Đồng tâm, thống nhất xây dựng Gia Lai ngày càng phát triển, nâng cao đời sống cho Người khuyết tật và đồng bào các dân tộc

(ĐHVO). Gia Lai là tỉnh miền núi biên giới nằm ở phía Bắc Tây nguyên, có vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị và quốc phòng – an ninh. Với nguồn tài nguyên phong phú, khí hậu ưu đãi, văn hóa bản địa đặc sắc, con người thân thiện, mến khách…. Gia Lai đã và đang trở thành một trong những địa phương giàu tiềm năng phát triển kinh tế-văn hóa -xã hội, đặc biệt là du lịch.

Phát huy truyền thống cách mạng, liên tục trong nhiều năm qua, Đảng bộ tỉnh Gia Lai đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh, chung sức, đồng lòng, phấn đấu vượt qua gian khổ hy sinh, nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, từng bước khôi phục, phát triển kinh tế. Tỉnh đã làm tốt công tác quan tâm, chăm lo cho người có công, gia đình thương binh-liệt sỹ, người khuyết tật, người bị nhiễm chất độc da cam/đioxin…, ổn định đời sống nhân dân, thực hiện trấn áp kịp thời bọn phản động Fulro và các tổ chức, đảng phái phản động khác, bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo tiền đề xây dựng Gia Lai ngày càng phát triển.

Tỉnh Gia Lai hiện có 16 đơn vị hành chính, bao gồm 01 thành phố, 02 thị xã và 13 huyện. Dân số tỉnh Gia Lai có 1.513.847 người, với 374.512 hộ, là tỉnh đông dân đứng thứ 2 khu vực Tây Nguyên và đứng thứ 18 trên cả nước. Tỉnh có 43 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 46,23% dân số (chủ yếu là người Jơ Rai và Bah Nar). Tỉnh Gia Lai còn có một bộ phận người khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về điều kiện ăn ở, nuôi dưỡng, học hành, chữa bệnh… Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 20.000 người khuyết tật, chiếm 1,96% dân số, trong đó, người khuyết tật hệ vận động chiếm tỷ lệ cao nhất (47,91%), kế đến là khuyết tật hệ thần kinh (27,86%), còn lại là các khuyết tật khác thuộc về nghe, nói, nhìn.

Gia Lai là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn thứ hai cả nước, địa bàn rộng; các dân tộc thiểu số khá đông, khoảng cách từ tỉnh xuống huyện, xã rất xa, nên đã gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Các hạ tầng mang tính chiến lược, kết nối ở tỉnh Gia Lai còn chưa có như: đường cao tốc, đường sắt…; hạ tầng chưa tạo ra các điểm nhấn có tính chiến lược để thu hút đầu tư và thúc đẩy các ngành kinh tế chủ lực phát triển. Các nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng quá ít và rất hạn chế, phụ thuộc nhiều vào triển khai các công trình lớn của Trung ương trên địa bàn. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số và người khuyết tật ở một số địa phương vùng sâu, vùng xa, nhất là vùng căn cứ cách mạng còn khó khăn. Các lĩnh vực được xem là hướng đột phá, như: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, dịch vụ du lịch,… vẫn còn thiếu những quyết sách, cơ chế mạnh mang tính đặc thù để thúc đẩy phát triển. Bên cạnh đó, khả năng huy động và thu hút nguồn vốn ODA, FDI và các nguồn lực lớn còn hạn chế, thiếu nguồn vốn đầu tư lớn, có chất lượng cao.

Trong thời gian qua, tỉnh Gia Lai đã nhận thức ngày càng sâu sắc hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của mình để tổ chức thực hiện khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, tìm mọi biện pháp, giải pháp khắc phục khó khăn, hạn chế. Các ngành, các cấp và đồng bào các dân tộc trong tỉnh luôn thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thống nhất, đoàn kết thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên trao quà cho đồng bào người dân tộc thiểu số

trong tỉnh nhân dịp Tết đến Xuân về

Để thực thi tốt các nhiệm vụ, nhằm thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc và người khuyết tật trong tỉnh, ngày 13/7/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã ban hành Chương trình hành động số 63-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị. Các nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình hành động được xây dựng có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả. Tỉnh Phân công rõ nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương để tổ chức triển khai với lộ trình, thời gian thực hiện cụ thể, phù hợp. Qua đó, tạo sự thống nhất, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân đoàn kết, đồng lòng, thống nhất, cùng chung khát vọng xây dựng Gia Lai trở thành vùng động lực khu vực Tây Nguyên. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh là cơ quan quản lý nhà nước về người khuyết tật phối hợp với Hội Người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em, Hội Người mù cùng Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh, lập kế hoạch hoạt động và chương trình hành động cụ thể trong từng tháng, từng quý để thực hiện, triển khai tốt các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho người khuyết tật và các nạn nhân da cam/dioxin.

Sự thay đổi về diện mạo hạ tầng kinh tế – xã hội là động lực để Gia Lai trở thành một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thời gian qua, tỉnh Gia Lai đã có gần 600 dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh với tổng vốn đăng ký trên 832.925 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần số dự án và tăng 36 lần về vốn so với giai đoạn trước. Trong 02 năm 2021-2022, tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư cho trên 60 dự án, với tổng vốn đăng ký trên 22.000 tỷ đồng. Tỉnh Gia Lai hiện có là 7.982 doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn, 358 hợp tác xã và 02 liên hiệp hợp tác xã. Đây cũng là tiền đề giúp tạo việc làm cho người lao động và tạo đà cho nguồn phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.

Do sự nỗ lực, cố gắng và quyết tâm cao của đội ngũ lãnh đạo tỉnh, các cấp, các ngành, doanh nghiệp và toàn dân các dân tộc trong tỉnh, gần 36 năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn phát huy sức mạnh đoàn kết, vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới, linh hoạt nắm bắt thời cơ, khai thác tiềm năng thế mạnh, tích cực hợp tác, kêu gọi đầu tư phát triển. Do đó, kinh tế của tỉnh Gia Lai đã duy trì mức tăng trưởng khá tốt: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hằng năm giai đoạn 2015 – 2020 đạt 7,55%, năm 2021-2022 tăng 9,71%. Quy mô kinh tế tăng đáng kể, GRDP đến năm 2020 đạt 80.000 tỷ đồng, gấp 1,63 lần so với năm 2015, năm 2021-2022, mỗi năm đạt gần 89.000 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt trên 56,31 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp, tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 30,38%; công nghiệp – xây dựng chiếm 23,41%; dịch vụ chiếm 40,58%; thuế sản phẩm chiếm 5,63%. Tổng số vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2015-2020 đạt 104.402 tỷ đồng, tăng hơn 10 lần so với giai đoạn 2001 – 2005, tăng bình quân hàng năm 13,95%, năm 2021 đạt 70.000 tỷ đồng. Từ năm  2016 – 2022, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Gia Lai đạt trên 21.598 tỷ đồng, tăng bình quân hằng năm 7,02%; riêng năm 2022 đạt trên 7.881 tỷ đồng.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được quan tâm đầu tư, với nét riêng nổi bật của tỉnh là xây dựng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, Thành phố Pleiku, thị xã An Khê và huyện Ayun Pa hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020. Toàn tỉnh có 100 xã và 123 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới, có 214 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP.

Hoạt động quản lý, nghiên cứu, phát triển công nghệ từng bước được đổi mới; công tác bảo tàng, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc gắn với phát triển du lịch địa phương được quan tâm. Toàn tỉnh Gia Lai hiện có 31 di tích đã xếp hạng, trong đó có 01 quần thể di tích cấp quốc gia đặc biệt; 14 di tích, cụm di tích quốc gia; 16 di tích cấp tỉnh… Không gian Văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại; Khu Dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng đã được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới.

Giám đốc Sở Lao động,Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai trao bằng khen cho các tấm gương khuyết tật vượt khó vươn lên

Công tác an sinh xã hội ở tỉnh Gia Lai được đảm bảo, công tác giảm nghèo được quan tâm chỉ đạo, đạt nhiều kết quả quan trọng. Tỷ lệ hộ nghèo từ 19,71% (năm 2015) giảm còn 4,5% vào năm 2020, đến cuối năm 2021 giảm còn 3,96%, trong đó, hộ nghèo dân tộc thiểu số và người khuyết tật là 12.945 hộ (giảm 4.233 hộ so với cuối năm 2020). Đặc biệt, thời gian qua, đời sống của các gia đình người khuyết tật, gia đình có người bị ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin trong tỉnh từng bước được nâng lên, do được sự quan tâm kịp thời của các cấp chính quyền, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc và các mạnh thường quân, doanh nghiệp trong và ngoài nước bằng nhiều cách thức giúp đỡ, hỗ trợ khác nhau. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Hội Chữ thập đỏ, Hội Người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh còn thường xuyên xuống các địa bàn xa xôi, trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh không chỉ vào các dịp lễ, tết để tặng quà, hỗ trợ sinh kế như: cấp vốn để các hộ gia đình đầu tư chăn nuôi, phát triển kinh tế, mà các cấp hội còn có kế hoạch thực hiện hàng quý để trực tiếp tặng nhà tình nghĩa, hỗ trợ các loại giống, cây trồng, cấp heo, bò cho các hộ chăn nuôi, sản xuất. Trong 5 năm qua, các cấp hội ở tỉnh Gia Lai đã làm hàng trăm căn nhà tình nghĩa cấp cho các hộ gia đình người khuyết tật, hộ nghèo, đồng thời hỗ trợ, giúp đỡ hàng nghìn tỷ đồng cho các hộ nghèo, các đối tượng yếu thế vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, không để cho ai bị bỏ lại phía sau.

Tỉnh Gia Lai hiện có 13.000 người khuyết tật đang được hưởng chế độ bảo trợ xã hội. Người khuyết tật là đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các xã có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Hàng năm, người khuyết tật trong tỉnh đều được khám bệnh định kỳ và cấp phát thuốc miễn phí. Các ngành chức năng cũng đã liên tục mở nhiều lớp tập huấn nâng cao kỹ năng phát hiện và can thiệp sớm các dạng khuyết tật thường gặp ở trẻ em tại cộng đồng. Công tác phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng được quan tâm thực hiện, qua đó giúp người khuyết tật có kỹ năng tự chăm sóc bản thân trong sinh hoạt hàng ngày, tiến tới hòa nhập xã hội. Người khuyết tật được trợ cấp hàng tháng theo Nghị định 136 của Chính phủ; hỗ trợ sinh kế; hỗ trợ phẫu thuật chỉnh hình hệ vận động, sứt môi, hở hàm ếch, làm dụng cụ chỉnh hình tay chân giả, cấp xe lăn, xe lắc miễn phí…, giúp họ thêm tự tin, vươn lên trong lao động sản xuất, kinh doanh.

Trao tặng xe lăn và quà cho người khuyết tật 

Trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện có các hội, cơ sở chăm sóc và hỗ trợ người khuyết tật gồm: Hội Người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh, Hội Người mù tỉnh, cơ sở nuôi trẻ khuyết tật tại làng Ngol (phường Trà Bá, TP. Pleiku), cơ sở nuôi người tâm thần của ông Hà Tư Phước (xã Chư Hdrông, TP. Pleiku). Những năm qua, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các tổ chức, đơn vị, cơ sở và những tấm lòng hảo tâm, mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh tặng hàng ngàn suất quà nhân dịp lễ, Tết; có 200 người khuyết tật được làm dụng cụ chỉnh hình, tay chân giả miễn phí. Tỉnh Gia Lai được coi là điển hình trong phong trào bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người khuyết tật và làm tốt công tác chăm lo, giúp đỡ, hỗ trợ người khuyết tật, người bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin hòa nhập cộng đồng, phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Các lĩnh vực văn hóa – xã hội ở tỉnh Gia Lai có bước phát triển mới vượt bậc. Quy mô, chất lượng giáo dục tăng lên qua từng năm, trong đó có giáo dục dân tộc được đặc biệt quan tâm. Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh Gia Lai có 54% trường học đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 55%. Mạng lưới y tế, đặc biệt là y tế cơ sở được củng cố và phát triển, vừa triển khai tốt công tác phòng, chống dịch, vừa đảm bảo công tác khám chữa bệnh, cấp cứu, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Công tác dân tộc và chính sách dân tộc ở tỉnh Gia lai cũng được triển khai kịp thời, đồng bộ. Cơ sở hạ tầng vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được quan tâm đầu tư. Văn hóa truyền thống của các dân tộc được gìn giữ, phát huy. Đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo tiếp tục được củng cố, góp phần ngăn chặn các hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để phá hoại khối đại đoàn kết, gây mất ổn định chính trị – trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Tỉnh Gia Lai hiện nay có diện tích hơn 1.551.000ha, trong đó đất quy hoạch cho lâm nghiệp là 723.156,38ha, chiếm 46,62% tổng diện tích. Đảng bộ tỉnh Gia Lai đã xác định việc quản lý, bảo vệ và phát triển lâm nghiệp thực sự trở thành một ngành kinh tế quan trọng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, liên kết theo chuỗi từ phát triển rừng, bảo vệ rừng, sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản; quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững diện tích rừng, phát triển nguồn dược liệu nhằm phát huy hiệu quả các lợi thế, tiềm năng, vai trò và tác dụng của rừng để góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân gắn với công tác quản lý và bảo vệ rừng. Xem việc bảo vệ rừng là bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động tiêu cực do thiên tai, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần giữ vững quốc phòng, an ninh. 

Với những thành tựu kết quả đã đạt được trong thời gian qua, tỉnh Gia Lai vô cùng tự hào về những thắng lợi mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đạt được trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội. Những thành tựu to lớn đạt được trong thực hiện đường lối đổi mới ở tỉnh Gia Lai là minh chứng cho khát vọng độc lập, tự do; ý chí kiên cường, bất khuất; tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, phấn đấu vượt qua gian khổ, quyết tâm vươn lên đẩy mạnh phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đạt được

Qua 92 năm đấu tranh, xây dựng, trưởng thành, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Gia Lai đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, đó là: Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân; Huân chương Sao vàng; 4 Huân chương Hồ Chí Minh; 168 Huân chương Độc lập các hạng; 490 Huân chương Lao động các hạng; 57 tập thể, 18 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 01 tập thể, 01 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động; 123 Mẹ được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Đến năm 2030, tỉnh Gia Lai phấn đấu trở thành vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp tập trung có quy mô lớn, đa dạng cho tiêu dung và xuất khẩu; gắn sản xuất với chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp, xây dựng Gia Lai trở thành vùng sản xuất năng lượng sạch của khu vực và cả nước, tập trung khai thác các lợi thế, tiềm năng về phát triển du lịch, nghỉ dưỡng của vùng Tây Nguyên. Các thành tựu đã đạt được trong thời gian qua của tỉnh Gia Lai, đó chính là tiền đề làm cho đời sống của đồng bào các dân tộc, người khuyết tật trong tỉnh từng bước được cải thiện và nâng cao./.

  ThS. NGUYỄN THỊ THÙY LIÊN

Bài viết liên quan

Picture1

Xây dựng mạng lưới cộng đồng mạnh để hỗ trợ Người khuyết tật

Picture1

Cần tăng cường tính đại diện và tiếng nói của người khuyết tật trong các cơ quan dân cử

Picture2

Chương trình “Hành trình cuộc sống” trao tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của thành phố 140 xe đạp và nhiều phần quà tặng

Picture1

Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”

Picture1

Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình: 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu thi đua “Hai tốt”

Picture1

Khoa Chính trị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Tưng bừng Đêm đại nhạc hội chào đón tân sinh viên “FPS 2024 – Time Capsule”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang