Đừng lợi dụng khuyết tật như một “tấm bình phong” để trốn tránh pháp luật

(ĐHVO) – Có thể nói, Việt Nam là một trong số những quốc gia có hệ thống chính sách hỗ trợ các nhóm đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương tương đối đầy đủ và toàn diện cùng hệ thống quy định chặt chẽ nhằm đảm bảo sự công bằng và nhân ái – những giá trị cốt lõi mà mọi quốc gia mong muốn hướng đến trong việc xây dựng hệ thống an sinh xã hội vững mạnh… Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị tốt đẹp mà Nhà nước cùng cộng đồng hướng đến thì không ít kẻ có hành vi trục lợi, lợi dụng khuyết tật để mưu cầu những lợi ích không chính đáng. Và thời gian vừa qua, một lần nữa niềm tin của xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng; hình ảnh về khuyết tật lại thêm “tổn thương” bởi những sai phạm tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương. Những sai phạm đó khó có thể chấp nhận được về cả mặt pháp luật lẫn đạo đức xã hội khi khuyết tật – đặc biệt là khuyết tật trí tuệ, tâm thần bị biến thành công cụ cho những kẻ trốn tránh trách nhiệm pháp lý.

Tại Việt Nam, pháp luật hiện hành quy định rõ về việc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người mất năng lực nhận thức hoặc năng lực điều khiển hành vi do mắc bệnh lý tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, điều khiển hành vi vào thời điểm thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Quy định này được xây dựng trên nguyên tắc nhân đạo sâu sắc, dựa trên cơ sở y học và khoa học pháp lý hiện đại nhằm đảm bảo rằng những người không có khả năng kiểm soát hành vi của mình do bệnh lý không phải chịu trách nhiệm hình sự như những người có đầy đủ năng lực. Đây là sự tiến bộ của hệ thống pháp luật, thể hiện sự bao dung và công bằng đối với những người yếu thế.

Tuy nhiên, chính cơ chế nhân đạo này đã và đang bị một số cá nhân, tổ chức lợi dụng, biến nó thành “lối thoát” phi đạo đức cho những hành vi phạm tội có chủ đích; giúp tội phạm có thể “lẩn tránh” sự trừng phạt của pháp luật. Vụ việc tại Viện pháp y tâm thần Trung ương đã phơi bày thực trạng nguy hiểm này. Các bản kết luận giám định sai sự thật, được thực hiện bởi những cá nhân thiếu đạo đức, đã giúp bị can, tội phạm “đột nhiên mắc bệnh” tâm thần, chuyển từ trại giam sang bệnh viện, từ một người phạm tội sang “bệnh nhân cần chữa trị”.

Và đằng sau những bản giám định giả mạo này có thể là cả một đường dây trục lợi, là sự cấu kết giữa các đối tượng phạm tội, người thân và những cán bộ biến chất trong ngành y – pháp luật. Hệ quả của nó không chỉ mang lại đối với ngành y và tư pháp khi bị mất đi sự tôn nghiêm và niềm tin của công chúng, mà quan trọng hơn, đó là nguyên tắc công lý bị chà đạp, đạo đức xã hội bị xâm hại, ảnh hưởng nghiêm trọng. Khi những kẻ phạm tội có đủ nhận thức và năng lực hành vi có thể dễ dàng thoát tội bằng cách giả bệnh, thì công lý sẽ trở thành một khái niệm bị bóp méo, làm suy yếu lòng tin của người dân vào pháp luật và sự công bằng xã hội. Điều này đặc biệt nguy hiểm bởi nó tạo ra một tiền lệ xấu, khuyến khích các hành vi tương tự và thách thức tính nghiêm minh của luật pháp.

Nguy hiểm hơn, việc mượn danh “bệnh nhân tâm thần” để thoát tội có thể được coi là một dạng kỳ thị trá hình. Từ đó có thể làm tổn hại đến danh dự của hàng triệu người khuyết tật chân chính đang nỗ lực sống lương thiện và có ích mỗi ngày trong đó phải kể đến những người khuyết tật trí tuệ – tâm thần.

Ths. Nguyễn Thị Lan Anh làm giảng viên trong một buổi tập huấn..

Trao đổi với Ths. Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Chủ tịch Chuyên trách Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng để có thêm những ý kiến xung quanh về vấn đề này, bà cho biết:

Hành vi lợi dụng khuyết tật dạng tật tâm thần để “lách” luật không chỉ gây hại cho công lý, mà còn làm tổn thương sâu sắc cộng đồng người khuyết tật đang có dạng tật này – những người xứng đáng được bảo vệ, chứ không phải bị lợi dụng. Sự nguy hiểm của việc biến “sức khỏe tâm thần” thành “tấm bình phong” sẽ có thể khiến cho qua đó ngầm lan truyền định kiến rằng: “Người khuyết tật tâm thần là không kiểm soát được bản thân, là nguy hiểm, là tội phạm”. Và mỗi hành vi giả mạo tình trạng khuyết tật vì mục đích cá nhân như vậy đều sẽ có nguy cơ trở thành một sự xúc phạm danh dự và nhân phẩm của người khuyết tật.

Có lẽ trên đời, chẳng ai mong muốn mình bị khuyết tật. Bởi khuyết tật không chỉ là khiếm khuyết về thể chất hay tinh thần, mà còn là gánh nặng dai dẳng mà người mang nó phải học cách vượt qua mỗi ngày. Thế nhưng, nghịch lý thay, trong khi bao người khuyết tật thực sự luôn khát khao được sống một cách “bình thường”, được làm việc, cống hiến và hoà nhập, thì có những kẻ lành lặn lại tìm mọi cách khoác lên mình tấm áo “khuyết tật” để trốn tránh trách nhiệm pháp lý, để lẩn khuất sau những tờ giấy giám định giả mạo trục lợi không chính đáng…

Cũng theo bà Lan Anh: Có thể chúng ta đang phải chứng kiến một “nghịch lý” đó là khi mà Đảng và Nhà nước, cộng đồng xã hội, các tổ chức, cá nhân đặc biệt là người khuyết tật trong đó phải kể đến những người khuyết tật tâm thần không ngừng nỗ lực để từng bước xóa bỏ những rào cản, sự kỳ thị, chứng minh bản thân… từng bước hòa nhập, thúc đẩy sự hòa nhập, xây dựng xã hội hòa nhập bình đẳng và đầy đủ thì lại có những con người sẵn sàng lấy hình ảnh “khuyết tật” làm vỏ bọc, tấm bình phong “trốn tránh” luật pháp.

Phải khẳng định, cộng đồng người khuyết tật trong đó người khuyết tật tâm thần đã và đang góp phần tích cực vào xã hội – họ làm việc, học tập, hoạt động nghệ thuật, thể thao,… và cống hiến không thua kém bất kỳ ai. Họ cần xứng đáng được nhìn nhận với sự tôn trọng, chứ không phải bị “đóng khung” vào những hình ảnh tiêu cực do những kẻ thiếu lương tâm, đạo đức dựng lên – Bà Lan Anh nhấn mạnh.

Là Thạc sỹ hai chuyên ngành Quản lý công và Quản trị kinh doanh, đồng thời là người khuyết tật nhiều năm liền ở các vị trí chuyên gia độc lập, diễn giả truyền cảm hứng, phụ trách các dự án vì cộng đồng, bà Lan Anh cũng cảnh báo nhiều hệ lụy từ sự việc trên bên cạnh các vấn đề pháp lý mà chúng ta đã biết. Có thể kể đến như:

– Âm thầm phá hoại những nỗ lực thúc đẩy hòa nhập trong suốt nhiều thời gian dài của cộng đồng người khuyết tật nhất là người khuyết tật tâm thần đã không ngừng nỗ lực chứng minh giá trị bản thân, xóa bỏ định kiến và tìm kiếm sự hòa nhập bằng học tập, lao động, nghệ thuật, thể thao; sự nỗ lực của truyền thông và giáo dục đã góp phần thay đổi nhận thức xã hội theo hướng tích cực hơn; sự cố gắng của các tổ chức, cá nhân của và vì người khuyết tật trong việc thúc đẩy xây dựng một xã hội hòa nhập, không rào cản, bình đẳng cho tất cả mọi người.

– Gây xói mòn niềm tin vào giám định sức khỏe tâm thần; làm gia tăng định kiến xã hội khiến cho những người thực sự có rối loạn tâm thần dễ bị nhìn nhận bằng ánh mắt nghi ngờ, lo sợ, bị gán ghép với hình ảnh tội phạm giả bệnh. Điều này cản trở nghiêm trọng quá trình hòa nhập cộng đồng cũng như gặp khó khăn trong việc tiếp cận  dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phục hồi tâm lý, giáo dục…

– Ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách, thực hiện kế hoạch trợ giúp, việc nghiên cứu, đánh giá, giải pháp trợ giúp… thậm chí, lợi dụng việc đó, nhiều hành vi trục lợi chính sách khác có thể diễn ra trên quy mô rộng hơn với mức độ nghiêm trọng hơn.

– Làm ảnh hưởng đến hoạt động giám định và chữa trị sức khỏe tâm thần nhất là đối với người khuyết tật tâm thần thực sự…

– Các hệ lụy khác từ truyền thông dù mục đích ban đầu có thể là thông tin, phản ánh thực trạng, nhưng cách giật tít, cách đặt vấn đề có thể vô tình dẫn đến những nhận thức sai lệch và củng cố định kiến tiêu cực về người khuyết tật tâm thần. Hay nói cách khác là tạo ra sự kỳ thị vô thức khi “vô ý” gieo vào tiềm thức bạn đọc một mối liên hệ tiêu cực giữa “tâm thần” và “tội phạm”, giữa “khuyết tật” và “nguy hiểm”. Hay sự đơn giản hóa các vấn đề tâm thần thành những cụm từ gây sốc, thiếu sự phân tích sâu sắc về các loại hình bệnh lý, mức độ ảnh hưởng và bối cảnh cụ thể của từng trường hợp có thể góp phần tạo nên một bức tranh méo mó, phiến diện về người khuyết tật tâm thần; từ đó gieo rắc nỗi sợ hãi và sự xa lánh, đẩy những người khuyết tật thực sự vào thế cô lập, bị kỳ thị và khó khăn hơn trong việc hòa nhập xã hội…. Đặc biệt trong bối cảnh bùng nổ thông tin với thông tin giả, thông tin thiếu kiểm chứng hay sự phát triển thiếu đồng bộ cũng như khó kiểm soát đối với các trang mạng xã hội, nguồn thông tin như hiện nay.

Trên cơ sở đó, bà Nguyễn Thị Lan Anh cũng đưa ra một số giải pháp, như:

– Cần rà soát, hoàn thiện các quy định theo hướng chặt chẽ hơn về quy trình giám định sức khỏe tâm thần trong các vụ án bao gồm việc quy định rõ ràng về tiêu chuẩn, phương pháp, và quy trình giám định để đảm bảo tính khách quan và khoa học; tăng cường kiểm tra, giám sát các quy trình giám định pháp y tâm thần. Ngoài ra, cần có cơ chế độc lập để rà soát các kết luận giám định, đặc biệt là trong những vụ án nghiêm trọng; xử phạt nghiêm minh và nâng mức chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm.

– Đối với truyền thông cần nâng cao nhận thức về tác động của các tiêu đề, nội dung bài viết đến hình ảnh người khuyết tật. Thay vì chỉ tập trung vào yếu tố gây sốc, cần chú trọng vào việc truyền tải thông tin một cách khách quan, chính xác, và nhân văn. Đồng thời đóng vai trò tích cực trong việc truyền thông trong công chúng về các loại hình khuyết tật tâm thần, thực trạng cuộc sống của người khuyết tật, và những đóng góp của người khuyết tật cho xã hội. Việc này sẽ giúp góp phần xóa bỏ định kiến, tăng cường sự thấu hiểu của cộng đồng từ đó thúc đẩy quá trình nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi. Đặc biệt, không nên khái quát hóa hành vi của một vài cá nhân để gán cho  một nhóm người khuyết tật; tránh sử dụng các ngôn từ mang tính kỳ thị, miệt thị hoặc gây tổn thương đến người khuyết tật; làm tốt vai trò, chức năng thông tin truyền thông, phản biện, giám sát.

Đối với cộng đồng, xã hội như các tổ chức xã hội, nhà trường, và cộng đồng cần tăng cường các hoạt động nâng cao nhận thức về quyền và nhu cầu của người khuyết tật; khuyến khích sự tham gia của người khuyết tật vào các hoạt động xã hội, tạo cơ hội để họ thể hiện năng lực và đóng góp.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam cũng mong muốn người khuyết tật ngày càng được hỗ trợ toàn diện; các chính sách hỗ trợ người khuyết tật về giáo dục, y tế, việc làm,…. và các dịch vụ xã hội khác tiếp tục được nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện, đảm bảo rằng người khuyết tật có thể tiếp cận đầy đủ các nguồn lực và cơ hội để sống một cuộc sống có ý nghĩa.

Qua đây, Phó Chủ tịch Chuyên trách Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam cũng kêu gọi, mọi người cần đồng lòng lên án mạnh mẽ mọi hình thức lợi dụng tình trạng khuyết tật vì mục đích cá nhân hay để “lẩn tránh” trách nhiệm hình sự. Hành vi đó không chỉ là vi phạm pháp luật, mà còn là sự “phản bội” lòng tin của cả một cộng đồng yếu thế. Bên cạnh đó, khuyết tật – dù thể chất hay tâm thần là là một phần của sự đa dạng con người, đòi hỏi sự thấu hiểu, cảm thông và hỗ trợ từ xã hội; là thực tế cần được tôn trọng, chứ không phải là “lá chắn” cho tội lỗi. Hành vi mượn danh người khuyết tật để trốn tội chính là xúc phạm cộng đồng ấy một cách tàn nhẫn nhất.

Đã đến lúc chúng ta cần trả lại sự trong sạch cho giám định y khoa, và sự trong sáng cho hình ảnh người khuyết tật – những người vẫn đang không ngừng cố gắng vươn lên, sống trung thực, tử tế và xứng đáng được tôn trọng.

Thanh Tâm

Bài viết liên quan

8fffebf8ba1a0d44540b

Siết chặt trách nhiệm người nổi tiếng, minh bạch hóa nội dung quảng bá – Góc nhìn từ Luật Quảng cáo sửa đổi

101

Nam Định tăng cường xử lý hàng giả, hàng lậu, siết chặt quản lý thị trường

27

Bạo lực gia đình – một trong những nguyên nhân gây thương tật cần chế tài mạnh

IMG_8534

Nam Định xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng trái phép và vi phạm đê điều

4

Cảnh giác với thủ đoạn tấn công doanh nghiệp “đầu đàn” của các KOL

6

Đưa kiến thức pháp luật đến gần hơn với cộng đồng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang