(ĐHVO). Với người khuyết tật được sống khỏe mạnh và có công việc phù hợp với bản thân là một may mắn. Bởi vậy dược sĩ Vũ Thị Tho luôn luôn coi công việc bán thuốc cho người dân là một niềm hạnh phúc, được giúp đời và giúp người có cuộc sống khỏe mạnh. Hơn nữa, người phụ nữ tí hon này còn là người truyền lửa, truyền nghị lực cho rất nhiều người khuyết tật trong Câu lạc bộ người khuyết tật huyện Tiền Hải, Thái Bình.
Dược sĩ Vũ Thị Tho sinh năm 1983 ở xã Đông Cơ, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Chị bị khuyết tật bẩm sinh, không thể phát triển được chiều cao. Bởi vậy mà giờ đây, chị có dáng người nhỏ bé, nặng chưa đầy 30 kg, cao chừng 1m. Chị vẫn có thể đi lại bằng lạng nhưng khi di chuyển xa chị phải có xe lăn hoặc bố mẹ giúp đỡ.
Dược sĩ Vũ Thị Tho
Chị sinh ra trong một gia đình thuần nông có 3 chị em, hai trong số 3 chị em bị mắc khuyết tật bẩm sinh dạng vận động. Hoàn cảnh gia đình chị cũng không được khá giả. Bố mẹ vì chăm lo cho con cái và vì tương lai của chị em nên ngày ngày lam lũ vất vả mưu sinh. Bi kịch đến với em trai khuyết tật và gia đình khi phát hiện em mắc căn bệnh ung thư. Chị thương em và thương bố mẹ bởi số phận nghiệt ngã đã cướp đi đôi chân lành lặn của em và càng nghiệt ngã hơn khi cướp đi sự sống của người em trai xấu số năm em mới học lớp 7.
Chị được bố mẹ tạo điều kiện cho theo học đầy đủ. 12 năm học chị đều được bố mẹ đưa đón bởi chị không thể tự mình đi lại xa. Ngày ấy, chị cố gắng với mong muốn được làm cô giáo dạy văn nhưng vì sức khỏe không cho phép nên chị đành từ bỏ giấc mơ đứng trên bục giảng. Chị chia sẻ: “Nhìn bạn bè được theo đuổi giấc mơ của mình mình cũng tủi thân lắm, nếu mình lành lặn như mọi người thì mình đã được dạy tụi nhỏ học. Mĩnh nghĩ sẽ phụ lòng bố mẹ nếu mình bỏ cuộc nên mình quyết tâm học thật tốt, sống cởi mở và hòa nhã với mọi người ”.
Ngày đó, bố mẹ hướng cho chị theo ngành dược vì sức khỏe yếu nếu không xin được việc thì về mở quầy bán thuốc. Chị đành khép lại ước mơ dạy học và bắt đầu cuộc sống xa nhà để theo học lớp Trung cấp Dược Hà Nội năm 2004. Cuộc sống xa nhà nhiều khổ cực vì đi lại phải nhờ người giúp đỡ, hơn nữa chị cũng thường xuyên mắc cảm khiến chị như lọt thỏm trong chốn phồn hoa đô thị. Nhưng không vì thể mà chị bỏ cuộc. Chị thương em, thương bố mẹ vất vả nên chị càng quyết tâm vượt qua số phận để sau này có thể phần nào giúp được bố mẹ.
Năm 2008 chị hoàn thành chương trình học ở lớp Trung cấp Dược Hà Nội, chị về quê mở quầy thuốc tại nhà và tiếp tục theo học lớp Cao đẳng Dược Hà Nội. Chị không ngừng cố gắng bồi đắp về kiến thức, kinh nghiệm để phát triển quầy dược và hơn cả là giúp người dân được khỏe mạnh.
Hiện bố mẹ chị đã nhiều tuổi nên thu nhập chính của gia đình đều phụ thuộc vào chị. Chị luôn cố gắng từng ngày giúp bố mẹ đỡ vất vả và lo cho em gái được ăn học đầy đủ. cô dược sĩ tí hon ngày ngày bán thuốc cho mọi người làm niềm vui và là động lực để chị cố gắng từng ngày. Cửa hàng thuốc của chị đã lấy được sự tín nhiệm của người dân nên hàng hóa cũng đa dạng hơn phục vụ nhu cầu của người dân. Hiện tủ thuốc đã cao quá đầu nên mỗi khi bán thuốc cho khách hoặc đông khách chị phải nhờ mẹ chị. Thậm chí có khi không có mẹ giúp chị phải nhở cả khách vì không thể với tới, may mắn đều khách hàng thân thiết nên luôn thông cảm và giúp đỡ chị.
Chị chia sẻ: “Đến nay đã hơn 10 năm ra nghề và mình cảm thấy rất vui và tự hào vì mình là người có ích, giúp đỡ bố mẹ, giúp đỡ những người khó khăn cùng cảnh ngộ giống mình. Hơn ai hết mình thấu hiểu những khó khăn vất vả của người khuyết tật gặp phải nên mình luôn tâm sự, chia sẻ, cùng mọi người khắc phục những khó khăn để luôn tự tin, không khuất phục trước hoàn cảnh”.
Không gian trưng bày thuốc của chị tho
Chị luôn cẩn thận chỉ dẫn khách hàng sử dụng thuốc đúng quy định
Chị luôn cẩn thận ghi chép và thống kê lại sau mỗi buổi bán hàng
Với mong muốn cùng chung tay tạo ra mái nhà chung và giúp đỡ những người khuyết tật, chị đã tham gia Câu lạc bộ khuyết tật huyện Tiền Hải năm 2013. Năm 2017, Chị được mọi người tin tưởng và tín nhiệm bầu làm ban chủ nhiệu Câu lạc bộ khuyết tật huyện Tiền Hải.
Ngay từ khi gia nhập, chị chú trọng phát triển công tác tuyên truyền, kêu gọi mọi người cùng tham gia vào câu lạc bộ để kết nối những mảnh đời kém may mắn, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Hơn nữa, ngoài những ngày kỷ niệm, câu lạc bộ thường xuyên có những buổi sinh hoạt, phát triển vận động, giao lưu văn nghệ gắn kết mọi người để các thành viên thêm tự tin là chính mình, dám ước mơ và dám hành động. Đến nay, câu lạc bộ đã có quy mô lớn với nhiều thành viên tham gia và là cầu nối cho các tổ chức Đảng và nhà nước, các nhà hảo tâm đến với người khuyết tật huyện.
Chị Tho chia sẻ: “Câu lạc bộ như ngôi nhà thứ hai của mình với tinh thần tương thân tương ái, kết nối, sẻ chia, cùng giúp nhau vượt qua mọi khó khăn đồng thời tạo ra giá trị cho cuộc sống.” Tuy nhiên do tính chất công việc phải đi lại nhiều và tình trạng sức khỏe nên hiện chị đã xin miễn nhiệm về làm thủ quỹ của Câu lạc bộ người khuyết tật huyện Tiền Hải và là ủy viên Ban chấp hành Hội người khuyết tật tỉnh Thái Bình.
Dường như những việc chị làm lớn lao và vượt qua khỏi dáng hình nhỏ bé. Chị vẫn luôn nhiệt huyết với công việc và vẫn luôn là người truyền lửa cho bao người khuyết tật trong huyện. Với chị được sống và làm việc, cống hiến như hiện tại đã trọn vẹn ước mơ còn dang dở.
Hồng Liên