(ĐHVO). Trong hoạt động điều tra, điều tra viên có trách nhiệm thu thập các chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của bị can. Do vậy, có không ít trường hợp điều tra viên sử dụng nhục hình, ép cung để bị can nhận tội, khai ra các tình tiết mà điều tra viên mong muốn. Vậy, nếu dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm của người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng trong hoạt động tố tụng như điều tra, truy tố xét xử, thi hành án hoặc thi hành các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì bị xử lý hình sự như thế nào? Xin mời bạn đọc cùng tìm hiểu quy định pháp luật về vấn đề trên qua bài viết dưới đây.
Câu hỏi: Trường hợp cán bộ trại giam đánh, tát, nhục mạ người khuyết tật nặng trong quá trình người này đang chấp hành án phạt tù thì cán bộ trại giam đó có bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật không?
Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng hành Việt xin cảm ơn câu hỏi của anh. Sau đây, Trung tâm xin tư vấn cho anh như sau:
I. Căn cứ pháp lý
– Luật Người khuyết tật năm 2010;
– Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017;
– Nghị định 28/2012/NĐ-CP.
II. Giải quyết vấn đề
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Người khuyết tật năm 2010: “Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.”
Khoản 2 Điều 3 Nghị định 28/2012/NĐ-CP quy định: “Người khuyết tật nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất một phần hoặc suy giảm chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được một số hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc.”
Trong quá trình thực hiện các hoạt động tố tụng hình sự, thi hành án hoặc thi hành các biện pháp khác (đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc) vì nhiều lý do khác nhau như để đảm bảo tiến độ công việc, đạt được kết quả điều tra như mong muốn mà các cá nhân có thẩm quyền trong cơ quan tố tụng và cơ quan thi hành án dùng nhục hình, đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm của người khác. Mặc dù Điều luật không quy định cụ thể đối tượng bị tác động, nhưng chúng ta đều hiểu rằng những đối tượng bị tác động này là bị can, bị cáo, phạm nhân, người phải thi hành án.
Việc dùng nhục hình, đối xử tàn bạo là những tác động ngoại lực lên cơ thể, gây đau đớn về thể xác và được biểu hiện dưới các hình thức sau:
– Tra tấn bằng vũ lực: đấm, đá, tát, đập… (có thể dùng hoặc không dùng dụng cụ)
– Tra tấn bằng các thủ đoạn khác như: bắt thức đêm; bắt đứng, ngồi, nằm ở những tư thế khó chịu; bắt nhịn ăn;…
Hạ nhục nhân phẩm của người khác là sử dụng lời nói lăng mạ, chửi rủa, xỉ nhục… hoặc hành động bỉ ổi nhằm hạ thấp, làm nhục người khác.
Tội dùng nhục hình được quy định tại Điều 373 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Đối với đối tượng bị dùng nhục hình, đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm là người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm (khoản 2 Điều luật này).
Trường hợp dùng nhục hình, đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm khiến người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng bị thương tích hoặc tổn hại sức khỏe mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc làm người đó tự sát thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.
Trường hợp phạm tội làm người bị nhục hình chết, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Ngoài chấp hành án phạt tù, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Trên đây là những giải đáp của Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng hành Việt về thắc mắc của bạn đọc. Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng hành Việt hi vọng rằng những kiến thức pháp lý mà chúng tôi cung cấp sẽ giúp bạn đọc tháo gỡ được những vướng mắc đang gặp phải. Trân trọng!
Tiểu Nguyên