Đường dành cho người khiếm thị chưa thực sự hữu dụng

(ĐHVO). Người khuyết tật lâu nay vẫn luôn bị rào cản khi tiếp cận giao thông hay những công trình công cộng. Việc xây dựng đường dành cho người khiếm thị như một giải pháp để tạo thuận lợi cho việc đi lại của người khuyết tật, tuy nhiên con đường này dường như chưa phát huy được công dụng của nó.

Ở Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh trong những năm qua đã triển khai xây dựng nhiều vỉa hè có lối đi dành riêng cho người khiếm thị nhằm bảo đảm cho những người kém may mắn được dễ dàng di chuyển trên đường. Thế nhưng, thực tế cho thấy con đường này chưa đáp ứng được tiêu chuẩn đã đề ra, nhiều tuyến đường còn gây khó khăn cho người khiếm thị.

Đường dành cho người khiếm thị, nguồn Internet

Được biết, đường dành cho người khiếm thị ở trên vỉa hè và các khu vực tập trung đông người như các bến tàu, nhà ga, sân bay,… là sáng kiến của người Nhật và Nhật Bản cũng là nước áp dụng đầu tiên mô hình này.

Theo đó, nguyên tắc chung của những phần đường này cũng được nhà sản xuất thống nhất để người khiếm thị phân biệt được thông qua cảm giác từ bàn chân và từ đầu gậy dẫn đường của mình. Đối với phần đường được lát gạch nổi các vân dạng que song song nối dài tiến về phía trước, tín hiệu này đồng nghĩa với việc bạn được quyền đi tới hoặc lùi. Còn đoạn đường có gạch vân nổi hình tròn dùng để đặt ở các ngã ba, ngã tư để người khiếm thị biết rằng cần phải dừng lại để cân nhắc rẽ sang hướng nào.

Có nhiều công dụng như vậy nhưng khi được triển khai trên thực tế thì đoạn đường dành cho người khuyến tật lại gây khó khăn ngược lại cho chính họ. Ở Hà Nội, trên các tuyến đường như Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu,  Nguyễn Trãi, Mạc Thái Tổ, Lạc Trung, Yết Kiêu… dù đã được lát bằng gạch theo quy định, nhưng trên các lối đi này nhiều người dân bày hàng hoá, để vật dụng, xe cộ… chặn ngang lối đi, thậm chí phá hẳn đoạn đường trước cửa nhà để chiếm chỗ sử dụng.

Đoạn đường Yết Kiêu, Hà Nội, ảnh VOV Giao thông

Chúng ta dễ dàng nhìn thấy ở ảnh trên, tại đoạn đường Yết Kiêu (Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội) trên đoạn đường dành cho người khiếm thị đã bị ô tô chuyên dụng làm bãi đỗ xe, khiến người khiếm thị không thể nào di chuyển qua đây.

Thêm vào đó, tại một số đoạn do thi công cẩu thả, thiếu chính xác của dải gạch dẫn đường dẫn đến việc người khiếm thị đang di chuyển trên đường dễ bị va vào vật cản như ô tô, xe máy, gốc cây,… tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn. Ở những đoạn vỉa hè trước cổng cơ quan, công ty, trường học được lát bằng loại gạch thông thường, điều này khiến người khiếm thị không xác định được phương hướng.

Bạn Nguyễn Thị Lan Anh, Du học sinh Nhật Bản chia sẻ với Phóng viên Đồng Hành Việt Online: “Ở Nhật mình thấy trên đường dành cho người khiếm thị có các mặt vân nổi hình tròn, các ô này dùng để đặt ở các ngã ba, ngã tư để người khiếm thị biết rằng cần phải dừng lại để cân nhắc rẽ sang hướng nào. Nhưng ở Việt Nam tại một vài ngã ba lại không có điều đó. Như vậy sẽ gây khó khăn trong việc chuyển hướng cho người khiếm thị”

Chị Hương Mai, một người khiếm thị cũng chia sẻ về những khó khăn của chị khi tham gia giao thông: “Không ít lần khi đi theo làn đường dành cho người khiếm thị tôi đã bị va vào những xe máy chắn ngang đường hay những vật cản không xác định chắn lối. Mặc dù là đường dành cho mình nhưng khi đi tôi cảm giác không an toàn”.

Sự phát triển của khoa học và công nghệ cho phép người khuyết tật ngày càng tiếp cận tốt hơn với các công trình công cộng. Song bên cạnh đó cần có sự quan tâm hơn nữa của các cơ quan quản lý Nhà nước ngay từ những khâu đầu tiên trong việc xây dựng công trình dành cho người khiếm thị. Bên cạnh đó cũng cần nâng cao việc tuyên truyền tới người dân về việc không lấn chiếm làn đường dành riêng cho người khiếm thị để đảm bảo việc di chuyển an toàn và hòa nhập cộng đồng đối với họ.

Lan Phương

Bài viết liên quan

Picture1

HỘI GIA ĐÌNH TRẺ EM VÀ NGƯỜI BẠI NÃO VIỆT NAM TỔ CHỨC GIẢI CHẠY THIỆN NGUYỆN “NÂNG BƯỚC CHÂN EM” LẦN THỨ 6

SEE_5346

Trao giải cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024

Picture1

“Vá lành” những mảnh khuyết cuộc đời bằng đôi bàn tay khéo léo

z5916242329405_55c88a8cf81ef44bfcd7e6a8b48c7ad1

THAM VẤN CÁC BÊN LIÊN QUAN VỀ CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI ĐẢM BẢO HÒA NHẬP CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

Picture1

Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam: Ủng hộ 87 người khuyết tật bị ảnh hưởng sau bão lũ

Picture3

NHU CẦU VỀ THÔNG TIN PHÁP LUẬT VÀ MỨC ĐỘ ĐÁP ỨNG CÙNG MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CÔNG TÁC THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang