Dự án Hòa nhập: Sơ kết 06 tháng đầu năm và họp chia sẻ kinh nghiệm

(ĐHVO). Trong hai ngày 04 và 05 tháng 8 năm 2022, Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) đã tổ chức Hội nghị sơ kết  06 tháng đầu năm, triển khai hoạt động 06 tháng cuối năm và chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện Dự án “Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam (dự án Hoà nhập) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.


Tham dự buổi họp có ông Trần Đức Hùng – Phó Tổng Giám đốc NACCET, Trưởng Ban Quản lý Dự án, ông Đoàn Quốc Hùng – Phó Trưởng ban Quản lý Dự án, ông Nguyễn Quốc Hùng – Thư ký Ban Quản lý Dự án; Ông Nguyễn Hồng Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Văn phòng Quốc hội; ông Trần Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam; bà Đinh Thị Thụy, Phó Chánh Văn phòng UBQG về NKT Việt Nam; ông Đặng Văn Thanh – Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam; bà Cris Fentross, Quyền Phó Giám đốc USAID Việt Nam; đại diện Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam; đại diện một số sở, ban, ngành tỉnh Quảng Nam; đại diện các tỉnh trong vùng Dự án; đại diện các nhà thầu Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP); Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Y tế cộng đồng (CCRD)…

Ông Trần Đức Hùng – Phó Tổng Giám đốc NACCET, Trưởng Ban Quản lý Dự án phát biểu khai mạc

Hội nghị với sự tham dự của khoảng 200 đại biểu cũng sẽ tập trung chia sẻ và thảo luận về các thông tin liên quan đến những kết quả sơ bộ của dự án trong giai đoạn 1 (từ tháng 10/2021 đến tháng 6/2022). Những kết quả chính của dự án tập trung vào các lĩnh vực, gồm: Củng cố và phát triển nguồn nhân lực phục hồi chức năng cho các địa phương tham gia dự án; Cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng có chất lượng cho người khuyết tật; Cung cấp các thiết bị, dụng cụ trợ giúp và chăm sóc cho người khuyết tật tại cộng đồng; Phát triển câu lạc bộ/nhóm người khuyết tật và kết nối việc làm cho người khuyết tật.

Phát biểu khai mạc buổi Sơ kết, ông Trần Đức Hùng cho biết: Đây là dự án được chính phủ và nhân dân 2 nước Việt Nam và Hoa Kỳ đặc biệt quan tâm. Sau thời gian dài thực hiện thủ tục và công tác chuẩn bị, dự án đã chính thực được triển khai từ tháng 1 năm 2022 tại 8 tỉnh, gồm: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định, Kon-Tum, Tây Ninh, Bình Phước và Đồng Nai. Dự án đánh dấu 1 bước tiến lớn của Hoa Kỳ trong việc thực hiện các nỗ lực khắc phục di sản và hậu quả chiến tranh để lại tại Việt Nam, Dự án có tính nhân văn nhân đạo sâu sắc góp phần hàn gắn vết thương, khép lại quá khứ, cùng hướng đến tương lại hợp tác và thịnh vượng.

Cũng theo Trưởng Ban Quản ký Dự án, Dự án có mục tiêu tổng quát là: Cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại 8 tỉnh bị phun rải nặng chất da cam, và các mục tiêu cụ thể gồm: Mở rộng các dịch vụ hỗ trợ y tế và phục hồi chức năng, cải thiện sức khoẻ và chất lượng sống của người khuyết tật; Mở rộng dịch vụ xã hội, tăng cường hỗ trợ hoà nhập xã hội và triển khai hỗ trợ trực tiếp giúp tăng cường chất lượng sống của người khuyết tật; Cải thiện chính sách, cải thiện thái độ công chúng, giảm thiểu các rào cản, đảm bảo hoà nhập xã hội của người khuyết tật; tăng cường năng lực quản lý, thực hiện và hoạt động hỗ trợ người khuyết tật ở các cấp.

Phó Tổng Giám đốc NACCET cũng cho biết, Hội nghị sơ kết và chia sẻ kinh nghiệm Dự án Hòa nhập nhằm đánh giá kết quả bước đầu đã đạt được (tới hết tháng 6/2022) cũng như lập kế hoạch 6 tháng cuối năm 2022 và chuẩn bị lập kế hoạch cho giai đoạn 2 (từ 2023-2026), đồng thời cùng nhau chia sẻ các bài học kinh nghiệm, các mô hình dự án có kết quả tốt, tiềm năng với các đối tác triển khai chương trình hỗ trợ người khuyết tật nói chung của USAID.

Bà Cris Fentross, Quyền Phó Giám đốc USAID phát biểu tại hội nghị

Đại diện USAID, Quyền Phó Giám đốc USAID, bà Cris Fentross đánh giá cao các nhà thầu và chào mừng một số nhà thầu mới. Bà cũng bày tỏ sự cảm ơn với các cơ quan nhà nước, các cấp chính quyền đã chỉ đạo, vào cuộc cùng Dự án như: Chính phủ, NACCET, Bộ Y tế, chính quyền các cấp các tỉnh trong vùng Dự án…. Bà Cris Fentross cho biết thêm: Theo Điều 25 Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật (CRPD) mà Việt Nam đã phê chuẩn, quy định: Các quốc gia thành viên công nhận rằng người khuyết tật có quyền hưởng tiêu chuẩn y tế cao nhất đã đạt được mà không có sự phân biệt nào trên cơ sở sự khuyết tật. Và Dự án này chính là nhằm thúc đẩy việc thực hiện điều đó. Bên cạnh đó, tháng 9 năm nay Việt Nam sẽ phải nộp báo cáo về thực hiện CRPD lên Liên hợp Quốc và những kết quả trong việc thực hiện Dự án này cũng sẽ là một phần không thể tách rời trong những nỗ lực thực hiện của Việt Nam. Đại diện USAID cũng cho biết USAID tự hào là đối tác lâu năm và nhận được sự hỗ trợ từ các đơn vị thực hiện dự án để góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật Việt Nam.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch tỉnh UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu tại Hội nghị

Đại diện UBND tỉnh Quảng Nam tham dự và phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch tỉnh cho biết, hiện Quảng Nam có hơn 7.000 người khuyết tật. Trong thời gian qua, công tác chăm lo cho NKT luôn được tỉnh chú trọng, tuy nhiên số lượng người khuyết tật lớn nên có những áp lực và tẳn trở. Chính vì vậy, mong muốn cải thiện chất lượng sống một cách thực chất, căn bản, tạo điều kiện hơn nữa cho người khuyết tật được hưởng lợi ích từ Dự án.

Tại buổi sơ kết, các đại biểu cũng được nghe 3 nhà thầu chính là CSIP, CCIHP và CCRD trình bày những kết quả đã đạt được sau 06 tháng hoạt động, những khó khăn trong quá trình hoạt động cũng như những đề xuất, kiến nghị để chuẩn bị cho thời gian tới hoạt động hiệu quả hơn, mang lại nhiều kết quả và giá trị hơn đối với các đối tượng thụ hưởng.

Cùng với đó là những kinh nghiệm được chia sẻ bởi các đơn vị đối tác thực hiện, sở đầu mối, các ban điều phối tại các địa phương trong vùng dự án, công tác quản lý Dự án…

Toàn cảnh Hội nghị

Bên cạnh đó, cùng với các nội dung liên quan trực tiếp đến hoạt động dự án, Hội nghị cũng được nghe các bài chia sẻ về: Lộ trình sửa đổi Luật Người khuyết tật, Chiến lược quốc gia về phục hồi chức năng và Chia sẻ đánh giá khu vực tư nhân trong khuôn khổ dự án hỗ trợ người khuyết tật của USAID của các diễn giả đến từ UBQG về người khuyết tật Việt Nam, bà Đinh Thị Thụy, Phó Chánh Văn phòng; đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế, ông Trần Ngọc Nghị, Trưởng phòng Phục hồi chức năng và Giám định; chuyên gia tư vấn, USAID/LEARNS ông Trần Nam Bình… Ngoài ra, các đại biểu tham dự cũng trực tiếp chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng đa chuyên ngành; hòa nhập với người khuyết tật; hỗ trợ sinh kế; hỗ trợ tâm lý; chăm sóc người khuyết tật tại nhà và tại cơ sở khám chữa bệnh. Và trên cơ sở những kết quả đạt được bước đầu, các đại biểu đã cùng thảo luận về những giải pháp kỹ thuật, công tác quản lý và đề xuất kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo của Dự án.

Tin tưởng rằng, với những báo cáo kết quả đã đạt được sau 06 tháng chính thức hoạt động cùng những thuận lợi, khó khăn và các kinh nghiệm được chia sẻ; những ý kiến góp ý, những giải pháp được đưa ra trao đổi tại các phiên thảo luận dưới sự hỗ trợ điều hành, hỗ trợ của các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm, trong thời gian tới, những khó khăn sẽ được khắc phục; những kết quả, thuận lợi sẽ được phát huy và Dự án sẽ đạt được hiệu quả cao nhất, các đối tượng thụ hưởng sẽ được nhận được những giá trị lớn nhất mà Dự án mang lại.

PV

Bài viết liên quan

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Picture2

Nam Định: Ngành công nghiệp công nghệ cao ghi nhận năng lực mớ

Picture1

HỘI NGHỊ TẬP HUẤN VÀ TRAO ĐỔI, CHIA SẺ KINH NGHIỆM VỀ CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

vn lsu 1

40 năm rực rỡ – Liên hoan văn nghệ Luật sư Hà Nội

clip_image001

NHẬN THƯƠNG YÊU ĐỂ SẺ CHIA THƯƠNG YÊU

Thạc sĩ Phạm Văn Hưng, hiệu trưởng Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng đọc diễn văn khai giảng năm học mới.

Lễ khai giảng tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang