tế, nhiều  phụ nữ   cũng chẳng kém gì đàn ông, nhưng, theo định kiến,  xã hội vẫn cho rằng  phụ nữ không bằng nam giới.  Do vậy, để thay đổi quan niệm này,  phụ nữ  phải thể hiện được năng lực của mình. Bà đề xuất với Ban Lãnh đạo Hội  thành lập Ban Phụ nữ để phụ nữ có không gian thể hiện được mình, thể hiện cho cộng đồng người khuyết tật và xã hội công nhận khả năng của họ.

Năm 2008, lúc đó Bà Vân là Phó Chủ tịch Hội, Bà và Ban Lãnh đạo Hội đã có sáng kiến thành lập Ban Phụ nữ để tạo ra một môi trường cho chị em phụ nữ khuyết tật của Hội được giao lưu và thể hiện khả năng của mình. Giờ đây, Ban Phụ nữ đã là đại diện của 29 câu lạc bộ phụ nữ khuyết tật với hơn 2.950 hội viên cá nhân.

Bà vẫn hay nói: “Vì sự tiến bộ của phụ nữ”, phụ nữ nào mong muốn tiến bộ thì mình phải thúc đẩy để họ tiến bộ. Phải làm sao để tạo điều kiện, tạo cơ hội cho mọi người được học hành và mình cũng phải lan toả quan điểm này đến những người khác, để  mọi người ủng hộ và  hỗ trợ phụ nữ khuyết tật phát triển khả năng của họ ”.
Ở một số quận huyện, các Chủ tịch Hội là nam giới có nhiều hoạt động để hỗ trợ  chị em phụ nữ, tạo điều kiện để cho chị em phụ nữ thể hiện. Tuy nhiên, vẫn còn một vài nơi, phụ nữ khuyết tật vẫn chưa được coi trọng, chưa được tin tưởng vào khả năng của họ. Do vậy, để giúp cho phụ nữ khuyết tật có cơ hội được học tập và phát triển, bà Vân đã dùng nhiều cách để tác động thay đổi.

Thứ nhất, thông qua Ban Phụ nữ và các dự án tổ chức nâng cao năng lực cho chính các chị em phụ nữ để họ có thêm kiến thức, giúp  họ tự tin hơn . Ở Hội mình rất nhiều người ham học, ham mở mang kiến thức, từ đó phát hiện ra khả năng của chính.  Phụ nữ phải được thể hiện  khả năng của mình. Cánh mày râu nhìn thấy, họ tìm thấy  hạnh phúc ở đấy. Thời bây giờ vì sao mà nhiều người khuyết tật có hạnh phúc, có tình yêu ?  Bởi vì họ được thể hiện khả năng của mình.

Nhân dịp Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 năm 2019  Hội tổ chức cuộc thi “Thuyết trình hay, thuyết phục khéo”, có  5 chị ở các Hội Người khuyết tật Long Biên, Ba Đình,  Sóc Sơn, Thanh Trì đứng lên nói rất tự tin. Chính họ cũng nói rằng, kể từ khi tham gia hội, được tập huấn, được giao lưu, họ trở nên tự tin. Có một chị kể lại khi mới tham gia Hội  chị ấy toàn khóc thôi, thế mà bây giờ rất mạnh dạn trình bày ý kiến của mình.

Thứ hai, vai trò của lãnh đạo Hội địa phương cũng rất quan trọng. Khi họ hiểu về bình đẳng giới,  họ sẽ thay đổi thái độ và hành động để hỗ trợ cho phụ nữ. Sự thay đổi đó có thể có được qua  tập huấn, đào tạo, hội thảo,  qua ý kiến phân tích của các  chuyên gia. Ở các chương trình 20/10, 8/3 nhiều  chị em lên phát biểu, đó là do lãnh đạo ở các nơi đó động viên, khuyến khích chị em. Trong một bối cảnh như thế, nếu như mình làm đúng cách thì sẽ thu hút được sự  tham gia tích cực của chị em. .

Thứ ba, khó nhất là chữ “tâm”. Bên cạnh kiến thức còn phải tu, dưỡng tâm mình. Muốn cho mọi thứ được hài hòa thì phải dưỡng tâm mình, để mình tránh sa đà vào những cái không hay. Hội cũng là một xã hội thu nhỏ, có rất nhiều người có tâm. Phải biết  cách để nuôi dưỡng chữ “tâm” ấy, tăng cường trao đổi, chia sẻ làm cho cái “tâm” trở thành một trong những nền tảng của mọi hoạt động hội.

Bà Dương Thị Vân – Phó Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, Chủ tịch Hội NKT TP. Hà Nội (thứ 4 từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tại Hội thảo xác định những hành động ưu tiên dựa trên Kế hoạch Tổng thể Asean 2025 về lồng ghép quyền của NKT

Mặc dù cách áp dụng rất linh hoạt và sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để chị em phụ nữ có cơ hội phát triển, nhưng bà Vân cũng như Ban Lãnh đạo Hội gặp nhiều khó khăn khi Hội hoạt động trên cơ sở tình nguyện. Bà Vân cho rằng: Cái khó  đối với chị em nhà mình là ở các nơi đều làm tình nguyện. Vì vậy khi tuyên truyền, vận động làm việc gì đó phải rất khéo léo, phải phù hợp với lợi ích của người khuyết tật, với tình hình thực tế. Có như vậy mới động viên, thu hút mọi người tham gia hoạt động.

Niềm đam mê công tác xã hội cũng như những thay đổi dù rất nhỏ ở mỗi người khuyết tật nói chung và phụ nữ khuyết tật nói riêng đã trở thành những động lực lớn giúp bà Vân vượt qua các thách thức: “Tôi nhìn thấy sự thay đổi của họ. Phụ nữ khuyết tật trở nên tự tin hơn, vươn lên làm chủ cuộc sống của mình, đóng góp cho kinh tế gia đình, tạo công ăn việc làm cho cả người khuyết tật và không khuyết tật, đóng góp cho sự phát triển của Hội, cho sự phát triển kinh tế xã hội ở địa phương và cho sự phát triển của xã hội. Nhiều phụ nữ khuyết tật đã tìm thấy  hạnh phúc sau khi tham gia Hội. Mình nhìn thấy người ta hạnh phúc là gia đình người ta hạnh phúc. Họ hạnh phúc thì mình cũng hạnh phúc.”

Là người khuyết tật có trình độ học vấn, có năng lực, bà Vân nuôi ước vọng làm thay đổi cuộc sống và vị thế của người khuyết tật nói chung và phụ nữ khuyết tật nói riêng. Bà đã kiên trì theo đuổi ước vọng đó trong suốt 30 năm qua. Dành công sức, trí lực, thời gian và tâm huyết cho việc xây dựng và phát triển Hội, bà Vân đã được sự tín nhiệm và tình cảm yêu mến của anh chị em trong Hội, đồng thời có ảnh hưởng to lớn trong phong trào người khuyết tật cả nước và được sự tôn trọng, tin tưởng của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước. Trên cương vị Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội, chịu trách nhiệm chính trong việc điều hành Hội, bà Dương Thị Vân tỏ rõ bản lĩnh của một lãnh đạo nữ thông minh, nhiều ý tưởng, quyết đoán, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực khuyết tật và cũng rất giàu tình cảm. Nhiều đồng nghiệp đã ví thực tế làm việc với cô như một khoá đào tạo dài hạn, mà ở đó anh chị em cán bộ Hội học được từ bà những kiến thức sâu rộng trong lĩnh vực khuyết tật, phương pháp làm việc mềm dẻo, linh hoạt, nhưng luôn giữ nguyên tắc vì lợi ích của người khuyết tật và phong cách đĩnh đạc, tự tin khi làm việc với đối tác. Cùng với tập thể Ban Chấp hành Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội người nữ chủ tịch ấy đã chèo lái “con thuyền DP Hanoi” vượt qua khó khăn, tiến những bước vững chắc trên con đường hướng tới “Xã hội hoà nhập, không rào cản và vì quyền của người khuyết tật”./.

Theo cuốn “Sống như những đóa hoa …” của DP Hà Nội

Bài viết liên quan

80

CHÚNG TA SẼ HỒI SINH MẠNH MẼ

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – MỘT NHÀ BÁO CÁCH MẠNG LỖI LẠC SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN

bà lịch - PX

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp: Trợ giúp pháp lý thành công cho người nghèo, người khuyết tật

Song-vinh-quan-giu-doi-thuo

Cảm phục tấm gương nữ thương binh vinh dự được Thủ tướng tuyên dương

IMG_0144

Tấm gương thương binh tỷ phú ở Nông trường Mộc Châu

nam

Hà Nam: Phát huy vai trò “Tuổi cao – Gương sáng” của người cao tuổi trong gia đình và xã hội

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang