(DHVO) Trong vòng 01 tháng trở lại đây, vi rút Corona là nỗi ám ảnh cho nhiều quốc gia, dân tộc, tổ chức cũng như cá nhân. Theo đó, để hạn chế lây lan của loại vi rút này, nhiều quốc gia đã tiến hành cách ly những người nhiễm vi rút.
Ở Việt Nam, để hạn chế tình trạng lây nhiễm vi rút, nhiều đơn vị đã cho người lao động ngừng việc. Vậy, những trường hợp ngừng việc nêu trên có được trả lương không? Vấn đề này, luật sư Đinh Nguyên – Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp nêu quan điểm như sau:
Khoản 3 Điều 98 Bộ luật lao động 2012 quy định: “Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch hoạ, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế, thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định”.
Như vậy, trong trường hợp đơn vị cho toàn bộ nhân viên ngừng việc để phòng ngừa bệnh viêm phổi do virus Corona gây ra thì cần phải trả lương cho người lao động theo quy định nêu trên.
Luật sư Đinh Nguyên – Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp
Mức lương cụ thể do hai bên thỏa thuận, trong trường hợp không thỏa thuận được thì mức lương được trả không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, cụ thể:
Điều 3 Nghị định 90/2019/NĐ-CP quy định về mức lương tối thiểu vùng như sau:
“Điều 3. Mức lương tối thiểu vùng
1. Quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp như sau:
a) Mức 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.
b) Mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.
c) Mức 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.
d) Mức 3.070.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.”
Thu Hà